Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

LOA KÈN CHÍN

Hà Nội hết mùa loa kèn rồi thì phải? Cũng không nhớ mùa lạnh có hoa loa kèn không, mà Hà Nội thì lạnh rồi. Nhớ có lần nào lên nhà Phạm Xuân Nguyên ở tầng 5 một khu tập thể, thấy một bó hoa loa kèn dựng ngay trước cửa, hỏi thì bảo chắc học trò mang đến không có nhà thì dựng ở đấy. Nguyên mang hoa vào còn mình thì phải kỳ cạch cắt rồi cắm. Cái ẩn ức loa kèn nó lạ lắm, đến nỗi giờ rưng rưng mà đăng bài này...


          Loa kèn đang cữ đẹp nhất trong năm. Nó trắng xanh đến bất ổn, đến nghi ngại, đến như là không thể mong manh hơn. Chính là nhờ cái ánh xanh phớt nhẹ như không thể kia mà loa kèn có thể tồn tại một cách vô tư trên các đèo hàng xe đạp để các bà các cô lang thang theo chúng trên khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội, để gieo chúng vào mắt khách lãng du, để ai đó dẫu có vô tình đến mấy vẫn phải nôn nao trên dặm dài lãng khách mà thẫn thờ như vừa mất một cái gì không định được...
          Tôi ra Hà Nội đúng những ngày nóng nhất, nhờ cái sắc loa kèn kia mà phần nào dịu lại. Dưới đường thì trắng xanh loa kèn, trên cây biêng biếc bằng lăng, Hà Nội như bồng bềnh hơn, thoáng đãng hơn, xốp nhẹ hơn... trong nắng, trong mắt, trong... bụi...
          Những cô gái mặc áo chống nắng đen ngòm cả phố khiến đường đã tắc lại còn lùng bùng những khối tròn vuông không rõ hình hài chỉ nghe phe phé tiếng quát nhau vì quẹt xe, vì đụng vào nhau. Con gái mà phải che hết đi những ẩn ức mơ hồ của các đường cong, khối tròn, của thanh tú, gọn nhẹ, của bồi hồi thắc thỏm, của nhẹ thoảng vân vương... thì Trời ạ, tội của người không nhỏ đâu...
          Những hàng bún chả, món ăn khoái khẩu của người Hà Nội ngùn ngụt khói trong tong tả mồ hôi thực khách. Ăn uống cầu kỳ kỹ lưỡng vừa là cốt cách văn hóa nhưng cũng làm người ta lao đao khốn khổ vì nó. Dân Việt ta thích tự làm khổ mình bằng những thú vui tưởng như tao nhã nhưng té ra rất cầu kỳ, như luộc rau phải xanh ra làm sao, cà phải giòn thế nào, rồi còn củ chuối um ốc, rau đay cua giã... Ngay bát nước rau muống luộc thôi, nếu đúng quy trình nó sẽ phải rất kỹ lưỡng để xanh, ngọt, mát, trong, chua... Tôi được nhà văn Đặng Ái đưa đi ăn phở Lý Quốc Sư (nhưng lại ở phố Phùng Hưng), hàng phở mậu dịch duy nhất còn lại ở Việt Nam đến bây giờ. Ông loay hoay một lúc thì xách ra được bốn cái ghế đẩu đen nhỏ và xấu của những quán cách đây vài chục năm. Ba cái cho ba người ngồi, còn một cái làm... bàn. Sau đó ông rút tiền ra, đếm đủ chín mươi nghìn, xăm xăm vào quầy. Đúng ba mươi phút sau thì ba bát phở được lần lượt chuyển ra, thêm mười ngàn quẩy, cũng trả tiền trước. Úi chao ơi là công phu (mất công) và mất sức. Nhưng phải công nhận là tô phở ra tô phở. Nước ngọt xểu, trong vắt, không mùi bò mà sực hương vị đặc trưng phở, nóng đến giọt cuối cùng. Miếng thịt chín, chỉ thịt chín mà ta hay gọi là gàu, mềm, ngọt, nhai nhẹ nhàng như nghe sấu rụng và thảnh thơi như gió thu luồn trên tàn hoa sữa. Lại nhớ ông Nguyễn Tuân đã phán thuở nào: Phở bò phải và chỉ là phở chín, và chỉ phở chín mà thôi, không tái, không trứng, không gà, không hành tây, không bột ngọt bột nêm, không các thứ phụ gia kệch cỡm nhố nhăng khác...
          Ấy nó kích rích thế nên từ hội trường bảo tàng Hồ Chí Minh họp xong lên xe về nhà khách chính phủ ở Đội Cấn, chưa đầy 500 mét mà có khi hai tiếng đồng hồ vẫn còn... ngồi trên xe. Và vì ngồi lâu trên xe chạy như không chạy mà thi thoảng được thấy người Hà Nội... đánh nhau. Người Miền Trung miền Nam va chạm xe thì việc đầu tiên là tiến đến bắt tay xin lỗi người va chạm với mình, xem xe của đối tác trước. Người Hà Nội đụng xe thì... xông vào đánh nhau đã. Mà đường thì chật, mà người thì đông. Muốn đánh nhau cho cật lực cũng khó. Có điều dân Hà Nội có vẻ... thích xem đánh nhau, nên họ giãn ra cho đánh nhau tùy thích, khác với miền Nam, thế nào cũng có một anh nghĩa hiệp xông vào, can ra, hoặc ai đó rút điện thoại gọi 113. Thực ra mấy anh hùng rơm phổi bọng kia có khi cũng muốn có ai đó xông vào can mình một phát, để có cớ mà hưu chiến, mà đường ai nấy đi, nhưng chả có ai can, thậm chí còn suýt vào, thế là đành phải... đánh nhau thôi. Mà bây giờ có vẻ như con người không gớm cái ác, các đòn tiêu diệt nhau cũng "ra tấm ra món" hơn. Thì cái thằng cha giết rồi cắt đầu cô người yêu xinh đẹp có những ngón chân sơn cẩn đá vừa ăn nằm với mình mà không kinh à. Lại cái thằng bắt cóc rồi đốt xác hai cháu bé trong khi vẫn liên tục nhắn tin đòi tiền bố mẹ các cháu. Rồi thằng nữa giết một chị bà con chú bác với mình từ Pleiku về Huế chữa bệnh cho người nhà. Giết xong buộc cục đá ba chục cân vào bụng thả xuống sông, chưa kể còn một cô bé 16 tuổi đi cùng đang mất tích. Tội ác thì thời nào cũng có, nhưng ác quá như thế nó biểu hiện một sự lệch lạc nhân cách của một bộ phận người trong xã hội...
          Thế nên cái ánh trắng xanh của hoa loa kèn nó mới gợi đến thế, nó mới làm ta thanh thản đến thế. Nó tẩy rửa ta, gợi cho ta sự run rẩy từ những góc tăm tối nhất, và nó neo chúng ta lại bên bờ trong veo mong manh của sự lương thiện, nó hướng con người tới lòng tốt, tới những gì cao cả mà lẽ ra con người đã có và phải có. Sự khắc khoải mong manh té ra lại vững bền dai dẳng thế...
        
                                                                  

3 nhận xét:

Việt gốc nói...

Người có võ trong Nam có vẻ nhiều hơn, họ cẩn trọng trong đụng chân đụng tay

Văn Công Hùng nói...

@ Việt gốc: Hìhì, cũng chả hẳn là thế, thấy người ngoài bắc võ nghệ cũng cao cường lắm mà...

nhatky.info nói...

Hic, đọc đoạn đầu của bài viết cháu thấy hay hay vui vui, đoạn sau thấy lạc điệu quá bác ạ. Từ hoa Loa Kèn đến phở rồi là chuyện đánh nhau. Cháu thấy nó tạp phế lù thế nào ý.