Mấy ngày nay, với tư cách blogger, mình được kha khá báo "để mắt" đến. Riêng bài trên báo Thời Nay (con đẻ của báo ND) thì được nhiều người nhắc. Hôm qua trên xe em Phương Thảo xinh đẹp của ND cuối tuần nhắn tin: Chưa post lên à. Tối qua đến Đà Nẵng, gặp một ông lạ hoắc, hỏi ông có phải blogger không... hehe, nhân chuẩn bị ngày nhà báo, nổ tùm lum phát chơi...
BÁO VÀ BLOG
1/. Thưa nhà thơ, nhà báo, sự mở rộng không gian công cộng qua hình thức Internet trong những năm gần đây đã làm thay đổi như thế nào với báo chí Việt? Hiện tượng web cá nhân và blog ở Việt Nam phát triển nhanh chóng đã tạo cơ hội phát ngôn cho các tầng lớp dân chúng và đương nhiên cũng phá vỡ sự độc quyền phát ngôn của báo chí nhà nước, ông nghĩ gì về xu hướng này?
Theo tôi đây là một xu hướng tốt, nó mở ra cho cả người đọc người viết một chân trời tri thức và thông tin. Tất nhiên có rất nhiều dạng web, blog của nhiều người khác nhau. Nhưng với các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp thì họ sử dụng web và blog cá nhân để tiếp cận bạn đọc của họ. Một mặt để nuôi web và blog họ phải liên tục viết, tức là liên tục làm việc, liên tục sáng tạo, một cách rất hay để họ thực hiện kỷ luật lao động của người cầm bút. Mặt khác, đấy là cách nhanh nhất để họ tiếp cận bạn đọc và ngược lại bạn đọc cũng dễ dàng tiếp cận nhà văn và tác phẩm của họ, khác hẳn đọc sách một chiều, ở đây họ có thể giao lưu trực tuyến với nhau thông qua các comment. Và như thế, nó kích thích báo chí chính thống cũng phải năng động hơn, nhanh hơn và nâng cao tính tương tác, cả sự trung thực thông tin nữa...
2/.Theo tôi hiểu nhà báo phải vừa là phóng viên vừa là người phân tích, dẫn giải. Theo ông thực tế những năm gần đây, sự phân tích, dẫn giải của nhà báo ta đã thực sự thoát khỏi “lối cũ một chiều” chưa?
Ơ, tôi tưởng nhà báo chỉ là... nhà báo thôi chứ. Nhà báo trước hết là phải đưa tin trung thực và khách quan đã. Cách nhìn, cách phản ánh chính là thái độ của nhà báo rồi. Đây là yếu tố hàng đầu và bắt buộc của một nhà báo. Tất nhiên sự trung thực và khách quan ấy cũng phải đặt trong những hoàn cảnh cụ thể để nó có lợi cho cộng đồng, cho dân tộc chứ không thể nhân danh trung thực rồi cái gì cũng tuồn tuột ra được. Còn phân tích dẫn giải là vế thứ hai của nhà báo, thường là trên cơ sở tin của phóng viên, người ta bình luận, phân tích, định hướng dư luận. Điều này chúng ta có làm nhưng nhiều khi do cách viết hay cách nhìn sao đó mà ít thấy được cộng hưởng. Làm được việc này đòi hỏi người thực hiện phải thật giỏi, sắc sảo, có cái nhìn bao quát và rất khách quan.
Thực tế báo chí nước ta tôi thấy họ hay... làm thay chức năng của các cơ quan pháp luật khi đưa tin vụ án. Các vị ấy xông vào kết tội ngay khi tòa chưa tuyên án chưa xử. Nhẹ nhất là bắt chước công an gọi tên người trống không, ví dụ: Nguyễn Văn A đi xe chở Lê Thị B, bị xe ô tô tông phải, A chết, B bị thương nặng đang cấp cứu... cách gọi trống không rất xách mé như thế đang có rất nhiều ở báo chí nước ta.
3/. Nhân sự vụ biển Đông gần đây, đại tướng, nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh có nói trong một bài phỏng vấn rằng: “Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân.” Bản thân ông là nhà báo được nhiều bạn đọc tín nhiệm, ông có nghĩ rằng sức mạnh của báo chí chính là sức mạnh của nhân dân không? Thực tế báo chí của ta những năm gần đây đã chứng minh điều này như thế nào?
Báo chí bao giờ cũng phải đồng hành cùng nhân dân, vì nhân dân chính là độc giả của báo, phải đồng hành cùng họ thì họ mới bỏ tiền ra mua báo, ngoài ra nhân dân còn là nơi cung cấp thông tin cho báo chí nữa. Hỏi thì tôi nói thật, báo chí của ta hiện nay vẫn có tờ chưa đồng hành cùng nhân dân, còn sa vào các sự kiện hiếu hỉ nhiều quá. Chính điều ấy giải thích vì sao bây giờ rất nhiều người thích đọc các trang blog của các nhà báo hoặc các trí thức. Sự việc ngày 5 tháng 6 vừa rồi là một minh chứng cho việc báo chí kết nối công chúng mạnh đến như thế nào, dù là tự phát nhưng là một cuộc tuần hành trật tự và rất có... hậu. Và cũng nói thật luôn, ở nước ta, việc công khai thông tin vẫn còn nhiều cách hiểu lắm, ngay thông tin là gì cũng còn chưa thống nhất, vậy nên nhiều người vẫn có lối nghĩ: Đã có trên lo...
4/. Một sự thật ở ta là ngành nào cũng có báo riêng, tỉnh nào cũng có báo riêng, tất nhiên sẽ xảy ra tình trạng báo ngành nào bảo vệ ngành đó và bảo vệ người của ngành đó. Sự đưa tin ưu tiên và bảo vệ chồng chéo như vậy thì đâu là yếu tố khách quan của trang báo ngành? Ông suy nghĩ gì về điều này?
Ăn cây nào rào cây ấy là đương nhiên. Và đương nhiên là nó phải... nghiêng về cây nó rào, và vì thế đương nhiên nó sẽ không phải lúc nào cũng... thẳng.
5/.Trong vài năm gần đây, một số tờ báo có biểu hiện dễ dãi, giật gân câu khách (ví như vụ giật tít “câu view” gây phản cảm của một trang báo mạng mới đây) đi ngược lại với truyền thống báo chí Việt Nam. Xin nhà báo, nhà thơ nêu nhận xét về thực trạng này?
Nó là hiện tượng của báo chí thời thị trường, và cũng là hệ quả của việc chúng ta có nhiều báo quá. Một số báo thì cũ như từ thế kỷ trước, TBT chưa bao giờ làm báo và đang viết tay vẫn được bổ nhiệm, một số báo thì câu khách rẻ tiền đến đau đớn như cái cô bé gì người mẫu mười mấy tuổi lộ nội y mà hàng loạt trang mạng đưa.
6/. Sau mấy mươi năm cầm bút, theo ông làm báo là một nghề hay một sứ mạng? Tôi có nghe một nhà báo tâm sự: Chính vì bạn đọc mà mình viết. Mỗi khi đặt tay vào bàn phím chuẩn bị tác vụ ông có nghĩ đến điều này không?
Cả hai. Trước hết nó là một nghề như mọi nghề khác, để mình kiếm sống, nó đòi hỏi mình phải có chuyên môn và lương tâm nghề nghiệp, như anh thợ rèn, anh giáo viên, chị đầu bếp vậy. Nó cũng đào thải dữ dội. Đến khi "đắc đạo" nó là sứ mạng, viết vì người đọc, vì đất nước và dân tộc, đòi hỏi người viết phải có trách nhiệm rất lớn trước những con chữ của mình. Nhà báo bây giờ thu nhập khá cao, đủ để khi viết họ không bị vật chất chi phối, nhưng không phải tất cả đều đã trong sạch, đấy là điều không thể phủ nhận. Tôi chỉ là nhà thơ làm báo, là tổng biên tập một tờ tạp chí Văn nghệ cấp tỉnh đồng thời cộng tác với dăm tờ nữa, trước hết là để có tiền nuôi thơ, sau nữa nói được điều mình muốn nói, mình được du lịch chữ. Nhà báo có cái sướng là nói được điều mình muốn nói, tất nhiên điều ấy phải thuận chiều với nhân dân, với số đông bạn đọc. Những điều mình viết ra ấy, nó phải được chắt ra từ những gì mình đã trải nghiệm, đã sống, đã đau đớn với nó... để đến khi mình viết ra, nó được đảm bảo bằng chính uy tín và quá trình sống của mình, một cuộc sống lành mạnh, trong sạch và luôn hướng đến điều tốt đẹp, cao cả, đồng hành với nhân dân và dân tộc...
Tôi chưa làm được những điều ấy đâu, tuy thế, đấy vẫn là mơ ước...
------------------
Bản này đầy đủ, bản in trên báo, theo thông lệ, đã bị cắt khoảng... 1/3
------------------
Bản này đầy đủ, bản in trên báo, theo thông lệ, đã bị cắt khoảng... 1/3
10 nhận xét:
Oách!
Đương nhiên rồi!
@ Nguyễn Minh Tuấn:
------------
Chả cần oách, vấn đề là nói được điều muốn nói...
Vấn đề là ai vào Blog của Bác đọc mới hiểu được hết tâm tư, nguyện vọng và suy nghĩ của bác,còn chỉ đọc báo không thì có khi không hiểu hết (vì bị biên tập). Cảm ơn Blog.
Chúc bác và gia đình cuối tuần vui vẻ!
@ Trịnh Gia:
--------
Cám ơn lời chúc và chia sẻ sự... chia sẻ.
oách phết! Bi giờ bác muốn chúng iem gọi bác là gì: ông quan văn, nhà thơ, nhà báo hay bờ lốc gơ? Mong bác ra nghị quyết sáng suốt, chúng iem sẽ luôn quán triệt...
@ Mẹ mướp:
--------
Lại vẫn như mọi khi, còm này lại bị nó cho chui vào... spam, huhu.
Đơn giản chỉ gọi là VCH thôi, một người cầm bút hihi...
Em thì em gọi bác là Văn Công Anh Hùng, nghe rứa đặng không bác?
trương duy nhất mới có bài đươc lắm-ko biết bác đã xem chưa??mà dạo này bác oách phết nhỉ
@ Huế:
--------
Văn Công Hùng thôi bạn ơi.
@ Kiên quyết:
---------
Ơ có oách gì đâu nhỉ?
Đăng nhận xét