Mình đang ngồi họp, ông Dương Hướng gọi: Ông Hùng ơi, giúp tôi, sao cái blog của tôi vào comment khó quá, kể cả... tôi muốn vào mần một phát cũng không xong. Mình hô hố cười bày cho ông (không biết có đúng không), và chợt nhớ câu dọa ông: Sẽ vẽ ông ở đây- và đây là ông Dương Hướng, đàn anh của tôi... Tạm post bài, bây giờ đi nhậu, tối về đưa ảnh lên- ông này "xấu trai" đưa ảnh lúc nào cũng được, hehe...
GẶP ÔNG “BẾN KHÔNG CHỒNG” Ở TÂY NGUYÊN
VĂN CÔNG HÙNG
Phải đến khi được Tạp chí Văn Nghệ Quân đội mời đi dự trại sáng tác vào hồi tháng 4 vừa rồi tổ chức tại Binh đoàn 15 (thành phố Pleiku và Quy Nhơn) tôi mới được gặp nhà văn Dương Hướng. Biết là ông cũng sẽ dự trại này, tôi háo hức chờ. Trong ba cuốn tiểu thuyết được giải thưởng của hội nhà văn năm 1991 ấy thì tôi đọc “Bến không chồng” của ông cuối cùng, phải sau khi công bố giải mới có mà đọc, còn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường thì được đọc ngay khi nó vừa xuất bản. Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng năm ấy là năm mà tiểu thuyết Việt Nam bội thu nhất. Ba tiểu thuyết bề thế, hoành tráng, khốc liệt, đầy đặn và tài hoa. Khi ấy tiểu thuyết của Bảo Ninh còn phải “núp” dưới một cái tên rất cải lương, rất... sến là “Thân phận của tình yêu”...
...Té ra là ông cũng dễ gần. Thấy ông ngồi ở ghế salon bên ngoài hội trường chờ khai mạc trại, tôi lại chào và xưng tên, ông à lên rồi bảo cũng có nghe tên tôi, có đọc... văn tôi. Sau này quen và được ông quý, ông bảo: Thú thật tớ có đọc thơ bao giờ, nhưng biết tên cậu thì tức thị cậu phải là... nhà văn... Đêm hôm trước tôi đang ngồi với Phùng Văn Khai và Nguyễn Bình Phương trong thành phố thì thấy ông gọi điện cho Khai, nói là đã đến ga, Khai nghe xong hỏi tôi từ bến xe về đây đi bằng cách gì? tôi bảo đi tắc xi, và hẹn về thẳng chỗ chúng tôi ngồi rồi tôi sẽ đưa ông ra trại. Về sau ông kể: Nghe lời Phùng Văn Khai, ông kêu tắc xi rồi nói địa chỉ, tắc xi đòi... tám trăm ngàn. Tôi bảo thực ra tắc xi nó nói thế là còn rẻ vì từ đấy lên binh đoàn 15 còn 200 cây nữa, mà lại đêm hôm. Nghe Khai nói em tưởng anh đã đến bến xe Đức Long mới nói thế, chứ mới đến Diêu Trì thì con phải một cuốc xe 180 km nữa mới đến thành phố Pleiku. Từ Pleiku mới đi tắc xi vào binh đoàn. Hôm ấy phải nửa đêm ông mới tới trại. Tắc xi chở ông ra ngã ba cầu Bà Gi rồi ông đón xe đò lên Pleiku rồi lại đi tắc xi vào Binh đoàn. Được cái bây giờ đón xe cực dễ chứ như ngày xưa thì ông cũng còn mệt mới lên đến nơi trong đêm.
Ở trại, ông hay bị cánh trẻ trêu, và phần lớn là ông thật thà mắc lỡm. Vào đến Pleiku con trai ông nạp biếu bố ba triệu vào thẻ ATM, gã con này cũng lơ mơ, điện thoại cho bố bảo: con không nhớ rõ mã tài khoản của bố, bố kiểm tra xem có tiền chưa hay con lại gửi cho ai rồi. Nhà khách binh đoàn 15 cách trung tâm thành phố gần hai chục cây, ông cưỡi tắc xi chỉ để kiểm tra số dư tài khoản hết một trăm năm chục ngàn. Đỗ Tiến Thuỵ cứ nhất quyết con ông gửi 10 triệu và ông đi tắc xi hết hai triệu, ông cứ... gân cổ lên thanh minh. Đi trại lần này, con trai thì biếu tiền, con rể thì biếu ông cái máy tinh xách tay mới coóng. Ông bảo nhớ lại cái hồi viết tiểu thuyết “Bến không chồng” mà kinh. Bây giờ mà phải ngồi kẽo kẹt viết tay như thế thì... chắc chết. Hồi ấy, ông xin nghỉ không lương 6 tháng, ngồi cày liên tục 4 tháng thì xong. Hỏi ông viết mấy lần, ông bảo phải viết tay có hai lần, rồi đánh máy. Ngay bây giờ, ông mới chỉ sử dụng laptop như một... cái máy đánh chữ, tất cả các Folde, Ducoment ông bày hết ra Desktop, “cho dễ tìm”, ông hồn nhiên cười bảo. Có bốn năm Folde chi đó, ông rải trên khắp Desktop theo hình sin, giống những con sóng, đồng màu với hình nền nên tìm cũng chả dễ gì. Đỗ Tiến Thuỵ ở cùng phòng ông khoe: Nhiệm vụ cao cả của em trong trại này là giúp bác Dương Hướng về kỹ thuật vi tính. Hôm tôi mở máy của ông để “đổ” ảnh tôi chụp ông ở trại vào, tôi có nhắc ông phải lưu vào ổ D cho bảo đảm, không có rồi là công cốc đấy. Ông bảo từ từ rồi tính. Thế là tôi cũng phải lưu folde ảnh ở Desktop cho ông, chứ lỡ lưu trong máy, ông tìm không ra cũng... công cốc. Ông nói với nhà thơ Vương Trọng, cũng mới sắm laptop từ tiền giải thưởng nhà nước thay cho cái máy sê- cần- hend ông dùng đã lâu: Tuổi chúng ta mà dùng laptop là... hoành tráng rồi. Phải kiên định lập trường, chậm mà chắc, đừng nghe cánh trẻ nói nhiều mà rối... Ông là người cao tuổi thứ 2 trong trại, sau nhà thơ Vương Trọng, nhưng rất thích đánh đu với bọn trẻ. Đêm hôm hứng lên gọi nhau tụ bạ, rủ là ông có mặt liền, dù là chỉ để ngồi... nhìn. Không những thế, những cuộc ấy ông toàn giành... trả tiền từ tắc xi đến cà phê, nhậu... Cuộc đi trại lần này ông cũng phải xin nghỉ một tháng không lương. Tôi hỏi ông rằng như thế là có 2 nhà văn Việt Nam làm ở ngành Hải Quan, ông bảo Mai Văn Phấn đích thực hải quan, còn ông đi bộ đội về rồi vào làm máy tàu. Hải quan Quảng Ninh ở vùng biển, phải sử dụng tàu, ông là thợ máy. Thời gian gần đây lớn tuổi nên ông được phân lên bờ làm ở văn phòng...
Tớ chụp ông Dương Hướng, sau này thấy nhiều báo dùng mà chả báo nào đề tên tác giả ảnh cho tớ oai một tí. |
Có một cuộc giao lưu giữa trại và một hội văn nghệ địa phương. Một nhà văn nữ đã giới thiệu: Đến dự với chúng ta có nhà... thơ Dương Hướng đến từ Quảng Ninh. Ông là tác giả tập thơ nổi tiếng “Bến không chồng”. Nhà văn Dương Hướng tái mặt, chỉ sợ bị giới thiệu lên đọc thơ. MC kia còn “tán”: Bến không chồng là một tập thơ lục bát với nghệ thuật thơ cao cường, tuyệt vời, có thể nói ông đã được Nguyễn Bính trao y bát. Sau Nguyễn Bính, sau Dương Hướng, nền lục bát của chúng ta đang khủng hoảng... Nhưng trừ cuộc ấy ra, còn lại phần lớn ông xứng danh là... nhà văn nổi tiếng. Đến đâu giới thiệu: Đây là tác giả tiểu thuyết “Bến không chồng” thì thế nào cũng có những người mắt sáng quắc bước đến bắt tay biểu hiện sự thán phục. Hôm giao lưu với Câu lạc bộ thơ Xuân Diệu và trường chuyên Lê Quý Đôn Bình Định, nhiều em học sinh còn đứng lên hỏi tác giả Dương Hướng về số phận các nhân vật của ông. Ngồi dự mà thấy... mừng vì vẫn còn những bạn đọc trung thành với văn chương đến thế. Thực ra thì bạn đọc vẫn đọc văn chương, vẫn yêu quý nhà văn, có điều đấy phải là những tác phẩm văn chương đích thực, nó phải hay và cần cho người đọc. Cuốn “Bến không chồng” đã tái bản 11 lần, còn “Nỗi buồn chiến tranh” và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” thì còn nhiều hơn thế. Trong nhà Dương Hướng giờ bày 11 cuốn “Bến không chồng” với 11 cái bìa khác nhau. Đấy chính là hạnh phúc vô bờ của người cầm bút. Cuốn “Bến không chồng” của ông đã được dựng thành phim nhựa, và tuyệt đại bộ phận người xem đều... thất vọng về bộ phim này, dù nó được báo chí nhắc đến nhiều. Hỏi ông nghĩ gì về những nhận xét ấy, ông chỉ cười cười. Nhà văn Sương nguyệt Minh huỵch toẹt: Quá dở, không bằng một góc tiểu thuyết. Nhưng nghĩ cho kỹ thì cũng phải thông cảm cho nền điện ảnh Việt Nam ốm yếu mà cứ thích phải “hoành tráng” ngay tắp lự, như cái cách họ tổ chức lễ trao giải cánh diều hoành tráng như Osca mà nó lại chẳng Osca chút nào để cả tháng sau báo chí và dư luận vẫn còn râm ran?...
Kế hoạch của trại sáng tác là sẽ có 4 ngày thực tế tại Tây Nguyên, toàn vào vùng biên giới, sau đó tập kết về Pleiku một đêm rồi di chuyển xuống Quy Nhơn ở 10 ngày để viết. Ngay buổi trưa khi đoàn nhà văn vừa từ Pleiku đặt chân đến khách sạn Bình Dương thì đã có một nhà văn xứ Bình Định chờ sẵn ở sảnh khách sạn với... 21 lít rượu Bàu Đá thứ thiệt mà Đỗ Tiến Thuỵ tả rằng giống như... 21 quả đại bác. Món đặc sản này của Bình Định đã danh bất hư truyền khắp trong nam ngoài bắc. Thì ra nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, chủ tịch hội VHNT Bình Định, dù đang dẫn một đoàn hơn hai chục VNS đi “về nguồn” Phong Nha Kẻ Bàng, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm... nhưng biết kế hoạch của trại nên đã đặt trước số rượu này và dặn anh em ở nhà phải mang rượu đến để anh em trại viên “súc miệng” ngay bữa trưa mới đến. Vốn dĩ nhà văn Dương Hướng không uống được rượu. Trước đấy mỗi bữa nài lắm ông cũng chỉ làm cốc bia là mặt đỏ tưng bừng như mặt trời trên đỉnh sóng Hạ Long quê ông (thực ra thì ông quê Thái Bình nhưng ở Hạ Long đã lâu nên nơi này trở thành quê thứ 2 của ông). Thế mà chỉ qua... ba ngày, từ chỗ chỉ nhấp một ngụm rồi... nhăn mặt (vì rượu Bàu Đá rất nặng), đến ngày thứ 4 thì ông đã... nhớ rượu, mỗi bữa ông... ực năm ực, mỗi ực một ly mà chưa xi nhê gì. Có bữa do hôm trước... giao lưu nhiều, hơi mệt, nên lúc ăn sáng tôi tuyên bố trưa nay... nghỉ rượu. Ai nhắc đến nó sẽ bị phạt. Đến trưa, người được giao làm “thủ kho rượu” Đỗ Tiến Thuỵ không mang rượu xuống phòng ăn. Tự nhiên thấy không khí dịu dàng thanh bình hẳn. Ông ngồi cặm cụi gắp vài miếng rồi buột miệng: Nhạt miệng. Thế là trưởng trại Sương Nguyệt Minh lệnh cho Đỗ Tiến Thuỵ về phòng xách can rượu xuống. Tôi rùng mình nhìn dòng rượu trong vắt như nước mắt chảy phơ phất bồng vào các ly cũng trong veo. Thế mà Dương Hướng nâng ly lên làm một nhát gọn ghẽ. Năm “nhát” như thế thì có vẻ ông hết... nhạt miệng, bắt đầu ăn cơm. Xin nói thêm là giữa Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam có cách uống rượu khác nhau. Miền Bắc uống rượu là uống rượu, phải có món nhắm như xào, luộc... nhưng không có cơm canh và món kho. Uống rượu xong mới dọn cơm ra ăn. Kiểu uống rượu này ngon nhưng dễ... đói, vì khi say thì phần lớn là không ăn được nữa. Và đã say là say tới bến. Miền Trung thì dọn tuốt ra, vừa ăn vừa uống, có thể nhắm với cả cơm, nước mắm, canh, cá kho... Miền Nam thì... ăn rồi mới uống. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy được mời đi nhậu mà khi đến nơi lại thấy chủ nhà kêu cơm, canh, cá thịt tôm kho..., ra ngồi chén ngon lành. Ăn xong dọn mâm cơm đi mới bày mâm nhậu, gồm rượu, trà đá và khô (cá khô, tôm khô, lươn trạch khô... gọi tắt là khô). Ở trại này chỉ có hai phong cách là Bắc và Trung nhưng nhiều khi cũng đã... vênh nhau. Các nhà văn Miền Trung vừa ăn vừa nhậu, và thích húp canh kèm rượu (như một cách “chữa lửa”), còn các nhà văn Miền Bắc uống rượu xong mới ăn cơm với canh thì... canh đã hết. Thường thì ăn cơm chiều xong lại tất tả lên phòng, ai nấy cắm cúi viết, chả ai dám gõ cửa ai. Nhưng khoảng 10 giờ đếm thì bắt đầu điện thoại rồi xách can rượu cùng con mực xuống bãi cỏ bên bờ biển ngồi. Mời thì phần lớn là ông nhận lời. Và thường thì ông đi được... nửa đường rồi ngồi nhìn. Nhưng thấy vài chú yếu quá, nói nhiều hơn uống, ông lại lẳng lặng cầm ly lên và... ực. Sau khoảng năm ngày ở trại, ai cũng công nhận ông... lên đô thấy rõ.
Bác Dương Hướng ngồi với chân dài |
Rồi đọc thơ cho các thiếu nữ nghe, đều tươi vui hơn hớn |
Hơn hẳn lúc bị bắt chụp ảnh với tớ, huhu... |
Một hôm tôi thấy ông kể với nhà văn Sương Nguyệt Minh một cái cốt truyện. Nó là một câu chuyện có thật, ông đã gặp nhân vật chính và cứ ám ảnh ông mãi mà chưa viết được vì trước đó ông kể cho một ông đạo diễn phim để định viết kịch bản thì bị ông này phán: Bôi nhọ phụ nữ Việt Nam, không được. Chuyện rằng có một cô gái Việt Nam lấy chồng Trung quốc. Ông này giàu và đã có vợ nhưng vợ không đẻ được. Ngay hôm cưới, mới chỉ sang khỏi biên giới, ông ta đã thuê khách sạn để “hợp cẩn”. Điều kinh hoàng là trong phòng, trên giường, có cả bà vợ cả. Cứ thế, tất cả các cuộc sinh hoạt vợ chồng giữa ông với cô đều có bà vợ cả vì ba người... ngủ chung giường. Tất nhiên là bà vợ cả căm thù cô và tìm mọi cách trả thù. Cô sinh cho ông này một đứa con trai, bà vợ cả càng căm ghét hành hạ. Cho đến lúc không chịu nổi, cô đòi bỏ ông này về lại Việt Nam thì chính bà vợ cả lại quỳ xuống lạy và xin cô ở lại... Nhà văn Sương Nguyệt Minh hớn hở nâng rượu: Viết ngay, anh phải viết ngay. Trời ơi, một câu chuyện nhân bản thế mà suýt nữa bỏ phí, không thì bác “nhượng” cho em để em viết. Sương Nguyệt Minh uống hết ly rồi phán: Thế là trại có thêm một truyện hay rồi. Tối tôi thấy ông mở máy và mở File truyện ngắn viết ngay. Trước đấy ông đã nộp trại một cái ký mà nói theo cái cách mấy nhà văn trẻ tếu táo: Định viết dở mà nó lại cứ hay mới... chết chứ lị. Hôm tổng kết trại thì cái truyện ngắn đã được... hai trang, ông hể hả bảo: được cái mở đầu là xong rồi, ổn hẳn, về nhà viết tiếp...
Ngày “rã” trại, mọi người về nhà, mình ông lên xe đò ra Đà Nẵng. Ông chưa bao giờ lên Bà Nà, tranh thủ đợt này phải lên cho biết. “Cô ta” còn bốn ngày, ông tận dụng bằng hết...
V.C.H
8 nhận xét:
Khiếp nhỉ! Cứ "chén" mà lại có sự chứng kiến của bà cả thì cũng phục thật đấy!
vào "Thiết kế" rồi sao chẳng hiện lên chữ "Mở tất cả nào" Bây giờ có việc phải đi tối về mần lại. Chào nhà thơ nhé. Hẹ gặp lại ở Tây Nguyên lần sau he he...
Rất khoái nhắm những món như thế này của bác, tất nhiên là không tính đến thơ. "Bến không chồng" khoái phải biết, nhất là vụ lên đô, làm phát 5 "ực".
@ Hoàng Lâm: Khiếp nhỉ! Cứ "chén" mà lại có sự chứng kiến của bà cả thì cũng phục thật đấy!
--------
Thế mới kinh, truyện của ông Dương Hướng đấy, và vấn đề là chén liên tục, hê, có khi như là một thứ doping chăng?
@ Bác Dương Hướng:
vào "Thiết kế" rồi sao chẳng hiện lên chữ "Mở tất cả nào" Bây giờ có việc phải đi tối về mần lại. Chào nhà thơ nhé. Hẹ gặp lại ở Tây Nguyên lần sau he he...
---------
Bác cứ là phải bình tĩnh, có chí quyết làm nên, nhé bác nhé...
Rất khoái nhắm những món như thế này của bác, tất nhiên là không tính đến thơ. "Bến không chồng" khoái phải biết, nhất là vụ lên đô, làm phát 5 "ực".
---------
@ Nguyễn Minh Tuán: Hiện anh có khoảng 5 chục ức như thế này, cứ từ từ anh đưa lên hết, như một cách bảo quản và cũng phục vụ bạn đọc...
Bai viet thu vi that
Tran Ngoc Tuan
@ Bác Trần Ngọc Tuấn:
Cám ơn bác đã khen. Gặp ông Dương Hướng ngoài đời còn thú vị hơn nhiều bác ạ.
Đăng nhận xét