Sáng sớm Phan Đình Minh gọi điện: Bác, thứ 7 em cho cháu ra riêng, ở Sài Gòn, bác rỗi bay xuống với cháu chút nhé...
Thế là con bé Trang đi lấy chồng rồi à, mà vào mãi tận Sài Gòn, vất bố mẹ lại Hà Nội.
Mà bây giờ Minh đã được giã từ cái hộp diêm dựng ngược, dọn về một căn khá khang trang trong một chung cư của bộ Công An. Bé Trang cũng đã ra trường... Nâng như nâng trứng, hứng như hứng... con gái một, giờ lại vò võ hai vợ chồng sồn sồn, mà nhà lại rộng rồng, có khi đi lại đến ba ngày trong nhà không đụng vào nhau ấy chứ...
Bài này nhớ một thời với nhà văn Phan Đình Minh...
Một hôm gần trưa ở khách sạn La Thành, tôi chuẩn bị lên xe của giáo sư Nguyễn Xuân Kính về Thái Bình chơi thì có người gọi. Một gã to cao mặt hiền kính cận bước lại: Anh có phải là Văn Công Hùng. Dạ vâng, tôi đây. Em là Phan Đình Minh, được “lệnh” của anh Sương Nguyệt Minh đi tìm để mời anh trưa nay... nhậu. Bây giờ em chở anh đi luôn. Tôi đành từ chối mà suốt đoạn đường Hà Nội - Thái Bình cứ áy náy mãi. Tôi chưa bao giờ xuống Thái Bình, có chuyến đi này là chúng tôi “gạ” giáo sư Nguyễn Xuân Kính để đi theo ông nên không thể bỏ. Hơn nữa trước khi về, ông Kính đã gọi điện về nhà báo người nhà trưa nay phải tầm bằng được ngọn lang luộc chấm mắm cáy đãi khách Miền Nam . Nhưng không dự cuộc “ngồi” trưa nay ở phòng Sương Nguyệt Minh thì cũng tiếc. Tôi chưa thống kê, nhưng thấy các nhà văn Việt Nam tên Minh hơi nhiều. Này nhé: Sương Nguyệt Minh, Lưu Sơn Minh, Bùi Thanh Minh, Phan Đình Minh... mà toàn những ông tài. Có ông tên không phải Minh nhưng vẫn lấy bút danh là Minh, như Sương Nguyệt Minh chẳng hạn. Rất nhiều gã trai đọc văn xong cứ tơ tưởng một “em” Sương Nguyệt Minh chân dài eo đứng sắc nước hương trời đằm thắm đoan trang nào đó. Té ra đấy là một gã đàn ông rất... đàn ông. Gã tên thật là Sơn, Minh Nguyệt là tên vợ. Rất ít nhà văn yêu vợ mà lấy tên vợ đặt bút danh như gã. Ngoài chuyện yêu vợ một cách công khai và có phần... thách thức thiên hạ, cái tên Minh hẳn có sự phát sáng nào đó nên các cụ thân sinh hay đặt cho các nhà văn tương lai và để ông đại tá nhà văn tên thật là Sơn phải lấy làm bút danh của mình... Vậy nên cái tên Phan Đình Minh găm vào tôi từ ấy, và tôi đi tìm truyện của Phan Đình Minh đọc, từ truyện, tôi biết thêm một Phan Đình Minh tài hoa trong văn, tận tình với bạn bè trong đời... Hơn mười năm trước đây, nhà phê bình chuyên tìm kiếm phát hiện nhà văn trẻ Bùi Việt Thắng đã nhắc đến “cỗ xe tam Minh”: Sương Nguyệt Minh, Lưu Sơn Minh và Phan Đình Minh. Điều anh Bùi Việt Thắng phát hiện là chính xác vì cho đến giờ, cả ba Minh vẫn là những cây bút có danh trên văn đàn.
Học Bách khoa, đang làm ở tổng cục kỹ thuật Bộ Công an, cái sự đắm đuối với văn chương không lạ lắm nhưng cũng không dễ quen với đồng nghiệp trong cơ quan và ngay cả với vợ, cũng là một sĩ quan Công an. Tôi đã chứng kiến một ông anh họ xa của Minh ở đâu Phú Thọ Vĩnh Phú gì đấy, một hôm hấp tấp gọi cho Minh, kể chuyện nhà mình bị các nhà chức việc xã chèn ép: “Chú là công an bộ, chú điện một cú về cho giám đốc công an tỉnh để ông ấy trị mấy “thằng” bố láo ấy một trận”. Minh nổi nóng: “Bác buồn cười, bộ có hàng vạn công an, mỗi người mỗi việc, em chỉ là lính, làm sao mà điện được cho ai? Bác lo mà sống tốt với làng với xã, có gì thì báo cáo với tổ chức”. Ở quê thì quả là cái danh “công an bộ” oai thật, họ có biết đâu, ông “công an bộ” ấy ở trong một căn phòng 11m2 mà Đỗ Tiến Thuỵ, một đàn em đã tả: “Khi đã thân thân, anh rủ tôi đến nhà riêng của anh ở khu tập thể Bộ Công an. Căn phòng có chiều ngang chừng...2m, dọc gần 6m, vừa đủ kê một cái giường đơn và một giá sách ép sát tường. Tôi tò mò hỏi thế anh ăn chỗ nào, ngủ chỗ nào? Anh cười cười dắt tay tôi leo lên một cái thang tre mỏng mảnh bắc vào một cái lỗ vuông nhỏ như lỗ châu mai. Vừa thò đầu lên tôi đã muốn thụt ngay xuống. Cái trần nhà sát mái tôn nóng hầm hập như một lò than, trên đó có một dàn máy tính cổ lỗ và một manh chiếu đơn. Đây là nơi ra đời những tác phẩm văn chương ư? Anh cười nhỏ nhẻ: “Nằm trên này, nóng không ngủ được thì biết làm gì ngoài viết?” Anh ngồi vào máy. Đầu anh đụng mái tôn đánh cộp nên dáng ngồi phải gù xuống. Những ngón tay lướt ào ào trên bàn phím như một trận mưa rào khiến tôi hơi hoảng. Thảo nào truyện ngắn của anh...dài thế! Quanh năm anh viết và ngủ trên cái gác chật thấp ấy. “Chỉ khi nào anh ốm mới được xuống nằm giường, em ạ!”. Nghe anh nói mà thương!”. Năm 2005, con gái đã lớn, chuẩn bị thi vào đại học, nếu cứ ở thế này thì dứt khoát không thể nào cháu học được. Bố viết văn được, nhưng con thì không thể học được trong hoàn cảnh như thế này, thế là Minh đi thuê nhà để ở. Khốn nạn, cái phòng 11m, khuân ra sao mà lắm đồ… giá trị đến thế. Gọi Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng lúc này đang học Nguyễn Du đến chuyển nhà hộ. “Anh làm sao thế, sao lại chuyển nhà vào ban đêm”. Minh ậm ờ, hai thằng thì cứ nhìn đống đồ đạc toàn thứ quý, mà nhiều nhất là sách và bát đĩa! - “ban ngày ban mặt chềnh ềnh một đống đồ như thế này có mà... ngượng chết đi được”. Lòng tự trọng của nhà văn không muốn phơi cái nghèo giữa phố. Nguyễn Thế Hùng vác chồng sách đến chỗ nhà thuê mới, nào là Con Hủi, Phế Đô, Những ngôi sao thành Ê - Ghen, Một nửa đàn ông là đàn bà, 13 bến nước… cả tập truyện “Ra Phố” của Minh toé ra đường, cả ba đứng ngây ra... ngượng.
Chuyện con gái của Minh thi đại học cũng trần ai. Con gái duy nhất (Chắc tại nhà nhỏ quá không dám đẻ nữa), Minh lại chiều con, nâng như nâng trứng, hứng như hứng... con. “Bố phải cho con thi vào cái trường nào viết viết thôi chứ tình trạng này thi Y hay Bách, mày trượt từ vòng gửi xe con ạ”. Con gái Thuỷ Trang của anh yếu tự nhiên, thuê gia sư một thầy, một trò học toán (tất nhiên là hôm nào cũng có bố... học cùng) 2 tháng trời, thi hết lớp 12 toán được 6 điểm. Thế là đang nằm viện, Minh phải bỏ về nhà dạy con các kiểu, nhờ cả các bác phụ đạo thêm. Bác Đỗ Văn Nhâm, Sương Nguyệt Minh, chú Hùng, chú Thuỵ,… thật may cuối cùng thế nào mà con bé cũng đỗ vào khoa biên kịch trường đại học sân khấu điện ảnh. Mọi người chúc mừng, có cả nhà thơ, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát. Cứ khen “con bé này bịa giỏi lắm, mà sao hôm nay mới biết con bố Phan Đình Minh”. Chả là chị Ngát làm chủ khảo vấn đáp cuộc thi (sau này mới biết, chứ biết trước chắc thể nào cũng... nhờ), bù lại, bây giờ cháu cũng làm thơ và đã có thơ in báo ...
Lần thứ hai gặp Phan Đình Minh, đánh đu với nhau đến hai chục ngày, là tại một cái trại sáng tác ở Nha Trang do báo Công an nhân dân tổ chức. Tôi, Phan Đình Minh và Huỳnh Thạch Thảo là ba tên trẻ nhất trại, chuyên rót rượu hầu các bác, từ U70 đến tận U80, những là Văn Phan, Dương Duy Ngữ, Ngôn Vĩnh, Tôn Ái Nhân, Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Quang Hà... Huỳnh Thạch Thảo thì chân trong chân ngoài nửa ngày ở Nha Trang ba ngày ở nhà ngoài Tuy Hoà, nên chỉ còn tôi và Phan Đình Minh là thường trực. Đi nhiều trại nhưng tôi công nhận trại công an là nghiêm nhất, các bác cứ lầm lũi làm, lầm lũi viết, đúng giờ tăm tắp. Sáng đi uống cà phê bên kia đường, chúng tôi cứ băng phứa sang, còn các bác thì vòng đúng xuống đến vạch trắng, sang đường rồi vòng lên, vô cùng đúng luật dù phải “mua” thêm mấy trăm mét đường. Sau chuyến đi thực tế Đăk Lăk về Minh viết một cái truyện ngắn khá ấn tượng, chuyện “Sấu táng”. Nghe kể về địa táng, điểu táng, thuỷ táng, thiên táng... Minh vụt nảy ra cái tứ sấu táng, cái cớ ấy để chuyển tải một mối tình Kinh Thượng trong chiến tranh. Tôi có cung cấp cho Minh một vài chi tiết về phong tục Tây Nguyên và Minh có kể cho tôi cái cốt truyện, nhưng đến khi truyện in ra thì tôi hoàn toàn bất ngờ. Mới và lạ. Đầy dụng công. Câu chữ rất hay. Khắc khoải. Tâm trạng. Ma mị... Cũng ở trại này, Minh kể thêm cho tôi về gia đình. Vì là “công an bộ” nên anh rất có uy tín với làng xóm và gia đình. Ngược lại, vợ chồng anh cũng rất có trách nhiệm. Có không đầy hai chục ngày mà tôi chứng kiến anh điện thoại “chỉ đạo” vợ về làng dự mấy đám việc. Anh chỉ cho vợ cả chỗ... vay tiền để về góp. Khó khăn thế, nhưng mấy năm trước Minh vay tiền ngân hàng xây cho ông bà ở quê cái nhà to nhất xã, ở cho sướng, vì cứ nghĩ vài năm các cụ mất rồi, cả đời lại không biết nhà xây là làm sao. Thế là chơi luôn. Mười mấy nhà văn trẻ gồm Nguyễn Toàn, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Đình Tú... cả nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã phóng xe hơn năm mươi cây số giữa trời mưa về thăm nhà mới. Qua đấy, uy tín của Phan Đình Minh càng cồn lên trong làng. Minh là anh cả của 6 đứa em, tuy là Công an, nhưng anh đã mần đủ các nghề từ bán nước chè đến phong mứt tết, đến in tranh Đông Hồ bán ở chợ, đến cả đi buôn vải thiều... nuôi em, xin việc, để lo dựng vợ gả chồng cho chúng. Đến giờ, ơn trời, anh phủi tay thở nhẹ, cả sáu đứa đều là cán bộ, đều khá hơn... anh...
Lần thứ ba tôi gặp Phan Đình Minh là đận mùa thu vừa rồi ra Hà Nội dự lễ đón huân chương của hội Nhà Văn và hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam . Tôi không báo cho ai nhưng Phan Đình Minh biết. Anh đón tôi, hẹn đi hẹn lại, và cứ lúc nào rỗi là lại điện rồi đón tôi đi chơi, lê la từ vỉa hè Nguyễn Du đến nhà hàng 17 Lý Nam Đế. Anh chăm tôi như chăm trẻ nhỏ. Mà nào đường từ nhà anh đến chỗ tôi ở có gần. Có hai thông tin anh báo cho tôi mà tôi cứ se sắt buồn: Một là chủ nhà đòi tăng tiền nhà, đâu như đang từ triệu rưởi lên hai triệu, và hai là, cái xe máy anh vay mượn mua cho con gái đi học đã bị kẻ gian lấy mất. Anh bảo: Ông giời định khai thác triệt để em đến bao giờ. Thú thực là trước khi biết thông tin này tôi cứ nghĩ Minh rất... giàu. Tôi chứng kiến trong các cuộc ăn nhậu đông hoặc ít người thì anh đều giành trả tiền, trả một cách hào phóng, như một lẽ đương nhiên. Minh thân và quý bạn viết trong Nam , ngoài Bắc như ruột thịt. Đám bạn chơi không ồn ào, lặng lẽ viết và sống và chung thủy, và số bạn bè này hiện nay cũng đang là những cây bút khá có lực trên văn đàn như: Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Một, Thu Trân, Phong Điệp, Huệ Minh, Vân Hạ, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Toàn, Nguyễn Đình Tú... Minh khiêm tốn bảo: “Em viết được gì đó cũng là nhờ các bậc đàn anh thương, quý và dìu dắt. Ai gặp em một lần cũng quý, hình như là cái tạng”. Quả là thế thật, với vỏn vẹn ba lần gặp, tôi và Minh đã như thân thiết tự đời nào.
Thế mà đã có lần Minh... suýt chết. Ấy là có lần anh bị con mèo của nhà cắn. Mào cào mèo cắn mèo hôn mèo liếm thì quá bình thường. Nhưng vấn đề là sau đó mươi hôm con mèo... chết. Thôi rồi. Bạn bè vợ con gia đình nháo nhác cả lên. Người tìm thầy lang, kẻ tìm bác sĩ gia truyền. Một nhà thơ nữ quen viện 103 chở Minh vào với hy vọng “còn nước còn tát”. Tiêm 2 liều kháng huyết thanh một lúc, được 10 ngày thì Minh phải đi công tác Quảng Bình. Theo như ông bác sỹ ở viện 103 thì 10 ngày tiếp lại phải đẩy 2 ống nữa vào người với phương châm “thôi thì cứ làm, còn nước…” ở Vinh, Đồng Hới không có thuốc, phải vào tận Viện vệ sinh dịch tễ Huế mới có loại kháng huyết thanh này. Và ông bác sỹ Viện VSDT ở Huế lại nhìn Minh ái ngại, tay run run bẻ hai ống thuốc… Những ngày tiếp theo đợi cho qua ba tháng mười ngày thật nặng nề… Buồn, không loại trừ cả sợ, nhưng không dám nói ra sợ vợ và con hoảng, anh lại chui lên cái gác xép nóng rực và truyện ngắn “Biển không có dã tràng” ra đời được đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Chắc hồi đó các nhà văn biên tập bên VNQĐ không biết Minh đang chờ…tịch, và đây sẽ là truyện ngắn cuốí cùng của đời văn Phan Đình Minh. Sau này “Biển không có dã tràng” được NXB Thanh niên tuyển vào Truyện ngắn hay năm 2005 và anh cũng lấy làm tên chung cho tập truyện mới xuất bản năm ngoái của mình. Cũng năm ngoái, anh được một cái giải thưởng truyện ngắn ở Văn Nghệ Quân đội. Thì thôi, được “lộc” này thì bớt “lộc” khác, ông giời nhiều khi cũng... có mắt. Có người nói Phan Đình Minh viết như người đào giếng, cặm cụi đào để tìm mạch nước ngon. Hình như đúng, còn Minh thì nghĩ mình như là con vạc bay đêm vậy. Đọc văn Minh thích nhất là anh rất chịu khó tìm những từ đắc địa để đặt nó vào đúng chỗ nên những chữ ấy, từ ấy như được phát sáng, nâng văn cảnh lên rất nhiều, tạo ấn tượng, ám ảnh người đọc.
Nhưng là Công an mà viết văn cũng chả dễ dàng gì. Để đi dự một cái trại sáng tác do chính ngành Công an tổ chức mà phải chạy đến mười mấy chữ ký. Cùng tuổi cùng lứa, người ta đã hàm này hàm kia, còn mình vẫn trung tá. Nhưng nhờ thế mà có một Phan Đình Minh nhà văn...
Pleiku 06/10/07
V.C.H
2 nhận xét:
Hôm trước điện thoại, anh ấy có nói với em là nhắc bác uống vừa vừa thôi đấy, he he!
@ Nguyễn Minh Tuấn:
Tớ cũng hay nhắc nó thế...
Đăng nhận xét