Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

HAI LẦN KHÓ


Còn các nhà văn người Kinh thì chính là cái vốn sống mà họ cần phải có để viết Tây Nguyên cho nó ra Tây Nguyên, nó không bị một thứ Tây Nguyên giả cầy, lơ lớ, Tây Nguyên do họ nghĩ ra chứ không phải như nó vốn có, tất nhiên tôi hiểu, văn chương là trình bày cái mình nghĩ chứ không phải cái mình thấy. Nhưng  trước khi nghĩ, nhà văn phải thấy một cách chính xác đã... 

Cho đến bây giờ không ai phủ nhận Tây Nguyên là một cái mỏ tiềm ẩn cho người viết Văn. Một đời sống tâm linh bí ẩn, một sự vỡ da đau đớn và sung sướng, một quá khứ bi hùng, những xô dạt trắc ẩn, những thân phận mông muội và phong phú, những cuộc đời lênh đênh và tự tại, chênh vênh cùng bền vững, khắc khoải cùng an nhiên, khoảnh khắc và dằng dặc, vân vân và vân vân khiến cho có người từng ví Tây Nguyên giống như một thời Nam Mỹ của Mác Két. Nhưng cũng phải công nhận, những gì mà người viết ở Tây Nguyên hiện nay đã có, chưa tương xứng với kỳ vọng, với tiềm năng...
        Có thể kể tên hàng loạt người viết văn ở 5 tỉnh Tây Nguyên., nhưng một vấn đề đặt ra là, trong những cái tên ấy, những ai đã để lại dấu ấn Tây Nguyên, Tây Nguyên theo nghĩa bản sắc văn hóa, trầm tích tâm linh của vùng đất vốn dĩ mang trong nó nhiều bí ẩn, đầy mâu thuẫn tưởng như trái ngược nhưng lại rất thống nhất, đa dạng phong phú nhưng lại cũng thuận hòa, trong tác phẩm của mình, cũng nhưng mấy người viết gắn với đề tài dân tộc thiểu số, cụ thể hơn, đến Tây Nguyên.
        Một số người đang sống và viết ở Tây Nguyên nhưng chả có dòng nào về Tây Nguyên, có chăng là nhắc phố núi, chiều mưa, yàng ơi... tức nó chỉ là cái vỏ hình thức, chứ còn sâu thẳm đời sống Tây Nguyên thì chưa chạm vào được.
        Vì sao thế?
        Ba chục năm sống và viết ở đất này, cũng chịu khó đọc và chơi với nhiều bạn viết, tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phổ quát của cả nền văn chương quốc gia, và có nguyên nhân khu biệt. Tôi thử nêu ra ở đây vài nguyên nhân khu biệt.
        1. Hiện nay người viết là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất ít, trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình tôi biết mới chỉ có ở Đăc Lăc, Gia Lai và Lâm Đồng. Đăc Lắc có các chị Linh Nga, Kim Nhất, Nie Thanh Mai, một số cháu mới phát hiện trong các trại sáng tác của hội. Gia Lai có Ksor Bi Tó. Lâm Đồng có Kpa Plin. Họ viết như thế nào, chủ yếu, nếu không nói là tất cả, bằng tiếng Kinh. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi thấy người dân tộc Tây Nguyên có những cách dùng từ, dùng hình ảnh rất hay trong các bài dân ca, các trường ca của họ, ví dụ như cái hình ảnh "Cười đầy mồm" trong trường ca Di ông Dư mà chúng tôi có tham gia sưu tầm. Những chữ ấy, hình ảnh ấy hầu hết bị triệt tiêu khi sáng tác bằng tiếng Kinh. Các anh các chị người Tây Nguyên có muốn sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ cũng không được, vì sẽ phổ biến như thế nào khi mà bản thân đồng bào, bạn đọc không biết chữ mẹ đẻ. Rồi báo nào in những tác phẩm mà bản thân các biên tập viên cho đến người duyệt không đọc được ấy. Văn chương nó khác một bài báo, một mẩu tin để có thể in trên báo ảnh tiếng dân tộc. Mà viết bằng tiếng Kinh thì, bản thân người Kinh nhiều khi cũng còn lè lưỡi lắc đầu về độ khó, độ phong phú, phức tạp của tiếng Việt, huống gì ngôn ngữ văn chương là thứ ngôn ngữ đã được luyện, được vót, được tinh tuyển đến độ tinh xảo, đến độ chữ không còn chữ, câu không còn câu, chỉ còn nỗi ám ảnh sau chữ, sau câu, sau trang văn. Và vì thế mà cho tôi bày tỏ sự kính trọng của mình với các anh chị đồng nghiệp người Tây Nguyên viết bằng tiếng Việt. Chúng tôi khó một các anh chị khó hai, thậm chí là ba bốn lần, và vì thế mà những gì các anh chị đã có là những tài sản rất quý, rất đáng trân trọng về mặt lao động chữ nghĩa... Tức là cái khó đầu tiên của người viết là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chính là rào cản ngôn ngữ. Cũng tức là, để là một nhà văn Tây Nguyên các anh chị phải vất vả gấp 2 lần khi thể hiện ý tưởng của mình.

        2. Với các anh chị người Kinh viết về Tây Nguyên, ngoài một số sống ở ngay Tây Nguyên nhưng không viết gì về Tây Nguyên, một số tạm gọi là thành công khi tên tuổi của họ thường được nhắc đến trên các diễn đàn mỗi khi cần chỉ ra một vài gương mặt cầm bút Tây Nguyên..., còn một số người viết Tây Nguyên rất ngây ngô. Họ chưa sống tận cùng với đời sống Tây Nguyên. Không chỉ sống cùng ăn cùng ở, mà còn phải nghiên cứu, học hỏi... một vài ví dụ: Có nhà văn nọ viết truyện, có nhân vật phụ nữ đi mua lông gà lông vịt trong làng dân tộc. Nhà văn này không biết rằng người Tây Nguyên không nhúng nước sôi vặt lông gà như người Kinh mà họ đốt. Mà đốt như thế thì lấy đâu lông gà lông vịt mà mua. Chưa hết, khi tả các phong tục thì lẫn lộn lung tung giữa Ba Na với Gia Rai, giữa Ê Đê với Rơ Ngao, cứ đại khái là già làng khấn: Ơi lũ làng, ơi thần sông thần núi thần rẫy thần rừng, rồi thì cái mày cái tao, cái bụng cái rẫy... lẫn lộn giữa tết cơm mới với lễ pơ thi, giữa tượng nhà mồ với hình tượng rau dớn nhà rông, giữa việc đẻ trong rừng với kiêng khem đốt lửa hơ hóng người Kinh... Cái cách ấy là cách nhanh nhất để tuyệt diệt Tây Nguyên bằng văn chương, đồng hóa Tây Nguyên với các vùng đất khác một cách sang trọng và hồn nhiên, bởi khi sách đã in ra, hàng ngàn người đọc và hiệu ứng cứ thế lan truyền.
        Ngày xưa, các nhà văn tiền bối như Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Ngọc Anh, Trung Trung Đỉnh... đã đánh đổi cả cuộc sống của họ cho những trang văn. Trước hết là họ phải tìm cách để sống. Và cái sự tìm cách sống ấy khiến họ phải hòa đồng vào đời sống với đồng bào, họ sống đến tận cùng đời sống ấy, một cách hồn nhiên và đầy gian khổ đau đớn. Cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta là chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến tranh ấy đã lan tới từng ngôi nhà ngõ phố, đụng đến số phận của từng cá nhân, từng gia đình trong tổ quốc Việt Nam. Nó đánh thức, khơi dậy, đụng đến từng góc sâu kín nhất của con người. Có những người ra đi có những người ở lại, có những nỗi nhớ, có sự đợi chờ, có sự dấn thân, có sự mất mát... Rất nhiều cán bộ người Kinh đã lên Tây Nguyên hoạt động, làm "Người Đảng" cùng ăn cùng ở cùng làm với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Họ cũng đóng khố, cà răng căng tai, nghĩ nếp nghĩ cùng dân, nói tiếng nói  của dân, và họ đã cùng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên làm nên chiến thắng. Một số họ sau này đã trở thành các nhà văn như đã kể trên. Nếu không từng lăn lộn chết sống và yêu Tây Nguyên đến rớm máu, đến tận cùng thì đã không có Nguyên Ngọc, Thu Bồn. Nếu không trực tiếp tham gia cuộc đánh chặn lịch sử và kỳ lạ ở đường 7 năm 1975, mở ra một giai đoạn mới cho cuộc tổng tấn công toàn thắng tháng tư năm bảy lăm thì Khuất Quang Thụy không thể có "Trong cơn gió lốc", hoặc có nhưng nó sẽ khác. Cũng như thế, nếu không có những ngày tháng vừa lăn lộn chiến đấu vừa ba cùng học hỏi nhân dân, tắm mình trong đời sống văn hóa Tây Nguyên thì sẽ không có nhà văn Trung Trung Đỉnh sau này, hoặc có thể ông vẫn trở thành nhà văn nhưng sẽ không có "Lạc rừng", "Đêm nguyệt thực", "Chớp trên đỉnh Kon Tầng"...

        Còn nhà văn chúng ta bây giờ, nói là ở Tây nguyên, nhưng phần lớn là sống ở thành phố, ở các khu đô thị, lâu lâu lại đi "thực tế". Những cuộc thực tế vài ba ngày ấy là rất quan trọng và cần thiết nhưng nó chỉ như là cưỡi ô tô ngắm làng. Ai đó nói không cần đi thực tế vẫn viết được, tôi thì tôi không tin, bởi nếu không đi thực tế hoặc không sống cùng, chỉ ngồi một chỗ, làm sao biết được cái lễ đâm trâu nó khác lễ cơm mới như thế nào, cái khố khác cái váy thế nào, và sâu xa hơn nữa, chiều sâu tâm hồn tính cách con người như thế nào? Có thể ngồi một chỗ gõ google tìm số liệu, nhưng google không thể chỉ ra chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn, những phập phồng thức mở của từng nhịp đập trái tim, của những li ti rung động, và cả những chấn động lớn trong tâm hồn con người trong cuộc sống còn nhiều những vòng xoay trái chiều hôm nay. Phía trong cái vẻ trầm mặc của đời sống có vẻ buồn bã kia là điều gì, những gì đang cuộn xoáy phía trong...

        Như thế, thiển ý của chúng tôi là muốn chỉ ra cái sự khó, khó đến hai lần của những người cầm bút hôm nay ở Tây Nguyên. Nếu là người dân tộc thiểu số thì ngoài tư chất nhà văn họ còn phải có một vốn tiếng Việt rất giỏi, có như thế mới chuyển hóa những ý tưởng của họ thành những lung linh ảo hoặc trang văn, thành những số phận, cuộc đời, những khoảnh khắc mưng mở của cảm xúc... Nếu viết bằng tiếng mẹ đẻ thì họ bị cái rào cản xuất bản và người đọc. Còn các nhà văn người Kinh thì chính là cái vốn sống mà họ cần phải có để viết Tây Nguyên cho nó ra Tây Nguyên, nó không bị một thứ Tây Nguyên giả cầy, lơ lớ, Tây Nguyên do họ nghĩ ra chứ không phải như nó vốn có, tất nhiên tôi hiểu, văn chương là trình bày cái mình nghĩ chứ không phải cái mình thấy. Nhưng  trước khi nghĩ, nhà văn phải thấy một cách chính xác đã...
        Vài lời trao đổi, mong được thể tất nếu có điều gì chưa tới và chưa phải.
Thiệp này thi sĩ Vân Đình Hùng gửi tặng
                                         


8 nhận xét:

Vân Đình Hùng nói...

Cái đau đáu của VCH đang vả vào những thứ Tây Nguyên giả cầy, nhạt thếch!

Đoàn nam Sinh nói...

Muốn gõ cmt cho bác vui mà nhìn cái cửa sổ hơi bị hẹp thì lười. Thu xếp cho khg gian rộng ra tí nữa chắc có hứng hơn. Chẳng nhẽ cứ để giường chiếu chật chội mà lại muốn ngựa chạy chim bay thì biết làm thế nào ? Đầu năm đề một xuất, mong trang chủ rộng đường cải tổ.


Đọc bài của CAĐ bên kia xong chưa giải được khuây thì tiếp bài của VCH bên này, cũng nói đến chỗ Ta và Tây nguyên khg đến gần nhau được về tâm thức, mà cùng lắm là nhận thức, rồi ý thức.
Viết dài một chút, tóm tắt về vấn đề này và rồi sẽ viết sâu hơn nếu trang chủ cho chia sẻ. Nhé nhé !

Câu chuyện bắt đầu từ sự khác biệt: chúng ta từ nền văn minh đơn điệu của thung lũng, dòng sông, đồng bằng đến với họ là một nền văn minh của rừng núi trùng phức của thác nước, của ghềnh sâu, đèo dốc. Địa kinh tế là thế thì địa văn hóa phải là thế.
Ngoài tôi ra, người đã sống trật trìa bao nhiêu năm khg nhớ để thấm và viết về văn minh rẫy, thế nào là "ăn rừng" một cách nhân văn hơn Condo, thế nào là "hỏa nậu" rõ hơn Thủy Kinh Chú,...; thì những người viết về Tây nguyên khác chỉ mô tả Tây nguyên, bắt đầu cho "công trình" của những người "phục dựng" cẩu thả văn hóa Tây nguyên.
Văn hóa như từ gốc rễ- radical chính là nông nghệ/ trồng trọt- culture. Nếu hiểu văn là cái đẹp của con người, thì văn hóa chẳng có gì khác hơn là truyền bá chúng.
Cái đẹp muôn đời vĩ đại là từ cuộc săn bắt hái lượm nguyên sơ, loài người đã chuyển sang tự sản xuất cái ăn cái mặc. Hoạt động lâu dài đó chính là cái nôi sản sinh ra tất cả: âm nhạc, nghệ thuật, tín ngưỡng,...
Có thể nói phần hiển ngôn của các sắc dân thiểu số Tây nguyên tuy không nhiều, nhưng ngàn lần đồ sộ hơn sử Việt. Một thí dụ: Chỉ riêng Sử thi M'Nông đã sưu tập được, nói về từng loại cỏ cây, hòn đá, con cá, con chim,...cách phát rẫy, đặt bẫy, đi săn, chiến tranh phòng vệ,...đến tổ tiên, xuất xứ, đến thần thoại, truyền thuyết,... đã hơn 800 bộ. Nếu ấn loát nghiêm túc vói bìa mỏng giấy thường co chữ 13 thôi thì đủ để chất đầy đặc một gian nhà 150 mét khối. Đừng nghĩ tôi nhầm nhé, chất đầy một container 40 feet. Còn sử của Việt Nam ta chỉ đủ xếp một ba lô !
Thế mà phần dụ ngôn của họ, ẩn mật đằng sau câu chữ, lời ca, điệu múa còn bao nhiêu nữa ?
Tôi vụng nghĩ rằng, không phải chỉ Ba Cùng, lấy vợ đồng bào, ăn ở với đồng bào mà viết được như NN, TB, NA, TTD,... Tôi cũng vậy, Tôi kính nễ sức cưỡng chống của họ trước các áp lực to lớn để còn một Tây nguyên phi Ấn, phi Hoa sau hàng ngàn vạn năm.
Một Tây nguyên mà không nhờ họ Nguyễn Huệ không làm sao thắng được quân Thanh, thống nhất đất nước.
Không lực lượng khởi nghĩa nào tiêu diệt cả một phái bộ ngoại giao của thực dân Pháp như Ama N' Trang Lơng, không một phong trào tự phát nào do một người đàn bà lãnh đạo mà lan rộng với tầm ảnh hưởng lớn như Mọ Cọ ở Di Linh, Lâm đồng,...
Có đáng kính trọng không ?
Ví như cả cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ một Mìu Chắn Quay hạ gục Đại tướng De Lasse de Tassignie, thì ở Bảo Lộc có anh K'Một hạ lộn cổ viên tướng 3 sao Ki-shi Hat-xây của sư đoàn I không kỵ-Anh cả đỏ của không lực Mỹ, chưa từng thất trận từ thế chiến thứ II !
Có ai dám thử so sánh không ?
Những anh hùng Núp và bao nhiêu anh hùng Tây nguyên khác đã vẽ lên dung nhan và bản sắc của họ. Chúng tôi, và cả chúng ta còn phải nghiền ngẫm nhiều hơn nữa chỉ riêng về họ, cũng chưa thể nói là đúng như chính họ. Phải là họ nói ra, viết ra với sự tự hào chính đáng của họ, với vị của họ, giọng của họ,... Điều ấy chỉ xảy ra khi ta hiểu được họ cần gì, cần học gì,...nhất là phải cho họ được in ấn, phát hành dễ dàng cái mà nhân dân chân chính cần có.
Còn sự giả cầy, thô bỉ xuất phát thực sự từ lòng tham, từ dốt nát của không ít số "cán bộ văn hóa" các địa phương đến ban VH-TT TW, của chỉ một dúm người cầm chịch ở đâu đó, mới chính là nguyên nhân của sự bất an, thiếu bền lâu, trong chốn núi rừng đã và đang tan hoang này.

Văn Công Hùng nói...

@Quanlang:
- cái cửa sổ nó mặc định như thế hay sao ấy, bác chịu khó chơi ra word rồi dán vào, và lưu được nữa, gọi là comment nhưng của bác nó là một bài đầy sức nặng, xứng đáng được in trang trọng trên báo hoặc các kỷ yếu khoa học.
- chính vì thế mà, đọc comment của bác xong mới biết mình chưa hiểu gì về Tây nguyên cả, mới thấy rằng, chả dám viết về TN nữa.

Phạm Đức Long nói...

Hoàn toàn chính xác.

DNS nói...

Chớ chớ, VCH viết về TN, về VH và phản VH,... rất hay rồi. Chuyện TN là vụng nghĩ thôi, về cái lớn hơn sâu hơn.
Vừa rồi có một nông dân ở Cư Pử hỏi mình có biết chỗ nào mua đàn đá khg, mình nói ông cứ rao bán, có luật về Sưu tầm cổ vật đấy, đừng có mà dấm dúi qua biên giới thì đúng là chơi hơi lâu ra đó.
Bên LD cũng mới phát hiện ra 53 thanh đàn rất chuẩn, tỏ rõ trẹn thế giới này chưa đâu có được những nhạc khí đá tinh mỹ như TN, nó lâu đời hơn tất cả nhạc khí mà loài người được biết tới.
Nhạc mà đến thế thì lễ còn đến đâu nữa hở trời. Lễ nhạc như thế thì Đạo ắt phải xa hơn, người hẵn phải người hơn...bây giờ. Nhạc trên khánh đá, trống đá ('quen' gọi là đàn đá, dù nó thuộc bộ Gõ, hi hi) và ciêng cồng cùng một truyền thống, tiết điệu. Thế mà từ Sếp-ne, Nguyễn xuân Khoát đã luận sai về trống đá, đến vv và vv sau này dám nói cồng chiêng là nhạc cụ ngoài TN, từ Lào, từ Việt,...Chẳng bố nào qua Lâm Đồng ghé mắt vào xem thử trình độ đúc đồng của Mạ, họ còn đúc được tới cái gì nữa kia. Chẳng may họ bị Pháp tuyệt diệt vì họ cả gan đúc súng, chống Pháp.
Trí thức XHCN, xa-lông, bàn giấy là vậy, nhà thơ ạ.
Phải cùng nhau tìm hiểu, cùng viết. Quan trọng nhất là có cho gửi bài lên trang hay khg thì chưa thấy nhà chủ giả nhời.

Văn Công Hùng nói...

@ Quan lang:
hìhì cứ gửi chứ, còn đăng hay không là do... Tổng biên tập mà. Vừa thấy bác trên BX.

Văn Công Hùng nói...

@ Quan lang:
Cãi với bác một chút về xuất xứ cồng chiêng TN. Ngay người TN cũng có loại chiêng Lào, chiêng Joăn, là 2 loại chiêng rất quý trong tập hợp chiêng TN, tức là họ hân biệt rất rõ loại chiêng ấy. Hì hì có khách rồi, mai tính tiếp

Đoàn nam Sinh nói...

Ai mà khg biết là có cing lao, cồn Lao còn có nữa là. Nói vui thôi, chuyện thế sự còn dãi dài.