Cũng như thế, những con gấu hiên ngang dũng mãnh trong rừng, giờ ru rú trong cái chuồng mấy mét vuông, con nào chả cáu. Và chắc chúng đều biết thủ phạm “cầm tù” chúng là ai. Dẫu ngu như thú thì chúng cũng biết điều ấy...
"GẶM MỘT KHỐI CĂM HỜN"...
Tôi nhớ, cũng đã lâu rồi, trong một chuyến công tác, tôi về một lâm trường ở biên giới. Buổi trưa, đang ngồi nghỉ ở nhà khách lâm trường thì... một ông ba mươi lững thững bước vào. Cả nhóm nhà báo co rúm lại. Chả ai kịp hú hét, kể cả mấy chị đang buôn như pháo nổ. Ông làm một vòng quanh phòng rồi lại... lững thững ra. Sau mới biết, con hổ này được bắt từ hồi còn bé tí, được nuôi như nuôi chó và... hiền như mèo. Nó được dạy cho ăn cơm như... chó, thi thoảng mới có thịt, mà là thịt chín. Còn hồi mới bắt về, nó được nuôi bằng nước cơm và sữa đậu nành. Hồi tôi thấy, nó to bằng chừng con bê con, nhưng mà béo mẫm.
Sở dĩ tự nhiên tôi nhớ đến “ông” cọp này là vì năm kỉa năm kia gì đó, tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, con trăn khoảng trên hai chục kg, đẹp nhất trong đàn trăn nuôi nhà ông Nguyễn Việt Hồ, nguyên bí thư huyện uỷ Hà Tiên, đã vô cớ phóng tới lúc ông Hồ đang cầm con chuột, mở cửa chuồng cho nó ăn. Con trăn đã xiết cổ ông Hồ đến chết trong tư thế đứng dù đã được người nhà xông vào cứu nguy. Trăn là loại động vật rất hiền khi được nuôi, suốt ngày nó cuộn tròn nằm trong cũi. Hồi nhỏ tôi hay nghe bà ngoại kể chuyện trăn quấn chết người. Những người đi rừng có kinh nghiệm thường dùng dây sắn dây cột vào người để đuổi trăn vì họ đồn rằng trăn rất sợ loại dây này. Còn khi bị trăn quấn hãy bình tĩnh đứng yên, chắp hai tay giơ lên trời tìm cách túm đuôi nó đưa lên mồm cắn thật mạnh nó sẽ thả mình ra. Người có kinh nghiệm hơn thì còn đứng yên rồi dùng lạt... trói trăn thành từng khoanh để bắt sống! Đấy là nghe kể chứ bao nhiêu năm ở Tây Nguyên, chưa bao giờ tôi nghe chứ đừng nói thấy trăn rừng quấn hoặc ăn thịt người...
Từ những chú voi rừng dũng mãnh, giờ chúng hiền lành chở khách tham quan, đi tới, đi lui, dừng, đi tới đi lui |
Ông cọp tôi kể trên nếu còn thì giờ chắc nó một là ở trong vườn thú, và 2 là cũng thành... cao rồi. Cao cọp nghe người ta nói là... hoành tráng lắm, "mọi nhẽ" lắm. Nhưng thú thật là tôi cũng đã được dùng rồi, chả “nghe ngóng” gì cả. Tôi đã từng được một anh bạn, “hàm” đại gia, cho thăm và nếm tất cả tủ rượu của nhà anh ta. Hình như trên đời có con gì thì trong các hũ rượu của anh ta có con đó, từ con bổ củi, sâu chít, bò cạp, rết, chim rắn... đến trăn gấu cọp beo dái voi xạ hương... con thì ngâm nguyên trạng, con thì nấu cao, con thì mật, con thì đuôi, chân, tai..., con thì bào thai, trứng, dạ dày, và kinh nhất là có cả huyết lình của khỉ... Khi uống ông này còn cẩn thận bắt tôi ngồi co chân lên ghế để không bị... giật ngã? và chỉ được uống mỗi thứ một giọt như giọt... thủy ngân, và... tranh thủ lúc lão không để ý, tôi dốc mỗi thứ đến ba bốn ly mà tối về nhà là... ngủ khì, chả bị giật và cũng chả... quấy ai?
Đến chết rồi, chú voi con này vẫn còn phải phục vụ con người |
Tôi cũng đã vào thăm vài trại nuôi gấu, phát hiện rằng, những con gấu nuôi ấy chúng cũng... hiền như trăn. Bởi thế nên tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe tin một ông chủ trại gấu bị chính gấu của mình tát chết. Mới đây thì nghe ở Quảng Ninh người ta công khai tổ chức tour du lịch hút mật gấu, những con gấu bị nuôi nhốt, hút mật liên tục đã bị ung thư rồi, gan đã rã ra, thối lên, nhưng vẫn được hút bán cho khách. Những con gấu nuôi đang ngày một đần đi, đơn giản vì không ai nuôi không chúng để... chẳng làm gì cả. Mà nếu có nuôi không chúng cũng đã ngu đi, yếu đi, hèn đi, tàn tạ khủng hoảng đi, huống gì đây người lại nuôi lấy mật. Ngày xưa có được một giọt mật gấu rừng thôi, cả làng cả tổng tròn xoe mắt... né, vì (nghe đồn) chỉ đứng gần giọt mật gấu rừng người đã rất nóng. Có người ngã, đầu sưng u như cái mũ, không dám xin mà chỉ... mượn cái lọ đựng mật xoa xoa bên ngoài, thế mà (nghe nói) khỏi hẳn. Bây giờ đi nhậu, một chai vodka Lò Đúc, 2cc mật gấu nuôi, mỗi người làm 2 chai, chả thấy xi nhê gì? không những thế, còn thấy... nhát gan hơn, hèn hơn, về nhà vợ chưa quát đã tồng tộc khai tuốt đồng đội đang... núp trong đống rơm?...
Heo rừng đang trong... chảo |
Rồi voi. Tôi cũng đã từng... cưỡi voi. Cưỡi với một nhân vật VIP là nhạc sĩ Trần Hoàn tại buôn Đôn. Cũng đã từng ngồi giữa đám đông hàng chục ngàn người ở sân vận động Đăk Lăk xem đua voi. Vừa xem vừa nghĩ dại: Lỡ mà một con voi trong bầy kia... tuột thắng (phanh), đang chạy không dừng lại được, cứ hùng hục tấm thân bồ tượng chục tấn thế đâm sầm vào khán đài, cả trăm mạng bẹp dí đi đứt chứ không ít. Thế mà rồi không việc gì. Nhưng rồi liên tiếp những năm vừa qua, mấy vụ voi quật chết người. Vụ đầu tiên là ở hồ Lăk. Con voi dùng vòi quấn anh hướng dẫn viên du lịch của Đà Lạt khi anh này đang đứng trước mặt nó chụp ảnh, tung lên rồi dùng chân đá. Tất nhiên anh này chết ngay tại chỗ. Sau đó là vụ một con voi đực rất khôn ở khu du lịch Buôn Đôn quật chết chính chủ của mình, người đã yêu thương nuôi nấng chăm bẵm nó hơn cả nuôi... con suốt mấy chục năm qua... rồi chuyện voi rừng về phá làng phá rẫy cũng làm đau đầu nhiều cấp có trách nhiệm. Thực ra thì dân chả dám gọi là... Voi đâu, mà là "Ngài", là "Ông"... "Ngài" về Bình Thuận thì Bình Thuận tan hoang, tốn rất nhiều đô la mời các chuyên gia người Mã Lai sang "thỉnh" ngài lên Buôn Đôn Đắc Lắc. Ngài ghé Quảng Nam, Quảng Nam kêu cứu, "Ngài" ngự ở Gia Lai, Gia Lai tan tác... Ấy là bởi chúng ta đã tận diệt môi trường sống của chúng, bằng nhiều cách. Phá rừng là một cách, săn chúng lấy ngà là một cách, và nhiều cách nữa, khiến chúng, vốn khá hiền lành, trở nên hung hăng khát máu... Hiện nay một chàng bò tót lực lưỡng đẹp trai và hung dữ đang xuất hiện ở Ninh Thuận làm rất nhiều người đau đầu. Chính quyền thì lo bảo vệ... bò vì nó là sách đỏ. Dân thì lo bảo vệ mình và bảo vệ tài sản của mình chứ nếu để nó xông vào thì liệu hồn... cứ thế luẩn quẩn trong mối quan hệ... bảo vệ lẫn nhau?...
Dây thừng bằng da bò tót rừng dùng để bắt voi rừng. Thì ra loài người tận dụng thú rừng một cách triệt để, không sót tí gì. |
Bây giờ thì người ta đang tìm hiểu nguyên nhân của việc các động vật đã thuần dưỡng, được người nuôi, thậm chí nuôi từ bé, từ khi còn đỏ hỏn, lại vô cớ tấn công, quật chết người? Câu hỏi tưởng khó mà lại vô cùng dễ: Chúng là thú. Mà là thú dữ. Người ta cho rằng nguyên nhân con trăn quấn chết ông Hồ là do nó đói, thực ra là nó quấn con chuột ông Hồ cầm trên tay kia? Còn con voi Buôn Đôn là do nó đang trong thời kỳ động đực. Voi mà đang "quan hệ" lỡ ai mà nhìn thấy là... coi như xong. Nó sẽ đuổi bằng được để giết. Con gấu là do nó... điên bất thần... Tất cả những lý do ấy là lý do trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa, chúng là thú dữ, ta nâng chúng lên hàng... tư duy như người. Gấu thì không nói, nó dữ cả khi nó... hiền nhất. Còn các loại khác, bản năng thú vẫn hừng hực trong huyết quản. Nhìn cách con người đối xử với voi ở Buôn Đôn như với người mà tôi nghi ngờ. Người ta cúng cho chúng, người ta nói chuyện với chúng, điều hành chúng, xích chúng quanh năm ngày tháng. Cũng như thế, những con gấu hiên ngang dũng mãnh trong rừng, giờ ru rú trong cái chuồng mấy mét vuông, con nào chả cáu. Và chắc chúng đều biết thủ phạm “cầm tù” chúng là ai. Dẫu ngu như thú thì chúng cũng biết điều ấy...
Một cảnh làm thịt heo rừng ở làng người Tây Nguyên. |
Cứ đà này, những hung tin về việc thú nuôi giết chủ sẽ còn dài dài. Con người đã triệt hạ đường sống của thú, bắt chúng sống ở một cõi khác, hoàn toàn xa lạ với bản năng sống đã truyền đời của chúng. Văn chương chúng ta, vinh quang thay, từ rất lâu rồi, đã cảnh báo điều này. Bài thơ “Nhớ Rừng” của Thế Lữ chả nói điều này là gì? “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua/ Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ...”. Từ khinh đến ghét, đến căm thù, rồi... vồ, chả là mấy.
Rõ ràng, lỗi từ phía con người đã cố tình bức tử môi trường thiên nhiên của thú...
14 nhận xét:
Con thì ép nó đi về thiên hướng người, người thì bị cái thế vào thiên hướng con. Bản tính thì vẫn trỗi dậy nhưng không kiểm soát được nên nguy hiểm và không hiệu quả
Quan to no'i : Tren doi na`y, chi co' gan troi la` tau chua an !
Dan den no'i leo : Thua quan, con cung zay , tren doi na`y, chi co' cu*'c la` con chua an !!!
@ Việt gốc: Con và Người nhiều lúc cứ lẫn lộn, huhu, và luôn muốn có thiên hướng... đổi chỗ nhau.
@ Nặc danh: Cám ơn bạn, nhưng... không nên nói tục.
@ Việt gốc: Con và Người nhiều lúc cứ lẫn lộn, huhu, và luôn muốn có thiên hướng... đổi chỗ nhau.
@ Việt gốc: Con và Người nhiều lúc cứ lẫn lộn, huhu, và luôn muốn có thiên hướng... đổi chỗ nhau.
Chúc mừng nhà thơ Văn Công Hùng có nhà mới. chúc có nhiều món ngon mời bè bạn he he...
@ Bác Bến Không Chồng: Món ngon nhất là... thịt rừng, món thứ 2 là thịt... bác DH. Mấy hôm nữa em post lại bài "Gặp ông Bến không chồng ở TN"- Chú Thụy vừa in bài của chú ấy thấy nó... không khí thế bằng bài của em.
chào anh!
Làm thế nào mà anh có được cái nhà hoành tráng thế.
Em loay hoay hoài vẫn không được.
Hu hu
@ Mai Thìn: Có công mài sắt có ngày nên... dùi chú ạ. Tớ thì cho là, cái anh goolge này rất thân thiện. Cứ tiếp tục nghiên cứu nhé, hehe...
Bay Hay
Tran Ngoc Tuan
@ Trần Ngọc Tuấn:
Thank bác nhiều, được bác khen nở cả... mắt.
Dalat xưa có sở thú ngay thác Prenn. Chiến tranh người ta dẹp mất, nên hòa bình về mình gầy dựng lại. Tiếc là ngân sách nghèo ốm, chỉ được vài năm loay hoay rồi tan. Tuy vậy, mình có được ít kinh nghiệm nuôi thú, thuần hóa thú dữ.
Nói như bác VCH thì chỉ một vế, bảo vệ tốt cho nơi ăn chốn ở của thú tự nhiên thì có loài nào mâu thuẫn với người đâu.
Nhưng các cụ nói hữu giáo vô loài chắc cũng có ý đúng.
Lúc sau này nhiều người nuôi thú dữ nhưng tập tính của chúng và phương pháp dạy dỗ thường sai, chỉ trong khoảnh khắc vô nguyên tắc thì hỏng hết.
Ví dụ như đã nuôi thú thì phải hạn chế nước. Chỉ cho chúng tận dụng trong thức ăn. Hạn chế muối thêm ngoài thức ăn,... Không làm vậy chúng sẽ dữ. Khó dạy.
Mấy vụ tai nạn nghề nghiệp ấy đều có vấn đề cả đấy. Ví dụ voi nhà rất ghét chủ hay nài đi kiếm thêm bên ngoài vợ nhà. Chủ mà lăng nhăng, nó hậm hực không nghe, chỉ vài lần là nó quật. Nên các bà nhà có nuôi voi xứ M'Nông chỉ cần nhìn voi là hiểu chồng. Hi hi.
Buồn một nỗi là bây giờ người ta nuôi con gì cũng nhằm vắt kiệt nó, hỏi làm sao mà không gây ra sự xấu ?
Mối quan hệ giữa chủ với thú không có thân tình, không quý nhau thì sanh chuyện thôi.
Chung một mái nhà mà chênh lệch quá lớn về thu nhập thì quan hệ chủ tớ, quan hệ họ hàng, quan hệ trên dưới,...cũng dẫn tới nguy cơ, mất ổn định.
Đau nhất là văn hóa người mới giàu chưa đủ chín, dẫn tới vênh nhau, như hài kịch của Molière, thì mọi giá trị đổ theo. Loạn đấy !
@ Quan Lang: Chí lí chí lí.
Vấn đề là phải tôn trọng nhau, dù là người với người hay người với thú. Chúng ta hay bị cái tật là coi thường cái gì ngoài mình nên cứ dương dương tự đắc, can thiệp thô bạo vào, thế là sinh chuyện...
Cám ơn bạn nhé.
Đăng nhận xét