Tiếp tục mạch văn hóa Tây nguyên, mời quý vị tham gia một cuộc vừa là chơi vừa là lễ của người Tây Nguyên: Lễ Pơ thi. Cái độc đáo của Pơ thi, cái còn lại của Pơ thi là một công trình rất tài hoa của những người Tây nguyên mù chữ: tượng mồ. Người ta đã từng định phục dựng một cái lễ như thế trên phố, tôi thì cho rằng, không phục dựng được...
Trong đời một con người Tây Nguyên, từ lúc sinh ra cho đến khi về cõi A Tâu, luôn luôn gắn bó mật thiết với tiếng chiêng, hay nói cách khác, chiêng dìu con người đi trong hành trình từ sinh đến tử của mình.
Pơ thi là một lễ hội lớn của người Tây Nguyên. Nó không chỉ đơn thuần là việc chấm dứt sự sống của một con người cụ thể. Nó là ân nghĩa, là văn hóa, là cách người sống tri ân người quá cố, gửi gắm tâm tình vào người quá cố, biểu hiện sự thủy chung giữa con người với con người, níu kéo kỷ niệm, thời gian, đầy tính nhân văn trong hành vi ứng xử tốt đẹp của con người...
Và vì thế mà người chết nhưng chưa phải chết. Chết mới chỉ là sang một cõi tạm, như một sự nghỉ ngơi sau những tháng ngày bon chen chật vật trên cõi đời này, thanh thản và vô lo. Và vì thế mà người sống phải chia của cho người chết. Chia rất công bằng và chi li. Ngoài thông thường là gùi, bầu, chiêng, quần áo... chúng tôi còn chứng kiến có cả những chiếc xe đạp, tivi, radio... Tất cả được làm hỏng, đục thủng đi để phân biệt. Và vì thế mà hàng ngày người sống vẫn mang cơm ra bón cho người chết qua một cái lỗ thông hơi khi chôn người ta cố tình để lại. Bón cơm và tâm sự với người chết, kể hết với người chết những gì xảy ra trong ngày, tâm sự và sẻ chia, giãi bày và an ủi...
Cứ thế vài ba năm thì mới pơ thi. Lễ bỏ mả, người Kinh gọi nôm na thế. Nó không chỉ là bỏ mả, nó là một lễ hội rất lớn, rất quan trọng, rất ý nghĩa và rất công phu hoành tráng... và vẫn còn phía sau đấy những nỗi niềm, những điều quyến luyến, những ân nghĩa không thể rạch ròi ly biệt... và vì thế mà có tượng mồ.
Đã rất nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ danh tiếng đầu tư tìm hiểu tượng mồ, mà trong đó giáo sư Từ Chi và TS Ngô Văn Doanh là hai người để tâm khá nhiều. Thì ra tượng mồ nó không chỉ là... tượng mồ, là khúc gỗ được nghệ nhân dân gian chỉ dùng rựa và rìu, không dùng thứ nào khác, "đẽo đi những chỗ thừa", mà nó còn là một thế giới tâm linh đầy bí ẩn, chứa trong đấy nhiều điều mà những người hiện đại hôm nay chưa giải mã được. Và bởi thế mà các nhà điêu khắc hôm nay học hành bài bản, phương tiện hiện đại, mà vẫn nghiêng mình trước tượng mồ do những nghệ nhân dân gian mù chữ và chả được đi đâu xa học hỏi, làm ra. Tượng mồ sẽ thay người sống đi với người chết, mãi mãi, lúc này mới chính thức là mãi mãi, vào thế giới của A Tâu, của cõi Mang lung, cõi ma. Thế nên nó mang toàn bộ tâm tư tình cảm, toàn bộ nỗi nhớ thương, toàn bộ khắc khoải đau buồn, toàn bộ những gì mà lúc sống người sống và người chết chưa nói được với nhau...
Thế nên không phải ai cũng đẽo được tượng mồ, dẫu đấy là người thân nhất của người quá cố. Người ta đồn rằng, người đẽo tượng nhà mồ phải do Yang chọn, được Yang nhập vào trao sứ mệnh, và cũng không phải lúc nào cũng có thể đẽo được. Thường thì công việc được bắt đầu từ trước đấy chừng nửa năm. Những chàng trai khỏe mạnh được cử vào rừng sâu chọn gỗ, hạ rồi đưa về. Nghệ nhân đẽo tượng mồ đợi lúc thăng hoa nhất, xuất thần nhất khai rìu. Những nét vạc thô, phẳng, mộc mạc nhưng lên hết cái hồn cái cốt của pho tượng, có thể nói mọi trạng huống cảm xúc đều được biểu đạt ra pho tượng, nó sống động đến kỳ lạ, khiến những người yếu bóng vía, nếu trong một chạng vạng chiều nào đó, lọt vào khu nhà mồ, sẽ có cảm tưởng như đấy là một thế giới đang tồn sinh. Ban đầu chỉ là những người đàn bà ôm mặt khóc, những người đàn ông đánh chiêng, trống, cảnh giao hoan, những bộ phận sinh dục... sau này có thêm những con chim, con khỉ... tất cả ngời ngợi sống, ngời ngợi phô diễn các tư thế hồn nhiên nhất, sinh động nhất, khiến ta cảm giác như những pho tượng đang sống. Bây giờ, "theo gương" các nhà sản xuất hàng mã người Kinh, tượng mồ cũng đã có cả máy bay, xe tăng, ô tô, tivi, tủ lạnh...
Bao giờ tượng mồ đứng đủ bốn mặt nhà mồ thì lễ pơ thi bắt đầu.
Ngày xưa nó đã từng kéo dài hàng tháng, tiêu tốn hàng trăm con bò, hàng ngàn ghè rượu, ăn và uống, múa và chiêng, say và nghỉ, tình tứ và thiêng liêng, khuôn phép và xao động... nó là lễ hội của cả vùng chứ không chỉ của một nhà, một làng. Ngày xưa đồng bào chôn chung, nên bỏ một mả là bỏ nhiều người. Càng nhiều người thì pơ thi càng to. Người ta vui vì sau một thời gian cõi tạm, hôm nay chính thức người chết về cõi Yang. Thời gian đủ để nỗi đau buồn lênh loang phai nhạt, hôm nay là ngày người sống vui với người sống. Thêm nữa đồng bào thường sống biệt lập trong rừng, đây là dịp để các làng giao lưu, nhất là thanh niên. Tiết mục đọ chiêng xuất phát từ đây. Thường thì gia chủ chỉ chuẩn bị "phần cứng", còn rượu và chiêng, và các nghệ nhân chiêng- những chàng trai đẹp nhất, bụng thon ngực nở, cùng đội xoang là những cô gái đẹp và khéo nhất làng, sẽ là "đại sứ" của làng mình đi giao lưu. Và những dư vị tình yêu sẽ nảy nở từ đây, những đầu mày cuối mắt sẽ lưu luyến từ đây, dù theo quy ước mẫu hệ, các cô gái có trách nhiệm "bắt" các chàng trai làm chồng. Sự sống bắt nguồn từ nơi cái chết được tiễn đưa, tình yêu nảy nở nơi cuối cùng của sự sống, tôi liên tưởng đến một ứng xử luân hồi đầy duy vật trong cái lễ trọng này... Trong các bài bản chiêng A Tâu, tức chiêng đám ma, có một tiết mục đọ chiêng. Hai đội chiêng của hai làng, trong một lúc cao hứng, sẽ tổ chức đọ chiêng. Tiết mục này rất hấp dẫn, nó lôi cuốn hàng trăm người vào cuộc, đam mê, tình tứ và hồi hộp. Cũng như thế, những nghệ nhân chiêng tài hoa có thể nói chuyện bằng chiêng. Tất nhiên không phải ai cũng hiểu chàng trai đẹp, khỏe mạnh, đang thả hồn vào tiếng chiêng đắm đuối kia nói gì, nhất là kẻ ấy lại người trần mắt thịt như tôi, nhưng chắc chắn cô gái trong đội xoang làng bên, áo ló vai trần khoe hết các đường cong khối tròn, bắp chân kín hở sau làn váy quấn nhún nhẩy, mắt lúng liếng tươi mơn, má căng đỏ vì hơi rượu, vì tiếng chiêng, vì lửa và vì nhiều thứ nữa, thì chắc chắn là hiểu...
Chiêng trong lễ pơ thi không hẳn là chiêng buồn. Nếu trong lễ pơ thi lớn, có khi cùng lúc hàng chục vòng chiêng xuất hiện. Mỗi đội chiêng lại kèm một tốp xoang. Cứ thế hàng chục vòng chiêng- xoang tạo thành những vòng tròn trên bãi cỏ như những cánh hoa uyển chuyển, tình tứ, lãng mạn và thăng hoa. Người già ngồi ngậm tẩu ôm ghè, lơ mơ nhớ lại thời trẻ trai hoành tráng của mình. Sau mỗi mùa pơ thi, đất đai như tươi tốt hơn, cây trái như xum xuê hơn, con người như lột xác, vạn vật xanh tươi nẩy chồi...
Trong Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai 2009 dự định sẽ có một cái lễ pơ thi được phục dựng. Của đáng tội, nếu không phục dựng thì làm sao mà du khách được thấy, mà có thể tuyên truyền quảng bá, ngay những người đang sống tại các thành phố Tây Nguyên, mấy người đã được thấy, được dự pơ thi. Mà phục dựng, thì yếu tố tâm linh có phục dựng được không nhỉ? Cũng như thế, sẽ có một cuộc thi đẽo tượng nhà mồ. Chắc chắn sẽ có những tượng nhà mồ được hoàn thành, nhưng cái hồn cái cốt, cái yếu tố tâm hồn, cái khoảnh khắc linh thiêng trong mỗi bức tượng có thể hiện được không?...
V.C.H
6 nhận xét:
Pơ-thi, không phải là bỏ mả. Không phải là lễ, cũng không là hội theo cách của ta. Pơ-thi là...Pơ-thi, thế thôi.
Đó là một hoạt động không thường kỳ. Một hôm nào đó người thân thích với người đã đi xa nhớ tới nỗi nằm mơ thấy "mả xin ăn" thì họ đề nghị già làng. Già làng sẽ bàn nên làm lúc nào, làm thế nào,...và người nhà sẽ đi thăm bà con ở các làng khác và thông báo.
Các nội dung có nơi này nơi khác không hẳn giống nhau, nhưng phần phong tục thì vẫn giữ như cũ, ít sai lệch.
Có ai đó tìm hiểu ý nghĩa nhân văn của Pơ-thi, quả là khó vì có nhiều lớp nghĩa quá, đậm đặc quá, quyện chặt quá,...
Chắc rằng sẽ có những nhà nghiên cứu khoa học của chính họ nêu ra, lúc ấy ta sẽ tha hồ nhấm nháp.
"Cũng là một thứ... tượng" ---> bác kiếm ở đâu ra cái tượng xấu ình :))
@ Trần Phan:
Nhưng lại do một cháu xinh đẹp chụp, làm gì nhau.
Em lặn lội Tây Nguyên cũng nhiều, sâu có cạn có, bác sĩ xích lô, thụt ra thụt vào. Trong những lúc khề khà, em nghe một tục rất lạ trong lễ tiễn người chết về với cõi vô ưu, đó là "lễ chia miệng". Đại khái đó là lễ đặt cơm lên miệng người đã khuất rồi chia đều cho tất cả mọi người...
Em nghi ngờ tính chân thực của nó. Nếu được, bác giúp em một số thông tin hoặc chơi luôn cái en tờ rai cho nó quành tá tràng.
Vụ này mình có nghe nhưng chưa chứng kiến, còn chuyện đút cơm cho người chết ăn hàng ngày thì là chuyện đương nhiên. Món chia cơm chưa chnwgs kiến nên nỏ dám nói, bị vả gẫy răng ngay.
Khà khà, cảm ơn bác. Em cứ canh cánh mãi cái "lễ chia miệng" ấy. Còn chuyện đút cơm cho người chết ăn em thấy rồi nên không hỏi nữa :))
Đăng nhận xét