Trong các câu chuyện cổ của người Tây Nguyên, đặc biệt là các trường ca, rất hay nhắc đến biển. Có nhiều cách lý giải, ví dụ như đấy là khát vọng, nhưng điều này không vững vì phải thấy thì mới... khát vọng chứ. Cách nữa là do tạo sơn gì đấy nên biển hóa Cao nguyên, mà dấu tích vẫn còn trong cổ tích... vân vân... liệu có một trường hợp này xảy ra không: trăm năm nữa, trong một văn bản nào đó, người ta giải thích về Tây Nguyên: Nơi đây từng có... rừng.
Theo các số liệu thống kê, rừng Tây Nguyên đang bị thu hẹp kinh khủng, thậm chí có thông tin là rừng đã kịp... hết. Cách đây hai chục năm, chỉ ra khỏi nội ô Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Kon Tum... ta đã lạc vào rừng. Bây giờ cả ngày đi trên đường Hồ Chí Minh chang chang nắng chỉ gặp những đoàn xe khổng lồ chở gỗ từ Lào, Campuchia về. Muốn dừng xe dưới bóng mát nghỉ mà không có cây. Rừng như chỉ còn trong cổ tích...
Sẽ ra sao nếu Tây Nguyên không còn rừng?
Cổ tích Việt nói rằng mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, năm mươi con ở lại cùng cha, năm mươi con theo mẹ lên rừng. Dằng dặc thời gian, tháng năm, thăng trầm dâu bể, năm mươi người con ấy làm nên một phần đất Việt. Họ sống cùng rừng, chết cùng rừng, hòa quyện với rừng, tan chảy trong đời sống rừng, làm nên một văn hóa rừng bền vững và đậm chất nhân văn, hợp quy luật và hợp lẽ sống.
Văn hóa rừng ấy giờ đang trôi về biển, trên những chuyến xe khổng lồ rùng rùng lún đất suốt ngày đêm đưa sản vật về xuôi, mà nhất là gỗ. Để trơ lại những khu rừng... không cây.
Văn hóa rừng ấy giờ đang được... thay máu. Người ta quan niệm cao su, cà phê, bạch đàn... cũng là rừng và thế là hàng chục ngàn héc ta rừng được phá để... trồng cao su, cà phê... mà người ta không biết rằng những cái cây trơ trọi kia có thể nó làm ra đồng tiền ngay trước mắt, nhưng nó không có đời sống, nó vô tri vô giác, nó không phải là nơi đất lành chim đậu, không có những tầng những vỉa, những bí ẩn tâm linh, những phập phồng thức mở để rừng là lá phổi của hành tinh và là mái nhà của con người.
Văn hóa rừng ấy còn đang bị thủy điện giết chết. Hàng loạt công trình thủy điện đã phá hàng ngàn héc ta rừng, nguy hiểm hơn, nó hủy diệt sinh thái và môi trường sống, nó đẩy bà con vào các làng định cư xây như những cái hộp vuông vức, trông có vẻ đẹp, hiện đại nhưng triệt tiêu sức sống, những cái nhà rông bê tông lợp tôn xanh đỏ tím vàng đóng cửa im ỉm chả ai lên... mới đây nhất, vụ thủy điện An Khê Kanác tích nước làm cả vùng An Khê khô hạn, sông Ba hùng vĩ trơ đáy, sau đấy đùng cái lại nửa đêm xả nước làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu ruộng vườn là một ví dụ nhỡn tiền. Không phải ngẫu nhiên mà bà con Tây Nguyên ở nhà sàn. Nó phù hợp với tập tính và môi trường sống mà phải những ai am hiểu mới biết. Tương nhà bê tông nền xi măng vào, sự khác biệt cách sống khiến cho người ở bức bối như người ở nhờ, và nhỡn tiền là sự mất vệ sinh khi bà con vẫn có thói quen hút thuốc và nhổ, uống rượu cần giữa nhà, thậm chí đi chân đất... những thói quen ấy được giải quyết rất nhẹ nhàng khi bà con ở nhà sàn, có cầu thang như một trạm nghỉ, có bếp lửa giữa nhà và sàn bằng le, nứa... có kẽ hở, nước rượu cần, nước rửa tay, thức ăn rơi vãi... đều rơi xuống gầm sàn và sàn vẫn khô, sạch...
Văn hóa rừng ấy còn bị chính con người nhân danh văn hóa hủy diệt. Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của đồng bào. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" văn hóa bắt dân rời bỏ thói quen văn hóa của mình, du nhập một lối sống xa lạ với những nhà rông văn hóa vô cảm, những ngôi làng xôi đỗ nhôm nhoam mang tên làng văn hóa, với cái gì cũng phong cho lễ hội như "lễ hội cồng chiêng", "lễ hội đâm trâu", "lễ hội rượu cần"... trong khi nó chỉ là một thành tố của lễ hội, người ta phục dựng những cái ấy theo ý chí của người... Kinh. Cũng như thế, người ta phong văn hóa cho đủ thứ, từ nhà rông văn hóa, làng buôn văn hóa, đến văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa thổ cẩm, "thập cẩm" văn hóa... mà chính người phong ấy có khi không hiểu văn hóa là gì? Các hội diễn, các lễ hội... của người Tây nguyên là do ý chí của người Kinh, do người Kinh đạo diễn, trong khi đồng bào, những chủ thể ấy lại trở thành... khách. Toàn bộ lễ khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai năm nào là cuộc biểu dương âm nhạc Nguyễn Cường và các nghệ sĩ múa người Kinh. Các chủ nhân của chiêng, đồng bào dân tộc đến từ mấy chục tỉnh thành trên cả nước "được" vây quanh sân khấu trong bóng tối, gõ chiêng trên nền nhạc... Nguyễn Cường. Người ta đề cao "văn hóa" rượu cần bằng cách trước khi uống rượu tây, uống bia, mang rượu cần ra mời khách trước trong nhà hàng muôn muốt trắng với dao nĩa ly tách mà không biết rằng, cách ly ra khỏi làng, rượu cần chỉ còn là... nước lã. Cũng như thế, bứng cồng chiêng mang ra phố dưới ánh sáng đèn màu trên sân khấu vuông loằng ngoằng dây điện là một cách để chiêng diệt vong nhanh nhất...
Vì thế, tôi thấy Tây Nguyên đang... trôi...
VĂN CÔNG HÙNG
18 nhận xét:
Một mình không đủ, phải dồng lòng la làng lên may chăng còn kềm được những con người vô cảm chỉ biết đến tiền. Bài viết rất cần thiết.
Không thể kềm hãm lòng tham vô đáy của con người được đâu. Con ma hưởng thụ vật chất một khi đã ám chặt vào người, sẽ trở thành cơn lũ kinh khủng nhất, quét sạch không chỉ núi rừng mà cả sinh tồn của muôn loài. Mẹ Âu Cơ nay mai không còn đất trú, buộc phải về biển lại thôi. Nhưng về biển thì đông đúc quá, làm nước biển đội lên và rồi lại cũng gieo tai họa cho người vật trên cạn. Đằng nào bức tử rừng cũng là bức tử chính ta, nhưng chả ai biết, hoặc biết mà chả màng : đời ai chết mặc, đời ta sướng đã !!!??? Muốn rõ, mời ghé thăm mấy ông kiểm lâm, đặc biệt là mấy ông đương nhiệm từ thời rừng còn sát nội ô như bác Hùng nhận xét, thấy tiền tài mấy ông "ăn của rừng" to tát thế nào sẽ hiểu.
Không thể kềm hãm lòng tham vô đáy của con người được đâu. Con ma hưởng thụ vật chất một khi đã ám chặt vào người, sẽ trở thành cơn lũ kinh khủng nhất, quét sạch không chỉ núi rừng mà cả sinh tồn của muôn loài. Mẹ Âu Cơ nay mai không còn đất trú, buộc phải về biển lại thôi. Nhưng về biển thì đông đúc quá, làm nước biển đội lên và rồi lại cũng gieo tai họa cho người vật trên cạn. Đằng nào bức tử rừng cũng là bức tử chính ta, nhưng chả ai biết, hoặc biết mà chả màng : đời ai chết mặc, đời ta sướng đã !!!??? Muốn rõ, mời ghé thăm mấy ông kiểm lâm, đặc biệt là mấy ông đương nhiệm từ thời rừng còn sát nội ô như bác Hùng nhận xét, thấy tiền tài mấy ông "ăn của rừng" to tát thế nào sẽ hiểu.
Bài viết rất hay, có lẽ còn thiếu một thứ tiêu diệt văn hóa Tây Nguyên, văn hóa rừng nữa là Bauxite
@ Bọ Lập:
--------
Được bọ đóng dấu chất lượng là ổn rồi.
Chào bác, em mon men tới thăm bác - lập nhà lâu rồi, nhưng ngại lang thang, lần rồi, em ngồi với Hoahuyen và Namkts có nhắc bác phố núi.
Chúc bác hành chữ thật khỏe nhé.
@ hèn đại nhân: Mẹ Âu cơ vẫn còn nhiều thứ lắm.
- Còn quặng còn đào, còn rừng còn chặt, còn ruộng còn san, còn quan còn tham,còn dân còn khổ, còn nước còn bán nước...
Ở quê tôi thời trước cải cách có ông địa chủ giàu nhất xứ làm 1 dinh cơ toàn gỗ lim cực kỳ tinh xảo. Tui nghe mấy bậc cao tuổi nói thời đó lấy gỗ chổ mà cách đây 15 năm chúng tôi thường đi lấy cây sim,mua về nấu (Từ thị trấn đến khoảng 10km).Bi chừ toàn thấy thông và bạch đàn."Rừng ơi còn đâu".Mà cũng lạ bi chừ mấy xếp bự về hưu hoặc sắp về toàn làm nhà bằng gỗ lim hết. Có đk anh về quê tui dẫn anh đi xem mấy cái nhà mới làm mà ông địa chủ bị bắn oan thời cải cách cũng chắp tay vái bằng cụ.
Em đã nghe tiếng hét của bác rơi lọt thỏm không phải vào thâm u đại ngàn huyền thoại mà vào... dòng xe cộ đang ngồn ngộn phố xá, vào những mái nhà rông không gắn với làng, vào những bài chiêng Pơ-thi bị/được đánh vào Sa Mơk để phục vụ một [số] ai đó... Em nghe được từ "Mắt cao nguyên"
Tít đề như thơ. Thân đọc nóng hầm hập. Đặc biệt đoạn đầu tiên đặt vấn đề rất giỏi, rất nghệ thuật. Đọc bài anh cuốn hút lắm. CHúc mừng anh
Rất thich khi đọc nhiều bài của anh,nhất là những bài chắt chiu sau nhưng chuyến đi bụi hành xác. chúc anh luôn vui khỏe.
Mách lẽo anh VCH trong điểm báo tuần của 4 T:
7.2 Báo Nông thôn ngày nay số ra ngày 28/7 trong chuyên mục Phóng sự - Ghi chép đăng bài “Cù lao Ré - Chiến hạm bị bỏ quên” (bài cuối của loạt bài “Đất và người Lý Sơn”). Bài viết phản ánh những khó khăn, thiếu thốn của người dân trên đảo Lý Sơn. Cuối bài có đoạn viết: “Lý Sơn thiếu đất, thiếu nước, thiếu điện, thiếu cả cái tâm thế của những người ở lại. Văn Công Hùng, thi sĩ của Tây Nguyên đã viết rất thâm rằng: “Động vật duy nhất ở Đảo Bé (trừ con người) là chó”. Có lẽ, ngoài con người, chỉ chó mới có thể chịu đói khổ đến nhường ấy. Và có lẽ, chỉ chó mới không bỏ rơi con người.”
Cách diễn đạt như trên rất dễ bị đối tượng xấu lợi dung. Đề nghị Ban biên tập báo Nông thôn ngày nay rút kinh nghiệm.
CỤC BÁO CHÍ -4T
(Vdvăn)
Tôi đau lắm, rất đau,... Tôi căm thù một hệ thống tận diệt văn hóa nước nhà.
Hôm qua nay, sau Liên hoan triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây nguyên về, người cứ buồn nhẩy nhớp.
Cầm tờ bìa giới thiệu của BTC mà thấy chữ Mỹ thuật bây giờ sao đơn điệu cả cái màu gan gà/terra glabra bao trùm. Triển lãm là màu đen được nâng lên bởi một đường viền văn tam giác Âm đương cũng đen, vừa có DNA của Đông sơn vừa có truyền thống hoa văn mà bà con quanh đây đang dùng.
Xem tranh được nhốt trong các hộp của nhà thi đấu, ánh sáng pha trộn không ra sao, người xem thấy thật buồn. Thôi thì vì "thời tiết", đành vậy.
Tranh chỉ loanh quanh những đề tài, chi tiết, chất liệu,... không mới, đến nổi dường như chỉ một giọng điệu nên Lão họa sĩ Trần khánh Chương cũng nói, tôi xem tranh thấy giống giống như đã thấy ở đâu rồi.
Giải A cạnh một giải KK cũng từ KT, tác giả Huy đưa cụm tượng nhà mồ ra phía trước, mắt nhìn vào bóng đêm. Trăng nhỏ trên cao chiếu xuống những mái nhà lặng im, mà không còn chút bóng dáng nào của mái nhà Ban'har style hay bahnarien nổi tiếng trong kiến trúc thế giới.
Còn giải KK đưa đôi mắt tượng lên cao về sâu, ôm choàng cả hiện tại đa tạp, trùng phức sắc màu, hoa văn, đường nét,.. với mặt người hiên đại đã hóa tượng gỗ.
Bỏ qua những tranh luận về đánh giá, người xem thấy rằng Hội đồng với 7 vị đa đề bị ấn tượng lung linh của tượng gỗ nhà mồ ám vào những quyết định. Đúng vậy, Tây nguyên bây giờ không còn rừng, chỉ còn bóng ma của thời kỳ săn bắt hái lượm trùm phủ. Và cái còn lại rong rêu sau những cuộc bỏ mả là những tượng gỗ đầy yêu thương, trân trọng đang mục dần. Đời người đã thế, cây đã thế thì rừng cũng thế.
Chúng ta, những người tộc đa số đang áp đặt văn hóa lai tạp đầy ngộ nhận của mình lên họ, đồng bào thiểu số với văn hóa thuần chất, tự nhiên như nhiên này mà không chút nào nhớ đến nỗi đau của thời Bắc thuộc, Pháp thuộc và Mác thuộc. Sự xâm lăng, thực dân, đồng hóa đã chuyển từ máu địch sang máu ta, đã khiến cho bao nhiêu vốn quý vùng miền bị xâm hại và biến mất.
Thực đơn của các nhà hàng, tiệc tùng Nam Bắc cũng giống nhau đến nỗi như cùng xem phim Hàn.
Anh em miền Trung đưa vào nét cọ đền tháp và một vài lễ tục Chăm, anh em Tây nguyên đưa chiêng, rượu cần, xoang và tượng gỗ lên toan, lên vải và cả gỗ hay sắt, nhưng rốt lại, nó chỉ là một đường viền, tôn lên bộ mặt thật: thực dân kiểu mới.
Rồi ra chúng ta sẽ mất tất cả và tôi đồng cảm với VCH trong một đọan mình trót đã viết đây:
... Núi chỉ còn sương đọng giọt trên ngọn cỏ. Giọt sương long lanh rơi xuống đất, tiếc thương cho những rừng xưa bóng cả cây cao, giờ chỉ còn trơ đất đỏ với đám cao su, cà phê, tiêu,… đơn điệu lòa xòa.
Những đứa trẻ đen bóng như bóng nắng khua vàng hoe chõm tóc, chân trần rón rén trên mặt đất nóng rực tìm rau.
Mẹ chúng nó đang quay về trên đường xưa ra mội nước với những chiếc bầu rỗng không.
Mưa đã đem tất cả niềm vui ra biển.
Vài thế kỷ sau, hướng dẫn viên du lịch giới thiệu rằng nơi đây đã từng có rừng và có một ông nhà thơ kiêm tiên tri lại dự báo rằng vài thế kỷ sau cẩn thận lại thành biển. Hehe! Em đọc bài này của bác bên Quê choa trước thấy khoái nên vào đây còm.
Thế kỷ sau có người làm thơ:
Văn Công Hùng Ơi
Nếu anh sống lại
Chẳng còn Tây Nguyên
Cho anh khóc mãi
Tây Nguyên trôi
Tây Nguyên đã trôi rồi...
Thưa anh Văn Công Hùng và anh Đoàn Nam Sinh!
Bài nhận định văn hóa của anh Hùng rất hay, và comment phê bình mỹ thuật giàu định lượng văn hóa của anh Sinh cũng hay chẳng kém! Nhưng, sắp nhỏ m.d xin góp một lời vụng.
Văn hóa bản nguyên bị xâm hại là sự thật hiển nhiên đang phô bày lồ lộ trong mọi biến động xảy ra trên thực thể Tây Nguyên. Ai cũng có thể nhận thấy, nhà nghiên cứu văn hóa nào cũng có thể phê phán. Nhưng thử hỏi, trong ngồn ngộn những phê phán ấy, liệu có đúc kết được bao nhiêu giải pháp hóa giải được xung đột giữa bảo tồn và phát triển. Liệu có thấy được cách nào để "tương kế tựu kế" - vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa vừa phát triển được đời sống an sinh của đồng bào. Rừng đã mất là… rừng đã mất. Văn hóa bản nguyên đang phai nhạt và… cứ thế phai nhạt. Nhưng bây giờ phải làm gì? làm cụ thể như thế nào trong một trạng huống chuyện đã rồi như thế?
Chúng ta phải công nhận một thực tế là: chúng ta đang bất lực, cơ chế chính sách bất lực khi "điện đường trường trạm", "chương trình nước sạch nông thôn", “nhà rông văn hóa" v.v... tất cả những cái đó, đến nay chỉ giải quyết được phần số liệu của những người thực hiện chính sách. Thực tiễn là nó chưa len lỏi vào được đời sống thực tế của người đồng bào. Và, những nhà làm nghiên cứu văn hóa cũng bất lực, chả ai đưa ra được giải pháp nào có tính thực tiễn: sao cho phát triển kinh tế hữu cơ được với giữ gìn văn hóa bản nguyên. Nên cứ hùa nhau phê phán, dù tự họ vẫn biết là sự phê phán nghe rổn rảng đấy, nhưng chả giải quyết được vấn đề gì. Tầm cỡ như bác Nguyên Ngọc, mà cũng chỉ thây trong những bài viết của Bác một nỗi buồn mênh mang vô tận khi mô tả thực thể văn hóa Tây nguyên đang tan rã. Nhưng, cũng chưa thấy được đâu là chìa khóa để mở được vấn đề nan giải trên.
Nên chăng, chúng ta hãy chĩa mũi dùi phê phán qua một chỗ khác, đó là tại sao chưa tìm thấy được giải pháp? Ai, tổ chức nào phải có trách nhiệm đẻ ra một giải pháp - một giải pháp mà trong đó chứa đựng được sự toàn diện các tiêu chí: kinh tế, văn hóa, xã hội, an sinh,… cho cái thực thể hiền linh Tây nguyên này.
Chẳng lẽ, không có liều thuốc kí-nin nào hay sao, mà đâu cũng thấy những tiếng rên hừ hừ của thứ sốt rét đang gặm nhấm văn hóa Tây nguyên này sao?
@ miên di:
--------------
Chú biết một mà chưa biết... 2. Ai cho chú làm, ngay phát biểu còn khó huống hồ làm. Chú có nghĩ ra, có phát hiện ra (dù việc ấy chả phải của chú mà là của cả 1 bộ máy- còn hiệu quả của nó thế nào thì còn tính sau) thì cũng chỉ là của cá nhân chú nhé, giữ lấy mà dùng nhé. Gương tày liếp bao nhiêu trí thức hàng đầu đấy, nói ai nghe, làm ai cho.
Chú cứ thử yêu nước không đúng chỗ đi, chưa cần làm điều gì cả. Tớ đi Lý Sơn, làm bao điều tốt cho đồng bào mà còn "được" nhắc nhở nhé.
Là chưa biết cặn kẽ là vậy.
Không bao giờ có cuộc mạn đàm về tương lai chung sống hòa bình phát triển giữa sơn cẩu với đàn hươu nai, MD à.
Một bên là Người Tây nguyên hiền minh, gìn giữ, nuôi dưỡng thế giới tự nhiên, với ý thức mình chỉ là một tiểu phần chịu chi phối của cộng đồng cùng tồn tại và phát triển lâu dài. Còn một bên là các tập đoàn lợi ích, cá mập và hổ dữ, chỉ khai thác, tàn sát, bất chấp tất cả vì lợi ích trước mắt vô trách nhiệm với tương lai.
Phải nói lên tiếng, phải kêu gào để cả cộng đồng vô tâm, sợ sệt này sát vai nhau chống lại những tội ác đang gieo rắc cho con em ta, dân tộc ta, MD nhé.
Đăng nhận xét