Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

ĐỒNG BẰNG QUẦN QUẬT

Bài này có số phận lênh đênh lắm. Vũ Hồng đã đưa lên website vannghesongcuulong rồi thì anh Quang Hoàn gọi: Tao in ở Nhân dân hằng tháng tết đấy. Thế là vội vàng gọi Vũ Hồng: Hạ xuống ngay giúp anh kẻo mất toi nồi bánh chưng đấy. Vũ Hồng bảo em đang cà phê ngắm mưa Sài gòn, không mang laptop nên 60 phút nữa em về sẽ hạ, bác yên tâm, giờ này các "tỉnh táo viên" của báo ND cũng đang... uống cà phê, không lướt web đâu. Một tiếng sau thì anh hạ xuống, và hôm nay thấy báo biếu về (Bài in ký bút danh Hoàng Hương Giang vì tên VCH phải dành cho 1 bài thơ cũng ở số ấy, hehe) mới dám post lên đây...



ĐỒNG BẰNG QUẦN QUẬT...
VĂN CÔNG HÙNG
          Thì đúng là quần quật. Có mấy ngày, dạo mấy tỉnh, mà đi đến đâu cũng... giao lưu, cũng chia tay lưu luyến, cũng làm đủ nghĩa vụ bạn bè. Đến khi về, hành trang quà tặng vẫn là... hai thùng rượu Bến Tre, và đến giờ thì phân biệt được rượu Long An khác rượu Bến Tre thế nào, rượu Bến Tre so với rượu Mỹ Tho ra sao. Chưa kể tỉnh nào cũng có đặc sản, ví dụ nhà văn Thu Trang bảo: Các anh đến Mỹ Tho mà không ăn hủ tiếu Mỹ Tho lại đi ăn bánh mỳ ốp la trong khi Sương Nguyệt Minh bảo hôm qua ăn hủ tiếu Bến Tre rồi...

          Long An té ra lại chiếm đến 3/4 diện tích của Đồng Tháp Mười chứ không phải là Đồng Tháp hay là tỉnh miền Tây nào khác (Hơ, nhà văn Hữu Nhân ở tỉnh Đồng Tháp vừa gọi điện cho mình,. góp ý là số liệu này không phải, anh đọc một dãy số nhưng mình nhớ không kịp, đại loại là có thể nó gấp ba một tỉnh chứ không phải cả Đồng Tháp Mười- Thì mình viết kiểu du ký, không chú trọng số liệu nên ai muốn biết chính xác thì xin hỏi đồng chí Gúc nhé). Ra khỏi Sài Gòn chưa đến năm chục cây số là một thế giới của nước mênh mang hiện ra hết sức lạ lẫm và kỳ thú. Chúng tôi quyết định dừng chuyến đi của mình trước hết ở đây.
          Ngày xưa tất nhiên là di chuyển hoàn toàn bằng ghe xuồng rồi, còn bây giờ, chạy xe hơi đến nơi nào thích đi thuyền thì xuống thuê ghe đi. Nhưng cũng không dễ dàng mà thuê ghe đi cho thỏa cái chí tang bồng mơ mộng, đơn giản vì... nước còn rất ít. Mênh mông là... ruộng khô hoặc chỉ lắp xắp nước, chỉ có thể xắn quần lội chứ không đi ghe được. Mà như thế thì dân... đói. Ai đó nghĩ cách chống lũ cho Đồng Tháp mười là không hiểu gì về tập tính sống của dân ở đây. Sống chung với lũ là phương cách đúng đắn nhất.
          Cứ hình dung đi, nước, bao la nước, bạt ngàn nước. Một con xuồng nhỏ, trên ấy là ta đang trôi. Cứ bát ngát thế, sắp sửa thấy nhàm chán thì một cái cồn hiện ra. Có nhiều loại cồn, loại to như ở Bến Tre, cồn mọc giữa sông, chứa cả huyện, đường nhựa ngang dọc, phố xá ngất nghểu, và loại cồn như cái nốt ruồi giữa khuôn mặt cô gái đồng bằng, nhỏ tí hin, trên ấy vài ngôi nhà lá, mươi người dân, một hai cái quán, và điều kỳ thú chuẩn bị toát ra từ cái quán ấy. Ra sau nhà, bao giờ cũng có những lu những khạp, hoặc là những cái dụng cụ bằng tre, bằng lưới dìm lờ đờ dưới nước, ngay ở bậc thềm lên xuống, trong ấy là rắn, rùa, ba ba, cá đồng và... chuột. Trời ơi, thế giới kỳ thú ở đấy chứ đâu. Chỉ một nhoáng, bà chủ đã hành quyết xong một con nào đó ta chỉ, giờ chỉ còn chế biến và chén. Món đơn giản nhất là nướng vàng bằng rơm xong chấm muối ớt, cầu kỳ hơn thì lẩu, luộc, xào... cũng rất đơn giản vì đa phần các loại lá gia vị có ngay ở bên cạnh. Nó có thể là mấy ngọn xoài đang rưng rưng mướt, là nắm lá kèo nèo trông y như những cánh bèo tây, là bông Điên điển mà hồi nhỏ ngoài bắc tôi đã biết nó đích thị là  họ điền thanh, là bông súng mà ở các nơi khác chỉ để ngắm, là rau ngổ, rau muống, rau sam rau má... đang lóp ngóp ở bờ ruộng, thích đứng lên thì vít một ngọn xoan, làm một nắm lá... tất cả làm nên một đặc trưng miền Tây bằng cách nhúng chúng vào chảo thức ăn nếu là xào, và vào nồi nếu là lẩu, mà chính người miền Tây nam bộ lại hay gọi mình là người đồng bằng.
          Đã vài lần xuống miền Tây mà lần nào cũng thích, ấy là bởi cái tính thích những gì dân dã, thích những cái lạ, kể cả cũ mà lạ. Những chuyến đi luôn luôn mở ra những chân trời mới lạ, những bất ngờ không hẹn trước và cả những cuộc gặp gỡ thú vị. Thì đấy cuộc đi Đồng Tháp Mười của chúng tôi mà không bất ngờ à?
          Bất ngờ là bởi Đồng Tháp Mười nơi tôi đến lúc ấy lại... không còn nước. Nó ở ngay huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Phải mấy hôm sau, khi xuống Ấp Bắc của tỉnh Tiền Giang thì tôi mới thấy miên man nước, đúng nước đồng bằng mùa nước nổi. Và khi ngồi viết bài này thì nghe tivi thông báo lũ về đồng bằng bất ngờ, ruộng cao đến ba bốn mét nước. Còn hôm xuống Thạnh Hóa được giải thích là do bị mấy cái đập phía Trung Quốc chặn nên đến giờ này, tháng 11 rồi mà nước không về, dù miền Trung đang lũ lụt kinh khủng, con số người chết mỗi ngày luôn tăng. Chúng tôi chạy xe xuống huyện, nhờ anh bạn nhà văn Hoàng Đỗ, phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Long An nên được ngay trưởng ban tuyên giáo và chánh văn phòng huyện ủy giúp bằng cách thuê hộ xuồng để đi... sông, ruộng không có nước thì chạy trên sông cho đỡ ghiền, thế nhưng mà không thuê được xuồng, lý do là giờ dân ít đi xuồng hơn trước, đường (lộ) xẻ dọc ngang nên dân sắm xe máy mà lơ đãng với xuồng. Các anh ở huyện nài chúng tôi bằng được nhập cuộc vào một cuộc đang tiếp đoàn cải lương Long An. Trời ơi, vào đấy là... chết ngay, hiểu điều ấy nên chúng tôi bằng mọi cách chối từ trước sự thất vọng và ngạc nhiên của lãnh đạo huyện, bởi ở đồng bằng, cải lương là số một, được gặp được ngồi, được uống rượu với các nghệ sĩ cải lương thì như là trúng số, có người mơ cả đời không được, thế mà mấy gã trông mặt mũi cũng còn mê mải lắm lại "chê" cuộc gặp các đào cải lương xinh như mộng, các ông hoàng bà chúa trong các vai diễn giờ đang ngồi "cưa" ly chủ khách khách chủ và sẵn sàng xuống xề vài câu khi có người yêu cầu...
Tượng đài chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút

          Đi với ai là điều rất quan trọng trong những cuộc đi, cả giang hồ và chính thống. Kinh nhất là những cuộc đi mà cứ phải lo đối phó nhau, phải giữ kẽ nhau, nem nép nhau, phải lo... xóa dấu vết thế mà sau về vẫn còn bao nhiêu đơm đặt. Nhưng có người chỉ thấy tên trong màn hình điện thoại là muốn đi ngay.Chính vì thế mà tôi đã trốn cơ quan khi nghe Sương Nguyệt Minh gọi: Có cuộc đi đồng bằng hay lắm, xuống Sài Gòn gấp để đi, và thế là đeo bồng đi ngay. Nguyên tắc của chúng tôi đi là không phiền các cơ quan, thậm chí là không phiền cả bạn bè, chủ yếu là đi thật nhiều, hít thở thật nhiều không khí đồng bằng. Thế nhưng mà nào được. Chưa đi thì ông nhà văn Vũ Hồng đã loa loa trên web văn nghệ sông cửu long, thế nên đến đâu cũng bị... bắt cóc. Đến Long An định chỉ kêu Hoàng Đỗ nhờ dẫn đường  thì các bạn văn nghệ Long An cũng biết và cũng phải một cuộc ngồi với những là Nguyễn Lành, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Phấn Đấu... Đang ngồi thì Bến Tre lại gọi: Ngồi nửa tiếng nữa thôi nhé, anh em Bến Tre đang chờ ngay tại... quán. Cái trang web vannghesongcuulong có mục Mái nhà văn, ông Vũ Hồng cập nhật tất cả tin tức về các nhà văn, ai uống cà phê với ai, ai có vợ mới đẻ, ai mới mất điện thoại, ai gả con gái, ai nhậu xỉn ở đâu... vì thế hôm Vũ Hồng nhắn tin cho Sương Nguyệt Minh hỏi đang ở đâu, Minh bảo đang ở... Tây Ninh- lại cũng một cái lợi nữa của điện thoại di động là... nói dối được- dù lúc ấy Minh đang ở Vũng Tàu, thế là Vũ Hồng đưa tin: Nhà văn Sương Nguyệt Minh đang ở Tây Ninh, sau đấy sẽ đi đồng bằng. Chính cái tin đưa rất ngẫu hứng của Vũ Hồng đã khiến Sương Nguyệt Minh nảy ra ý định đi thật, và đối tượng mà y rủ đồng hành là tôi và nhà thơ Lương Hữu Quang, bạn thời chiến trường Campuchia của Minh...

          Bà Sương Nguyệt Anh là con gái cụ Đồ Chiểu, là người phụ nữ dầu tiên của nước Nam ta làm Tổng biên tập báo, ở thành phố Hồ Chí Minh có con đường đặt sai tên bà là Sương Nguyệt Ánh. Mục đích của chúng tôi xuống Bến Tre là sẽ ghé Ba Tri quê hương cụ Đồ để Sương Nguyệt Minh nhận họ hàng với bà Sương Nguyệt Anh.
          Tôi nói điều ấy với các bạn Bến Tre, rất nhiều người tin điều ấy mà không biết rằng, Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, người Ninh Bình. Trong một bài báo trước đấy, tôi có viết rằng nếu tìm nhà văn Việt Nam yêu vợ nhất nước có lẽ phải là Sương Nguyệt Minh. Này nhé, tên vợ y là Nguyệt, Vũ Minh Nguyệt, cũng là một người viết văn khá hay, mà lại xinh đẹp, mà lại luôn luôn tự hào về chồng, luôn luôn coi chồng là thần tượng. Và y cũng đáp lại cái sự ấy bằng cách lấy bút danh là Sơn Nguyệt Minh. Hồi ấy viết tay rồi nhân viên tòa soạn đánh máy chữ, cái cô đánh máy như gió chỉ nghiêng đầu đọc bản thảo mà không cần nhìn bàn phím ấy không hiểu sao lại gõ thành Sương Nguyệt Minh, các chuyên gia dò mo rát cũng không phát hiện ra, thế là chết tên của y từ đấy.
Một góc thành phố Mỹ Tho

          Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.315 km2, được hình thành bởi cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành (gồm sông Tiền dài 83 km, sông Ba Lai 59 km, sông Hàm Luông 71 km, sông Cổ Chiên 82 km). Nhìn từ trên cao xuống, Bến Tre có hình giẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, các nhánh sông lớn như hình nan quạt xòe rộng ở phía đông. Phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Long, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển là 65 km. Những con sông lớn nối từ biển Đông qua các cửa sông chính (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên), ngược về phía thượng nguồn đến tận Campuchia; cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt khoảng 6.000 km đan vào nhau chở nặng phù sa chảy khắp ba dải cù lao là một lợi thế của Bến Tre trong phát triển giao thông thủy, hệ thống thủy lợi, phát triển kinh tế biển, kinh tế vườn, trao đổi hàng hoá với các tỉnh lân cận
Xuồng ba lá

          Đặc sản Bến Tre là nghêu và các loại... rượu Phú Lễ, từ ngâm chuối hột tới ngâm ổi xẻ. Đã bảo vào miền Tây lá gì cũng thành rau và củ quả gì cũng có thể ngâm rượu. Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân ở Long An (nơi có đặc sản rượu Gò Đen) có hẳn một nhà chứa rượu chị ngâm lấy, từ rượu nhàu rượu ổi rượu xoài đến rượu củ sen rượu trứng cá rượu rễ tầm vông... hàng trăm thẩu đứng nghiêm trang chào... khách. Còn nghêu thì thi thoảng đọc báo thấy đưa tin dân đi cướp nghêu ở bãi nghêu. Thì ra cái bãi nghêu ấy là bãi tự nhiên, chả ai nuôi, nhưng lại có chủ, nó bạt ngàn khi đến mùa, lấy cào cào như cào muối. Chúng tôi ăn một bữa nghêu sống đứ đừ với mù tạt mà lạ, sáng hôm sau không thấy ai ôm bụng. Nó chứng tỏ đất ở đây lành như người. Các bạn văn rất hiếu khách, tối ngồi với nhau rồi, sáng sớm lại bắt ra quán cà phê gẫu tiếp. Rồi chừng thấy chưa đã, lại kêu mấy chai Phú Lễ chuối hột, rượu quốc doanh nên bảo đảm không bị nhức đầu bởi An đê hít, Vũ Hồng bảo thế và cương quyết gửi cho tôi... hai thùng về đãi bạn bè. Toàn bộ Bến Tre là mấy cái cù lao khổng lồ, ngày xưa chỉ có một con đường độc đạo để vào Bến Tre là qua bến phà Rạch Miễu, một cái bến phà rất lớn với nhiều con phà lớn, suốt ngày xình xịch băng qua băng về sông Tiền chở bao nhiêu người, ô tô, vật sản của một tỉnh thông thương với cả nước. Thế mà có lần tôi ngồi ở nhà anh La Quốc Tiến ở Mỹ Tho, kêu một cú điện thoại, nửa tiếng sau đã thấy một đoàn các bạn Bến Tre có mặt. Giờ cầu Rạch Miễu đã xong, cây cầu mà dân Bến Tre gọi là cầu thế kỷ, từ Mỹ Tho chạy oèo một cái là sang Bến Tre. Hai tỉnh này cách nhau có một chiều ngang sông Tiền. Và nghe nói còn mấy cây cầu nữa cũng đã hoàn thành, mở Bến Tre ra bốn hướng, ví dụ ngày xưa muốn về Trà Vinh phải qua Mỹ Tho rồi lộn lại, bi giờ, cũng chạy oèo qua cầu Cổ Chiên là tới.
Một góc sông Tiền

          Người Bến Tre tự hào vì có cụ Đồ Chiểu thì rõ rồi. Cứ nói chuyện năm mươi câu thì có một câu nhắc tới cụ. Họ còn độ thơ cụ ra để... nhậu: Thà đui mà nhậu thiệt tình/ còn hơn có mắt rình rình qua tua... họ còn tự hào về phong trào đồng khởi diễn ra đầu tiên ở xứ này vào năm 1960, cái thời mà chế độ Ngô Đình Diệm ban bố luật 10/59 và sáng chế ra cái máy chém người rất khủng khiếp, xoạt một nhát là đầu một nơi người tại chỗ, thế mà nhân dân vẫn không sợ, vẫn đốt đuốc lá dừa với mõ tre mà đồng khởi. Và thắng lợi. Và từ đây xuất hiện đội quân tóc dài. Bây giờ ngay ngõ đầu vào thành phố Bến Tre có cụm tượng đài đồng khởi lấy lá dừa làm cảm hứng chủ đạo mà trông khá ấn tượng, ai vào cũng thấy, và nhiều người nơi khác đến thích chụp ảnh ở đấy. Rồi Bến Tre vừa kỷ niệm sáu mươi năm tiểu đoàn ba lẻ bảy, tiểu đoàn anh hùng có bài hát rất hay mà lời của một nhà thơ gốc Nam Định, Nguyễn Bính. Mà tiểu đoàn này không chỉ có Nguyễn Bính, còn có những tên tuổi tài danh khác như nhà điêu khắc Nguyễn Hải, nhà văn Trần Kim Trắc, đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp, dịch giả Phạm Hồng Sơn... ba người của tiểu đoàn là anh hùng lực lượng vũ trang, 10 người là tướng... Có một cái hồ cũng là niềm tự hào của người Bến Tre, chỉ nguyên nội tại sao nó tên là hồ Chung thủy mà tôi được nghe các bạn văn Bến Tre căn dặn rất kỹ. Rồi cũng chỉ nguyên việc người ta vừa kè bờ hồ trơn lì đi cũng khiến các công dân Bến Tre bức xúc. Thế tức là họ rất yêu vùng đất này của họ. Tự hào và yêu là những phẩm chất rất quý của các con dân ở một vùng đất, nó chính là động lực, là khát vọng để họ dâng hiến và dấn thân. Vũ Hồng kể vanh vách cho tôi cây này thọ mấy trăm năm, cây kia đã từng suýt chết thế nào? Ôi giời thế mà còn những là Hồ Trường, Kim Ba, Nguyên Tùng, Từ Phạm Hồng Hiên, Cát Hoàng, Phạm Bội An Thuyên... Tôi tếu táo kể với họ rằng, trên đường chạy xe về Bến Tre, Sương Nguyệt Minh là người hồi hộp nhất, vì sắp sửa được gặp hai nữ tác giả xinh đẹp xứ dừa, cộng tác viên Tạp chí Văn Nghệ Quân đội là Phạm Bội Anh Thuyên và Từ  Phạm Hồng Hiên. Cái xe thể thao nhập khẩu nguyên chiếc giá hơn tỉ bạc đã chỉ đến vạch 150 km giờ rồi mà lão vẫn còn thấy chậm. Đến nơi thì... hai lão mày râu đang ngồi. Sương Nguyệt Minh nhớn nhác đảo mắt thì hai ông râu ria ấy xông lại bắt tay: tôi là, tôi là... ối giời, nhìn cái mặt ông Sương Nguyệt Minh lúc ấy mà không nín được cười. Thì là tôi cứ kể thế, tin thì tin không tin thì... cũng phải tin.
Tượng đài chiến thắng Ấp Bắc

          Lần trước tôi về Bến Tre bằng xe máy với nhà văn Nguyễn Đức Thọ. Giờ Thọ đã về cõi gần chục năm. Số Thọ tài hoa bạc mệnh. Lần này về không có Thọ nhưng chúng tôi vẫn nhắc đến những kỷ niệm thời ấy. Ấy là cuộc "lội" ngay ở cửa Hàm Luông. Người trong này gọi bơi là lội. Các bạn thuê một cái xuồng chạy thẳng ra cửa Hàm Luông lúc sáu giờ chiều, mây sầm sập đen, nước cuồn cuộn phù sa bạc, và chúng tôi... nhảy xuống. Thực ra mới có mình La Quốc Tiến nhảy, tôi đã cởi đồ thì Nguyễn Đức Thọ giữ lại. Sáng sau nhìn lại cái cửa biển mênh mông mới thấy kinh, tôi mà nhảy xuống chắc giờ chả còn ngồi mà gõ những dòng này. Đợt ấy tôi đã "kính cẩn" mang về nhà chiếc... bàn chải đánh răng trong nhà khách tỉnh ủy Bến Tre để kỷ niệm vì không biết có bao giờ trở lại. Thế mà hôm nay, nhấn một phát, lại ngồi vêu vao nhìn ra hồ, ngắm mây trời Bến Tre, dù chả thấy tóc dài bay trong gió đâu, cái thứ ấy đã trở thành của hiếm ở khắp nông thôn thành thị đất nước ta rồi. Nhưng những người con gái Bến Tre thì vẫn chân chất nhân hậu, vẫn dịu dàng vị tha như thế. Tôi đọc được điều ấy ở chính các bà vợ của những là Vũ Hồng, Kim Ba, Hồ Trường, ở các bạn nữ phóng viên truyền hình Bến Tre mà tôi gặp. Gái Miền Tây nổi tiếng là trắng da dài tóc, nổi tiếng đẹp, và nổi tiếng chiều chồng. Cứ từ vợ mình mà suy, chín mười giờ đêm chồng chưa về là bắt đầu kiên trì... bấm điện thoại, còn ở đây, ngồi khuya mịt mù, chả thấy ai bị điện thoại quấy rầy, chả thấy ai tỏ ra nôn nóng hốt hoảng, chả thấy ai lấm lét tháo chạy cả. Có người bảo thế là bi kịch, vì vợ nó chả coi chồng là cái đinh gì, về thì về chả về thì thôi. Ôi dào, con người, thế nào cũng nói được. Vợ nó kìm cho như kìm nhổ răng mà lại kêu là hạnh phúc, lại bảo là được vợ quan tâm thì em xin lạy cả nón...
          Rốt cuộc là cuộc đi xuồng bơi sông và rạch của chúng tôi lại được tiến hành ở Mỹ Tho bởi sự sắp đặt rất chuyên nghiệp của một nhân vật cũng rất chuyên nghiệp mọi nhẽ là Trần Đỗ Liêm. Lâu nay nghe tên, chỉ biết ông này là một nhà thơ ở Tiền Giang, đến nơi mới thấy, ông là chủ của một tập đoàn tàu thủy hơn ba trăm chiếc chạy ngang dọc Nam bộ. Mà không phải ông chủ xuông, Hợp tác xã vận tải Rạch Gầm của ông là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đơn vị ông ăn nên làm ra, xủng xoẻng danh hiệu treo đầy trên tường, để đầy trên bàn. Thế mà ông lại là người Bắc, và lại không uống một giọt bia nào, rượu thì một ngày không quá hai li nhỏ nếu bị ép uống. Quái lạ, điều hành hàng ngàn giang hồ sông nước Nam bộ, nói ai cũng nghe răm rắp, mà lại không biết nhậu, không nói tục, nho nhã từ tốn và rất nhiệt tình với khách văn chương...
Một góc Sông Tiền

          Nói gì thì nói, Nam Bộ là xứ rất giỏi làm du lịch. Huế quê tôi nổi tiếng là xứ du lịch, nhưng nếu so với mấy tỉnh phía nam tôi đã qua thì chắc là còn phải học hỏi dài dài. Ở Kiên Giang có cái hang bằng mắt muỗi, chả có gì sự tích, thế mà người cứ nườm nượp vào rồi... ra, và im thin thít để rồi tiếp tục vào rồi ra. Cũng như du lịch Tiền Giang chở khách bằng ghe, xong rồi lại mời khách lên xe ngựa, chạy vất vểu trong cù lao mấy vòng, ngựa chưa ra mồ hôi thì hết đường, quay lại. Vào các lều uống trà mật ong, ăn trái cây, mà sức người có hạn, nên ăn uống cũng chả là bao. Xem và nghe đờn ca tài tử, thú thật, 10 ông thì chắc 8 ông chả hiểu gì, thêm nữa, cái lời của mấy bản nhạc này phô quá, cứ là quê em đổi mới, quê em đẹp giàu, đồng ruộng tốt tươi, tôm cá đầy ghe, là mời về thăm quê em, là đi rồi thì phải nhớ... và lại xuống xuồng ba lá chui trong mấy con rạch may còn sót lại trong các cuộc phát triển du lịch và đô thị. Cái cảm giác ngồi xuồng rất lâng lâng, rất thú vị, nhưng nó biến mất ngay khi biết những người chèo xuồng bằng tay ngược nước ấy phải được xét là hộ nghèo mới được làm việc này, và mỗi tháng cũng chỉ được dăm sáu trăm bạc. Cái cô bé chở chúng tôi mới 16 tuổi, bỏ học khi vừa xong cấp 1, rất xinh, như mọi cô gái miền tây khác, nhưng chân tay thô và nhiều chai. Cái dáng cô bé ngồi xệp trên mũi xuồng, lưng rịn mồ hôi thấm qua lần áo bà ba, tay chèo bươn bải đưa con xuồng ngược nước thấy cứ bất nhẫn thế nào ấy. Là bởi, lẽ ra cái ghe máy chở chúng tôi sẽ chạy thẳng, nhưng người ta lại cho nó dừng lại thả chúng tôi xuống xuồng rồi mới chạy lên phía trên đợi chúng tôi. Còn chúng tôi thì lên cái xuồng ba lá ấy, hưởng thú vui không khí sông nước bằng cách chạy vòng qua con rạch đầy dừa nước rồi chui ra đón ghe. Rõ ràng cách tính toán kinh doanh kiếm tiền là rất giỏi, vì xuồng san sát, bốn người một xuồng, ken nhau mà đi. Nhưng nghe nó cứ xốn xang thế nào, cứ thấy mình như kẻ vô cảm. Nhưng nếu không có những dịch vụ ấy, nếu chúng tôi không lên những con xuồng để hưởng dịch vụ ấy và trả tiền cho nó, thì chắc chắn cái cô bé 16 tuổi đang chèo xuồng kia sẽ phải đi làm cái việc mà hiện nay rất đông các cô gái miền Tây xinh đẹp đang phải làm, ấy là lấy chồng nước ngoài, ấy là lên thành phố làm các dịch vụ phục vụ sự sung sướng của các quý ông thời đổi mới lắm tiền- chứ nếu ở nhà thì làm cái gì khi mà đất thì không có, chữ cũng không?

Sông Vàm Cỏ đông

          Ông Trần Đỗ Liêm là chủ nhiệm cái Hợp tác xã vận tải Rạch Gầm. Về đây mới hiểu rõ Rạch Gầm - Xoài Mút là con rạch có nhiều hổ, nó gầm suốt đêm ngày, còn Xoài Mút là vùng ấy rất nhiều xoài, người ta không ăn mà chỉ mút rồi bỏ, đơn giản thế thôi chứ chả nghĩa bóng nghĩa nôm gì. Giống như có con sông tên là Bảo Định chảy qua thành phố Mỹ Tho xưa, thế nên ông Nguyễn Thanh Danh mới lấy bút danh cho mình là Bảo Định Giang, và cái tên ấy được rất nhiều người biết, còn cái tên cúng cơm thì như tôi, vừa phải dở cuốn từ điển "Nhà Văn Việt Nam hiện đại" mới biết. Tôi không rành lắm chuyện ông Liêm này làm ăn như thế nào, nhưng khi tôi trông thấy hàng trăm con tàu đồ sộ cỡ mấy ngàn tấn của ông đậu ràn rạt trên sông Tiền thì tôi hỏi ông là ông nghĩ thế nào về Vinashin, ông cười rất nhẹ, bảo, thằng Bình không biết tính toán, làm ăn ẩu. Bình đây tức là ông Phạm Thanh Bình tiếng nổi như cồn vừa vào nhà đá đếm kiến sau khi đã kịp phá tiền thuế của dân cỡ 86 ngàn tỉ gì đấy. Về làm ăn thì ông Liêm bây giờ là ủy viên BCH TW Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó chủ tịch hội vận tải thủy Việt Nam, và vài ba chức nữa ở tỉnh, còn về viết lách thì ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang, Hội viên hội Nhà Báo Việt Nam, hội viên Hội luật gia Việt Nam. Trong nhà ông có một cái vườn thơ mà hầu như các sinh hoạt văn chương khu vực đều lấy làm trụ sở. Ngay khi tôi rời Tiền Giang thì hôm sau, tại vườn thơ này, nhà văn Nguyên Ngọc có cuộc chuyện trò văn chương với một cái trại sáng tác truyện ngắn của tỉnh Tiền Giang. Thì đã bảo con người này rất lạ, lạ mọi nhẽ, làm mọi việc cứ như không mà không cần phải uống éo thức khuya la cà phố xá. Bận thế mà ông bỏ ra hơn nửa ngày đưa chúng tôi đi đến nơi Nguyễn Huệ đánh trận Rạch Gầm - Xoài Mút, đến nơi diễn ra trận Ấp Bắc, đến nhà thờ bà Mười Thập, tức Nguyễn Thị Thập, nguyên chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam. Rồi đến Trại rắn Đồng Tâm, đến chùa Tứ Linh Thứu, đến một loạt các địa chỉ cần đến của Tiền Giang mà có cảm giác ông thấy nếu không đưa chúng tôi đến và vanh vách kể về nơi ấy thì niềm tự hào về Tiền Giang của ông sẽ bị giảm sút. Như Thu Trang, Võ Tấn Cường, Trương Trọng Nghĩa... những tác giả văn chương gốc của Tiền Giang, yêu Tiền Giang đã đành, ông, một gã trai Thái Bình mà giờ cứ đau đáu với Tiền Giang thì quả là đặc biệt...
          Đi quần quật, uống quần quật, chúng tôi dành được cho nhau một đêm sông Tiền thú vị. Ấy là sau khi ăn chiều, thăm vườn thơ nhà ông Liêm, chia tay các bạn Mỹ Tho, ba thằng tôi lò dò hỏi đường ra phố ăn đêm. Thành phố này vừa có chợ đêm là vừa có phố ăn đêm, tách bạch nhau địa điểm chứ không xít xạt nhau như các nơi khác. Sông Tiền ban đêm đẹp như sông Hương, lững lờ chảy, khác sông Hương là từng mảng bèo tây, Nam bộ gọi là giề lục bình, neo kín bờ. Người ăn đêm rất đông mà trật tự. Đồ ăn đêm ở đây thì thôi rồi, toàn thủy hải sản tươi roi rói. Thì cái gã Lương Hữu Quang chở chúng tôi đi cũng là một tín đồ của văn chương ở thành phố Hồ Chí Minh. Gã đã in hai tập thơ “Gọi cánh buồm xanh” và “Những câu thơ ngoái lại”, đang dở dang một cuốn tiểu thuyết. Gã bảo được đi với các anh em thấy thanh thản hẳn. Cuộc đời đâu chỉ cần tiền, đâu chỉ vợ đẹp con khôn, dù những điều ấy là rất quý, nhưng cuộc đời còn những khoảng lặng của riêng mình, còn những ước mơ, những khát vọng của riêng mình. Em có một khao khát cháy bỏng là một lúc nào đó giao toàn bộ việc kiếm tiền lại cho vợ con, một mình ngồi viết văn, làm nhà văn chuyên nghiệp như các anh. Sương Nguyệt Minh bảo, thì chú cũng đã chuyên nghiệp rồi còn gì, sách mấy cuốn, thơ khiến người đọc phải ngẫm nghĩ, văn đau đớn, quyết liệt. Khởi đầu, chú liên tục được hai giải thưởng thơ của Tạp chí Văn Nghệ quân đội và báo Văn Nghệ cũng là mừng, chứ bọn tôi ngày trước viết còn tướt mồ hôi chứ làm gì dám mơ giải thưởng. Tất nhiên, giải thưởng không phải là tất cả, nó chỉ là ghi nhận lao động nghề nghiệp trong một cuộc thi thôi; nhưng những gì chú làm được chính là phẩm chất của một nhà văn chuyên nghiệp. 

Một đêm sông Tiền hiếm hoi, chúng tôi uống bia và đàm đạo chuyện văn chương, cuộc đời trong khuya khoắt. Bây giờ, cũng đêm nhưng là đêm phố núi Pleiku, tôi đang nhẩn nha mở hai tập thơ của Lương Hữu Quang tặng ra đọc...
                                                                          

10 nhận xét:

Unknown nói...

Em chỉ tiếc mỗi cái hôm đi Đồng Tháp Mười và lênh đênh sông Tiền mà chả chụp được cái ảnh nào người ta mặc bà ba và đi thuyền ba lá như anh...

Văn Công Hùng nói...

Nhớ quê muốn chết mà lâu lâu anh cứ lại làm một bài vòng quanh các nơi kiểu này thì khó cho thằng em quá.
Em vẫn thích phong cách sống và văn hóa của miền tây, nó gần như khác hẳn so với mọi nơi em từng đi qua, vừa hào sảng mà vừa phóng khoáng. Đến miền tây mà không nhậu thì nghe hơi khó, nhưng em vẫn thích. Ngồi giữa sông nước mênh mông, những cánh đồng lồng lộng gió, nhấp một ngụm rượu, khà ra một cái,... sao thấy cứ tuyệt vời thế nào.
Trước đây ở miền tây nước lớn người ta gọi là mùa nước nổi, không biết mấy cha hứng chí cái gì lại gọi là lũ, rồi lụt, đã vậy còn kêu là sống chung với lũ, nghe sao mà ghê gớm quá. Rồi dự án chống lũ, di dời này nọ phá vỡ đi tập quán sinh họat của người dân. Miền tây mà không có lũ thì người dân còn khổ gấp bội lần có lũ. Rồi sinh ra chuyện cứu trợ, có lần em đi công tác Cần Thơ, về Thốt Nốt chơi, gặp mùa nước nổi. Thằng bạn đưa đi câu cá, chèo ghe ra cái chòi trên đồng ngồi câu và uống rượu rất vui. Không ngờ gặp một số anh chạy ghe máy đi cứu trợ, không cần nói nhiều mấy anh cứ nhét đại cho em một thùng mì gói rồi bỏ đi không kịp phản ứng làm mình ngớ cả người.
Về Bến tre mà anh không nói gì đến cây dừa em thấy hơi lạ. Cũng như hủ tiếu Mỹ Tho, kẹo dừa Bến tre cũng là thương hiệu có tiếng khắp nước chứ bộ. Hôm anh đi Cần Thơ cũng không nghe anh nói có ghé làm cái lẩu vịt nấu chao không (vịt xiêm chứ không phải vịt thường đâu nghe). Lên Thốt nốt mà anh ăn thịt heo quay thì đảm bảo về Chợ lớn anh sẽ chỉ họ tới đó mà học cách quay heo. Về Sóc trăng thì làm gì cũng nhớ ăn một tô bún nước lèo, mua vài bịch bánh pía làm quà. Qua Bạc Liêu thì chắc phải làm tô bún mắm,... Ẩm thực miền tây thì quá ngon và đa dạng. Không nhiều gia vị nhưng cái gì cũng ngọt lịm bởi nó tươi xanh và gần như rau cỏ có sẵn sau hè.
Nhớ quá nên viết lung tung cho vui anh ạ. Chúc anh một ngày vui !
À, phà Rạch Miễu trước đây chạy từ Mỹ tho đến Bến tre và ngược lại không dưới 45 phút đâu anh ạ, bạn anh chạy 30 phút từ Bến tre qua Mỹ tho là hơi bị nhanh đấy !

Văn Công Hùng nói...

@ Hạnh Nhi:
Tại vì em đi thảnh thơi,còn anh thì đi... quần quật...

Văn Công Hùng nói...

@ Văn Công Hùng:
Trời ạ, chú rành miền tây như ma xó và viết hấp dẫn hơn nhà văn rồi. Những gì chú kể sơ có thể làm nguyên một phóng sự dầy dặn hấp dẫn khiến người đọc đứ đừ vì sướng ngay.
Coi như cái comment của chú là "phụ lục" cho bài viết của anh vậy, hơ hơ...

Nguyễn Minh Tuấn nói...

- Làm một hơi, nín thở luôn!
- Khối người muốn được quần quật như bác mà chẳng được.
- Đành đọc và...thèm!

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn:
Đi nhiều quá, vẫn đang ốm đấy...

Dong nói...

Ngắt làm đôi làm ba chứ viết thế thì hết vốn !

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
Hơ, có mấy làm mấy, hết thì nghỉ?
Đụng đến sở trường của chú đúng không?

khách tham quan nói...

Tôi thích nhất là đoạn VCH đặc tả về các loại cồn ở Bến Tre, mà cũng lạ là nghèo khổ thế, giặc giã thế mà các cô gái ở đây vẫn cứ phây phây như những cây dừa và có lẽ vì thế nơi đây người ta còn gọi là "cồn lõi"

Văn Công Hùng nói...

@ Khách tham quan:
Đơn gian vì cồn ở đây không có lửa nên nó đẹp cả người cả cồn...