Nửa đêm Phạm Xuân Nguyên gọi. Thì ra tên này đang ở Huế dự đêm thơ Tố Hữu. Xong rồi một bầy kéo nhau đi nhậu, chuyền máy nói phủ phê. Những là Nguyễn Thế Thịnh, Phùng Đình Mẫn, Trương Duy Nhất... Mình mới 3 đêm căng thẳng ở Cần Thơ, rất mệt, đặt mình xuống là ngủ mê mết, nhưng nói điện thoại xong lại cứ thao thức...
Trong lịch sử thi ca Việt Nam, Tố Hữu là một hiện tượng rất đặc biệt và lạ. Ông gần như là thống soái trên thi đàn một thời. Bác Trường Chinh uy quyền thế, thi thoảng cũng làm bài thơ, cũng được khen lên ngút ngát, nhưng vẫn không thể bằng Tố Hữu. Bác Hồ hào kiệt thế, thơ đỉnh cao thế, nhưng về mặt nào đó có khi cũng xem xem Tố hữu. Thơ Tố Hữu không có đối thủ trong tất cả mọi lĩnh vực, từ quan hệ quốc tế, đọc thơ ông thì thấy tình cảm của Việt Nam khi ấy đối với từng quốc gia như thế nào, kể cả những quốc gia môi hở răng lạnh như Liên Xô, Trung Quốc, các lãnh tụ vĩ đại như Sta Lin, Lê Nin, Mao Trạch Đông... đến tình hình đối nội, tình hình nhân dân, diện mạo đất nước, từ Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng cho đến đêm khuya lặng lẽ nghe một tiếng đàn, từ Bà Bầm bà Bủ đến cô gái Ngọc Hà bắn máy bay qua làn nước mắt... vân vẩn vần vân cái gì cũng có trong thơ ông. Hồi ấy cánh học sinh yêu văn như chúng tôi thấy đất nước có sự kiện gì cứ nhăm nhăm tìm báo Nhân Dân đọc thơ Tố Hữu để hiểu thêm sự kiện ấy cho nó tường, như kiểu bây giờ đọc xã luận để biết rõ định hướng vậy. Có thể nói, nam phụ lão ấu, toàn thể nhân dân trên lãnh thổ ta đều thuộc thơ Tố Hữu, nó chứng tỏ một tình yêu thơ vô bờ của dân ta, và cũng chứng tỏ vị trí độc tôn của Tố Hữu trên thi đàn.
Nhưng lạ, từ khi Tố Hữu mất, thì thơ ông có vẻ được... lắng lại. Sách giáo khoa ít đi, đề thi ít hẳn, người đọc thơ ông vãn hẳn. Ngày xưa, thậm chí có người còn trích thơ ông trong thư gửi người yêu, trong khi, nếu tìm một khiếm khuyết trong thơ ông thì có lẽ đấy là ở thơ tình của ông. Ông yêu... lý trí quá, buồn cười quá, rạch ròi và duy lý quá. Thì đã bảo thế mới đặc biệt và lạ. Thơ hay không kể thời gian và không gian, người tốt thì sống mãi...
Người cùng thời với ông, cháu gọi ông bằng cậu, nhà thơ Phùng Quán, sống lặng lẽ, chết cũng không ồn ào, mới đây nhà thơ Ngô Minh mở cuộc kêu gọi trên blog cá nhân Ngô Minh cuộc quyên góp cát đá xây mộ cho Phùng Quán và bà vợ vĩ đại của Phùng Quán là chị Bội Trâm, chỉ vài tháng, hàng mấy trăm người ở khắp nơi, cả trong và ngoài nước,hưởng ứng, mấy trăm triệu đã được quyên góp, có rất nhiều người không nêu tên, nhiều người rất nghèo...
Thì cứ nghĩ lan man thế mà hết đêm. Không hiểu trong ngày hôm qua người ta đã nói những gì trong cuộc thơ tưởng nhớ ông, riêng tôi, nếu chọn hai câu hay nhất của Tố Hữu tôi không ngần ngại chọn hai câu này: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ hiu quạnh bên trong một tiếng hò. Chỉ khi nào cô đơn nhất, buồn nhất, sống tận cùng với mình nhất, thì thơ sẽ hay. Hai câu trên ở vào hoàn cảnh ấy nên nó xoáy vào lòng bạn đọc, ít nhất là tôi. Hai câu thơ ấy trong một bài thơ Tố Hữu viết trong tù từ rất lẩu lầu lâu rồi, đâu như từ năm 1939, nếu tôi nhớ không nhầm...
8 nhận xét:
Bài viết thật cảm xúc, đậm đà và uyên bác! Có những góc nhìn thật thú vị!
@ Cám ơn anh đã vào Blog của em, còm không được là do Anh không có Blog "hệ Yume" đó thôi, cũng như những người khác không có Blogger.com cũng không còm trên Blog anh được, em "khoái" đọc Blog anh nên tạo liền hệ Blogger.com nên còm được đó thôi. Chúc anh hồi phục công lực nhanh chóng!
Cảm ơn anh, em xin có ý nhỏ như thế này.
“Thơ là gì? Câu hỏi này ai cũng trả lời trôi chảy, nhưng có khi chính người ngấp ngứ lại là những... nhà thơ.” – Trích bài viết “Thơ đương đại – “lạm dụng” nàng thơ hay làm tình ngôn ngữ - Miendi.
Thơ là gì? Ngay đến những nhà thơ còn chưa chắc thì làm sao ta biết được thơ … ĐỂ LÀM GÌ?
Vậy những “bài thơ” của Tố Hữu có gọi là thơ không?
Chỉ chắc rằng những “bài thơ” của Tố Hữu – giai đoạn đó, đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập và thống nhất đất nước.
Và điều đó là tối thượng! Xin nhắc lại “Điều đó là tối thượng”.
Hãy nhìn 2 miền Triều Tiên đi!
Ngài Ko Un – nhà thơ từng được đề cử Nobel văn chương đã viết trong bài “Hy vọng của tôi”:
“ Nếu nước nhà thống nhất
Tôi sẽ có việc nhất định phải làm
Công việc của tôi phải làm
Đầu tiên tôi sẽ không trở thành người yêu nước nữa
Đến lúc đó
Dù trở thành gái điếm thối tha
Hay trở thành một kẻ ăn mày
Cũng có thể trở thành người yêu nước tồi tàn
Làm đồng chí với cả con bù nhìn đứng canh trên đồng vắng
Lịch sử hiện đại bất công của sự chia cắt
Đã trôi qua suốt năm mươi năm rồi!”
Là kẻ hậu sinh tôi hiểu điều đó và chắc chắn những người đang bài xích, đòi xét lại thơ Tố Hữu cũng dư biết điều đó.
Nhưng tại sao họ lại cứ say sưa “bắn vào quá khứ”?
Phải chăng muốn tạo cớ để có cách “ăn mày dĩ vãng”?
(cu theo)
Ôi, thật nhớ những vần thơ tài hoa của đại thi hào :
Thương cha thương mẹ thương chồng Thương con thương một, thương ông thương muoi .....
Thương biết mấy khi con tập nói, tiếng đầu lòng con gọi Stalin...
Mình đọc thuộc lòng "ta đi tới" của ông từ lúc mới biết..nói. Nó thể hiện khát khao thống nhất hòa bình cho một dân tộc đã trải qua nhiều đau thương.
Thời ấy, Vũ ngọc Phan đã viết trong Nhà văn hiện đại, chê vụ ca ngợi Stalin, Mao chù xỉ,... không đợi tới bây giờ.
Một cuộc đời có những thăng trầm, buồn vui, có cả sai và đúng, tốt và xấu,...cả công và tội. Một kiểu cách nhận định, phê bình không căn cứ tính thời điểm, bối cảnh xã hội,...chỉ là cách đọc phim đoán bệnh, dù là những kết quả trung thực tức thời đó nhưng nó đã bị tách ra khỏi một cơ thể đang sống. Nên giá trị cũng không thể cao.
Tặng "tra tấn lỗ tai" Anh Văn Công Hùng tác phẩm em sáng tác:
1/ http://www.youtube.com/watch?v=z-amUF4HJpM
2/ http://www.youtube.com/watch?v=M87UR1XzbC4
3/ http://www.youtube.com/watch?v=yj6SgfsbbR0
Đây là link của Video clip em đã xóa âm thanh thực và lồng nhạc vào hoàn chỉnh tặng lại Anh, Anh em nào anh có địa chỉ liên lạc thì Anh gởi tặng dùm em luôn nha!
http://www.youtube.com/watch?v=EnCRK2Z_lIs
@ Trần Tuấn Kiệt:
Cám ơn Kiệt nhé, anh đã chuyển tiếp cho nhà văn Nguyễn Thế Hùng và Huỳnh Thạch Thảo. Còn các vị khác anh không có địa chỉ email
Tôi nghĩ Tố Hữu đã làm trọn vai trò lịch sử của mình, thơ của ông cũng thuộc về một giai đoạn đã qua. Chỉ đáng buồn những người hôm nay lại muốn vịn câu thơ của ông để đứng dậy.
Đăng nhận xét