Tôi bây giờ đối diện tôi ngày ấy
Người đàn ông nhìn đứa trẻ lên mười
Có sợi rốn dây diều kia nối trời với đất
Cậu bé đồi hoang lò cò
dõi theo người đàn ông bay đến nghìn sao.
Giờ tôi muôn màu
tìm tôi xưa đen trắng
Người đàn ông áo vàng về thắp lên ngọn nến
Mà cậu bé đi rồi
đi về phía những mùa trăng.
Giờ tôi nguyên vẹn hình hài
nhìn tôi xưa nhoè khuôn mặt
Cậu bé cắn tay đứng nhìn
cánh diều vương trên những tháp tầng cao
Và đêm ấy trong giấc mơ thị thành tôi
những cột đèn chằng chịt
Bỗng hoá thành bờ tre nhỏ lao xao.
-------------------------
KHÁT VỌNG NHỮNG MÙA TRĂNG
Con người ta luôn có ý thức tìm về ký ức, tìm về tuổi thơ, tìm về những ngày đã mất. Cái ý thức "tìm về" ấy nó thường trực trong mỗi người, giúp người ta cân bằng trong đời sống, giúp người ta hướng thiện, neo giữ bản ngã trong cái xô bồ hiện tại. Ở đây, nhà thơ, trong một lần "tìm về" ấy đã bắt gặp tuổi thơ của mình, ký ức của mình, và bắt đầu một cuộc so sánh, tự vấn.
Cái sự được mất ở đời nhiều khi cũng chả thể định lượng định tính định danh định hình được. Có cái tưởng như là được đấy lại là mầm tai họa, có cái tưởng mất mười mươi lại là điều may. Cuộc đời nhiều khi có những điều không bao giờ lý giải được như thế. "Tôi bây giờ đối diện tôi ngày ấy/ Người đàn ông nhìn đứa trẻ lên mười/ Có sợi rốn dây diều kia nối trời với đất/ Cậu bé đồi hoang lò cò dõi theo người đàn ông bay đến nghìn sao". Thì cứ ngỡ như lớn lên, trưởng thành là đương nhiên, là nghĩa phận, an nhiên tự tại, té ra lại phải giằng xé đến thế, nuối tiếc đến thế, có chút gì như xót xa thân phận. Trong mỗi chúng ta đều có một "thằng bé" ấy bên mình. Nó tre pheo luồng nứa, nó nhuôm nhoam đất cát, nhưng nó cũng trong veo tinh khiết và cao sang đến kỳ lạ. Nó vừa ngọt ngào, mơ mộng, nhưng cũng nghiêm khắc dõi nhìn, và nhờ "thằng bé" ấy mà chúng ta lớn lên tiếp: Giờ tôi nguyên vẹn hình hài nhìn tôi xưa nhoè khuôn mặt thực ra là một cách nói, chứ cái hình hài vẹn nguyên bây giờ chắc gì đã "tròn trịa" hơn cái khuôn mặt nhòe nhoẹt xưa.
Hương Đình là một giọng thơ đang vừa ổn định vừa mới. Anh ổn định trong cái nền vốn liếng của những hình ảnh câu chữ vừa nền nã vừa vang vọng, vừa ảo vừa thực, và mới trong cách suy nghĩ, tiếp cận tư tưởng nghệ thuật. Vấn đề của thơ anh là những vấn đề muôn kiếp của văn chương, của con người, nhưng cách tiếp cận thì nó chỉ của anh mà thôi. Giờ tôi muôn màu tìm tôi xưa đen trắng/ Người đàn ông áo vàng về thắp lên ngọn nến/ Mà cậu bé đi rồi đi về phía những mùa trăng. Trăng là một ẩn dụ nghệ thuật quen thuộc, nhưng đặt vào ngữ cảnh câu thơ này thì nó mới. Giữa cái người đàn ông thành đạt hôm nay với áo vàng, với muôn màu, với ánh sáng ngọn nến... với cái cậu bé đen trắng cộc kệch ngày xưa ai hạnh phúc hơn ai, chả biết, chỉ biết người đàn- ông- số- phận- hôm- nay thì đứng sững ở đấy, đầy ngạc nhiên tiếc nuối, trong khi cậu bé kia, như một thiên thần, đã đi về phía những mùa trăng. Không phải phía vầng trăng, nó cụ thể lắm, những giấc mơ không bao giờ cụ thể, cái đẹp không bao giờ cụ thể, khát vọng không bao giờ cụ thể, nó là phía những mùa trăng, vừa bao la bát ngát, vừa hư ảo mênh mang, mở ra một chân trời mới cho những tưởng tượng và khát vọng của con người...
Thì ra, cuối cùng, thơ chính là cách tốt nhất giãi bày khát vọng, dẫu khát vọng ấy có khi chỉ là "bờ tre nhỏ lao xao"...
6 nhận xét:
Khát vọng về một mùa trăng ?
Trăng quê lao xao ngọn tre, trăng suối lung linh dòng chảy. Trăng của đồi hoang cỏ cháy,...
ngoảnh vào lòng vẫn thấy:
trăng lên tàn phai.
Nhớ lúc tóc dài,
Trăng mượt.
Răng sáng,
môi hồng,
cỏ ướt...
trắng rờn da,
riu ríu mi mờ vóc hoa.
Trăng phố, vàng
như sốt rét,
như viêm gan,
mắt tràn vết mật.
Thèm,
thơ trẻ
tươi nhung
óng ả,
Thân thoái mà
trăng vất vưởng thành công.
@ Quan lang:
hìhì, trăng của bạn quả là... vất vưởng thật...
Nên có giải thưởng gì đấy cho trăng, vì trong hoàn cảnh nào người cũng không bị trăng bỏ quên. Kể cả rao bán trăng trăng cũng không giận
@ Việt Gốc: Nếu trao giải cho trăng, nên đặt tên là giải... cuội, và mời mấy ông bà vừa đầu giá từ thiện ủng hộ bão lụt mấy chục tỉ xong rồi xù ấy tiếp tục đến... đấu giá giải.
Nhà thơ lẽ ra làm quan mới phải, vì trả lời chất vấn chắc chắn sẽ hay
@ Việt gốc:
Úi giời, thế nên chỉ làm... thơ mà nỏ làm quan.
Đăng nhận xét