Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

LẠC TRONG MIÊN MAN DÃ QUỲ IM LẶNG

Thế là sau... hai chầu nhậu tơi bời, 2 lần uống trà Cung đình (mà vào để ngồi nhiều hơn để uống vì lão bảo không quen cái thứ nước lờ lợ ấy), 3 cữ cà phê vỉa hè... lão rời Pleiku với một lời nhắn: Sang năm sẽ đến lại, không phải ngắm phố mà xuống huyện ngắm dã quỳ. Mùa này quỳ hết rồi, nhưng lão có đọc đâu đó câu thơ của tôi rằng: chiều cao nguyên lạc trong đồi bát úp/ lạc trong mắt em lạc trong nỗi buồn/ lạc trong miên man dã quỳ im lặng... Gã cũng muốn một lần được “lạc” như thế...
    (Bài in Báo Xây dựng số tết)

---------------


          Một người bạn tôi vừa ghé Pleiku, hắn có vẻ... thất vọng khi được tôi dẫn một vòng thăm phố. Hắn là một lãng tử, yêu phố, yêu người, yêu lịch sử, yêu thiên nhiên, yêu tất cả những gì đã gặp trên đường... Đã từng đi xe máy gần hết đất nước. Lên đỉnh Phan Xi Păng, Lang Bian, xuống mũi Cà Mau, đạp xe đạp qua đèo Hải Vân. Hồi đường Hồ Chí Minh mới mở, lão đã một mình một ngựa sắt đi từ Đà Nẵng vòng ra Hà Tĩnh, đến cột số không đường Trường Sơn (Có một tư liệu nữa nói cột số không đường Trường Sơn ở tận ngoài Hoà Bình- đấy là chuyện khác, không liên quan đến việc lão lãng tử này), theo đường Hồ Chí Minh, qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên... đến Pleiku, ngồi uống rượu lòng lợn Diệp Kính với bạn bè Pleiku một đêm, lão lại dong xe theo đường 19 xuống Quy Nhơn ra lại Đà Nẵng. Chuyến đi ấy hết 18 ngày, thay một bộ sên nhông, hai bộ bố thắng, một bộ xăm lốp...
          Điều thất vọng đầu tiên của hắn là, Pleiku chẳng có gì để... xem. Ra Biển Hồ đứng... 5 phút. Hết. Xuống Đồng Xanh nửa tiếng. Xong. Hồ Diên Hồng nửa tiếng. Đủ. Đi lòng vòng trên phố một lúc, không chui vào một quán trà, cà phê nào đó, thì cũng là một quán nhậu với các món giống nhau mà ở đâu cũng có, kể cả thịt rừng, tưởng chỉ là độc quyền “đặc sản” của Cao nguyên. Lảo đảo về khách sạn, thì cũng y như một khách sạn nào đó trên khắp đất nước này với giường ga gối đệm bồn tắm toa let điện thoại xông hơi mat xa và những điều... tế nhị khác...
          Điều thất vọng tiếp theo là... nhạt nhoà phố. Gã bạn tôi đã đến Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Sa Pa, Hà Giang, Thái Nguyên..., cứ nghĩ là sẽ gặp một phố núi Pleiku với rất nhiều bản sắc. Trong đầu óc y là những chênh vênh kỳ thú, những nhát cắt nhấp nhô, những kỷ hà uốn lượn, là thông xanh rờn rờn, là sương mù hư ảo, là thổ cẩm sặc sỡ, và trên hết là những ngôi nhà với những kiến trúc độc đáo, đậm bản sắc Pleiku, đẹp thắc thỏm, mê hoặc, ấm cúng và kiêu sa, gần gũi mà háo hức... Gã luôn miệng kêu trời khi tôi đèo gã lượn hết Hùng Vương về Phan Đình Phùng, sang Trần Hưng Đạo xuống Lê Lợi, ra các con đường đôi Phạm Văn Đồng, Phù Đổng và Trường Chinh... Lão cứ bảo: Ơ hay, thế này có khác gì Đà Nẵng quê lão. Giống nhưng không thể và không bao giờ bằng Đà Nẵng. Té ra cách đây hai chục năm, gã đã lang thang ở Pleiku. Hồi ấy đường đất rất nhiều, bụi đỏ rất nhiều, bờ rào kẽm gai rất nhiều, nhưng thông cũng rất nhiều và sương mù thì suốt ngày bảng lảng, hoa quỳ ngập ngừng e lệ ở tất cả các con dốc ngõ chênh vênh, vừa xa ngái, vừa thân quen. Gã cứ đi tìm một ngôi biệt thự cổ, có cầu thang bằng gỗ và những giàn hoa giấy rất đẹp. Hình như ẩn giấu trong ấy còn có một đôi mắt thăm thẳm buồn và xa vắng như chiều mùa đông Pleiku nữa. Lão không nói nhưng cái cung cách thẫn thờ xa xót khi tìm không ra đã mách tôi điều ấy. Lão công nhận Pleiku thay đổi nhiều quá, hiện đại lên nhiều, thay đổi theo hướng tích cực. Nhưng, vẫn cứ xót xa: Không như ta tưởng?...
          Ba mươi năm trước, chẳng phải khó khăn lắm, ta cũng có thể hình dung Pleiku nó như thế nào. Lứa như chúng tôi không phải là những người sớm đến Pleku, bởi ai cũng biết, Pleiku đã có đến hơn tám mươi năm tuổi. Đấy là một thành phố đầy thông xanh, lẳng lơ dốc và man mác sương mù buổi sớm mai. Cái địa thế tuyệt vời khi nó bung biêng trên mấy quả đồi, trập trùng dưới mấy thung lũng nguyên là miệng núi lửa mà lại cao hơn mặt nước biển gần nghìn mét khiến cho về kiến trúc, Pleiku xứng đáng là một thiên đường. Thế nhưng sự phát triển như vũ bão, một mặt làm thành phố phát triển hiện đại, dân cư và phố xá đều phát triển, nhưng mặt khác, nó cứ bắt ta phải ngậm ngùi nhớ về một thời trong trẻo thế. Tính từ sau giải phóng thì trước đó đã có hàng bao nhiêu người lấy đất này làm quê hương. Thăng trầm dâu bể, bồi lở thiên di, rất nhiều người sau một cơn sốt đã không bao giờ trở dậy, bao nhiêu người ngã xuống vì hòn tên mũi đạn dù đang sống trong thời bình, kể cả nhiều người đi phép và dằng dặc không trở lại vì nghĩ đến cái cảnh vượt hai con đèo về lại nơi heo hút ấy nó ảm đạm quá, buồn bã quá... rồi mà tặc lưỡi, ở lại quê... tất cả những người ấy, bây giờ có dịp trở lại, hẳn đều ngơ ngác trước một Pleiku khang trang hiện đại và vẫn cố giữ được bản sắc của mình!
Đây là Đà Lạt, không phải Pleiku
          Có gì đâu, Pleiku là một thành phố Cao Nguyên, khí hậu gần ôn đới, địa hình trên các quả đồi, với rất nhiều lợi thế kiến trúc nhà vườn. Nhưng hiện nay, với lối chia lô mặt tiền: ngang 4,5 đến 5 mét. Dài 20 mét, tất cả các nhà của Pleiku xây dựng mới đều là nhà... ống. Như những căn nhà xây thời chiến tranh, thời bao cấp. Với lối kiến trúc này, nói dại, lỡ mà xảy ra hoả hoạn thì... chỉ có chết cháy.
          Mà nào đã hết. Pleiku đã trở nên một thành phố rất nghèo cây. Bao nhiêu cây cổ thụ đã... “lặng lẽ lìa đời, lặng lẽ ra đi”, kéo theo khí hậu thay đổi, môi trường thay đổi. Thực ra những điều thay đổi ấy là không thể đảo ngược trong xu thế phát triển và hiện đại hoá. Nhưng nếu như có ý thức, chúng ta vẫn đã có những quy hoạch vừa tổng thể vừa cụ thể để đến hôm nay không đến nỗi những ngôi nhà ống vẫn tiếp tục xuất hiện trên phố. Những cây cổ thụ luôn nằm trong “tầm ngắm”, không phải “tầm ngắm” chăm sóc, mà là “tầm ngắm” chặt, cưa, đốn, xẻ. Thành phố không có bản sắc, mạnh ai nấy làm. Rất nhiều biển hiệu công ty kiến trúc và tư vấn xây dựng trên phố, nhưng vẫn cứ là na ná đâu đâu. Thực ra các công ty kiến trúc chỉ làm được chức năng tư vấn và làm... thuê. Chủ nhà muốn sao là phải làm thế. Mà chủ nhà bây giờ, có tiền rồi, cứ thấy xanh đỏ tím vàng là thích, cứ thấy mái bằng mái nhọn là thích, cứ thấy san bằng đào đổ là thích, miễn sao là phải “bằng anh bằng em”. Nhà làm sau bao giờ cũng phải nhỉnh hơn nhà trước một tí, cao hơn một tí, nhô ra một tí, đậm hơn một tí... Có được một định chế phải là từ phía chính quyền. Mà chính quyền của ta hình như là chưa quy định muốn xây nhà thì phải như thế nào. Mà có quy định cũng chả được, với 4,5 mét chiều ngang, 20 mét chiều dọc, đố có kiểu gì hoành tráng hơn... nhà ống. Có tiền và đông người thì lêu đêu lên bốn năm tầng như bao diêm dựng ngược. Chúng tôi đã đến thành phố Đồng Hới. Và ngay thị xã láng giềng là Kon Tum đây, họ đều tạo được dấu ấn riêng rất rõ nét. Một nhà quy hoạch khôn ngoan là biết tận dụng thiên nhiên, từ địa thế đến cảnh quan môi trường, đặt đô thị của mình lên đó, giống như gắn cái nhuỵ hoa vào cánh hoa. Các biệt thự ở Đà Lạt, mà chả cứ biệt thự, hàng dãy phố mới ở khu Hoà Bình, khu hiện đại nhất ở trung tâm Đà Lạt, rất hiện đại mà cũng rất bản sắc. Sa Pa cũng vậy. Tôi mê thị trấn này đến mức bỏ cả mấy ngày chỉ quanh quẩn chụp ảnh... nhà, dẫu chỉ là một tay máy amateu. Thấy hình như không dãy phố nào giống nhau, không khách sạn nào giống nhau, không con dốc nào giống nhau. Các ngôi nhà đều ẩn vào cây, vào dốc, vào sương mù, vào vườn... mà vẫn rất nguy nga hiện đại.
          Thế là sau... hai chầu nhậu tơi bời, 2 lần uống trà Cung đình (mà vào để ngồi nhiều hơn để uống vì lão bảo không quen cái thứ nước lờ lợ ấy), 3 cữ cà phê vỉa hè... lão rời Pleiku với một lời nhắn: Sang năm sẽ đến lại, không phải ngắm phố mà xuống huyện ngắm dã quỳ. Mùa này quỳ hết rồi, nhưng lão có đọc đâu đó câu thơ của tôi rằng: chiều cao nguyên lạc trong đồi bát úp/ lạc trong mắt em lạc trong nỗi buồn/ lạc trong miên man dã quỳ im lặng... Gã cũng muốn một lần được “lạc” như thế...
Biển Hồ- Pleiku
         




6 nhận xét:

quan lang nói...

Quỳ ơi !
Ngày xưa mình quen một nàng con gái ở nhà Le Nid, dòng Domaine de Marie.
Tên nàng là Cẩm Quỳ. Ừ thì trên bề mặt cánh hoa vàng ấy có lớp nhung tơ như dệt gấm.
Ít lâu sau bên trường nữ ra một nội san Đông Quỳ, trường nam thắc thỏm khen hay. Chỉ mùa đông len lén rợp hoa quỳ.
Đalat ngày ấy, quanh những biệt thự còn có một loài hoa Quỳ trắng, nở vào cuối thu, lúc những cơn bão cuối mùa hành hạ miền trung thoi thóp. Người ta gọi chúng là Sơn Quỳ.
Chẳng hiểu có phải từ ông giáo vong niên Trương Chí Dũng của mình khởi đầu với cuốn Dã quỳ thương nhớ không, mà nay ai cũng gọi Quỳ của tôi là Dã quỳ.
Quỳ là một loài hoa không có bóng ong bay bướm lượn. Chỉ hăng hắc nồng chứ không phải hương thơm. Chỉ để ngắm ngoài song cửa chứ cắt về cắm lọ thì ủ rũ tức thời,...
Tôi được đôi lần nghe tiếng của QUỲ, trong tịch tịnh một lời yêu đã vẳng.

Văn Công Hùng nói...

@ Quan Lang:
Huhu một cái comment tùy bút hay hơn bài chủ.

quan lang nói...

Nọ dạm mô !
Hặn khôn bằng ngài khen mô.
Chuẩn bị đi nhé. Tết nhất làm gì ta cũng qua, rượu bọt chè tăm chén mới là...

Văn Công Hùng nói...

@ Quan Lang:
Huhu mùng 2 em về Huế bú tí mẹ rồi.

Daqui nói...

Sao lại ko còm được thế này Qùi ơi ?

Văn Công Hùng nói...

Daqui nói...

Sao lại ko còm được thế này Qùi ơi ?
---------
Ơ, còm được đấy thôi???