Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

CHUYỆN... BẠN ĐỌC BÁO



          Báo chí nó có mấy công đoạn, công đoạn nào cũng quan trọng. Ấy là viết báo, làm báo, xuất bản báo và... đọc báo. Không có người viết thì người làm báo ngồi ở tòa soạn chỉ... chơi. Anh viết là đi chợ mua đồ về, tươi hay ôi là anh ta. Nhưng bày lên mâm lại là anh làm báo. Không có anh này thì chả lẽ ăn sống ăn sít. Xong rồi, không thể đọc trên bản mi, mà phải có anh in để in ra thành tờ báo. Và cuối cùng, báo đến khâu quan trọng nhất: Bạn đọc. Không có bạn đọc, tất cả các khâu trên là... vất. Thế tức là anh nào cũng quan trọng, nhưng anh bạn đọc là quan trọng nhất. Tất nhiên tôi chưa kể đến một anh nữa, mà không có anh ấy thì cả người viết báo, làm báo và bạn đọc đều chỉ... nhìn nhau: Anh phát hành. Chả thế mà các tờ báo hàng năm đều có ngày tổ chức gặp mặt tôn vinh anh phát hành. Phát hành có nhiều cấp độ, từ anh tổng đại lý quyền nghiêng thiên hạ, đến cu con ôm chồng báo đi ngoài đường: Báo đây báo đây, hôm nay giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải đê...

          Tôi năm nay có... 40 năm làm báo, viết báo, đã qua cái thời sướng run lên khi thấy tên mình xuất hiện ở cái... hộp thư cộng tác viên bé tẹo ở góc tờ báo. Cũng đã qua cái thời đi mua một tờ báo nhưng ngồi khuất vào góc nào đấy đọc ké thêm... 5 tờ nữa. Kể cả giờ, khi cái tiếng ting ting từng đầy hồi hộp một thời vang lên, thì cũng chả xốn xăng lắm nữa, dẫu vẫn viết như một nỗi say mê, như hạnh phúc, như cái sự để trong người sẽ... chết.

          Thế nhưng tôi vẫn hết sức xúc động với những bạn đọc chung thủy với tờ báo giấy. Thời bây giờ, chả cần máy tính nữa, chả cần iPad nữa, chỉ cái điện thoại Smart phone, thứ mà ai cũng có, từ cô bán rau đến chị vặt lông gà lấy công làm lời ở chợ, từ... thủ tướng tới dân quèn (có người nói thủ tướng thì có người cầm điện thoại hộ, chứ ổng không cầm. Tôi đã chứng kiến ông trả lời tin nhắn một người bạn ngồi cạnh tôi tắp lự), mà có cái điện thoại ấy thì chuyện đọc báo online nó trở thành một nhu cầu tự dâng, vâng, nó cứ tự dâng tận... mắt. Thế nên mới có anh "Báo mới" kinh doanh báo online, khiến không chỉ bạn đọc mà cả một số cơ quan nhà nước cũng nghĩ "Báo mới" là một tờ báo, nên có vài công văn tôi thấy đề cập đến "báo mới" như một tờ báo... Thế mà lại có những người chung thủy với báo giấy thì... rất đáng nể.

          Mà lại không phải báo hot. Những tờ báo hot họ lại đọc online, những tờ không hot họ mới đọc báo giấy.

          Một chú em tôi thân, là quen nhau thông qua báo, làm ở Hải quan một tỉnh. Trong mấy tờ báo giấy anh đặt xưa tới giờ, có tờ "Sức khỏe và đời sống". Anh đọc rồi nhắn tin làm quen, rồi chúng tôi thân nhau đến giờ. Mà không ít, hơn 10 năm rồi. Báo về, anh xếp ngay ngắn trên bàn. Đợi cơm chiều xong, pha bình trà, rồi mới trịnh trọng mở tờ báo ra đọc. Mục đi và viết, phóng sự ký sự, những bài viết về văn học nghệ thuật... được anh ưu tiên. Tờ này thú vị ở chỗ, là tờ báo về sức khỏe bệnh tật nhưng số trang giành cho văn hóa văn nghệ khá nhiều, và đa phần là do các "cao thủ" viết. Anh thích lối viết "chơi chơi" chứ không nặng nề, nhưng anh bảo sau sự chơi chơi ấy là những ngồn ngộn thông tin. Đọc xong anh chuyển cho vợ. Vợ anh rất chăm chú mảng bệnh tật thuốc men, ăn uống thế nào cho đủ chất. Thú vị phết, anh nói. Định hỏi mục sức khỏe giới tính thì ai đọc nhưng thấy nét mặt nghiêm túc của cả hai vợ chồng nên lại không dám hỏi, dù theo tôi, anh bác sĩ Bugi của báo này cũng... vui tính phết.

          Một hôm, đang yên đang lành, tôi nhận được điện thoại của ông Giang Nam. Thú thật là tôi... tái mặt. Bỏ mẹ rồi. Tuần trước tôi mới có một bài viết rất tếu về ông trên báo Sức khỏe đời sống. Nghĩ ông già 90 tuổi, dẫu có bài thơ "Quê hương" lừng danh kia, nhưng già cả thế, chắc chả đọc báo nữa, nên tôi... phóng bút về ông không kiêng dè, ví dụ có những đoạn sau: " Đằng nào cũng… chết. Khi có ai đó đề nghị phương án mổ phanh nối trực tiếp, ông đồng ý ngay. Và cuộc mổ ấy đã thành công ngoài mong đợi. Nghe nói mấy ông giáo sư Pháp lại vẫn… lắc đầu vì không thể nào hiểu nổi. Giờ ông rất khỏe và minh mẫn. Người bình thường đến tuổi ấy là đã lẫn rồi, huống gì ông lại là nhà thơ. Người ta hay dè bỉu các nhà thơ lẩm cẩm lắm, có vấn đề về tâm thần lắm. Nhưng ông không “vấn đề”, vì ông từng làm phó chủ tịch tỉnh Phú Khánh, từng là chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật nữa, trước đấy có thời kỳ làm tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn. Và hiện nay, ông hoàn toàn tỉnh táo, hành xử mạch lạc, đi lại thẳng thớm, nói đùa cũng đầy umua, cười rất sảng khoái, thậm chí nói cả chuyện… đàn bà con gái nữa". Người già rất ngại nói đến cái chết. Và người nghiêm túc "kiêm" già nữa rất không thích bị nhắc đến chuyện mình từng nhắc đến... đàn bà con gái, thế mà tôi bêu ông lên thế. Rụt rè a lô em đây ạ, gặp ngay tiếng ông cười khà khà: Hùng ơi ông viết về tôi thú vị lắm, tôi đọc mà cười suốt từ hôm qua tới giờ. Ơ thế anh cũng đọc báo SKĐS ạ? Có chứ, đọc lâu rồi, cùng với báo Văn Nghệ, SKĐS là tờ báo tôi có thường xuyên đấy. Hú vía, hôm nọ mà tán quá đà thì... bỏ mẹ. Nhưng rồi lại hi hí cười một mình, thế thôi chứ ông già này gân lắm, vẫn còn... tán tốt, chả sợ.

          Báo giấy bây giờ sụt tiara thê thảm, từ nhiều nguyên nhân, một là chia sẻ bạn đọc với báo online. Hai là những gì nhanh nhạy, có tính thông tấn, tức thời thì đã có... các facebookker làm hộ. Tai nạn ư, cháy nhà ư, ăn cắp ăn trộm, đánh nhau, xe cán chó chó cắn người, ai mang thai đôi ai không chồng mà sinh ba, vòng một vòng hai vòng ba thế nào vân vân có hết trên ấy. Cái thời mà sáng sớm ra, mỗi bác xích lô, xe ôm ở Sài Gòn tay cầm ly cà phê tay cầm tờ báo Công an, và dưới yên xe bao giờ cũng có tờ báo để dừng xe đợi khách là lôi tờ báo ra... giờ trở thành kỷ niệm đẹp. Thế mà hàng xóm nhà tôi, cái gã không ra xấu không ra đẹp, chả có gì ấn tượng nếu như một hôm tôi không phát hiện một việc động trời: Gã đặt báo Văn Nghệ thường xuyên. Gã kể: Báo về, gã không đọc ngay, để đấy đã. Cơm nước xong xuôi, đốt một điếu thuốc, pha bình trà rồi bắt đầu ngồi đọc. Thích nhất là đọc vào sáng chủ nhật. Vừa uống cà phê và đọc nó phê pha vô cùng. Nhờ báo Văn Nghệ mà tôi mới biết mình có bạn đọc, ấy là sáng ấy gã nói với tôi: bài anh hôm qua trên báo Văn Nghệ đọc rất thấm. Trời ạ, tôi há mồm, bởi nói thật, hồi dọn nhà, báo nhiều quá, tôi gạ cho mấy đứa tôi đoán là có đọc, bảo tao có mấy năm báo Văn Nghệ và Văn Nghệ quân đội, đến tao cho bớt. Đứa nào cũng lơ lơ.

          Ngay người viết, bây giờ đa phần là thế này: Nghe nói mình có bài ở số ấy số ấy, thế là nháo nhào đi... tìm báo. Mà báo thì giờ bán lẻ không chạy nên các quầy báo rất ít, và báo nhận về lại càng hạn chế, chỉ những tờ bán chạy, trong khi đa phần những người thi thoảng có bài lại ở những tờ... không chạy.

          Cũng có người muốn đọc lại không có báo, vì nhiều lý do, trong đấy lý do chính là, tiền mua sữa cho con còn chưa đủ. Nên mới rồi, tôi bảo một cô giáo: Có đọc báo cũ, chú cho, báo tết ấy. Tết, vừa mua vừa được biếu (những báo có bài) tôi cũng có chừng 5 chục tờ. Để ở bàn nhẩn nha đọc, có khi cũng chả đọc hết. Thế nhưng như cô giáo này, chả có mà đọc. Y như rằng, cô ấy reo lên, cháu đến ngay. Tôi soạn cho mấy vác, lễ mễ chất lên xe chở về. Một tuần sau thấy nhắn: Cháu đọc hết rồi chú ạ, cháu lại cho tiếp một bạn nữa...

Nhà cháu và nhà thơ Giang Nam trên xe từ Nội Bài về Hà Nội.

Nhà thơ Giang Nam và nhà văn Phan Đình Minh tại Nha Trang năm 2006, ảnh nhà cháu, tất nhiên

Trên một chuyến xe khác


90 tuổi, làm thủ tục thì phải ký giấy xác nhận, ký xong thì xếp hàng làm thủ tục

                                                                        


Không có nhận xét nào: