Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

MA THUẬT TUẤN

Theo mạch, hôm nay xin trình mọi người bài tôi viết về tập Ma Thuật Ngón của Trần Tuấn. Đây là một trong ít người trẻ làm thơ mà tôi nể nhất hiện nay. Tập này đã được trao giải thưởng Bách Việt, một giải thưởng tư nhân có uy tín với trị giá giải 30 triệu năm 2009.
------------

Thơ Tuấn là thơ về những cái không nhìn thấy, những điều không nhìn thấy, những di chuyển vô hình, và vì không nhìn thấy nên phải liên tưởng, phải tưởng tượng, cả người làm thơ và người đọc. Vì thế thơ Tuấn là thơ của những cú rướn, những cú rướn khốn khổ nhọc nhằn mà sung sướng, khoái lạc.




MA THUẬT TUẤN (1)

         
Nhiều người đang kêu chúng ta lạm phát thơ, ở cả hai nghĩa, một là đông nhà thơ quá và hai là ít người đọc thơ quá. Nhưng theo tôi thì không phải thế. Theo dõi trên mạng thì những người lặng lẽ yêu thơ khá nhiều và nhiều người lặng lẽ làm thơ rất hay. Một tập thơ hiện nay được in khoảng nghìn bản là hoành tráng lắm rồi, chứ trung bình chỉ in ba trăm đến năm trăm cuốn, nhưng những bài thơ post lên mạng, có vài ba ngàn lượt người đọc là bình thường và cái sự thống kê số lượng này nó chính xác bởi nó là... máy tính tính.  Một trong những người yêu thơ, say thơ, mê thơ, cuồng thơ, ngộ thơ nhất Việt Nam hiện nay mà tôi được biết là Trần Tuấn. Chơi với Tuấn đã lâu dù kẻ dưới biển người trên ngàn, thấy anh viết báo rất hay, cứ nghĩ anh toàn tâm toàn ý tự mãn tự kiêu tự hào với báo, và giễu thơ như mấy anh bạn tôi đã từng làm thơ từ thời sinh viên nhưng không thành bỏ đi làm báo, bây giờ thành danh, (và cả... lợi) quay lại dè bỉu thơ. Nhưng đến một hôm ngồi nhậu với nhau lâu lâu, thấy anh chỉ lảm nhảm với thơ thì tôi hoảng. Thì ra bên trong con người trông rất hào hoa này là một trái tim đau đáu, vật vã với thơ. Làm ở nhật báo Tiền Phong, áp lực bài vở nhiều, lại còn trực biên tập bài vở của miền Trung tại Ban đại diện nơi anh thường trú, nhưng hôm ấy anh khai thật: một ngày em bỏ ra ba tiếng cho báo, vài tiếng cho vợ con, còn lại là... thơ.
          Anh kể, thường thì phải đợi tới gần nửa đêm, khi vợ và... 3 đứa nhóc ngủ hẳn, mới dám lôi sách ra đọc. Và không thể thiếu một ly càphê vào lúc ấy. Có vậy mới dễ ngủ, bởi thần kinh đã bị "lệch pha" mất rồi ! Rồi quăng sách đi lòng vòng như ... ma ngoài sân. Rồi lại đọc. Lại đi ... có khi tới sáng. Thời gian dài bị những cơn mộng du ấy hành hạ. Để rồi vào buổi sáng, thấy bên cạnh mình là trang giấy nguệch ngoạc, mà chỉ riêng mình "dịch" ra được, đó là ... thơ!.
          Rất nhiều câu thơ đã mò mẫm ra đời như thế, phải vì thế chăng mà nó mụ mị: "Dép đi vào đêm/ Chân ở lại thềm" (Dép đi vào đêm) hoặc như: "Kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro/ lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa" (Ma thuật ngón) Hồi Huế tổ chức Festival có một cái festival thơ con con lồng trong ấy, Tuấn nhảy xe từ Đà Nẵng ra, chỉ để nhậu một trận với bạn thơ Huế, sau đó đọc một chùm thơ ở cái nhà lục giác bên bờ sông Hương trước khoảng trăm cử tọa người đứng người ngồi người đi người đến, rồi an tâm về Đà Nẵng chứ không dự không xem một tí hoạt động festival nào. Cái chi tiết này nó trùng với một nhà thơ cũng trùng tên anh. Nguyên là ở Biên Hòa cũng có một người làm thơ tên Trần Ngọc Tuấn. Anh này làm kế toán cho đến hai công ty nước ngoài, nghe nói lương cực cao trả bằng ngoại tệ, nhưng mỗi ngày cũng chỉ dành cho mỗi công ty... 3 tiếng đồng hồ, còn lại là cho thơ. Ngồi với anh chỉ có chuyện thơ thôi, ai nói lảng là bị quát ngay, nói xấu thơ xúc phạm thơ là coi chừng ăn... đấm ngay. Nghe Quảng Ninh tổ chức ngày thơ, anh dối vợ, dối cơ quan bay ra Hà Nội rồi bắt tắc xi lao xuống Hạ Long, vừa kịp đêm thơ bắt đầu. Anh đăng ký đọc một bài, và mỗi người cũng chỉ được một bài vì ngoài thơ Quảng Ninh, các nhà thơ danh tiếng từ Hà Nội về đông lắm, mà đã về thì ai cũng muốn đọc. Đến lượt anh lên, giọng Quảng khê nồng: tôi từ Biên Hòa ra nên tôi xin được ưu tiên đọc... ba bài, xong rồi tôi xin phép quay lại Hà Nội ngay để bay chuyến khuya vào Sài Gòn và về với vợ trong đêm, mong được... vỗ tay. Tất nhiên là vỗ tay. Và đọc xong anh lên tắc xi về Nội Bài ngay bay về Sài Gòn, rồi lại tắc xi về Biên Hòa, vợ lại tưởng anh giống như mọi ngày, đi làm rồi nhậu nên về muộn. Vân vi thế để nói rằng, vì cái anh Trần Ngọc Tuấn này mà Trần Ngọc Tuấn "Ma thuật ngón" tự đổi tên mình thành Trần Tuấn để khỏi đụng chạm.


          Trên tay tôi bây giờ là tập "Ma thuật ngón" của Tuấn. Cuốn này cùng cuốn "Đêm và những  khúc rời  của  Vũ" của Lê Vĩnh Tài là hai trong năm cuốn  vượt  qua gần  300 bản  thảo  được Bách Việt chọn in để rồi dự thi cái giải thưởng được mệnh danh là xã hội hóa này với một giải duy nhất trị giá 30 triệu đồng. Thì tôi thấy ở bìa gấp viết thế thì biết thế chứ tôi không rành lắm cái món giải thưởng này. Tôi sắp xếp thời gian đọc "Ma thuật ngón". Thú thực thông thường thì chỉ một buổi, thậm chí là một tiếng có thể đọc xong tập thơ, nhưng với cuốn này, tôi đọc một ngày một... bài. Đăng đẵng hơn một tháng trời tôi mới đọc xong một lượt tập thơ.
          Và ngộp thở.
          Ma mị.
          Cứ như mình vừa từ dưới lò lên.
          Ám ảnh đến tận cùng.
          Mỗi chữ cứ như chuốt từ những đặc quánh đêm, đặc quánh những ý nghĩ mông muội, thảng thốt và vô hình.
          Những ý nghĩ vô hình và những con chữ vô hình.
          Thơ tôi khác hoàn toàn với thơ Trần Tuấn, nhưng lạ lắm, tôi lại thấy thích khi đọc Tuấn, thậm chí thấy quen quen.
          Nhớ ngày xưa, lâu lâu rồi, đọc một chùm của Tuấn trên Văn Nghệ, có hai bài "Phù Lãng" lạ vô cùng: "Cái miệng chảy lên đôi mắt/ Đôi mắt thắt thành lỗ tai/ Lỗ tai gài sang rẻo trán/ Rẻo trán dán xuống hai môi/- Đôi mắt há ra kinh ngạc/ Lỗ tai thốt ánh nhìn câm/ Rẻo trán dóng nghe cảnh giác/ Hai môi toan tính ngấm ngầm...", bây giờ đọc cả tập, thấy định hình một phong cách Trần Tuấn: "lanh canh tiếng ly muỗng đi trên con đường đêm/ chiếc xe đẩy người bán cà phê đêm về nhà lúc gần sáng/ nhà đâu trong đầu người đẩy xe mơ ngủ/ có dăm giấc mơ dừng lại ngồi bên.../ lanh canh ly muỗng/ theo sau là tiếng chổi của người phu đường/ cơn mơ nào sống sót của tôi/ khi người đẩy mãi chiếc xe cà phê đêm vào cái đầu mất ngủ" (Giấc mơ sống sót).
          Thơ Tuấn là một mảng cô đơn kết lại trong những mảng rực rỡ của tâm hồn. Anh biết cách nuôi dưỡng và níu giữ sự cô đơn, đẩy nó tới tận cùng để thơ thăng hoa từ đó, và sự cô đơn ấy chia sẻ được lòng ta: "nghiêng sông rạch bút/ Vĩ Dạ Đạt Ma/ phùn mưa ứa khóe/ vách lụt bóng lòa/  Vĩ Dạ Đạt Ma/ quạt lửa mẹ già/ cơi trầu mộ trắng/ sưởi mãi trăng xa/  Vĩ Dạ Đạt Ma/ câu thơ ngồi lặng/ cau hóa bồ đề/  kìa kìa cỏ trắng/ khâu vào thịt da" (Vĩ Dạ Đạt Ma). Những câu thơ như rạch vào nỗi đau, nhẹ nhàng mà êm thắm nhưng cứ day dứt mãi: "thả một ly xuống chân thành quách/ rượu Cỏ cú/ biến sắc/ mặt/ thời gian/ ngái đau men dại/ cỏ buộc chiêm bao.../ sao tôi không tin thời gian mà chỉ tin cỏ cú..." (Cỏ Cú). Cái ý nghĩa của cuộc đời trong thơ Tuấn nó quằn quại sinh nở, quằn quại tồn sinh, quằn quại mưng mở... để rồi tiếng người cất lên: "người đang bước ra bên ngoài ánh sáng/ bên ngoài thân thể người/ bên ngoài ý nghĩ người" (Đỉnh rỗng)
          Thơ Tuấn là thơ về những cái không nhìn thấy, những điều không nhìn thấy, những di chuyển vô hình, và vì không nhìn thấy nên phải liên tưởng, phải tưởng tượng, cả người làm thơ và người đọc. Vì thế thơ Tuấn là thơ của những cú rướn, những cú rướn khốn khổ nhọc nhằn mà sung sướng, khoái lạc. Tôi yêu những cú rướn ấy: "...từng ngôi nhà ngạt thở từng ngón tay ngạt thở từng cái nhìn ngạt thở từng chiếc lưỡi ngạt thở trì bám bấu víu như tầm gửi cắm cái rễ ngạt thở quấn cái rễ ngạt thở trên đỉnh rỗng/  thân thể tôi" (Đỉnh  rỗng), và tôi cũng... mệt vì những cú rướn ấy. Mệt nên tập thơ có 120 trang khổ 12x20 mà tôi phải đọc hơn một tháng, mỗi ngày một bài, đọc như mộng mị, đọc trong mộng mị, đọc xong càng mộng mị. Những nỗi khắc khoải chữ, khắc khoải câu, khắc khoải tứ, hình ảnh cũng khắc khoải, xuống dòng cũng khắc khoải, đến cái dấu chấm cũng tần ngần khắc khoải thì quả là anh đã lặn vào trong cái thế giới ảo huyền dọc ngang rậm rịt của bản thể thơ của anh. Đọc "Ma thuật ngón" ta không thể đọc nhanh vì chính sự quàng quỵt của cái thế giới ngang dọc anh dệt trong ấy. Thế giới thơ ấy là một thế giới thanh sạch thuần khiết với những trong veo khát vọng, tuy thế, dò dẫm trong ấy rất dễ bị lạc bởi những con đường vô hình ngang dọc. Tôi đồng tình với ý kiến của nhà thơ Phùng Tấn Đông, một trong mấy thành viên thẩm định của Bách Việt, rằng là có lúc có nơi tác giả làm người đọc mệt mỏi khi sa đà vào "triết luận"- tạm liên tưởng đến chữ nhà Phật gọi là "cơ tâm", rằng có lòng trung thành nhưng hơi "trình diễn"...

                       Ảnh này một người bạn chụp bằng điện thoại di động tại một nhà hàng Đà Nẵng

          Thơ Tuấn còn là những ngất ngây ảo ảnh. Anh lục tung những giấc mơ, hoặc những cái gì tựa như giấc mơ, bởi những điều anh chiêm nghiệm mổ xẻ nó vừa tận cùng tiềm thức, vừa thẳm sâu ký ức lại lồ lộ hiện hữu. Những giấc mơ vì thế, lại càng hoang mang, và cái đích của nó là những hiện- thực- rã- rời, tức là những mảnh hiện thực, mảnh ký ức, mảnh hình ảnh, mảnh chữ, mảnh tư duy... như một ma trận siêu thực trong một tổng thể tâm thế người thơ thoắt ẩn thoắt hiện, làm nên một lãng đãng ý thức của Tuấn trong những kết hợp dư ảnh thơ thành một ma thuật mà anh đặt là "Ma thuật ngón" còn tôi gọi là Ma thuật Tuấn...
          Thơ đọc xong mà bị ám ảnh, bị dứt không ra, cứ lâng lâng vẩn vơ nửa say nửa tỉnh thì là thơ ấy đã đạt đến độ "xuyên thấm". Tôi đã bị "Ma thuật ngón" xuyên thấm, bị Trần Tuấn xuyên thấm. Cậu bạn cùng khoa Văn trường Đại học Tổng hợp đáng yêu hào hoa của tôi, bản thân cậu cũng đang bị thơ xuyên thấm, một sự xuyên thấm ngọt ngào dẫu có vẻ ngu ngơ giữa thời buổi bão lốc thị trường. Và điều ấy làm ta thêm yêu hơn cuộc đời này, tin hơn vào con người, tin vào thơ...
          

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

CÔ ĐƠN CÔ ĐỘC
tặng Ph.X.Ng.



treo ánh mắt cô đơn

trên cái nhìn cô độc



anh có thấy

một người ngồi kiết già

giữa đám bụi đang di chuyển hỗn loạn

hạt bụi cô đơn với hạt bụi

ngón chân cô độc với bàn chân



anh có thấy

một người ngồi đọc sách

con chữ cô đơn với hàng chữ

ánh sáng cô độc với ngọn đèn



anh có thấy

biển đang hành hương về sa mạc

nước cô đơn trong giọt nước

muối cô độc với đại dương



một xó nhỏ góc nhỏ

bức tường gió xếp lại như tấm rèm

con nhện giăng trên mi mắt ngủ

đưa tay xua

mơ hồ

như làm dấu thánh


9.2.2011
Trần Tuấn

Nặc danh nói...

Nhung dong tho cua ngay Tan The.

Nặc danh nói...

Nhung bai tho ve ngay Tan The !

me2bong nói...

Cô đơn và tuyệt vọng. Nếu nhốt ai đó một mình trong một căn phòng kín mít, bắt đọc thơ anh Tuấn, chắc tìm cách tự tử mất. Giống hệt cái cảm giác như nghe mãi, nghe duy nhất nhạc Trịnh vậy.

Văn Công Hùng nói...

@ Các đồng chí Nặc Danh:
--------
Không dễ tận thế đâu, nhưng có cái cảm giác ấy cũng thú bạn ạ.

Văn Công Hùng nói...

@ Mẹ2bống:
-------
Hìhì, em phát minh ra một cách tự tử mới, nhẹ nhàng và êm ái. Nhưng tác giả nó lại không muốn... tự tử.