Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

VỀ CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG

Nhân vụ đồng chí trưởng ban biên tập Tạp chí Nâm Nung của tỉnh Đăk Nông miệt mài cop truyện của người khác về ký tên mình in tạp chí mình lấy nhuận bút và lấy danh, tôi trở lại vệt bài về Văn Nghệ địa phương trong khi chờ các thông tin mới tin cậy về vụ này đủ để làm một entry mới. Trước hết là một bài trả lời phỏng vấn về việc các hội VHNT địa phương có nên tồn tại.


Bài này đã in ở báo Văn Nghệ trẻ và đăng ở BLog vanconghung.vnweblogs.com và được thảo luận rất sôi nổi:
--------------------


                Gửi anh Văn Công Hùng         
          Gần đây có một số ý kiến bàn về việc có nên tồn tại hay không tồn tại các Hội văn học nghệ thuật địa phương. Em rất muốn mời những người thực sự hiểu hoạt động của các Hội này lên tiếng . Anh giúp em nhé
 Cảm ơn anh rất nhiều- Phong Điệp
----------------


            LTS- Sau khi VNT mở chuyên đề bàn về vai trò, hoạt động của các Hội VHNT địa phương, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi  của các bạn viết trên cả nước. VNT tuần này xin đăng tải ý kiến của nhà thơ Văn Công Hùng (phó Chủ  tịch Hội VHNT Gia Lai)

·        Gần đây có một số ý kiến cho rằng không nên tồn tại các Hội văn học nghệ thuật địa phương vì nhiều lý do, ví như sự hoạt động kém hiệu quả của nó. Trên thực tế, là người có nhiều năm tham gia công tác điều hành  hoạt động của Hội VHNT Gia Lai, ý kiến anh về vấn đề này?

- Việc đòi xóa sổ các hội Văn học Nghệ thuật địa phương không phải bây giờ mới đặt ra. Nhiều người còn bảo không cần Hội Nhà Văn họ vẫn sáng tác được, Nguyễn Du có phải là hội viên hội nhà văn đâu. Tôi thì thấy rằng các hội văn học nghệ thuật địa phương vẫn cần thiết. Hình như khá đông các nhà văn Việt Nam hiện nay đều xuất thân từ các hội văn học nghệ thuật địa phương. Đừng so sánh các thành phố lớn với các tỉnh lẻ. Không một tác giả trẻ nào trưởng thành mà không từ cái nôi của văn nghệ địa phương. Tất nhiên không phải hội VHNT địa phương nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình, vì thế mới có các ý kiến trên kia. Thực ra, ở các địa phương hiện nay vẫn còn nhiều cơ quan chồng chéo, vai trò rất mù mờ mà một dạo có ý kiến đòi xóa bỏ các đài truyền hình địa phương và báo Đảng địa phương là một ví dụ. Họ cho rằng các cơ quan này thực chất chỉ "tiếp sóng" các cơ quan truyền thông trung ương vân vân và vân vân...

·        Thực tế là với các văn nghệ sĩ , nếu họ có một bản năng sáng tạo đủ mạnh thì họ hoàn tòan có thể tự xác lập vị trí của mình và sẽ được nhìn nhận một các xứng đáng (ví dụ xét kết nạp vào Hội nhà văn, được xét giải thưởng, có thể tự ra sách...), không cần phụ thuộc vào Hội địa phương nơi mình sinh sống?

- Trong tình hình hiện nay tôi nghĩ rất ít người ở các địa phương làm được điều này. Ở địa phương tôi biết, rất cần sự động viên, giúp đỡ, phát hiện, bồi dưỡng của các hội địa phương. Địa phương tôi, nếu tự họ thì rất ít người có thể ra sách trong tình hình hiện nạy: tự in thì không có tiền, mà đợi đầu nậu hoặc nhà xuất bản thì lúc nào mới được phát hiện? Cũng nói luôn, tuy thế, việc đầu tư như hiện nay cũng chưa chắc đã là điều hay, vì tôi thấy rất nhiều người ra sách, công bố tác phẩm mà chất lượng rất xoàng, là bởi họ được cấp tiền tài trợ đầu tư.

·        Vai trò quan trọng nhất của các Hội VNHNT địa phương hiện nay là gì, theo anh?

Theo tôi nó là phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu các tác giả trẻ. Họ sẽ không ra biển được nếu không được tập bơi từ những dòng sông, trừ những người thật sự xuất chúng hoặc gặp những cơ may.

·        Những điểm bất cập hiện nay tại các Hội VHNT địa phương là gì, thưa anh?

- Bất cập lớn nhất của các hội địa phương, nói ra đụng chạm đây, dù tôi đã hai lần phát biểu ở các hội nghị của liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Thứ nhất là chất lượng hội viên. Rất nhiều người có khả năng sáng tác và cảm thấy có khả năng sáng tác, muốn trở thành Hội viên, từ hội viên địa phương rồi vươn ra hội viên trung ương. Nhưng không phải người sáng tác nào cũng có thể là hội viên đúng nghĩa. Và thứ hai là chất lượng... lãnh đạo hội. Theo tôi biết, rất nhiều các vị lãnh đạo hội hiện nay chả có chuyên môn gì, là tuyên huấn, phó chủ tịch huyện, bí thư, nhà báo... chủ yếu là sang để "quản lý". Ở đây có hai vấn đề đặt ra, nếu các vị ấy thông cảm, am hiểu và hết mình vì sự nghiệp thì sẽ là động lực để anh em sáng tác, bằng không thì cơ quan hội trở thành cơ quan hành chính, hội viên không đến và họ cũng không đủ năng lực phát hiện bồi dưỡng, mà ngược lại còn làm thui chột tài năng. Vấn đề nữa là nếu một ông tác giả thứ thiệt, hội viên trung ương hẳn hoi, thì không phải ông nào cũng vì hội viên. Ông ấy quá tài nên chả cần chăm lo cho ai. Cũng có thể ông ấy không biết quản lý. Điều nữa, hội văn học nghệ thuật thành lập trên cơ sở số lượng và chất lượng văn nghệ sĩ tại địa phương ấy, nhưng hiện đang có một thực tế là tỉnh nào cũng có hội văn họ nghệ thuật, dù lực lượng của anh rất mỏng, anh cầm đầu cũng không phải người sáng tác. Nhưng một nghịch lý: Nếu không thành lập thì tỉnh ấy sẽ không có và không phát hiện được người sáng tác?

·        Theo anh, có giải pháp nào để khắc phục những điểm bất cập này?

- Có quy chuẩn rõ ràng, như thế nào thì được thành lập hội, ví dụ có số lượng hội viên trung ương chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng số hội viên, đặc biệt là hội viên hội Nhà Văn. Kinh nghiệm cho thấy các nhà văn cầm trịch hội "được" hơn. Rồi đầu sách, chất lượng văn nghệ sĩ... Còn lại nếu chưa đủ thì nó là một phòng của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

·        Hiện nay có nhiều Hội VHNT địa phương hoạt động rất sôi nổi, gây được ảnh hưởng đến đời sống VHNT nước nhà , tuy nhiên có những Hội hoạt động rất cầm chừng, nếu không muốn nói là khá èo uột. Sự khác biệt này là do đâu, theo anh?

          - Như tôi đã nói, sự èo uột ở chính đội ngũ hội viên và một số lãnh đạo. Anh cứ có tác phẩm "hoành tráng" là được nể trọng thôi. Đằng này mang danh là văn nghệ sĩ mà chả thấy tác phẩm đâu, chỉ thấy... nhậu và xưng tụng nhau. Tôi đi họp hay nghe lãnh đạo các Hội kêu về việc không được địa phương quan tâm. Tôi lên phát biểu, bảo chúng ta cứ viết cho hay, sáng tác tốt vào là tức khắc người ta quan tâm và nể trọng thôi.
---------------
Bài này in ở Văn Nghệ trẻ số  11, ngày 15/3/2009.

Không có nhận xét nào: