Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

VƯỢT LÊN MỌI NỖI ĐAU

Nếu như… chiếc quần đùi em mặc không quăn lên, lòi cơ quan sinh dục đã to quá ngưỡng thanh niên, tôi sẽ gọi em là cháu - một đứa trẻ tuổi dậy thì!
------------
Nhụy Nguyên, một nhà văn ở Huế mới gửi mình bài này với lời nhắn nếu phù hợp đưa lên weblog giùm. Mình đọc và xúc động. Nước ta cũng vừa tổ chức kỷ niệm ngày nạn nhân chất độc da cam. Những nỗi đau sẽ mãi còn dai dẳng. Chả làm được gì, chả lẽ cái việc cỏn con là post bài này lên lại không được.
Đành để lại entry về Bái Tử Long vào ngày mai vậy.



NHỤY NGUYÊN

Nỗi đau da cam: vượt lên mọi nỗi đau

“Những đứa trẻ nhiễm chất độc đioxin, chúng không hề được biết tới màu xanh bất tận, ấy là đồng xanh, trời xanh, rừng xanh và, hoà bình. Trước mặt chúng chỉ có một khoảng trời bé nhỏ tàn úa trong ráng chiều nặc mùi khói chiến tranh cùng sự cháy. Nhưng chúng vẫn còn là Con Người hiểu theo đúng nghĩa của mỹ từ này. Chính vậy, chúng có quyền được sống. Có quyền được hiểu ngôn ngữ Việt Nam cho tới khi những trái tim ấy biết kêu lên lời cuối: chúng tôi vô tội! Phải chăng, đó mới là minh chứng thuyết phục nhất để “phía bên kia” cuộc chiến tranh Việt Nam thừa nhận, họ có tội?”

“Tôi nhớ”, ngày 10 - 8 - 1961, khi chiếc máy bay trực thăng H34 của không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất độc khai quang đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đắc Tô bắt đầu cuộc chiến tranh hoá học dã man bậc nhất trong lịch sử nhân loại với mật danh “Ranch Hand”; cho tới khi kết thúc năm 1971, đã có khoảng 20 triệu gallon cũng như nhiều chất diệt cỏ dội lên “đầu” Việt Nam, tương đương với khoảng 170 kg đioxin - loại chất độc mà chỉ cần một muỗng cà phê cũng có thể giết hàng triệu người. Điôxin, nó đe dọa trực tiếp đến sự sống của mỗi loài động vật. Là vùng rừng dày đặc, Quảng Trị sớm trở thành một trọng điểm trong kế hoạch thiết lập “vành đai trắng” của giặc. Khoảng 15.000 nạn nhân, trong đó gần 2.000 người chết do nhiễm độc quá nặng. Có hơn 1.500 ha rừng, hoa màu thời đó đã bị chết do chất độc từ máy bay Mỹ thả xuống, chủ yếu tập trung vào hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ ngày nay… Những cánh rừng nối tiếp bám rễ vào đất như muốn hút hết chất độc còn lại để con người được nằm xuống yên bình, mà chẳng được. Rồi lớp lớp người từ chiến trường xưa kia bị nhiễm độc trở về, dẫu có “tích đức” hàng chục vạn năm vẫn không nắn lại được hình người của họ, của con họ, cháu họ. Đó là đỉnh cao, cũng là tận cùng của di chứng tội ác.
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có hàng nghìn cháu bé bị dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc đioxin; riêng huyện Cam Lộ chiếm với số lượng nhiều nhất ở tỉnh Quảng Trị. Tôi tìm đến nhà chị Ngô Thị Táo và anh Nguyễn Hữu Phong ở xóm Cồn (xã Cam Chính) để tận mắt chứng kiến một trong nhiều số phận mang hình hài… kỳ lạ! Ngôi nhà của anh chị thật nhỏ nhoi giữa những trụ tiêu đã tới kỳ thu hoạch. Giữa tháng 5, đúng thời điểm Quốc Hội Mỹ đang tiến hành phiên điều trần về việc các nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam từ những thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước. Khuôn mặt hiền hoà pha niềm vui ngây dại của em lúc bắt gặp đã làm tôi chững lại. Nếu như… chiếc quần đùi em mặc không quăn lên, lòi cơ quan sinh dục đã to quá ngưỡng thanh niên, tôi sẽ gọi em là cháu - một đứa trẻ tuổi dậy thì! Tôi ngồi bên em. Với bàn tay nhỏ xinh, em lần từng nét cảm xúc trên mặt tôi. Rồi, cũng bàn tay dịu nhẹ ấy đột nhiên xộc lên tóc tôi kéo mạnh, trút cái gì đó như là sự căm hờn… Tôi gắng chịu đựng ngồi yên giữa tiếng chó sủa rộ. Ngôi nhà cũ vắng tanh. Một sợi dây màu trắng, nhớp nhúa. Tôi hình dung nó với dải khăn tang sau buổi lấp huyệt. Nó, đang buộc ngang bụng em như nỗi đau từ quá khứ của cuộc chiến tranh thảm hại đang níu em về phía tử thần!...
  Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi tích tắc, người Việt lại “nhặt được” một vài nỗi đau, mà nếu ai cũng biết cách công bố, hẳn không trang thời sự nào còn trống để diễn tả sự hưng thịnh của đất nước. Tôi không đi qua chiến tranh, nhưng con đường dẫn tôi vào đời đầy dẫy bom mìn, đạn, chất nổ chưa nổ còn sót lại, và rất nhiều bộ hài cốt của các Anh vẫn rải rác nằm dưới Nghĩa trang thầm lặng!
Không thể thống kê được tất thảy mọi nỗi đau từ lúc một sinh mệnh hình thành, cựa quậy trong từng lạch máu của cái bào thai được nghén trong bộn bề hậu chiến. Nỗi đau từ “vùng đioxin”. Nó vượt ra khỏi chức năng diễn đạt của ngôn ngữ. Nó vượt ra khỏi định lượng từ bi mỗi con tim chứa đựng. Hơn cả nỗi đau! Giữa người mẹ, người cha và những đứa trẻ, bên nào mới là sự thật của nỗi đau? Còn tôi, còn hàng triệu người dân Việt nữa… Hãy một lần đến xã Cam Nghĩa gặp chị Trần Thị Thảo, một lần ngồi với cháu gái dị tật từ trong bào thai, hộp sọ lồi cả ra ngoài. Hãy một lần đến với bà Mít ở thôn Phương An 2; để giúp bà chỉ mươi phút ngồi với hai “con người ngớ ngẩn”, bò lê bò toài trong vũng lầy của bệnh hoạn; la hét thất thanh trong miền đêm tĩnh mịch… Chúng ta, hãy yên lòng bên mẹ Huyến dẫu mẹ đã quá niên thất thập, để “ngắm” cái hình thù không ra người mà tôi đã sinh ra - như lời của mẹ (!).
Những con người bị tước hình người từ cuộc chiến đó, vẫn phải sống để làm chứng cứ cho tội ác trước Toà án Lương tâm của nhân loại. Chính vậy, Việt Nam kiện nước Mỹ phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam không chỉ đơn thuần là để bớt chút gánh nặng về kinh tế, mà đòi lại công bằng cho trái đất. Dẫu còn nghèo, nhưng Việt Nam có tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, hơn thế là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Hẳn người Mỹ biết và còn nhớ, khi phong trào ủng hộ nỗi đau da cam trong nước Việt đang lên, thì phải tạm lắng để nhường nghĩa cữ đó cho các nạn nhân của đợt sóng thần ở Nam Á và Đông Nam Á… Người Mỹ chưa nhiều người trực diện với những con người bị tước hình người ở Việt Nam, nhưng tôi chắc rằng họ đã nhìn thấy thông qua băng đĩa và hình ảnh tư liệu. Bi thương! Cũng như tôi xem thời sự về một Afghanitan bị tàn phá, bao nhiêu là người dân vô tội ngã xuống. Lại tự hỏi: Người dân Mỹ đã nói gì và sẽ nói gì với Chính phủ của mình?? Phải đâu họ thoả mãn với 180 triệu USD dành cho 291.000 cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị mắc các căn bệnh do đioxin gây ra? Và phần đông đồng tình với câu trả lời từ phía Mỹ, rằng đioxin chỉ là loại vũ khí khai quang, hoàn toàn vô hại với con người?!
Có thể, chất khai quang kia chỉ vô hại với con người ngay lúc nó được tung ra dưới cánh máy bay, mù trời một màu xám trắng cách đây hơn nửa thế kỷ. Ngày mà anh Tài và chị Ngọc ở xã Cam Chính cứ ngước mặt lên trời ngắm nó như ngắm màn sương khói quê cha. Để rồi nay không thể biết được vợ hay chồng, hay cả hai đã ngấm thứ chất độc chết người ấy. Chỉ biết rành rành hậu quả, là hình hài ngây dại của cu Nhất. Những ngày “đẹp trời” cu Nhất hễ cứ ăn xong là đi. Trói ở nhà như nhiều “nạn nhân” khác anh Tài không nỡ... Năm ngoái, cu Nhất đi vào rừng cùng với con chó - là bạn “hiểu” mình nhất. Anh Nhất và chị Ngọc tìm theo dấu chân chó thâu đêm. Trời lạnh như cắt, anh cũng phải lặn xuống rào mò mẫm, cứ mong thấy xác chứ không hy vọng thấy người... Trong gian nhà trệt của gia đình anh Hoàng Đức Quyền và chị Nguyễn Thị Em, tôi ngậm ngùi nhìn di ảnh của cháu Huỳnh. Khuôn mặt dễ thương đó như muốn nhân lên sự oan khiên của kiếp người cháu đã “đội lốt”. Khác với nhiều đứa trẻ lãnh di chứng từ chất đioxin, cháu Huỳnh hoàn toàn khoẻ mạnh về trí não. Cháu biết số phận mình, biết mọi nhọc nhằn và đau đớn mà cha mẹ ngày đêm giấu biệt. So với anh trai mình, Huỳnh sinh ra cha mẹ không có gì lo lắng. Cho tới lúc lên 2 tuổi, chân tay của cháu bắt đầu teo dần… Hai ngày trước lúc nhập viện, Huỳnh đã gọi chị gái tới dặn: “Chương trình nào không vui thì đừng xem khỏi tốn điện của mẹ!”. Nhập viện được hai ngày, bác sĩ lắc đầu, bảo “phóng tia la-de vào thân thể cháu…”. “Phóng vào thì răng mà sống được phải không chú?!” - chị Em nghẹn ngào với tôi. Tuổi thọ của Huỳnh khớp với anh trai mình: 11 năm chẵn.
Rồi nữa, rất nhiều những trường hợp chỉ sinh ra để mà… có mặt. Anh Trương Văn Tài là bộ đội Thượng Lào giải ngủ năm 1980. Niềm vui trở về quê hương Cam Chính lành lặn, lập gia đình đã thai nghén đứa con đầu dòng giống. Cháu có mặt trên đời đúng 5 tiếng đồng hồ thì… như con cá tung lên khỏi mặt nước đớp chút không khí trước thời khắc chìm vào biển chết! Trong tác phẩm kinh điển Thuốc lá của Đimitơrơ Đimốp được chuyển ngữ qua tiếng Việt năm 1984 (năm các tập đoàn hoá chất Mỹ chịu bồi thường cho những chiến binh nước họ đã phải gánh chịu hậu quả tham chiến tại Việt Nam như trong đơn kiện về các bệnh liên quan tới AO), có đoạn: Tập đoàn Nicotiana, “trông xa giống như một con quái vật thời thượng cổ”. Nó đẩy vào kho thuốc lá “bao phụ nữ bụng mang dạ chửa - đã kết án con mình khi còn là bào thai”. Làm tôi liên tưởng tới vô vàn các bào thai bị nhiễm đioxin bị kết án trước khi có mặt trên đời. Chúng không hề được biết tới màu xanh bất tận, ấy là đồng xanh, trời xanh, rừng xanh và, hoà bình. Trước mặt chúng chỉ có một khoảng trời bé nhỏ tàn úa trong ráng chiều nặc mùi khói chiến tranh cùng sự cháy. Nhưng chúng vẫn còn là Con Người hiểu theo đúng nghĩa của mỹ từ này. Chính vậy, chúng có quyền được sống. Có quyền được hiểu ngôn ngữ Việt Nam cho tới khi những trái tim ấy biết kêu lên lời cuối: Chúng tôi vô tội! Phải chăng, đó mới là minh chứng thuyết phục nhất để “phía bên kia” cuộc chiến tranh Việt Nam thừa nhận, họ có tội?
Nếu hiểu theo cách nói của Hồ Chủ Tịch: Nợ tiền sẽ trả được, nợ xương máu không bao giờ trả hết, thì Mỹ là nước còn nợ thế giới khá nhiều. Nợ tiền, nợ máu và hơn thế là nợ danh dự. Và vì thế, Mỹ chưa bao giờ là “anh cả” của trái đất. Riêng đối với Việt Nam, sau khi thoát khỏi chiến tranh, Mỹ đã làm gì góp sức vào công cuộc tái thiết (?); ngoại trừ hành động hào hiệp của ông Bill Clintơn vào cuối thế kỷ XX. Nhưng chính vị tổng thống Mỹ đầu tiên hân hạnh được ông Nguyễn Trọng Nhân thay mặt Hội Chữ thập đỏ Việt Nam “cho xem phim” về nỗi đau da cam này lại từ chối khéo trách nhiệm cần làm, thay vào đó là chờ… kiện! Dẫu cho trước nay Việt Nam vẫn thực thi một nghĩa cử vô cùng cao đẹp là trả lại quyền sống, quyền tự do và nhân phẩm cho cả lính tráng lẫn tướng tá của quân đội Mỹ bại trận tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Và cho tới giờ này, Việt Nam vẫn cố gắng tìm bằng hết hài cốt của lính Mỹ nói chung còn sót lại đâu đó trên “dải đất cong cong” để phần nào xoa dịu nỗi đau từ cuộc chiến.
Đi qua “vùng đioxin” của đất nước, tôi như lạc vào một góc của địa ngục! Không thể nói dối hồng trần, con ma chiến tranh đã dắt tôi vào thế giới của nó. Nó buộc tôi gọi bao đứa trẻ thơ dại, mơ màng trong không gian ảo kia là: những đứa trẻ mang hình hài của… quỷ! Nhân loại đã kinh qua thật nhiều những cuộc chiến phi nghĩa. Cỗ máy chiến tranh cứ thế nhào trộn bất kể tầng lớp, thứ bậc người nào - như nhào trộn một thứ hồ bê tông đắp vào vết thương của lịch sử. Con người với tư cách là chủ thể của trái đất bị đẩy đến tận cùng sự tha hoá, của sự ô nhục. Dẫu vậy, chưa giai đoạn nào trong chiều dài lịch đại tính từ thời kỳ mông muội đến nay, Con Người lại bị tước hình người khi cuộc chiến đã lùi xa vạn dặm.

Gần 40 năm - quãng thời gian thừa cho rong rêu xanh thẳm trên những nấm mồ liệt sĩ. Có điều, trong trang sử vàng của dân tộc còn đó nỗi đau dai dẳng, vượt lên mọi nỗi đau, và không như giọt - máu - Ức - Trai chỉ thấm qua 3 trang đời oan nghiệt… Mỗi lần tới dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, người dân Việt Nam lại nắm tay nhau đổ về nguồn cội. Trang sử vàng dân tộc lại được mở ra trước nghĩa trang liệt sĩ. Ngày qua ngày, biết bao con người hết ra - lại vào, cứ như một vòng quay của đau thương chưa thể nào mờ phai trong tâm thức bao thế hệ tiếp nối.
Và, phía sau những nấm mồ liệt sĩ ấy, nỗi đau da cam lặng lẽ khép mình như một nén nhang buồn tủi trước ngọn gió siêu hình từ mấy mươi năm thổi lại!…
N.N

2 nhận xét:

hèn đại nhân nói...

Đã có những người phải nỗ lực vượt lên mọi nỗi đau, thì cũng có những người phải vượt lên mọi nỗi ...sướng, để có thể nhận chân đâu chính là giá trị thật của tình người, mà thổn thức và chia xẻ cùng những kiếp trầm luân trong loạn lạc nhạn gian ...

Đoàn nam Sinh nói...

Từ lâu, tôi cũng muốn viết về câu chuyện cũ, nhưng thôi, buồn lắm... Hãy cố quên đi, sống lăn lộn cho qua dần kiếp đời. Nhắc nhớ chỉ thêm nặng lòng. Ai cũng phải sống, dù đày đọa hay nhởn nhơ, chỉ mong sao được nhẹ người trước khi vào giấc ngủ. Tôi thì không, cả những lúc trong cơn tiền mê vì rượu, vẫn lỡn vỡn đâu đó câu chuyện nháo nhào, lộn hồn lộn vía.
Chiều ấy tôi đi học xa, nắng đẹp trong một hoàng hôn dịu. Tà huy hửng dần phía tây của làng quê, phía ấy cũng là "bàn đạp" của đội công tác, là lối về căn cứ trong khu "tam giác" của tôi.
Bỗng có một chiếc máy bay cỡ nhỏ xuất hiện giữa những hẽm núi, sau đít nó xịt vãi ra những đám mây khói đen màu. Tôi đứng lại nhìn, như định mệnh, chuyện rải truyền đơn thì thường thôi, nhưng sao những đám mây khói kia không chập chờn, lấp lánh màu trắng bạc ?
Gió tây nam thổi cũng từ hướng ấy qua làng, tôi chợt nhận ra những quả cầu đa sắc, lấp lóe như cầu vồng, quyện vào nhau, buông lơi nhau tỏa ra các núi dài lũng hẹp, nơi ấy có hầm trú ẩn của anh em, có những khe suối sinh tử phải gìn giữ. Ngoài làng bà con đang trồng tỉa rau hoa, chẳng ai ngẩng nhìn. Lúc chúng tràn đến gần, mỏng thôi, tôi chạy đi.
Chiều tối đó, những ông bà già hay ghé quán uống vài ly rượu cùng rủ nhau đi, có nhà hai anh em ruột. Khoảng ba chục người uống ít thì được cấp cứu, lý do là ngộ độc rượu thôi mà.
Vài hôm sau có cơn mưa mùa khá lớn vào lúc trẻ tan trường. Những ngọn đồi cỏ với thông mà các con đường nhỏ vắt ngang ùng ục nước. Bọn trẻ lột áo quần gói cùng sách vở vào quàng mưa, rủ nhau vừa đi vừa đá banh. Banh xuống mương thì lội xuống, chặn lại và ném lên đất cao.
Cuộc chơi vô tình đó khiến nhiều đưa ốm. Ban đầu tưởng chỉ phát ban, nhưng sau đó có đứa đỏ rực da như tôm nướng, suy hô hấp, hoảng loạn vào bệnh viện.
Rồi cũng qua, bao sự kiện nhức lòng hơn phủ lấp, đạn lạc bom thừa, người chết hàng ngày. Lũ trẻ ấy lớn lên có vợ có chồng.

Một lần về dưỡng thương trong làng, buồn. Ngựa quen đường chạy lại ngồi bó gối nhìn quanh. Lúc này thằng L. hay uống rượu, lúc đi về ghé vào chơi. Vẫn thế, tóc nó đổ bạc từ nhỏ, da dẻ hồng sần lên như người dị ứng phấn hoa. L. thủ thỉ, đừng rầy em, vợ em trước bỏ đi rồi. Buồn quá em lấy B. mấy tháng nay.
Mà em cũng thương vợ em lắm, nghe nói nó đi Châu sơn làm mướn. Anh nghĩ coi, mỗi khi nó nói anh ơi em tắc kinh, là em nghĩ ngay tới cái cuốc. Sẩy hoài, bồi bổ mấy cũng sẩy.

Chưa kịp đi về đơn vị, vì mưa không ra được đường dầu. Chiều hôm nó lại ghé qua ngất ngưỡng, B. lại sẩy lần nữa rồi anh. Tối đó L. tự quyết rời nhân thế. B. chết đi sống lại vì cô cũng đã từng biết mình nhiễm độc từ lâu, chỉ ước có một người cùng chia sẻ. Chẳng mấy tháng sau khi chôn chồng, B. đi biệt không biết mất còn.

Lâu rồi, tôi cũng cho rằng chiến tranh mà, rủi ro cho chúng nó vì khoa học thời xưa chưa phát triển, vả lại có ai biết nổi hậu quả sau vài ba mươi năm đâu. Nhưng tôi đã nghĩ lại, khi có những nhà khoa học của họ nói vung lên là VN dùng thuốc trừ cỏ, trừ sâu vô tội vạ, đừng nói vu đổ vơ cho Mỹ, ai biết đâu mà lần.
Không, chúng nó, các em tôi đã phải dung nhiễm cái ác cái ngu của quý ông quý bà từ lâu, người quê nghèo dẫu thiếu thốn đấy, nhưng chẳng ai tự làm nhục mình để ăn vạ, để cầu xin. Chỉ các ông bà, giàu nứt đố vẫn chối để đồng xu không mẻ.
L. ơi, B. ơi ! Có nghe ?