Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

MỘT LỨA BÊN TRỜI

Cái tít bài này là mượn từ một truyện ngắn của Trần Thị Huyền Trang, còn bài này thì mới in ở báo Văn Nghệ già tết Tân Mão, đọc xong khóc he he cười hu hu...


MỘT LỨA BÊN TRỜI...
VĂN CÔNG HÙNG

          Ấy là tôi muốn nhắc lại một lứa bạn bè cùng lên Gia Lai lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ trước.
          Mới đó mà đã trên dưới ba mươi năm. Ngày ấy thầy giáo Chử Anh Đào còn trẻ lắm. Chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm Việt Bắc mũ nan, dép cao su, quần ống thấp ống cao đeo ba lô vào Gia Lai nhận công tác. Thế mà giờ anh đã là thạc sĩ, phó hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai, có mấy đầu sách. Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến thì sớm hơn một chút. Anh tốt nghiệp đại học sư phạm Huế xong rồi lên gắn bó với nghề đào tạo các thầy đến bây giờ là hiệu trưởng trường này. Cả Chử Anh Đào và Nguyễn Văn Chiến đều không thể nhớ bao nhiêu học trò đã qua tay mình để trưởng thành, trở thành hàng vạn thầy cô giáo đang cần mẫn dạy học trò khắp các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều người hiện đang giữ những cương vị chủ chốt của tỉnh như bí thư, chủ tịch các huyện, lãnh đạo các trường, các phòng giáo dục..., mà vẫn còn những là Nguyễn Chương, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Ngọc Bửu, Đen, Sang,... những người đã gắn cả tuổi trẻ của mình với Gia Lai và bây giờ nhắc tên hầu như không ai trong tỉnh không biết. Nhiều người rời ngành giáo dục Gia Lai đi bây giờ trở thành những lãnh đạo chủ chốt của các địa phương khác như anh Dũng giờ là bí thư Thành ủy Huế...
          Ngay khi tôi vừa đặt chân lên Pleiku thì một tin hốt hoảng lan ra: Một bác sĩ vừa tốt nghiệp đại học Y Khoa Huế lên nhận công tác được mấy hôm đã bị sốt rét ác tính chết. Rúng động là cái chắc. Bác sĩ còn thế, huống gì mình bấy bớt thế. Nhưng mà rồi đã tồn tại. Nhóm bác sĩ thời ấy bây giờ là những Quốc Anh, Toàn, Hùng, Phú, trước hơn một chút là Phùng Xuân Quýnh, Phạm Quốc Bảo... vân vân, bây giờ đang là những quan chức ngành hoặc là bác sĩ chủ chốt của tỉnh. Thiệt thòi đủ bề so với bạn bè cùng lứa ở lại đồng bằng, nhưng đến giờ, cả uy tín tay nghề lẫn sự nghiệp, họ có thể hãnh diện mà "tay bo" với các đồng nghiệp ở các địa phương khác.
          Bạn văn chương nghệ thuật thì lứa cùng hoặc sau một chút có Đoàn Minh Phụng, Lê Hùng, Nguyễn Xuân Thảo, Lê Xuân Hoan, Hương Đình, Phạm Đức Long, Trần Phong, Nguyễn Viết Huy (giờ là họa sĩ phó chủ tịch Hội VHNT Kon Tum) ... bây giờ những cái tên ấy không thể không được nhắc nếu cần điểm danh những tác giả chủ chốt của nền văn học nghệ thuật Gia Lai.
          Một thế hệ trí thức đã trưởng thành từ gian khó khốn khổ, từ những ngày đầu tiên với biết bao bỡ ngỡ, vấp váp, do chủ quan và cả khách quan, do sự ngốc nghếch và cả nhiệt tình thái quá, do sự ấu trĩ một thời và cả sự cứng nhắc máy móc của cơ chế... để bây giờ nói gì thì nói, vẫn thấy thương cái thuở ấy vô cùng.
          Ai có thể quên những cái bếp lửa bên đường những đêm gió cắt ruột. Năm bảy thằng ngồi co ro ăn bắp nướng, chuối chiên, khoai lang chiên vừa sưởi ấm vừa tán tỉnh cô bán hàng. Hoặc hôm nào sang hơn thì mỗi thằng một trái vịt lộn ở ngã ba Hoa Lư với xị rượu mía của bà cụ rất già rồi không bao giờ nhìn rõ mặt, quanh năm quấn áo mưa chống rét. Chúng tôi thương bà còn bà thì lại thương chúng tôi. Sang hơn chút nữa thì ra quán phở ở đường Lê Lợi nối dài, nhà anh LVN ở báo GL bây giờ, hồi ấy anh này còn bé tí, làm một tô xương "bốc mả" xì xụp gặm gặm mút mút và tất nhiên cũng tự thưởng cho mình xị rượu thuốc. Những đêm lạnh quá không ngủ được, thì anh em trong khu tập thể mò dậy vun lá thông đốt. Hồi ấy thông nhiều lắm, các công sở ẩn trong thông, các nhà tập thể liền công sở, đốt hết lá thì ôm giấy vụn ra, rồi báo các loại, cả công văn quá đát... và các loại chuyện cứ râm ran ở đấy. Và đói, phần lớn những đêm như thế là đói, nên toàn kể chuyện... ăn. Có khi nửa đêm ra hái su su vào luộc chấm muối... thế hệ chúng tôi đã qua những cơn rét Tây Nguyên như thế. Mùa khô còn cái nạn là không có nước. Bụi mù mịt đỏ quạch tất cả mà nước thì lại vô cùng hiếm, mà mùa khô là mùa lạnh. Vậy nên cả tuần mới dám dành dụm ít tiền đi tắm nước nóng ở nhà chị Sâm đường Nguyễn Du hoặc một nhà nữa ở đường Phan Bội Châu. Mà cái tiệm tắm nước nóng này hồi ấy cũng chỉ đun nước bằng củi. Thứ 7 hàng tuần chúng tôi cắt cử nhau đi khám 91, tức là cán bộ có cái tiêu chuẩn khám không mất tiền, và khi vào khám thì phần lớn là ai cũng như ai, hai chục viên xuyên tâm liên- thuốc trị bách bệnh thời ấy- hai chục viên B1, và đây là món chúng tôi đợi nhất: mười viên Tetracilin. Xuyên tâm liên phần lớn là vất, còn B1 và đặc biệt là Tetracilin được theo chân chúng tôi lên thẳng cổng chợ, sang tên ngay cho mấy cái mẹt thuốc tây di động. Số tiền ấy được giữ kỹ, đủ cho vài ba thằng làm tô ly điếu vào sáng chủ nhật hôm sau. Tô thì dứt khoát là phở gà khô Ngọc Sơn với việc uống đến... ba bát nước dùng trước khi ăn phở. Ly thì cà phê Kim Liên gần đấy- khi ấy nó trên đường Hùng Vương, ngồi có khi nguyên ngày để nhâm nhi cà phê và nghe nhạc, và điếu là thuốc Capstan, mỗi thằng một điếu, không hơn không kém. Chủ nhật luôn là thiên đường của cánh trí thức trẻ chúng tôi như thế.
          Hết tiền đói quá thì xin đi... công tác xuống làng. Có lẽ tôi phải cảm ơn những ngày đầu tiên ấy với những cơn đói, với cái túi thủng triền miên khiến mình thường xuyên xuống làng "chống đói", gọi là đi công tác. Trước khi xuống làng chúng tôi sang phòng thông tin cổ động của Ty Văn Hóa xin (kể cả lấy trộm!) vải đỏ dùng làm bandrol, ít thôi, chừng nửa mét. Vải này xuống làng trao đổi gà, gạo và thức ăn. Các cô gái dân tộc thời ấy thích lấy vải đỏ xé nhỏ chừng hai ngón tay cột tóc hoặc quấn ngang trán. Phần lớn là bà con dân tộc nuôi, dù họ cũng đói, và chỉ cơm với muối giã ớt xanh. Đồng bào Tây Nguyên thời ấy còn rất hiếu khách, cứ có người đến làng là họ tự động mang cơm đến cho, có khi hai ba nhà cùng mang đến, và khách phải nhớ là cơm của nhà ai cũng phải ăn, tốt nhất là ăn của mỗi nhà một ít. Bây giờ thì khác rồi, du lịch và văn hóa người Kinh đã khiến cho muốn chụp ảnh nhiều khi cũng phải trả tiền, nghe chiêng lại càng phải trả tiền. Ngày xưa ấy chúng tôi luôn được mời uống rượu cần, còn bây giờ muốn uống thì... mua. Chúng tôi cứ lê la làng này sang làng khác, không sợ khổ, sợ bẩn, sợ fulro, sợ sốt rét... cứ một ba lô, đến đâu là vào nhà rông mắc võng, nếu không có nhà rông thì vào nhà nào to nhất, hoặc thôn trưởng hoặc già làng... Có năm tết buồn quá, và cũng hết tiền, tôi rủ một anh bạn họa sĩ xuống làng để... trốn tết. Tất nhiên hồi ấy chưa vợ và cũng chả đủ tiền để về quê. Người Tây Nguyên không ăn tết nguyên đán như người Kinh nên tết xuống làng cũng bình thường lam lũ như ngày thường. Anh bạn hoạ sĩ trổ tài ký hoạ chân dung tặng dân làng và chúng tôi được đãi như thượng khách của làng, tức là có cơm ăn, có rượu cần uống, và đặc biệt, chủ nhà trịnh trọng lôi cái ống nứa gác trên giàn bếp xuống, lắc lắc một hồi thì một thứ nước nhờ nhờ long tong chảy xuống, một hồi nữa thì lổn nhổn những cục đen đen, tất cả cho vào nồi cà đắng nấu lẫn lộn, mùi rất nặng. Sau này mới biết đấy là món rất quý của đồng bào, món... chuột cho vào ống nứa gác giàn bếp để ăn dần. Điều đặc biệt là họ không cho muối để muối như người Kinh. Nghe nói ở làng nào có lễ ăn trâu, cơm mới hoặc bỏ mả là chúng tôi đều mò xuống, vừa tìm hiểu phong tục tập quán, vừa được ăn thịt uống rượu miễn phí, nhiều khi còn được chia thịt mang về. Tôi trưởng thành và hiểu biết học hỏi được rất nhiều về văn hóa Tây Nguyên từ những chuyến lang thang ấy. Bây giờ thi thoảng cũng vẫn xuống làng nhưng đã khác hẳn ngày xưa. Không dám ăn ngủ ngoài khu nhà mồ đến mấy ngày cho hết lễ nữa, không dám uống rượu ngút ngàn nữa, không dám uống nước suối đựng vào quả bầu mát lạnh nữa, không dám ăn nhiều món mà ngày xưa trai trẻ cứ chén ào ào vì bụng dạ không cho phép... Chuyến xuống làng ngủ ở nhà rông nguyên tuần cuối cùng cũng đã cách đây chục năm rồi. Bây giờ xuống thường là về ngay, có ngủ lại cũng nửa đêm chạy về huyện dù các đêm nhà rông vẫn luôn bí ẩn hấp dẫn mời gọi, đầy mộng mị và mơ hồ những cảm giác rạo rực...
          Một giao thừa nào đó, mấy anh em tụ tập ở nhà tôi. Đốt pháo, một viên bay vào cháy cái áo mới vợ tôi may để dành mặc tết. Lát sau Phạm Đức Long pha trà lại làm vỡ cái phích nước, một tài sản lớn khi ấy. Chuyện rồi qua chả ai để ý, nhưng sáng sớm hôm sau anh lại đạp xe sang nhà tôi và khoe bài thơ "Khoảng trời lá thông" với những câu day dứt thăm thẳm thế này: Khoảng trời lá thông bạn tôi cũng đói nghèo/ Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ thương nhau giữ tròn lẽ sống/ giữa trắng đen hư thực thăng trầm/...  Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/ Tôi có tuổi hai mươi ở đó/ có nắng có mưa có những cơn lốc đỏ/ có mùa xuân im lặng kéo qua đời... Đến sinh nhật con gái đầu, cũng không có tiền tổ chức gì cho cháu, tôi viết bài thơ ngay tại trận trên một tờ giấy pơ luya đen xỉn rồi dán lên bức tường táp lô không tô vữa không quét vôi, cũng đen xỉn của nhà tập thể, thế mà bạn bè rất thích, và sau này cháu rất hay đọc: Rồi con sẽ lên ba lên năm/ còn bây giờ ba ngày nữa con mới đầy hai tuổi/ Ba không mong con lớn nhanh như thổi/ Chỉ cần con lớn đúng sức mình... hồi ấy cái bệnh thành tích kinh khủng hơn bây giờ nhiều, đói rạc rài không ai dám kêu đói, tham ô tham nhũng cũng đã ầm ầm nhưng không ai dám nói, làm việc vất vểu, lên cơ quan chỉ ngồi tụm lại ngóng xem chỗ nào bán cám lợn rẻ, nơi đâu bán vải không phiếu, nơi nào bán phân kali... nhà nước bán bất cứ thứ gì cũng chạy đi xếp hàng để mua, mua xong bán lại ngay. Cánh tụi tôi mới dám ăn phở hoặc thi thoảng nhậu, còn phần lớn CBCNV khác là họ tiết kiệm từng ly từng tí, triệt để rau khoai, su su trồng lấy, năm thì mười họa mới dám đi chợ mua mấy con cá chuồn khô về ưu tiên cho con. Phiếu thịt thì toàn đăng ký lấy mỡ và xương, vừa được gấp đôi vừa rán để ăn dần. Hồi ấy còn lan truyền câu chuyện vui là con ốm không khóc nhưng heo ốm là khóc. Con bỏ cơm vài bữa không sao, nhưng heo chê cám một hôm là nhà như có đám... Vậy nên câu thơ của tôi muốn tránh cái bệnh thành tích hão ấy, muốn cháu lớn lên đúng quy luật, hợp với sức của nó. Có lẽ nhờ thế mà hai cháu nhà tôi giờ đều trưởng thành đúng với sức của chúng...
          Thế mà thời ấy, chúng tôi có rất nhiều những câu thơ đẹp, lãng mạn và thảng thốt, giờ đọc lại cứ nao nao. Phạm Đức Long thì: Đã qua lứa tuổi hai mươi/ Bỗng gặp hoa rong diềng nở/ Mùa thu vô tình đốt lửa/ Giữa ngày mưa bụi trắng trời. Hương Đình thì: Mẹ vỗ vào con những âm thanh cuối đời/ hời ơi cái cò cái vạc/ trăng ngã xuống hai hàng lục bát/ những âm thanh tơ trời bay lên... Còn tôi: Tháng ba mùa xuân chở mây trôi trên sông/ ai thả tơ rưng vờn mặt nước/ Tháng ba núi xanh như câu hát/ tiếng chiêng lay mặt trời sáng đêm...
          Bạn bè cùng lứa giờ phần lớn đều đã trưởng thành, anh thì về quan lộ, anh thì đường chuyên môn, anh lại phát về vợ con, anh thì giàu có..., và cũng phần lớn là không dám ăn nhậu gì nữa, đến tuổi... đi bộ cả rồi, thi thoảng gặp nhau, lại rưng rưng nhớ cái thuở ban đầu ấy. Nhớ để mà thương, mà tự hào rằng mình đã gắn với đất này như thế, và cũng nhờ thế mà mình lớn lên...
                                                                                                                                                                                                    V.C.H

4 nhận xét:

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Và cũng nhờ thế mà cái ngõ vào nhà anh vẫn mát rượi bóng hàng long não, nhờ thế mà cái tủ nhà anh đáng ra là những ly tách hay vật dụng trang trí nhưng ở đó lại là những Mắt Cao Nguyên, Gõ Chiều Vào Bàn Phím, Đêm Không Màu...và nhờ thế mà thỉnh thoảng lớp đàn em lại có dịp ngồi hầu chuyện...và để rồi lại ...nhờ thế...!

minhphuong nói...

Đọc bài này nhớ Pleiku đến nao lòng có lẽ vì nơi ấy đã gửi lại một thời tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi. Bây giờ thì thơ đã qua thời đỏng đảnh, gió trên đâu thổi rát niềm đau, tuổi đã đi qua những ngày đong nắng, bóng loanh quanh đổ xuống chân mình mất rồi. Hết năm nhớ nhà nhớ bạn.

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn:
Hehe, tạp chí tết ra rồi, bài chạm đáy của chú in hoành tráng.

Văn Công Hùng nói...

@ Minh Phương:
Nếu có điều kiện hãy tìm về đi, ngược ký ức bao giờ cũng thú vị và xúc động.