Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

CHỬ ANH ĐÀO

Cặm cụi nửa cuộc đời, bây giờ đến lúc đồng hồ không còn mang chức năng kép là... ký nợ nữa, đi ra đường không thon thót lo đụng bánh tráng nữa, có được tờ bạc lớn không phải giấu vợ bằng cách gấp thật nhỏ xếp vào ngăn bí mật nhất trong ví nữa, thì gặp nhau lại khó...





          Khi tôi lên Gia Lai thì Chử Anh Đào đã có mặt rồi. Ấy là vào năm 1981. Lúc ấy những cái tên như Cao Tất Tịnh, Nguyễn Tiến Soạn, Nguyễn Viết Kế, Chử Anh Đào... đã nổi lắm. Họ là những giáo viên có tham gia viết lách. Thời ấy trí  thức ở Gia Lai thưa thớt, các anh trở thành niềm tự hào của học trò. Đâu như lên Pleiku nhận công tác được hơn tháng thì tôi được đi dự một cuộc nói chuyện văn học ở thư viện tỉnh, khi ấy đang đóng ở đường Lê Lợi, diễn giả là... Chử Anh Đào. Tôi ngồi bên chị Ngô Thị Hồng Vân, một đồng nghiệp mà tôi đã nhờ vả rất nhiều trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Chị Vân giới thiệu Chử Anh Đào là người... dân tộc thiểu số. Tôi hỏi dân tộc gì chị bảo không nhớ, nhưng là một dân tộc ở phía bắc. Thì ra là thế, thảo nào tôi thấy ông này ngoài họ Chử còn da đen, tóc xoăn, môi dầy trông rất... phồn thực. Cũng chả nhớ hôm ấy Chử Anh Đào nói gì nữa, nhưng một sinh viên mới ra trường bỡ ngỡ đầy mình như tôi mà được đi nghe nói chuyện như thế là khoái lắm, nhất là lại nghe một diễn giả người dân tộc. Cái ý nghĩ Chử Anh Đào là người dân tộc thiểu số phải đến mấy năm sau mới hết, là khi tôi làm gì đấy có liên quan đến một cái danh sách trích ngang do Ngô Thị Hồng Vân lập, Chử Anh Đào vô tình xem được mới bảo: Này tôi nói cho ông biết nhé, tôi người Kinh thứ thiệt, Việt cổ, dân Phú Thọ đấy. Và từ sau đấy, tôi chính thức là kẻ "khai sinh" cho anh trở lại... người Kinh. Sau này khi anh trúng cử hội đồng nhân dân tỉnh và được bầu làm phó ban dân tộc thì có người bảo: Có khi tại Đào vẫn giống... người dân tộc thiểu số.
          Tuổi tác sàn nhau nhưng Đào lại lên Gia Lai trước tôi đến mấy năm. Nghe kể lại, hồi mới lên anh "ngố tàu" lắm, chỉ... uống rượu là khỏe. Hai mươi tuổi đầu, vừa tốt nghiệp đại học xong được giữ lại trường nhưng đã vượt cả ngàn cây số vọt thẳng vào Tây Nguyên, lơ ngơ cũng phải. Tôi đã đi qua quê Đào vài lần, kiểu cưỡi xe lướt qua và lần nào cũng nhắn cho Đào một cái tin. Đấy là một vùng trung du thượng nguồn sông Hồng rất đẹp và trữ tình, đầy đá ong sim mua và những ký ức, kể cả những ký ức chưa có trong ký ức. Lạ thế, có những vùng quê mình mới tới lần đầu mà cứ như thể đã ở đấy ngàn đời, như thể ăm ắp ký ức. Chỉ nghe kể mà trong mấy bài viết liên quan tôi tả anh dép cao su, quần xăn ống thấp ống cao, đầu đội mũ nan, ngơ ngác vào ty giáo dục Gia Lai nhận việc mà chả thấy anh phản ứng gì thì chắc là... gần đúng. Gần bốn chục năm anh vẫn gắn bó với ngành giáo dục, rất tự hào với câu nhận xét của... vợ: Chỉ có ở giáo dục ông mới thành người, ra khỏi ngành là ông hư hỏng ngay, vì thế có mấy dự định chuyển ngành thăng quan đều không thành, đào tạo ra hàng vạn học trò, bây giờ đi đến bất cứ xó xỉnh nào của tỉnh Gia Lai cũng đều có học trò, nhiều người làm quan bây giờ trông còn già hơn cả Đào nhưng té ra cũng đã từng thọ giáo thầy Đào. Thế nên đi công tác xuống cơ sở với Đào vừa mừng vừa lo. Mừng vì chả lo lạ nước lạ cái, chả lo xa nhà xa vợ, có gì cứ ới một tiếng là học trò cũ đông như... quân Nguyên tập họp. Nhưng lo là bị họ... hành. Lâu lâu gặp thầy cũ, chả lẽ lại ngồi xuông rồi về, mà học trò cũ bây giờ là chủ nhà, phần lớn đã thành đạt, không về quan lộ (cỡ chủ tịch huyện) thì cũng tài chánh (dăm bảy sào tiêu, cà phê chẳng hạn), chí ít thì cũng vợ (chồng) con cái đề huề, ai chả muốn vừa trả ơn vừa ngầm khoe thân phậm với thầy. Mà nào có một hai người, mà lại chả ai muốn kém ai... thế là cứ ngút ngàn "đứng lên ngồi xuống", ngút ngàn "thưa gửi"... dây vào đấy là đêm này qua đêm khác ngay, ngày dài qua đêm thâu ngay. Lo là lo thế nhưng mà nào thoát được, là cái tính người ta nó hay thế, cứ lo xa lo gần, đến lúc nhập cuộc, tặc lưỡi một cái, cả đống người vui, trừ mình sao được, dẫu hôm sau sẽ... khổ.
          Đào là người đông bạn và cũng hám bạn. Nhớ cái thời bao cấp đói khổ, nhà tôi rất hay có khách văn tá túc, thì một trong những người chịu khó chia sẻ là Chử Anh Đào. Có lần Phạm Phú Phong từ Huế lên nhà tôi ở cả nửa tháng (anh dẫn sinh viên đi thực tế). Túi tôi vừa hết tiền thì... Đào xuất hiện. Anh rủ tôi và Phong ra Diệp Kính uống rượu và ăn vịt lộn đêm. Ăn nói rôm rả lắm, hoành tráng oai phong lắm, nhoáy cái đã nửa đêm. Cả ba thằng cùng... lộn túi và cùng... không có gì trong túi. Tôi biết Phong hết tiền đã lâu, và cũng biết là mình không còn tiền, chỉ mong vào Đào mà... như thế này là chết rồi (sau này mới biết là hôm ấy Đào đã tê tê ở trường cấp 3 Pleiku rồi sực nhớ đến tôi và Phong). Nhưng cả ba thằng cùng anh hùng tháo đồng hồ ra đặt trên cái rổ vịt lộn. Thú thực là tôi có một ý nghĩ rất xấu hổ, bây giờ vẫn còn nhớ rất rõ cái ý nghĩ ấy và thi thoảng có kể lại cho cả Đào và Phong, rằng là mong cái bà bán vịt lộn ấy lấy đồng hồ của Đào để mai hắn phải xuống chuộc, bởi tôi còn nuôi Phong mấy hôm nữa, và Phong thì hết tiền rồi. Của Đào là đồng hồ điện tử, bà vịt lộn cầm lên rồi... bỏ xuống trong sự... nín thở của tôi. Của Phong là đồng hồ Polzot, mà nếu bà ấy có lấy cái này thì mai tôi cũng sẽ là người đi chuộc, thế mà bà ta vẫn để xuống. Tức là cái của tôi được... duyệt. Có xị rượu với mấy quả vịt lộn mà bà bán "duyệt" cái đồng hồ Selko mạ vàng quà cưới của tôi thì quả là bà này còn hơn cả... Pol Pôt.  Nhưng đấy là thời đói, bây giờ trong túi lúc nào cũng công khai dăm tờ xanh nhạt, Đào vẫn cái thú hay tặng quà bạn bè. Từ cái thời còn bao cấp đói khổ, cái thời mỗi năm được bốn mét phiếu vải mà còn mang bán để mua thứ khác, quần áo mỗi năm chỉ hai bộ, thì những mũ, quần sooc, dép, túi xách... của Đào đang dùng mà ai thích là cho ngay. Bây giờ hai thứ Đào thích cho là áo và zipo. Mới đây nhất, sau một cuộc ngồi với nhau ở Chiều Chiều, Đào ép xe vào xe tôi thì thào: Đi theo tôi tôi tặng ông cái áo. Tôi thì cả tủ áo chật ních ở nhà nhưng vừa quý cái tình của bạn, lại vừa... tham nên hồ hởi đi ngay. Vòng vèo mấy shop cuối cùng tôi chọn một cái áo Việt Tiến màu đen sọc trắng rất sướng mắt. Đào hoan hỉ móc ví trả tiền và xúi tôi thử ngay đi. Mà không phải một cái, ít nhất tôi đã được Đào tặng mấy cái áo như thế, và cũng không phải mình tôi được tặng. Cái thú zipo thì tốn kém hơn và có vẻ... sang trọng hơn. Một hôm tôi xem trên tivi thấy có một cái hội zipo ở Hà Nội, và mới hiểu zipo không chỉ dùng để... đánh lửa và cũng không chỉ kẻ hút thuốc mới dùng. Rồi cũng không phải xăng nào đá nào cho vào cũng được, không phải kéo bấc lên bao nhiêu cũng vừa, không phải các con số trên nắp zipo là vô dụng... Nhắn tin cho Đào thì anh bảo biết rồi. Từ ấy tôi mới biết giá trị của zipo và cũng mới để ý zipo của Đào. Thì ra anh thay zipo liên tục, mà mỗi cái đều gắn với một nhân vật hoặc kỷ niệm nào đấy. Và mỗi cái cũng đều từ mấy triệu trở lên chứ chả phải như cái quẹt ga ngàn một cái dùng mấy lần rồi vất. Tặng và đổi zipo té ra lại là một cách trao đổi niềm vui, trao đổi quan hệ và lưu giữ quan hệ... Cũng lại nhớ một hôm giáp tết nào đó, tự nhiên Đào ôm đến nhà tôi một cái lọ hoa bằng gốm màu da lươn pha trắng, dáng khá đẹp. Và cả chục năm nay, bao giờ đến tết thì cái lọ ấy cũng được vợ tôi ưu tiên dùng để cắm những bông hồng vàng. Nó rất tốn hoa nhưng khi cắm nhiều thì rất đẹp. Ngày thường nó trang trọng đứng trong cái tủ sách giữa nhà, ai đến, tôi cũng làm quà bằng cách khoe cái... bình hoa.
          Trong đám viết lách ở Gia Lai hiện nay, mỗi khi ngồi với nhau chúng tôi thường bảo với ý tị nạnh rằng Đào là người có lượng độc giả đông và tinh nhất. Thì chả ư, bao nhiêu học trò, mà trò có "đầu gấu" đến mấy đi nữa thì vẫn coi thầy là thánh. Mà phong cách bụi bụi của Đào (cái thời chưa làm quan giáo dục) lại được học trò coi là... mẫu mực. Hồi ấy học trò ca ngợi thầy Đào nào là uống... giỏi, nào là sành điệu (quần áo đầu tóc), nào là thông minh và biết cách thể hiện sự thông minh ấy ra bên ngoài, sống ngất ngưởng đầy chất... thi sĩ, và nhất là ông thầy ấy lại viết văn. Thời chúng tôi đi học cũng thế, mấy ông thầy có viết lách chút chút được chúng tôi coi như thánh sống. Được ngưỡng mộ như thế nên những gì Đào viết ra luôn được học trò đọc như "tuân chỉ". Mà học trò thì chí ít cũng là giáo viên, được coi như là những người đọc tinh túy sang trọng. Có lẽ đấy vừa là động lực để thầy Đào sáng tác nhưng cũng là sức ép không nhỏ để người viết tự vượt qua mình.
          Hiện nay Chử Anh Đào đang in một tập truyện ngắn, có lẽ khi bài báo này được in thì sách cũng đã ra. Đây là tập sách thứ 5 của anh. Tập này độc đáo là anh in tại nhà in mà giám đốc chính là... con trai anh. Văn chương thì vô lường, và nó có một đối tượng công chúng riêng, nhưng cái để mà nhắc là thái độ lao động nghệ thuật. Với Đào, viết văn và hoạt động văn học nghệ thuật chỉ là tay trái, nhưng anh đã để vào đấy khá nhiều tâm huyết. Viết cả truyện ngắn và phê bình, lại còn sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian,  có vốn am hiểu kha khá về văn hóa Tây Nguyên, dẫu có lần chúng tôi đã góp ý với anh là nên đầu tư sâu vào truyện, cố gắng viết truyện nào ra truyện ấy, cho nó sum suê một tí, vững chãi một tí, dầy dặn một tí, chắc tay một tí. Truyện của Đào hiện nay thiên về "vụt hiện", như một nhát cắt, một khoảnh khắc, một ánh chớp của số phận  của thân phận của thời gian... nên nó mỏng mảnh, nhẹ nhàng (dù cốt truyện có đau đớn khắc khoải dằn vặt...), nó chưa kịp ngấm thì đã tan ra, chưa kịp vang thì đã lịm... nên độ dư ba còn ít. Tất nhiên mỗi người có một thế mạnh, một sở trường, và nếu tất cả mọi truyện ngắn đều triển khai giống nhau thì nó có còn sự đa dạng không? Song mong muốn lại cũng là một quyền của người đọc, huống gì người đọc ấy lại còn là đồng nghiệp, là bạn bè...
          Cái thời đói khổ lại là thời văn chương phát tiết nhất, không khí văn chương sôi động nhất. Tôi nhớ hồi ấy chiều chiều, những là tôi, Hương Đình, Phạm Đức Long, Bạch Ngọc, Nguyễn Trường Thanh, Bùi Quang Vinh, Nguyễn Như Bá, Cao Tất Tịnh, Đỗ Ngọc Thạch... hay tụ bạ uống rượu vỉa hè và nói chuyện văn chương. Có nhiều khi cãi nhau như mổ bò, năng lượng bỏ ra không tương xứng với xị rượu đế và tô xương bốc mả (và có thể vì thế hồi ấy dưới mắt một số người chúng tôi là lũ... bợm rượu). Và chúng tôi khoe nhau những trang mới viết, bàn nhau những dự định, rủ nhau những cuộc đi vặt, và cũng nói luôn, cho đến bây giờ điểm lại, những trang viết hay nhất, xúc động nhất của chúng tôi lại là từ  những ngày ấy. Cặm cụi nửa cuộc đời, bây giờ đến lúc đồng hồ không còn mang chức năng kép là... ký nợ nữa, đi ra đường không thon thót lo đụng bánh tráng nữa, có được tờ bạc lớn không phải giấu vợ bằng cách gấp thật nhỏ xếp vào ngăn bí mật nhất trong ví nữa, thì gặp nhau lại khó. Thứ nhất là bệnh tật rồi, đến tuổi đi bộ buổi chiều rồi, đi đâu cũng kè kè túi thuốc rồi, thứ hai là mỗi người mỗi phận, đều những trọng trách cả, công việc nhiều khi không dứt ra được, thứ ba là té ra càng già càng khó tính. Bây giờ không còn phải lăn tăn chuyện uống gì khi ngồi mà là ngồi với ai mới quan trọng. May mắn là, thi thoảng một buổi chiều nào đó có thời gian hoặc buồn buồn hoặc không buồn không vui hoặc có vui có buồn, tôi gọi thì Đào bao giờ cũng sẵn sàng, dù nhiều lúc y cũng đang mệt hoặc không muốn ngồi hoặc đang bận việc... Là cũng một cách chiều nhau, không muốn nhau buồn. Tôi hiểu điều ấy dù cũng có vài lần Đào gọi thì tôi lại đang... ở xa.
                                                                             VĂN CÔNG HÙNG
 
Ảnh mới bổ sung, một lần mua áo tặng nhau cách đây 4 năm.

8 nhận xét:

m.d nói...

Đời người như "Bức tranh vân cẩu" (Tên tập truyện ngắn mới nhất của tác giả Chử Anh Đào) với những chớp nhoáng đổi thay - vậy mà vẫn còn đây những người bạn viết về thủa hàn vi của nhau...

Kể ra, đấy cũng là phúc nghiệp.

Chúc mừng Tình Bạn!

Nặc danh nói...

Bài viết của Anh nghe thật nặng tình, ai được làm bạn anh cũng sẽ thích và yêu mến anh nhiều hơn.

Đoàn nam Sinh nói...

Nhờ đọc mới biết một thời của VCH và CAĐ, HĐ,... Xưa nay tinh hoa không được chiết xuất ra từ thừa mứa mà phát tiết từ thiếu đói, thậm chí nghèo khổ.

Văn Công Hùng nói...

@ md:
-------
Hơ hơ chú...

Văn Công Hùng nói...

@ nặc danh:
-----------
Xin hiểu đúng là: tôi được làm bạn với ai...

Văn Công Hùng nói...

@ Đoàn Nam Sinh:
-----------
Em nghe ai đó nói: Nền văn học vn là nền văn học từ đói ăn...

hoangviet_kontum nói...

Hồi trước E cũng học thầy Đào môn Hán-Nôm.Đọc cái nầy quý quá !

hongphongf nói...

Bài viết rất hay về kỉ niệm, tình bạn, tình đời... Nếu được xin Nhà thơ cho NHM địa chỉ blog của tác giả CAĐ được không ạ.