Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

NGHỊCH LÝ NHỮNG NGÔI NHÀ RÔNG VĂN HOÁ

Nói đến Tây Nguyên người ta hay nhắc đến nhà rông, và quả thật là bây giờ rất hay gặp những nhà rông có giá hàng năm bảy trăm triệu đồng hoành tráng sừng sững ở bất cứ một nơi nào đó, có thể là một ngôi làng, là một ngã ba, hay là giữa phố... Nhưng buồn là những nhà rông như thế rất ít người lên, trong khi các nhà rông truyền thống, dẫu ở nhiều làng, nó xập xệ rách nát lắm rồi, mà người vẫn nườm nượp lên chơi, ngủ, uống rượu... đây quả là nghịch lý. Nhiều năm nghiên cứu và "có ý kiến", các ý kiến của tôi còn bị... ghét, bởi cản trở công việc làm ăn của nhiều người. Bài này tiếp tục tham gia vào việc ấy như đã hứâ hôm qua...

            Từ lâu, nói đến Tây Nguyên là người ta liên tưởng ngay đến sừng sững nhà rông như một biểu trưng của khát vọng, của ý chí và sức mạnh Tây Nguyên. Ngôi nhà rông luôn uy nghi giữa làng với biết bao bí ẩn đối với người lạ và thành kính thiêng liêng đối với cư dân trực thuộc. Nhà rông từ lâu đã là một phần hồn của các dân tộc sống ở Tây Nguyên. Trước hết nó mang ý nghĩa tín ngưỡng, như đình làng đối với người kinh. Tất cả việc làng đều được đem ra nhà rông giải quyết. Đâm trâu: trước cửa nhà rông, cúng làng: nhà rông, đón khách lạ từ xa đến: nhà rông, phạt vạ: nhà rông... Nhà rông còn là chỗ trưng bày. Hồi tôi vào nhà rông Kon Rơ Bàng ở tỉnh Kon Tum, chứng kiến dằng dặc 397 chiếc sọ lợn rừng được xâu dây treo trong ấy, chứng tích một cuộc săn hùng vĩ vừa xảy ra cách đó 3 tháng.
            Người Tây Nguyên quan niệm nhà rông là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo trợ cho dân làng, vì thế trong mỗi nhà rông đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng, nhiều khi chỉ là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu... người lạ không được xem những vật này, hoặc nếu muốn xem thì phải cúng rất kỹ càng và nhiêu khê. Trong những thành tố làm nên bản sắc văn hoá Tây Nguyên thì nhà rông chứa một vai trò quan trọng. Quan trọng bởi bên cạnh giá trị vật chất, nó là nơi ẩn chứa những tầng văn hoá tâm linh rất bền vững của cư dân Tây Nguyên. Mà không chỉ là tâm linh, nó là máu, mồ hôi, nước mắt, là vinh quang kiêu hãnh, là dư ba những ước vọng cao cả của con người trước thiên nhiên, trước vũ trụ. Người ta thường đánh giá sự hùng mạnh trù phú của một làng Tây Nguyên qua nhà rông. Nhà rông chỉ gắn với làng, không có nhà rông cấp tỉnh cấp huyện hoặc nhà rông liên làng, là bởi nó gắn với sinh hoạt và tín ngưỡng của một cộng đồng cư dân nhất định. Xưa kia đã là làng Tây Nguyên là phải có nhà rông, làng không có nhà rông bị gọi là làng... đàn bà. Ngày nay do rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, các "làng đàn bà", tức làng không có nhà rông đang ngày một nhiều, đặc biệt ở các tộc người phía nam Tây Nguyên. Làng có nhà rông được các làng khác kính trọng, được "bắt" về làm dâu làm rể làng ấy là ước mơ kiêu hãnh của các chàng trai cô gái làng khác.  Nhà rông là nơi thiêng liêng nên thường thì phụ nữ không được lên nhà rông, trong các buổi họp làng hoặc nghi lễ, họ được ngồi... dưới gầm sàn để dự. Thảng hoặc có làng làm 2 nhà rông, ngoài nhà rông chính là nhà rông đực, còn nhà rông nhỏ gọi là nhà rông cái cho phụ nữ sinh hoạt, chúng tôi hỏi nhiều người và đều chưa nhận được câu trả lời thoả đáng là tại sao ở chế độ mẫu hệ mà nhà rông cái lại nhỏ hơn, lại đóng vai trò phụ? Trong nhà rông, hai nơi thiêng liêng nhất là nơi thờ vật thiêng và bếp lửa. Trước sân là cây nêu, nơi hành lễ đâm trâu. Chính tại đây mà các nghi lễ giữa con người và vũ trụ được tiến hành. Cây nêu cao vút cùng với mái nhà rông kiêu dũng như một lưỡi rìu lộn ngược tạc vào trời xanh như một khát vọng Tây Nguyên cao cả, như một chứng tích của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Mà nên nhớ, thiên nhiên Tây Nguyên đối với người Tây Nguyên thì đầy nguyên sơ và bí ẩn, và vì thế, mái nhà rông kia còn như sự khẳng định, sự kiêu hãnh của khí phách con người. Điều đặc biệt trong việc làm nhà rông là nghệ nhân không cần thiết kế, không cần bản vẽ, dụng cụ để hành nghề chỉ là rìu và rựa, và vật liệu chỉ là gỗ, tranh, tre lấy từ trong rừng, không có bóng dáng của đinh, dây thép, bê tông của đời sống văn minh... thế mà vững chãi, mà trường tồn trong thời gian và lịch sử cả vật chất và tinh thần, như sự bảo chứng cho khí phách, sự tài hoa và lòng nhân ái của con người trước tự nhiên đầy bất trắc và khôn lường.
Cái nhà rông này do nhà nước làm, nhưng là nhà nước tỉnh Kon Tum, nơi ông bí thư tỉnh uỷ có câu nói nổi tiếng: Không chi thiết kế phí cho nhà rông và có hẳn một nghị quyết tỉnh uỷ về khôi phục nhà rông truyền thống nên nó được làm theo kiểu truyền thống. nhưng mới rồi nó đã bị mấy đứa học sinh bố láo vào đây uống rượu say rồi... đốt chơi.

 
Chính vì việc các nghệ nhân làm nhà rông (ngày càng hiếm) không cần bản vẽ, thiết kế hay là một điều gì tương tự, mà thoạt trông các nhà rông tưởng là đều giống nhau, nhưng thực ra nó mang dấu ấn cá nhân của người làm khá rõ. Điều này làm cho việc làm các nhà rông truyền thống gần giống với sáng tạo nghệ thuật, nơi in đậm dấu ấn cá nhân con người với tư cách chủ thể sáng tạo, nơi tài hoa cá nhân được phát tiết một cách tự do nhất, say mê nhất, hào hứng nhất... Và cũng điều này khiến cho nghệ nhân làm nhà rông trở thành của quý, nhất là có một quy định bất thành văn là nghệ nhân không được sang vùng khác làm giúp nhà rông, và việc làm nhà rông chỉ diễn ra vài ba chục năm một lần. Các nghệ nhân tài hoa đã thưa thớt lại càng thưa thớt. Các dịp làng sửa hoặc làm mới nhà rông chính là dịp để các nghệ nhân lớn tuổi truyền nghề cho con cháu. Đây là những dịp lễ quan trọng, vì như đã nói, khá lâu mới có dịp tổ chức bởi nó phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của làng. Xin cung cấp là các nhà rông nhà nước (do nhà nước làm, hiện nay đang khá phổ biến là các nhà rông văn hoá, mà thực sự là nhân dân rất ít lên, nếu không muốn nói là khoá cửa ngay khi bàn giao, như một loạt các "nhà rông văn hoá" hàng 
vài trăm triệu mỗi cái "mọc" lên rất nhiều ở Tây Nguyên, ví dụ xã A Yun, huyện Mang Yang, hoặc xã Ia Vê, Chư Prông, Gia Lai vừa khánh thành cái nhà rông 500 triệu đồng chẳng hạn), thường là phải từ trăm triệu trở lên, còn các nhà rông truyền thống là ý chí, sức lực, tiền của của cả làng góp vào, vì thế có thể tiền không tốn nhiều như thế, nhưng nó lại mang đậm ý nghĩa cộng đồng. Vâng, nhà rông trước hết là của cộng đồng, được cả cộng đồng làm chủ, và vì thế nó là khát vọng của cả cộng đồng ấy, không thể có chuyện "thay mặt khát vọng" để dựng lên những nhà rông bê tông lợp tôn khệnh khạng giữa những làng đồng bào Tây Nguyên nhà sàn lúp xúp bên suối hoặc chênh chếch trên sườn đồi. Nhà rông còn rất nhiều bí ẩn mà người ta chưa khám phá hết, ví dụ như ai cũng biết "cao nguyên lộng gió", những cơn gió như những con ngựa bất kham lồng lộn trên thảo nguyên, có thể cuốn phăng những gì chúng gặp trên đường. Thế mà nhà rông lại luôn luôn vút cao giữa đồi, như một con gà mẹ giữa bầy gà con là các nhà sàn để ở quây quần xung quanh, nhà rông lại rất mỏng manh với mái như một cánh buồm và chỉ cột bằng lạt... thế mà chưa một mái nhà rông nào bị gió cuốn? Vẫn cứ ngạo nghễ cùng thời gian và sự bất lực của gió. Thêm nữa, nhà rông hoàn toàn làm bằng tranh tre nứa lá, giữa nhà bao giờ cũng có bếp lửa, đồng bào đến nhà rông bao giờ cũng cầm đuốc, và họ luôn luôn hút thuốc, những ống thuốc to sụ, rít lên, lửa loé sáng bập bùng... thế mà chưa bao giờ, hoặc nói cực chính xác là rất ít khi nhà rông... cháy! hoặc nữa như nhà rông rất ít muỗi, đêm đêm thanh niên lên ngủ la liệt, cán bộ đi công tác về làng cũng toàn ra nhà rông mắc võng vắt vẻo ngủ! Tôi thì cho rằng những đêm được ngồi trong nhà rông bên ánh lửa phập phù tối sáng, giữa âm thanh trầm hùng xa vắng của chiêng và dìu dặt tiếng kơ ní tâm tình, lặng lẽ vít cần rượu ngắm những đôi mắt Gia Rai Ba Na mới thú vị làm sao. Mắt con gái ngấm men ăn đèn có một vẻ hoang sơ lạ lùng lắm. Nó đưa con người vào một thế giới ảo, ở đó hun hút bí ẩn và ngập tràn đam mê, ở đó xốn xang tưởng tượng và mênh mang khát vọng, ở đó mông lung và kỳ thú, ngất ngây và thăng hoa, bồng bềnh hư ảo rạo rực lâng lâng... vì thế, đừng thổi lửa to quá, cũng đừng dụi tắt bếp đi, hãy để nó ngun ngún thế, phập phù thế, đấy chính là cơ hội để mình tẩy rửa, thanh lọc, để mình ngắm lại mình... Ngày mai, về lại phố, kiếm đâu ra khoảnh khắc thần tiên ấy giữa rờ rỡ ánh đèn cao áp. Tôi đã có nhiều đêm ngồi như thế để nghe kể khan, để hoá thân thành Diông Dư, thành Bok Keidei... mà đắm đuối nàng Bia nàng Vai, để hình dung từ thuở khai thiên lập địa, cả dải đất Việt Nam này chỉ là một dân tộc thôi, sống cùng một nơi nói cùng một tiếng nói, cho đến ngày họ làm một cái nhà rông. Nhà rông cao và to quá, người này nói người kia không nghe được, thế là phân chia thành nhiều dân tộc, nhiều tiếng nói... và người ở trên nóc nhà rông chính là nhóm cư dân Tây Nguyên. Mãi mãi nhà rông là một tài sản vô giá với vẫn còn rất nhiều bí ẩn, rất nhiều tài hoa lý thú phía sau dáng vút cao mà mềm mại, những đường cong trữ tình mà cứng cáp, uy vũ mà dịu dàng, mỏng manh mà trường tồn, bề thế mà khiêm nhường, hoành tráng mà chừng mực... làm nên một bản sắc Tây Nguyên không thể lẫn, như một khát vọng gửi vào trời xanh, gửi vào thời gian, gửi vào mai sau... của tâm hồn Tây Nguyên...
Còn cái nhà rông bê tông lợp tôn này trị giá 500 triệu ở huyện Chư Prông Gia Lai- Ảnh chụp ngày khánh thành, có đâm trâu.

            Rất nhiều "nhà rông văn hóa" bằng bê tông và tôn đã không được cộng đồng chấp nhận, thế mà nó vẫn được sinh sôi, trong khi nhà rông truyền thống đang mất đi, đang trở thành quý hiếm, trừ ở tỉnh Kon Tum, nơi tỉnh ủy đã ra nghị quyết: "Khôi phục nhà rông truyền thống" với câu nói nổi tiếng của ông Bí thư Tỉnh ủy thời ấy: "Không duyệt chi thiết kế phí cho nhà rông"...

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đề nghị anh Hùng lần sau không đăng những tấm ảnh tương tự như kiểu nhà rông 500 tr lợp tôn vì nhìn vào như là khủng bố văn hóa người xem

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc Danh
Hơ, nhưng trong báo cáo của ngành văn hóa thì hiện nay ở Tây Nguyên có đến mấy trăm nhà rông bê tông mang danh văn hóa như thế đấy. Mà cái này chỉ 500 triệu chứ có cái cả tỉ kia.

Trần Phan nói...

Ngay đường 19, cửa ngỏ vào Pleiku (nơi bác đang hành nghề chữ nghĩa) "sừng sững nhà rông [mái tôn] như một biểu trưng của khát vọng, của ý chí và sức mạnh Tây Nguyên". Nhìn vào đã thấy ngu rồi.

Cách đây mấy tháng, vào Kon Rơ Bàng (điểm nóng nhất của ĐG Kontum), em thấy một nhà rông truyền thống rất hoành tá tràng. Trước, còn sót lại vài cây cổ thụ đẹp lịm người. Tiếc là không mang theo máy ảnh nên bữa nhậu mất ngon.

Văn Công Hùng nói...

@ Trần Phan:
Chỉ nghĩ đã thấy ngu chứ chưa cần thấy đâu, huhu...

Đoàn Nam Sinh nói...

Hơ hơ! chớ chớ, các bác nói ai ngu, người xưa bảo dũ học dũ ngu, rồi hiền giả như ngu dã, hay nhất là tam ngu thành hiền,... Hiền tài là vừa có cái tài vừa hiền,... Chết chết, các bác hiệu chỉnh lại cho nhé, nói dốt nát khí phải hơn.
Của nợ ấy đích thị là sản phẩm của các vị vừa tham vừa dốt đấy thôi.

Văn Công Hùng nói...

@ Bác Đoàn Nam Sinh:
Hơ, là nói mình ngu ấy chứ bác, chứ ai dám nói thiên hạ ngu???