Thực ra trước chuyến đi này, tôi đã được đi chừng bốn năm nước, nhưng là đi một mình hoặc với các nhà báo, còn đi một đoàn mười nhà văn thì đây là lần đầu tiên, vì thế ngoài việc "đi thăm và làm việc" như quyết định của Hội Nhà Văn thì tôi còn tranh thủ... ngắm các đồng nghiệp.
CHUYỆN ĐI
Lúc qua cửa khẩu Malaysia- Singapo, nhà thơ Hữu Kim được hai cô an ninh vẫy lại. Thấy lão mặt cứ nghệt ra tôi tiến lại- nói luôn là mặc dù kém cỏi thế, tôi được coi là người có khả năng tiếng Anh... tốt nhất đoàn, điều này là chính xác, không umua chút nào- thì thấy cô an ninh đang khoát tay rất rộng miệng nói rất to: Open, open. Úi giời, mọi khi thấy lão này cũng thank you, good bye, yes, no... ầm ĩ, giờ chỉ mỗi mở hành lý ra để khám mà mặt tái dại. Tái không phải vì sợ an ninh mà tái vì sợ… Tiếng Anh. Tôi dịch xong thì gã giãn mặt ra mở hành lý. Thì ra là gã hút thuốc, an ninh soi thấy có gói thuốc trong túi quần bèn kiểm tra hành lý xem có mang theo nhiều không. Nguyên tắc vào Singapo là chỉ được mang... dưới 19 điếu thuốc. Xong vụ Hữu Kim thì cả đoàn lên xe, chuẩn bị khởi hành thì phát hiện thiếu Nhà văn Đức Ban. HDV quay lại tìm không thấy, tôi và vài người nữa cùng xuống. Có người bảo hay lão ấy rớt lại ở cửa khẩu Mã Lai. Từ cửa khẩu Mã Lai làm thủ tục xuất cảnh đến cửa khẩu Singapo làm thủ tục nhập cảnh lầ khoảng hai chục phút ô tô. Tìm khắp ngõ ngách không thấy, cô HDV hỏi viên cảnh sát chỉ huy ở đấy thì mới biết là Đức Ban bị mời vào phòng khám, tức là ca này “nặng” hơn Hữu Kim rồi. Một lúc sau thì thấy Đức Ban mặt mũi căng thẳng bước ra từ một phòng kính mờ theo sau là mấy sĩ quan an ninh mặt mũi nghiêm trang như thường thấy. Một nhân viên báo cáo với chỉ huy gì đó, viên này hỏi Đức Ban: What's your name? ông đứng yên không trả lời. Cô HDV trả lời thay bị viên cảnh sát khoát tay, và nhắc lại What's your name? tôi phải đỡ: Người ta hỏi tên bác, hihi, ông cáu, gí mẹ cái hộ chiếu vào mặt ông này. Viên cảnh sát có vẻ cũng… sợ, khoát tay cho nhà văn Đức ban đi mà không cần biết quý danh ông nữa. Lý do Đức Ban bị vào phòng kín kiểm tra cũng là tại… thuốc lá. Đi chuyến này mấy ông nghiện thuốc lá rất thân nhau, lý do là thi thoảng lại nháy nhau ra ngoài hút thuốc. Mà họ coi thường người hút thuốc, toàn đặt chỗ hút thuốc ngoài nắng hoặc những chỗ chả hoành tráng gì. Thậm chí lúc vào công viên Singapo, thấy có cái toilet rất đẹp nhưng cấm chó và... người hút thuốc. Nói thêm nữa là, ở các cao ốc Singapo, thi thoảng lại thấy các cô gái rất xinh đứng túm tụm ở một góc khuất nào đó. Thì ra họ... hút thuốc. Gần như không thấy nam hút thuốc mà toàn nữ, ăn mặc đồ văn phòng, trắng trẻo, cao ráo, đứng hút thuốc như điên rồi lại lẩn vào các cửa phòng đóng im ỉm. Thì ra là áp lực công việc rất lớn, hút thuốc là cách để các cô gái Singapo xả street. Người Singapo có tác phong châu Âu, đi lại rất nhanh, sải chân rất dài, khi đi không nói chuyện, chỉ cắm cúi bước tai nghe phôn, tay cầm ví, điện thoại hoặc sách để vào tàu điện ngầm là đọc ngay.
Trước khi đi tàu điện ngầm ở Singapo, cả 2 HDV ở VN và Singapo đều họp đoàn để phổ biến rất kỹ, nào là các bác phải vô cùng chú ý, khi qua cửa phải quẹt thẻ chính xác không thì cửa đóng không qua được mà cũng không quay lại được, nào là khi vào tàu phải nhanh chân nhưng lại phải nhường đường cho người ở trong ra, và phải bước dài kẻo kẹt chân, nào là người rất đông, phải chú ý kẻo lạc nhau ở dưới độ sâu 36 mét thì sẽ không thể tìm ra nhau và cứ luẩn quẩn dưới ấy cho đến… già. Tôi nhìn mặt các nhà văn đều thấy vẻ căng thẳng hiện trên nét mặt, có bác lén lau mồ hôi trán dù máy lạnh ở Singapo có thể nói là phủ sóng gần khắp lãnh thổ vì họ có điện hạt nhân, vô cùng thừa điện, có bác lại liên tục tìm... toilet. Bồn chồn xếp hàng quẹt thẻ để vào ga, có bác quẹt đến mấy lần mà thẻ không đọc, cửa không mở nên sự căng thẳng càng tăng. Thực ra là tại các bác quẹt không đúng cách, lần đầu sử dụng nên có bác phớt nhẹ qua như hôn gió, bác lại cọ như mài dao, bác lại quẹt lộn mặt… nhưng nhờ có hdv và người soát vé, rồi cũng trót lọt. Vào xếp hàng trước cửa vào tàu hai phút một chuyến, vừa vào thì Phạm Doanh bảo: tàu chậm, 5 phút rồi chưa đến, hehe, tại bác căng thẳng quá thấy lâu và tưởng tàu điện ngầm Singapo cũng trễ giống… VIETNAM AIRLINES…
Thực ra tôi biết ngay là nó không thể phức tạp được. Hai triệu rưỡi người Sin sử dụng mỗi ngày chưa kể khách du lịch (các tour đều có chương trình cho khách của mình đi tham quan tàu điện ngầm) và các loại người khác, vậy nên nó phải hết sức thân thiện và dễ sử dụng, chứ nếu khó thì mấy người dám sử dụng, và nhà chức việc sẽ suốt ngày phải đi tìm người lạc. Và quả là nó thân thiện dễ sử dụng thật, thậm chí dễ hơn xe buyt dù tốc độ của nó là ba trăm km/h, miễn là anh xác định được ga xuống ga lên. Tốt nhất là nắm trong tay một bản đồ tầu điện ngầm, xong béng.
Trưa qua ngồi uống với nhà văn Sương Nguyệt Minh và Lê Quang Sinh, nghe hai ông kể về chuyến vừa đi Ba Lan, Ý, Đức, Monaco và Pháp mới sáng ra nhiều điều. Ví dụ khi đến sân bay Fran phuốc- Đức, sau khi nói một hồi tiếng Anh mà không ai hiểu ai, các cô làm thủ tục mặt đất bèn ra lệnh: Sit here?, hai ông hiểu ý bèn ngồi im. 15 phút sau, có một cái xe điện do một cô gái tóc vàng rất xinh đẹp lái đến. Chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo, hai ông đã được đưa gọn vào trong xe, lúc này mới thấy có ký hiệu… người tàn tật cần giúp đỡ ở thành xe. Nhờ trở thành người… tàn tật mà hai ông được cô gái lái xe điện dìu ra tận cầu thang máy bay để bay đến sân bay Charles de Gaulle giữa cái sân bay mênh mông với hàng trăm cửa lên xuống ra vào máy bay rộng hàng nghìn héc ta trong hoàn cảnh tiếng Anh ai nói nấy... hiểu và tiếng Pháp gần bằng không còn tiếng Đức thì đúng là... đứt bóng...
CHUYỆN ĂN
Ở Mã Lai khi ăn xong thường không có tăm. Mà cái giống đã xỉa răng quen rồi giờ ăn xong không có cây tăm mà xỉa nó khó chịu và khổ vô cùng. Ăn xong nhà thơ Trần Trương hay dõng dạc: Cháu ơi tăm. Chả ai động tĩnh gì, ông sực nhớ bèn chơi tiếng… Pháp bồi: Lơ tăm. Nó lại càng không hiểu, ông phải lấy tay xỉa xỉa vào răng mình… Sau đấy thì kiếm được gói tăm, giao hẳn cho nhà thơ Lâm Xuân Vi giữ, mỗi bữa ăn phải mang theo, nhưng phần lớn là ông quên, lúc đi tham quan thì ông mang tăm, khi ăn thì ông lại để ở nhà, thế là Trần Trương lại phải thường xuyên tiếp diễn món… lơ tăm. Tất nhiên khi tiếp viên nhà hàng không hiểu thì mọi người phải xúm vào tiếp sức, và về cơ bản, để có được một cây tăm xỉa theo thói quen, phải mất khá nhiều chất xám.
Nhà thơ Trần Trương và nhà thơ Phạm Doanh, nói trộm vía hai ông, đều còn ăn rất khỏe và nhanh đói. Khi đi theo lời khuyên của nhiều người đi trước và kinh nghiệm bản thân ở Châu Âu nhiều năm, ông Trần Trương mang theo rất nhiều mì tôm và cả chanh ớt bột ngọt. Tối nào phòng ông cũng tổ chức liên hoan… mì tôm do chính tay ông tự tay chế biến, nhà thơ Hữu Kim giúp việc… nấu nước. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là… lấy gì đựng mì tôm. Đêm đầu tiên làm mì tôm vào... ấm nấu nước, đêm thứ 2 ông mượn bát của nhà hàng từ chiều, đêm thứ 3 ở khách sạn 11 nghìn phòng thì nguy, sau rất nhiều bàn bạc cãi nhau thì ông với Hữu Kim quyết định đi tìm và có hẹn là sau hai tiếng nếu không thấy trở về thì chắc chắn là 2 tên lạc giữa trận đồ bát quái 11.000 phòng xuống lên thang máy và qoẹo phải qoẹo trái rắc rối tít mù ấy. Thế nhưng chỉ nửa tiếng 2 ông đã về mang theo 7 cái ly nhựa dùng 1 lần và một nắm ống hút. Ly nhựa dùng để chế mì và ống hút thay đũa, thế mà rồi cũng xong bữa tiệc. Có người trêu chắc hai ông xuống… thùng rác nhặt mấy cái ly và ống hút trong ấy, huhu… Qua đây có thêm kinh nghiệm là nếu đi nước ngoài thì hãy mang theo loại mì tôm có sắn cốc nhựa.
CHUYỆN TIÊU
Nhà thơ Phạm Doanh đã về hưu và có vẻ không được dư dả như các nhà văn khác trong đoàn. Ông bảo tất cả chuyến đi có 5 triệu mà còn phải để dành vì đi xong là ông ở lại Hà Nội dự đại hội hội Nhà Văn luôn, vì thế ông ít tiêu pha và cũng không đổi tiền mà để tiền Việt trong túi. Tuy thế lúc ở Mã Lai, trước phong trào mua sắm rầm rộ của các nhà văn trong đoàn, ông quyết định mượn của cô HDV 100 đô Sin tức 70 đô Mỹ dằn túi, tôi thấy ông cầm tờ tiền màu hồng hờ hững đút vào túi quần. Hôm sau khi cả đoàn vào cửa hàng miễn thuế mua đồ kỹ thuật số, ông quyết định mua một món. Sau khi ngắm nghía và thử đi thử lại, ông quyết… thò tay vào túi rút tiền, thì hỡi ôi, cái tiếng sột soạt vọng vang sang trọng của tờ tiền chả thấy đâu, thay vào đó là sự lạnh lẽo của cái túi rỗng. Ông thông báo và cả đoàn ai cũng bùi ngùi cho ông. HDV gọi về khách sạn đề nghị kiểm tra xem có sót ở đấy không, mười lăm phút sau khách sạn trả lời là không có. Chim trời cá nước tiền trong túi, thế là như nhau.
Mà có phải mình Phạm Doanh đâu, người được gọi là đại gia mua sắm Chu Thị Thơm cũng mất… 10 đô Mỹ. Món đồ ấy có 110 đô, thế nào mà chị lại đưa 120 đô và có nhà phê bình Lưu Khánh Thơ trông thấy. Lúc lên xe, nghe mọi người nói 110 đô chị mới hỏi lại và HDV lại gọi về cửa hàng. Họ kiểm tra rất nhanh và thông báo chị là người mua hai món đồ, đã trả bằng ấy tiền, và món đồ ấy chị trả 110 đô. Hehe, chị bảo thôi, không cãi nữa, chị trả tiền có Lưu Khánh Thơ thấy, tuy thế cuộc mua ấy chị không cầm hóa đơn, nhưng phía bán thì lưu trong máy rất kỹ. Thơm là người mua nhiều đồ nhất đoàn, mua không… mỏi tay và chụp ảnh không mỏi tay. Chị đang làm cho báo Giáo dục thời đại, tuyên bố, khi về sẽ mấy kỳ phóng sự ảnh và mấy kỳ phóng sự viết. Tôi còn chụp được cái ảnh Thơm rất kinh dị khi chị đi shopping ở một siêu thị bằng... chân đất, còn người xách guốc cho chị là nhà thơ Phạm Doanh.
Chu Thị Thơm phát hiện có bốn điều khiến các nhà văn khi ra nước ngoài căng thẳng là lấy thức ăn nhiều (khi ăn buffet) sợ bị… phạt, tính tỉ giá tiền lúc mua sắm, đi tàu điện ngầm và tìm phòng ở khách sạn 11000 tầng… Chuyện tìm phòng ở khách sạn 11000 tầng tôi kể phía dưới, còn các căng thẳng còn lại, các bạn tưởng tượng tiếp nhé, tất nhiên phải tưởng tượng cho ra tưởng tượng nó mới... hoành tráng.
CHUYỆN NGỦ Ở KHÁCH SẠN 11 NGHÌN PHÒNG
Khi đến cao nguyên Genting, là một nơi du lịch nổi tiếng thế giới, chúng tôi được bố trí ở khách sạn Theme Park nằm trên cao nguyên Genting, cách thủ đô Kualampua vài giờ xe chạy. Đây là một cao nguyên cao 2000 mét so với mặt nước biển, cao hơn một chút hoặc tương đương với Đà Lạt, Măng Đen, Sa Pa, Tam Đảo… bên ta, song về quy mô hoành tráng thì một trời một vực. Dân Mã Lai tự hào là khu này của họ không thua gì Ma Cao, Hồng Kông hoặc Las Vegas . Đường 2 làn êm như ru và không ngoắt nghoéo như bên ta, nườm nượp xe nối đuôi lên xuống. Tất cả các màu da các sắc tộc trên thế giới đều có mặt nơi này. Có mấy đường để lên, một là cáp treo, hai là xe con tự lái và ba nếu đi du lịch xe to thì phải để xe lại lên xe của Genting mà lên. Kể nhiều lại bảo khen phò mã tốt áo, chỉ xin tường thuật cái khách sạn chúng tôi ở. Nó có tất cả… 11 nghìn phòng. Không nghe nhầm đâu, mười một nghìn phòng nhé, phòng tôi ở là phòng 2- 0256, từ lễ tân đi xuống phải ngoắt nghoéo 3 lần thang máy và chục cái rẽ đi bộ. Nhà thơ Chu Thị Thơm phải đặt vè cho dễ nhớ: Hai lên bảy xuống đến Lờ, hai ta lại cứ ngù ngờ như nhau, phòng ở đâu phòng ở đâu, tìm phòng sao lại bể dâu thế này…. Tức là phòng lễ tân ở tầng 6, gọi là tầng L, viết tắt loppy, muốn đến chỗ chúng tôi ở phải bấm thang máy về tầng 7, đi bộ mấy cái ngoắt nghoéo hành lang sâu hun hút, gặp một lọ hoa rất to thì bấm tiếp thang máy xuống tầng 2, từ tầng 2 tiếp tục ngoắt nghoéo mấy nhát nữa thì đến phòng. Vậy nên mọi người bảo, chả cần như ông Nghị Cảnh nói là phải làm đường sắt cao tốc mới IQ cao, mà lần tìm được đường về phòng mình cũng là một biểu hiện cao ngất của IQ rồi.
Cứ khen mãi xứ người thì có gì đấy không phải với dân tộc, nhưng quả là nghĩ mãi không ra, tại sao nhân dân ta hoành tráng thế, thông minh thế, cường lực thế, dân tộc ta mọi nhẽ thế, làm gì cũng được, trừ làm cho đất nước mình như người ta. Sang Mã rồi Sin, thấy đến 80% khách du lịch là dân đầu đen mũi tẹt nói tiếng… Việt. Tức là dân Việt ta, làm ăn khốn khổ, cực nhọc, tằn tiện chắt bóp, tích xu thành đồng, đồng đỏ thành đồng xanh… rồi… mang sang láng giềng tiêu. Mà như đã nói, tiền mình sang bên này mất giá vô cùng. Tiền Ring ghít thì 6 ngàn Việt đổi được một đồng, còn tiền Sing thì 1 đô Sinh đổi 14,5 đến 15 ngàn nghìn tiền Việt, mà một chai nước hai đô Sin, một ly nước ở cái Bar bệnh viện gì đấy 40 đôla làm anh nào anh nấy mặt xanh như… đít nhái. Giá cả đắt đỏ vì lương của họ cực cao, đi bệnh viện trường học không mất tiền, chính phủ lo cho dân như lo cho con cái. Người dân Sing khi nói chuyện bao giờ cũng dùng từ “Chính phủ” rất trìu mến, ví dụ “Chính phủ chỉ cho hút thuốc đúng chỗ”, “chính phủ bảo mọi người dân chỉ có một Singapo”, "ai hút thuốc hoặc vứt rác không đúng chỗ sẽ bị chính phủ phạt, bằng cách nộp 500 đô và chịu 5 roi rất đau", phần lớn ai bị đánh roi xong là đều được chuyển thẳng đến... bệnh viện … cứ ước dân ta bao giờ trìu mến với chính phủ như thế…
Cái cao nguyên Genting ấy là của một người Phúc Kiến mua của chính phủ Malaysia. Ông này xuất thân nghèo hèn, nhưng rồi nhờ có một bộ óc rất lỗi lạc, ông nổi lên như một tấm gương chịu khó, trở thành đại gia của Malaysia, giúp cho chính phủ Mã Lai rất nhiều việc, nên ông là một trong 10 người Mã Lai được phong tước Tan Sri Limgotong. Hồi ấy cao nguyên Genting còn rất hoang vu, ông ngỏ ý mua, và chính phủ bán cho ông với một cái giá rất tượng trưng. Bây giờ thì, quả là tớ cũng là người có đầu óc tưởng tượng, nhưng cũng chả thể nào tả hết được cái sự nó vĩ đại, nó hoành tráng thế nào. Từ toàn cục đến chi tiết đều không thể chê được một mẩu. Thôi thì gác lại đoạn tả để mọi người có ý thức tiết kiệm, dành dụm mà sang đấy đập phá cho nó thỏa cái nỗi sướng, nỗi tự tôn dân tộc bị dồn nén, bị không có nơi thể hiện phải sang nước người thể hiện. Chỉ biết rằng cái cao nguyên Genting ấy bây giờ là thiên đường du lịch, thiên đường mua sắm, thiên đường vui chơi và cũng là thiên đường cờ bạc ở Châu Á, nó lập kỷ lục về nhiều mặt: Là nơi không có đêm, vì không ai lên đây lại đi ngủ cả, là nơi tuyết rơi bốn mùa, là nơi có tổ hợp khách sạn nhiều phòng nhất, đường cáp treo Skyway Cable Car mỗi giờ có thể vận chuyển 2.000 hành khách. Ngay tên gọi "đường lên trời"- Skyway- cũng đủ thấy sự vĩ đại của thiên đường trên cao này rồi. Người Malaysia thích lập kỷ lục và Genting chính là thành phố chứa đựng nhiều cái “nhất” nhất trong cuốn Malaysia’s Guinness Book of Records. Con đường từ Kualalampua lên đỉnh cao nguyên 2000m được thiết kế như công viên, chăm chút đến từng cọng cỏ, từng viên đá lơ đễnh ở khúc cua mà sạch như lau như ly đủ nói cái tầm nhìn và cách ứng xử đến từng tiểu tiết của người Mã nó khủng khiếp thế nào.
Ai đến Genting ngủ đêm cũng được phát một phiếu để vào... sòng bạc. Phiếu ấy kèm 1 tờ giấy trị giá 10 Ring ghit, muốn chơi thì phải bỏ vào đấy 10 ring ghit từ ví của anh. Nếu thắng thì sẽ được 20 Ring ghit, nếu thua thì thua 10 ring của anh, và phần lớn là... thua. Tôi không phải là loại máu me cờ bạc nên thua 10 ring ghit là đứng dậy đi... tham quan, ngắm người đánh bạc và các cô gái xinh đẹp đứng quản lý sòng bạc, còn có mấy bác máu thì không chịu thua... vô lý thế, rút thêm tiền để đánh, và kết quả là thua... có lý hàng trăm ring ghit. Còn loại đánh bạc chuyên nghiệp thì không kể làm gì, nghe bảo ở đây đã có rất nhiều người tự tử vì thua bạc và người Trung Quốc là loại máu me đánh bạc nhất thế giới...
Ngay năm đầu tiên khai trương, Genting, với tư cách là sòng bạc lớn nhất Châu Á, đã đón 13 triệu lượt khách. Kinh chưa...
--------------
3 nhận xét:
Nhân chuyện Lơ tăm xin góp vui một chuyện:
Một bác người nước ta sang Pháp du lịch theo đoàn. Đoàn có 6 người (ngồi tròn 1 mâm như ở nước nhà). Lúc gọi món ăn bác ấy cũng dùng tiếng Tây đờ mi, tức là nửa Tây nửa ta. Bác ấy gọi: Lơ Cơm, La Canh, Lơ nước... và cả Lơ tăm như Trần tiên sinh. Lúc xỉa răng, bác ấy cứ thao thao về khả năng tiếng Tây của bác. Đang bốc, bác ấy nghe bồi bàn da màu nói bằng tiếng ta rất chuẩn: Ông mà không Lơ Dương mấy năm thì chúng mày có mà lơ cư tờ sắc. Cái âm cuối bắt đầu bằng phụ âm c kéo dài đến lúc dứt hẳn thì lại là từ không được êm tai lắm. Chỉ thấy bác ấy đỏ mặt và thôi không thao thao nữa
@ Bác Vân Đình Hùng:
Có điều kiện bác gom lại tất cả những chuyện- cả vui và buồn- dân Việt ta đi nước ngoài làm một cuốn ăn khách phết đấy. Nhục nhất là nó để ở bàn ăn một tấm bảng tiếng Việt: chú ý Người Việt không láy thức ăn thừa?...
Chuyện thứ 2:
Bác này từng du học BaLan đã về hưu với chức danh Kỹ sư đóng vỏ tàu. Lần ấy tôi
có dịp sang Nhật cùng bác thăm con. Đến Kyoto, đang làm chek in để nhận phòng
khách sạn thì chiếc điện thoại trong túi bác ấy đổ chuông reng reng rõ to. Mọi
người ném cái nhìn ngạc nhiên về phía bác ấy. Còn bác thì vô tư: Alô, cầu Vường
đây. Oang oang như lệnh vỡ. Cậu con trai đỏ mặt, kéo bố ra ngoài sảnh và nói với
bố câu gì đấy và đặt điện thoại ở chế độ rung. Yên tâm rồi! Check in xong, nhận
chìa khoá phòng, cất hành lý, đi dạo. Chợt nhìn thấy tấm biển CHINTAI (con gái
tôi giải thich: đây là công ty của người Đài Loan làm ăn ở Kyoto. Họ khẳng định là
người China nhưng ở Taiwan. Thế nên mới có tên cái biển kia). Bác đóng tàu hồn
nhiên nói với con trai: Ở đây bán phở "chín tái", chốc "lữa" đi dạo xong quay
lại khách sạn ta vào ăn thử 1 tô!
Hết chuyện.
Đăng nhận xét