-------------------------------------------
Năm 2000, từ nhà sáng tác Vũng Tàu, tôi nhảy xe đò lên Biên Hoà, ngoài chuyện thăm vợ chồng nhà văn Nguyễn Đức Thọ, tôi có một nguyện vọng là nhờ Thọ đưa tới thăm nhà thơ Thu Bồn đang “ẩn cư” ở suối Lồ Ồ. Lâu nay nghe nhiều về trang trại của ông, cứ hình dung nó heo hút và buồn. Thì ra nó cách thành phố Biên Hoà nơi có nhà của Nguyễn Đức Thọ có... 7 km, nhưng lại thuộc tỉnh Bình Dương. Ông đang nằm võng đọc sách, chị Lý Bạch Huệ xởi lởi dẫn khách vào chào chủ nhà. Tôi biết Lý bạch Huệ từ hồi chị đem thơ Thu Bồn lên Tây Nguyên bán, 100 nghìn một cuốn và bán được, tôi cũng mua một cuốn bằng tiền túi (hồi ấy mà bán thơ giá một trăm ngàn/cuốn thì chỉ có... Thu Bồn làm được. Và phần lớn là... cơ quan mua, nên tôi phải kể rõ là mua bằng... tiền túi. Vì thế tôi cứ nghĩ Thu Bồn giàu lắm, sau mới biết té ra không phải thế. Có lần ông kể với tôi, nhà văn Nguyễn Chí Trung, khi còn là thiếu tướng trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thỉnh thoảng sẵn xe lại “lôi” ông đi một chuyến, bắt xuống cơ sở thực tế. Ông bảo: Thứ nhất là Nguyễn Chí Trung chả có nhu cầu gì cho bản thân, thứ 2 là nếu có thì đã có người lo. Còn ông, Nguyễn Chí Trung quên rằng ông là một nhà văn đã về hưu, túi không tiền. Nhiều khi Nguyễn Chí Trung lôi đến đâu đấy, vất ông lại, bỏ đi một hơi chẳng cần biết ông sống thế nào, ăn ở đi lại ra sao? Nhưng tôi biết ông rất tôn thờ cách sống của nhà văn Nguyễn Chí Trung, và ngược lại khi ông mất, một tay Nguyễn Chí Trung lo chu toàn, thậm chí làm được cả một hầm mộ trong chứa đầy các kỷ vật, từ nắm đất ven sông Thu Bồn đến chiếc ná Tây Nguyên, từ chiếc lá đại nhà số 4 Lý Nam Đế đến viên sỏi trắng sông Hương- Chén Ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu- hàng mấy trăm kỷ vật như thế vẫn bên ông trong hầm mộ ấy. Và người lính già Nguyễn Chí Trung cũng là người khóc Thu Bồn nhiều nhất. Ông đi dọc đất nước sưu tầm kỷ vật mang về Lồ Ồ).
Quả thật, tôi không nghĩ rằng trang trại của ông lại "bề thế" đến thế. Ngồi ở phòng khách gió hun hút vì nó rất cao, ông bảo xuống quán uống rượu. Một chai Rémy Martin ông uống một ly cầm chừng, Thọ đang bệnh không uống, còn tôi “chiến đấu” và... ngắm ông. Ông vẫn quắc thước và nhanh nhẹn. Thọ nói nhỏ với tôi lúc ông vào trong quầy lấy trái gắm làm mồi: nhiều tua du lịch dẫn khách đến đây với một commăng là được nhà thơ Thu Bồn trực tiếp làm đầu bếp. Nghe Thọ tả lúc ấy trông ông như một vị tướng tả xung hữu đột giữa trận tiền nồi niêu xoong chảo khói bếp mù mịt. Nhưng mà hỏi thật, ông ấy nấu có ngon không? -Thì chắc là cũng... được người ta mới đặt - Thọ cười đầy bí hiểm. Có rất nhiều giai thoại về ông, trong đó có 2 giai thoại mà thật sau. Ấy là lần ông và một số nhà văn được mời đi Mỹ, người ta thấy ông đến chỗ phỏng vấn xong rồi về, mặt hằm hằm tức giận và tuyên bố không thèm đi nữa. Nguôi ngoai ông mới kể: mẹ, cái thằng phỏng vấn nó hỏi ông sang Mỹ đi buôn hay đoàn tụ gia đình? Tao tức cành hông, oánh cho chạy thấy mẹ giờ quay lại phách lối. Hổng thèm đi nữa. Lần ấy ông không đi thật. Mãi mấy năm sau ông mới đi lại trong một chuyến khác. Khi về không viết báo kể lại chuyến đi, không trả lời phỏng vấn, chỉ cặm cụi ngồi viết trường ca: Đi tìm lá cỏ. Nghe nói suốt chuyến đi ông chỉ chuyên tâm đọc lại Lá cỏ của Uýt-man. Chuyện thứ 2 được nhà văn Nguyễn Đức Thọ kể lại trong tạp chí Nhà Văn số 6, ấy là việc trong trang trại cũ của ông có một cột cờ và vào các ngày lễ ông đều treo cờ rất cao, từ xa đã trông thấy lá quốc kỳ bay phấp phới. Vào các thứ 2 đầu tuần ông đều làm lễ chào cờ và hát quốc ca... một mình, sau đó làm gì mới làm. Phòng khách nhà ông (làm theo kiểu nhà rông) là một thế giới Tây Nguyên thu nhỏ với ghè, bầu, dao, mác, chiêng, tượng, váy khố...
Quả thật, tôi không nghĩ rằng trang trại của ông lại "bề thế" đến thế. Ngồi ở phòng khách gió hun hút vì nó rất cao, ông bảo xuống quán uống rượu. Một chai Rémy Martin ông uống một ly cầm chừng, Thọ đang bệnh không uống, còn tôi “chiến đấu” và... ngắm ông. Ông vẫn quắc thước và nhanh nhẹn. Thọ nói nhỏ với tôi lúc ông vào trong quầy lấy trái gắm làm mồi: nhiều tua du lịch dẫn khách đến đây với một commăng là được nhà thơ Thu Bồn trực tiếp làm đầu bếp. Nghe Thọ tả lúc ấy trông ông như một vị tướng tả xung hữu đột giữa trận tiền nồi niêu xoong chảo khói bếp mù mịt. Nhưng mà hỏi thật, ông ấy nấu có ngon không? -Thì chắc là cũng... được người ta mới đặt - Thọ cười đầy bí hiểm. Có rất nhiều giai thoại về ông, trong đó có 2 giai thoại mà thật sau. Ấy là lần ông và một số nhà văn được mời đi Mỹ, người ta thấy ông đến chỗ phỏng vấn xong rồi về, mặt hằm hằm tức giận và tuyên bố không thèm đi nữa. Nguôi ngoai ông mới kể: mẹ, cái thằng phỏng vấn nó hỏi ông sang Mỹ đi buôn hay đoàn tụ gia đình? Tao tức cành hông, oánh cho chạy thấy mẹ giờ quay lại phách lối. Hổng thèm đi nữa. Lần ấy ông không đi thật. Mãi mấy năm sau ông mới đi lại trong một chuyến khác. Khi về không viết báo kể lại chuyến đi, không trả lời phỏng vấn, chỉ cặm cụi ngồi viết trường ca: Đi tìm lá cỏ. Nghe nói suốt chuyến đi ông chỉ chuyên tâm đọc lại Lá cỏ của Uýt-man. Chuyện thứ 2 được nhà văn Nguyễn Đức Thọ kể lại trong tạp chí Nhà Văn số 6, ấy là việc trong trang trại cũ của ông có một cột cờ và vào các ngày lễ ông đều treo cờ rất cao, từ xa đã trông thấy lá quốc kỳ bay phấp phới. Vào các thứ 2 đầu tuần ông đều làm lễ chào cờ và hát quốc ca... một mình, sau đó làm gì mới làm. Phòng khách nhà ông (làm theo kiểu nhà rông) là một thế giới Tây Nguyên thu nhỏ với ghè, bầu, dao, mác, chiêng, tượng, váy khố...
Có thể nói, toàn bộ tuổi trẻ của ông, tình yêu của ông, sức lực của ông, ông đã dành cho mảnh đất Tây Nguyên mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. Tất nhiên, bên cạnh đấy là Hà Nội với ngôi nhà số 4 mà sức trai của ông đã trải qua ở đấy, là quê hương dứt ruột Quảng Nam của ông, rồi Lồ Ồ nơi ông ẩn cư những năm cuối đời. Nhưng những sáng tác quan trọng của đời ông là về Tây Nguyên. Cho đến khi về cõi vĩnh hằng, tình yêu ấy vẫn ngùn ngụt cháy. Bằng chứng là, ông đột quỵ lần đầu tiên là tại Kon Tum, ở cửa khẩu Bờ Y, nơi ông "chém vè" hàng năm trời với dự định sẽ viết một cuốn sách lớn nhất của đời mình tại đấy. Từ Bờ Y xa lắc, người ta tức tốc chở ông một lèo về bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng vì là "Gấu Tây Nguyên"- chữ của nhà thơ Nguyễn Duy- nên ông bình phục khá nhanh. Và với cái giọng méo phải qua vợ phiên dịch, với bước chân khập khiễng chấm phẩy, tay co tay duỗi, ông lại lên Tây Nguyên lại, về đúng cái cửa khâu Bờ Y còn vô vàn khó khăn không điện không nước không tiện nghi tối thiểu ấy, tiếp tục "chém vè". Bằng chứng là, trong nhà của ông ở Lồ Ồ, có cả một thế giới Tây Nguyên mà ông trân trọng giữ chúng chứ không chỉ trương lên như một cách biểu lộ sự sành điệu. Tôi đã ngồi trong ngôi nhà ấy, giữa những đồ vật ấy nghe ông đọc thơ. Phải nói là vô cùng hoành tráng như đang lạc giữa đại ngàn nghe già làng kể khan. Hôm ông đọc thơ tại trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cũng thế. Tóc râu bạc phơ, giọng Quảng vang rền, phong thái như ông tướng giữa trận tiền... ông khiến hàng ngàn sinh viên nín thở, rồi sau đấy như ong vỡ tổ, ùa lên vây ông cả tiếng đồng hồ không thoát ra ngoài được... Lúc nãy tôi nói cái trang trại của ông rất bề thế. Thì nó được hình thành từ chính hai bàn tay ông, đôi bàn tay viết nên những câu thơ tài hoa làm bao nhiêu đàn bà con gái phát rồ phát dại lên, bao nhiêu lứa học trò phải học... mất mấy năm một mình hùng hục như cửu vạn, như thợ đấu, vật đất đắp nền, một mình cặm cụi để có cơ ngơi như bây giờ...
Tôi thưa với ông tâm trạng của một người quê Huế là tôi khi lần đầu đọc bài thơ “Tạm biệt” của ông: “Nón rất Huế nhưng đời không phải thế/ Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng...” và không khí như lên đồng của nữ sinh Huế trước sự kiện này như thế nào. Ông cười và bảo đấy là thời... oanh liệt. Nhân đấy ông giải thích tại sao thời chiến tranh các nhà văn lại viết được nhiều và hay như thế, ấy là bởi nếu không viết ra lỡ hy sinh thì sao? Viết với tâm trạng đây là trang cuối cùng, dòng cuối cùng, chữ cuối cùng, dấu chấm cuối cùng, dấu phẩy cuối cùng... Viết như sự ký thác, như sự trút bỏ, rút ruột lột da ra mà viết. Viết để hy sinh. Còn bây giờ, thời gian nhiều quá, hôm nay chưa viết, mai viết, mai bận nhậu, mốt viết... thế thì làm sao mà hay được. Ông thừa nhận là cả... ông cũng thế. Ông nói ông đang viết một tiểu thuyết về lũ - nhưng phải viết khác đi, ông tâm niệm thành thực, già rồi, viết như cũ không theo kịp nhân vật. Có thể là viết bằng cảm giác và ấn tượng, không cần lớp lang chi cả. Ông giải thích thêm, lũ ở đây không chỉ là lũ nghĩa đen, nó là tất cả những gì đau thương mất mát mà dân tộc chúng ta đã phải hứng chịu suốt hàng ngàn năm nay. Có những cơn lũ từ ngoài tràn vào nhưng cũng có những cơn lũ do chính chúng ta tạo ra...
Tôi lại thưa với ông là xin phép ông cho tôi được in trường ca “Bài ca chim chơ rao” trong một tuyển thơ mà tôi đang làm. Ông hồn hậu cười “tuỳ” rồi giục “uống đi cho ấm”- Bên ngoài gió vẫn lồng lộng. Ơi Tây Nguyên khảm một trời sao lộng lẫy/ Ta đi theo tiếng hú thiêng liêng/ Quả tim anh hùng bừng bừng ngọn lửa/ Nghìn đời soi sáng đất Tây Nguyên. Hình như đau đáu trong ông vẫn một âm hưởng Tây Nguyên hào hùng hôm nào. Theo trí nhớ bất chợt thì ông đã có gần 30 đầu sách, đã nhận giải thưởng Bông sen Á Phi, nhưng khi làm tuyển tập, tập hợp 10 trường ca, thì ông vẫn lấy tên là “Bài ca chim Chơ Rao”, tên trường ca đầu tiên của ông xuất hiện từ năm 1963 và khắc vào tâm trí bao thế hệ học trò về mối tình đoàn kết Kinh Thượng và những hình ảnh bi tráng: Lửa rực hai khuôn mặt bầu vạm vỡ/ hai vòng tay lửa xiết vào nhau/ bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy/ trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa. Ông kể về con đường đi của Bài ca chim Chơ rao: Năm 1962 ông đón đường nhà thơ Thanh Hải để gửi tập bản thảo này ra Hà nội. Bản thảo chỉ có một bản viết trên vở học trò. Thanh Hải hứa mình có thể bị rớt mất chứ bản thảo của Thu Bồn sẽ bảo vệ đến cùng... ông hồi hộp chờ mãi, đến năm 1965 tình cờ gặp một người cháu từ Hà Nội mới vào và cho ông biết là báo Văn Nghệ trung ương đã in trường ca của ông và nhà báo Đinh Phong tặng ông tờ báo trên. “Tôi mang tờ báo đi bộ suốt mười lăm ngày vượt qua cung đường nguy hiểm nhất là Plei Me để đến làng Depapơlech, cái làng đã đẻ ra bản trường ca của tôi. Tôi tìm ông già Siu Ken người từng thổi kèn dingnam cho tôi nghe và cô gái xinh đẹp Hơtó thường đốt lửa lồ ô và nứa suốt đêm cho tôi ngồi viết bản trường ca... Ông già Siu Ken đề nghị tôi xé tờ báo ra cho mỗi người một mảnh...”. Ông nói ông ao ước in được tuyển tập thơ như tuyển tập trường ca vừa làm. Để có tiền in, ông làm... kinh tế từ trang trại Lồ Ồ này. Ông làm... giỏi đến nỗi đại tá đặc công Lê Bá Ước, con hùm xám rừng Sác một thời tổng kết: nhà thơ Thu Bồn làm kinh tế theo phương châm thất bại sau lớn hơn thất bại trước, thất bại từng bộ phận tiến tới thất bại hoàn toàn... Thì có gì đâu, ông trồng táo theo kiểu trang trại, táo sai trĩu cành nhưng bán chẳng ai mua, bạn bè đến hái làm mồi nhậu, hái về làm quà quê. Ông nuôi heo mua một lúc hơn 10 con giống đến khi xuất chuồng chỉ còn 1 con đem quay mời bạn bè tùng xẻo chấm muối ớt, vừa ăn vừa... đọc thơ. Ông đào ao nuôi cá, giữa chừng hết tiền, mưa xuống thì có nước, hết mưa thì cá vào... chảo... Hôm chúng tôi vào, quán ông lơ thơ khách uống cà phê, và nếu tính chỗ rượu và mồi ông mang đãi chúng tôi, có dễ ăn lẹm vào lãi của cả tháng. Mà nhà ông thì khách đông lắm. Ông kể có hôm ông say rượu không dậy được, một nhà thơ trẻ vào không được ông tiếp đã quát ầm trang trại: Cậy vĩ đại rồi coi thường thơ trẻ hả? Ông kể rồi cười, cái cười đầy độ lượng của người đã từng trải thăng trầm...
Tôi yêu thơ Thu Bồn từ bé. Thơ ông hào sảng mà đắm đuối, viết cứ như không. Về Huế ông có hai bài rất hay là bài "Tạm biệt" đã rất nhiều người biết và bài "Tôi nhớ mưa nguồn":
Tôi ngỡ ngàng và tưởng không bao giờ gặp Huế,/ đèo Hải Vân cao vút lỗ châu mai,/ lô cốt giặc đen ngòm bốn phía,/ Biển và mây sóng vỡ vụn chân gành./ Quê hương mẹ tôi chưa về được,/ huống chi em xa cách mấy thôi đường./ Huế mờ trong khói thuốc,/ Huế mờ trong đạn bom,/ Huế chìm trong mưa lụt./ Cầu Trường Tiền bắc giữa giấc mơ tôi./ Nhìn bướm tím rừng sâu cứ ngỡ màu tím Huế...
Có lẽ bài thơ này là mạch ám ảnh để sau này ông viết bài "Tạm biệt" đắm say đến thế. Hồi ấy không hiểu bằng cách nào đó mà tôi đã tìm đọc được cả cái trường ca Bài ca chim Chơ Rao ngay khi còn đang là học sinh chứ không chỉ đọc đoạn trích trong sách giáo khoa. Đọc rồi cứ hãi hùng ám ảnh bởi sự lay động, sức công phá của trường ca. Cả cái trường ca này in sang trọng trên giấy tốt bây giờ khoảng 50 trang 14 X 20, là một câu chuyện cảm động và bi tráng về cuộc kháng chiến của dân tộc, diễn ra ở Tây Nguyên, trong đó hình ảnh của sự đoàn kết Kinh Thượng trở thành một bó đuốc sống biểu tượng làm ngất ngây bao người:
Lửa rực hai khuôn mặt gầy rực rỡ/ Hai vòng tay lửa xiết vào nhau/ Người anh em ơi đây là lời đất nước/ Gắn bó đến cùng những lúc thương đau...
Khoảng cuối năm 2002 tôi gặp ông và chị Lý Bạch Huệ tại Hà Nội, ngồi với nhau trong một quán cà phê nhạc, thấy ông khoẻ đã mừng, một nhà thơ đàn em còn tếu táo chọc ông về những mối tình "vĩ đại" mà ông đã trải qua. Giờ thì, tất cả đã về đất rồi, đã mãi mãi, nhà thơ Thu Bồn Hà Đức Trọng, tình yêu mãnh liệt, vạm vỡ nồng nàn ấy, tài hoa ấy, cánh chim Chơ Rao ấy, bài ca chim Chơ Rao ấy, ngừng bay, ngừng vỗ cánh, dù rằng trời Tây Nguyên vẫn xanh lắm, nắng vẫn trong lắm, gió vẫn chao chát lắm, mây vẫn trắng lắm, trắng như cái thuở" Hùng Rin nhìn trời mây cây cỏ/ Lần cuối cùng vĩnh biệt quê hương... Cũng như cái xứ cách quê hương Quảng Nam của ông một con đèo kia, cái xứ có con sông dùng dằng nước sông không chảy kia đã chết hình ảnh trong một bài thơ tình nổi tiếng của ông "Tạm biệt Huế, với em là tiễn biệt/ Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya/ Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hoá đá phía bên kia”...
Nhà thơ Thu Bồn đã trở về hoá đá phía bên kia.
V.C.H
4 nhận xét:
Tuyệt quá bác ạ! 100% tuyệt, kể cả cái gã có mái tóc đen xinh giai tuyệt!
Hồi sinh viên, hình như cả lũ đều thuộc Tạm biệt.Mà em nhớ hồi đấy em mà đọc Tạm biệt hình như nó cũng long lanh lắm (em đang đến gần kho đạn Phú Bài đấy)...
Cách đây không lâu, chị Hà Khánh Linh lại kể cho em nghe "truyền thuyết" khác về Tạm biệt. Có lẽ lúc nào đấy,chị ấy sẽ in một tập tự truyện, trong đó có bài về xuất xứ của bài thơ này. Em thì quên, vì thật ra không muốn làm nó mất thiêng trong lòng mình...
@ Nguyễn Minh Tuấn:
Vừa vừa thôi...
@ Hạnh Nhi:
Anh có biết truyền thuyết về tạm biệt. Nghĩ cho cùng, nó vẫn là... tạm biệt. Đúng là có những điều thiêng liêng không nên làm mất...
Đăng nhận xét