Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

SẼ RA SAO, VĂN HÓA TÂY NGUYÊN?

Tôi nhớ, năm nào đó, nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã phê phán rất gay gắt một khu tái định cư ở Kon Tum khi ông lên thăm và thấy nó đều nhau tăm tắp, giống nhau chằn chặn, vô cảm và vô hồn. Còn đâu những cái làng với phập phồng đời sống dân dã mà vô cùng thâm hậu, những ngôi làng ngập tràn ký ức, thấm đẫm tâm linh với bề dầy truyền thống. Những ngôi làng truyền đời luỹ tre rặng duối, mái đình cây đa, giếng nước cầu ao, những ngôi làng với mái tranh đạt đến tầm cổ điển: Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương (thơ Trần Đăng Khoa).
      Cũng cách đây mấy năm, khi hoạ sĩ  Xu Man mất hồi 2 giờ sáng ngày 29 tết, ban đầu định chôn vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày vì tết đã cận kề. Nhưng dân làng đã yêu cầu để ông ở lại thêm một đêm để dân làng đánh chiêng tiễn ông. Và đêm ấy, ông đã thanh thản nằm giữa vây quanh tiếng chiêng và những tiếng hờ: ơi Yong?
      Tám mươi hai năm trước, ông cũng được đánh chiêng để đón sự ra đời của mình tại chính ngôi làng (Plei) Bông này. Chiêng khép kín vòng đời con người Tây Nguyên như thế đấy. ..
      Tôi mở đầu bài viết này từ sự kiện họa sĩ Xu Man, và muốn nhấn mạnh thêm rằng: Hoạ sĩ Xu Man đã có hàng chục năm học ở Hà Nội, trên chục năm ở thành phố Pleiku và hai lần xuất ngoại sang Liên Xô (cũ) và Đức. Tức là ông đã nếm đủ mọi thứ văn minh đô thị, nhưng về già, ông cương quyết về làng, để rồi thanh thản ra đi giữa tiếng chiêng đầm ấm thân thương của dân làng.
      Không ai phủ nhận sự mê hoặc của ánh sáng đô thị, của văn minh tiện nghi vật chất, của thế giới hiện đại diệu ảo nhấp nháy mời gọi... Nhưng sống với nó rồi, mới thấy thèm một ngọn nồm nam hây hẩy, thèm một hương lúa non, thèm một cánh chim chấp chới... Cái khát thèm vật chất hiện đại là có thật và có lý. Nhưng cái bồi hồi nhớ thương làng quê truyền thống là cũng hiện hữu và không hề vô lý. Vậy giải thích như thế nào về cái sự tưởng như vô lý ấy?
      Tôi mới nhận được một cái thư của một bạn đọc xưng cháu có vẻ rất thông minh và rất tâm huyết với văn hoá dân tộc gửi qua Email. Cháu hỏi rằng, sẽ ra sao, cái ngày mai của văn hoá Tây Nguyên ấy, khi mà bây giờ cháu thấy chính người Tây Nguyên cũng... không mặn mà với chính văn hoá truyền thống của họ. Tôi đã trả lời cháu rằng, cháu rất có lý, nhưng văn hoá cũng có quy luật của nó. Nó đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, song hành cùng đời sống thăng trầm của con người. Cùng mồ hôi và máu của hàng triệu người. Cùng số phận của bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu đế chế... vì thế, nó không dễ gì bị triệt tiêu. Có chăng, nó chỉ thích nghi để phù hợp hoàn cảnh. Tuy thế, cũng có 2 trường hợp khiến văn hoá truyền thống chuyển dịch, thậm chí là tan biến. Một là bản thân nền văn hoá ấy không đủ sức để tự vệ. Lịch sử đã có rất nhiều minh chứng về việc này. Và hai là chính sự khiên cưỡng, hiểu không thấu đáo, thậm chí hiểu sai, áp đặt, của một số người thừa hành. Điều này rất nguy hiểm khi mà nền dân chủ ở nông thôn của chúng ta chưa được thật sự... dân chủ.
      Tôi nhớ, năm nào đó nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã phê phán rất gay gắt một khu tái định cư ở Kon Tum khi ông lên thăm và thấy nó đều nhau tăm tắp, giống nhau chằn chặn, vô cảm và vô hồn. Còn đâu những cái làng với phập phồng đời sống dân dã mà vô cùng thâm hậu, những ngôi làng ngập tràn ký ức, thấm đẫm tâm linh với bề dầy truyền thống. Những ngôi làng truyền đời luỹ tre rặng duối, mái đình cây đa, giếng nước cầu ao, những ngôi làng với mái tranh đạt đến tầm cổ điển: Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương (thơ Trần Đăng Khoa).
      Tây Nguyên đang chuyển dịch trong dòng chảy đương đại. Không thể khác và không được phép khác. Sự mất mát là điều tất nhiên. Vấn đề là những sự đánh đổi ấy diễn ra như thế nào? Bao nhiêu năm chúng ta đã báo động “chảy máu cồng chiêng”, cồng chiêng bị bán đồng nát, mang làm kẻng, và tôi trong một chuyến điền dã còn thấy cả chiêng được dùng làm máng heo?  Trong khi ở Kon Tum, từ sau nghị quyết bảo tồn nhà rông truyền thống do ông bí thư Tỉnh uỷ thời ấy Sô Lây Tăng ký thì sự bảo tồn và khôi phục nhà rông truyền thống đã diễn ra rất trật tự và hợp quy luật, rất được nhân dân đồng tình. Ở Tây Nguyên hiện có rất nhiều nhà rông “hoành tráng” mà giá trị sử dụng không cao, thậm chí là không có. Đấy là do ý chí của một nhóm người đã đi ngược quy luật, biến những cái “Nhà rông văn hoá” nghênh ngang ở trụ sở xã thành... vô chủ, trong khi ở làng thì không có. Những cái nhà rông loại này chỉ được mỗi chức năng giải quyết khâu oai”. Tất nhiên “khâu oai” nhiều khi cũng rất cần trong đời sống. Oai đúng chỗ, oai hợp lý thì nó là thực tế, còn không, nó là oai kệch cỡm.
      Những bông dã quỳ đang vào hồi cuối mùa. Vốn dĩ nó mọc ngập tràn Tây Nguyên. Trải bao nhiêu năm khai hoang trồng cây, trồng lương thực, rồi sau đó phát triển phố xá, dã quỳ chỉ còn loi thoi nở ở những ô đất trống đầu thừa đuôi thẹo, những bờ rào. Nhưng bây giờ nó là... đặc sản. Thành phố Đà Lạt lấy dã quỳ làm biểu trưng cho thành phố mình, đang có kế hoạch để bảo tồn quỳ. Vậy thì chưa chắc những gì mất đi đã là mất hết. Vấn đề là chúng ta “báo động” đúng chỗ, ra tay đúng lúc, có kế hoạch, chính sách phù hợp thực tế và phù hợp quy luật...
      Nhưng mà nói thế thôi, cuộc sống muôn hình vạn trạng, biến hoá khôn lường. Các cụ ta xưa có câu “thiên cơ bất khả lậu”. Làm gì có cái gì lại có thể thẳng băng như kẻ chỉ, lại có thể mãi mãi xanh như cỏ mùa xuân. “Không thể” và “có thể” luôn song hành trong đời sống. Chính điều ấy làm cho đời sống chúng ta phong phú hơn, và những ngày ta sống, những giờ ta tồn tại mới càng ý nghĩa hơn, bởi chính những vật vã, giằng xé, những lo toan vất vả mình đã trải qua đã chứng minh sự tồn tại không vô nghĩa của mình...

2 nhận xét:

Đ N Sinh nói...

Mình đang ở Tây nguyên, bên rìa của những gân đồi rễ núi. Khuya rồi lại thấy VCH lên bài mới, mình cũng đồng cảm về nỗi lo này.
Ta lo sẽ ra sao cái mà ta nhận thức được về văn hóa bản địa. Nhưng rồi sẽ không sao cả, dù rằng mọi nỗ lực lai tạo hay mọi âm mưu tàn độc để triệt sản sẽ ngày càng bị bộc lộ bởi nhân dân.
Bà con vừa kế thừa, vừa sáng tạo, thì bà con cũng sẵn sàng thích nghi để chứng minh cái giả hình vừa trải qua là khôi hài.
Đã có những văn bản cấm rẫy mà không hiểu được tính chất đa canh trong đó gắn với nguồn cơn bây giờ.
Cũng có những chủ trương nuôi lâm tặc và nhân danh nọ kia phá rừng hàng loạt trồng cao su.
Mười năm hay lâu hơn nữa, ta sẽ thấy đất chết, sự phàt triển văn hóa cũng sẽ mất bình tĩnh theo sau.

Văn Công Hùng nói...

@ Bác Đoàn Nam Sinh:
Hôm nay thì nhân dân đang oằn mình chống đỡ với bão giá rồi nên chắc nhân dân sẽ lơ đi những sứt mẻ văn hoá. Điện lên, xăng dầu lên, mọi thứ lên, trừ lương không lên thì văn hoá ơi, cứ còn là lộn tùng phèo nhé, cứ còn là chụp giật nhé.