Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

NHƯ THẾ LÀ TỘI ÁC (BẢN FULL)



          Chuyện doanh nhân Bình Thuận khai báo nhỏ giọt đã khiến chính quyền tỉnh này, mà không chỉ tỉnh này, cả nước, phải... lên máu. Cộng đồng mạng thì sôi sục, yêu cầu phải khởi tố điều tra, mà trước hết là điều tra xem chính xác là bà đã đi những đâu, tiếp xúc với ai, chứ cái kiểu chính quyền phải tự đi điều tra, rồi về... báo cáo lại với bà, chính quyền biết tới đâu bà Ok tới đấy là một việc làm không thể chấp nhận được. Bởi nó không chỉ liên quan tới mình bà, gia đình bà, mà là cả xã hội. Mà nhỡn tiền, bao nhiêu người vì bà không trung thực mà đã liên lụy rồi.

          Cũng như thế là cái cô 17. Một trong hai người đang trở nặng, phải thở máy, có một người là bác của cô. Nếu cô trung thực ngay từ đầu, có thể bà bác này đã không bị như thế.

          Mấy hôm trước dân tình sôi sùng sục với việc ông lãnh đạo một công ty điện gió đã... đánh tráo người đi cách ly thay mình, nói cách khác, ông ta "cử" nhân viên đi thay.

          Thực ra việc đánh tráo đã từng xảy ra trong xã hội nước ta lâu nay, như có học sinh láu cá đã mời ông... xe ôm đi họp phụ huynh thay bố mẹ mình, rồi nhờ người đi học hộ. Rất nhiều ông lãnh đạo đi học tại chức đã từng nhờ người đến điểm danh hộ, tức là đi học hộ. Cao hơn, có cả việc đánh tráo người đi tù thay mình vân vân, nhưng đánh tráo người đi cách ly thay thì trần đời mới thấy một.

          Nó là minh chứng cho một sự vừa ngông cuồng vừa dốt nát, vừa tự phụ vừa ích kỷ, vừa hèn vừa quái... và trên hết là sự vô trách nhiệm tận cùng, trước hết là với bản thân, sau nữa là với cộng đồng.

          Cả nước ta, từ trên xuống dưới, đang căng mình ra chống dịch Covid mà có một kẻ hành xử như thế, quả là không thể nào, dù biện minh bằng bất cứ lý do nào, cũng không thể chấp nhận được.

          Điểm lại, thấy cái sự vô lối ấy nó đi từ thấp tới cao.

          Đầu tiên là một cô bé ở Bình Dương, tới sân bay, "trốn" được kiểm tra thân nhiệt và cách ly, bèn livestream tại chỗ vừa khoe vừa hướng dẫn người khác thực hiện theo mình. Cô này ngay lập tức bị lên án tới tấp, khiến cho phải khóa phây búc và hôm sau vào cách ly ngay.

          Nhưng trong cái rủi lại có cái may, là nếu cô này không livestream thì chưa biết việc gì sẽ xảy ra khi cô ấy yên tâm ở nhà tới khi... phát bệnh.

          Tiếp đến là bệnh nhân 17. Nếu cô này tự giác khai báo ngay khi nhập cảnh, thì cái việc cách ly cả cái máy bay ấy dễ hơn nhiều là việc cô ấy về nhà, tự... chữa bệnh, rồi vào một bệnh viện không liên quan đến dịch, khám và rồi mới vào đúng bệnh viện mà bệnh của mình cần vào. Vấn đề là sự lây nhiễm chéo của cô này đã gây hệ lụy rất lớn cho xã hội. Cô này nổi lên, cô livestream bị... chìm xuống.

          Nhưng lại cũng vẫn còn có cái may là, qua cô này mới phát hiện cái chuyến bay ấy nhiều người bị dính. Và từ khi phát hiện cô này đến khi xử lý vẫn còn trong "thời gian vàng" chống dịch.

          Tiếp theo là bệnh nhân 21. Ông này quan hệ còn rộng hơn, người ta điều tra dịch tễ phát hiện bác này tiếp xúc với rất nhiều người, toàn giới tinh hoa. Hiện nay để tìm ra những người đã quan hệ với bác, những người quan hệ với những người đã quan hệ với bác ấy, rồi thêm một lớp nữa, tức là F3 ấy, khá vất vả...

          Và, vẽ ra được quá trình hoạt động của bác này, người ta biết thêm được nhiều điều?

          Và cuối cùng, đã cuối cùng chưa nhỉ? Thôi ít nhất là đến lúc này, là trường hợp anh giám đốc công ty điện gió, tráo người đi cách ly thay mình.

          Anh này xuất hiện, các vụ trên trở nên... nhỏ nhoi, lạc lõng.

          Ở đây nó không còn là vấn đề ý thức nữa, không còn là vấn đề tính tự giác vân vân nữa, mà nó là tội ác, bởi nó gây nguy hại đến cả cộng đồng. Nó chính là sự thách thức chính quyền, thách thức xã hội.

          Nước ta, từ thủ tướng, các phó thủ tướng, nhất là phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tư lệnh chống dịch, đến các bộ ban ngành, đến cả tỉnh thành xuống tới từng gia đình, ai nấy đều lo chống dịch, tuân thủ các quy định, các khuyến cáo chuyên môn để chống dịch. Lo cho mình tức là lo cho xã hội. Chưa bao giờ mà vai trò cá nhân nó gắn với xã hội lại cụ thể và tường minh đến như thế. Vậy mà vẫn có những điểm nghẽn, điểm tù mù như vụ tráo cách ly này. Rất nhiều người đã phải thốt lên rằng, anh ta nghĩ sao mà lại làm vậy. Rằng não để ở đâu vân vân và vân vân.

          Từ hành vi này, có thể nghĩ tới một loại người, một kiểu hành xử trong xã hội, là bất chấp tất cả, lừa được là lừa, tráo được là tráo, miễn là mình... có lợi, dù cái gọi là có lợi ấy nó nhỏ nhen ích kỷ, và nó gây hại trước hết là cho mình. Nhưng thôi, nó như người cố tình tự tử ấy, anh cứ việc, nhưng đừng gây hại cho người khác. Ở đây, nếu hành động ngu dốt và vô trách nhiệm này không bị phát hiện, tôi nói thật, không dám nghĩ tiếp nó sẽ như thế nào?

          Lo cho bản thân mình chưa xong, vô trách nhiệm với bản thân mình đến thế, tôi không tin anh này là một lãnh đạo tốt, và như thế đừng mong anh ta có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với đất nước...

          Và càng yêu quý bao nhiêu những người, hàng triệu người, đang ngày đêm quên ăn quên ngủ chống dịch, để cho đất nước chúng ta yên ổn, để cho nguy cơ bùng phát đại dịch, không chỉ ở nước ta, mà cả trên thế giới, giảm ở mức nhỏ nhất.

          Kết thúc bài viết, xin trích vài thông tin từ bạn Thủy Tiên, giám đốc kinh doanh và tiếp thị của khách sạn Vanda, Đà Nẵng. Bạn này chủ động liên hệ với nhà báo Hồ Thái, trưởng phòng thời sự của VTV tại Đà Nẵng, để trao đổi về việc khách sạn của bạn ấy đang bị phong tỏa, bạn ấy lại phải cách ly tại nhà, mọi thông tin liên lạc qua mạng. Rằng các bạn Vanda cả trong và ngoài đều chung một lòng là tin yêu nhau, hợp tác tích cực với nhau, chăm sóc nhau, chăm sóc và bảo vệ khách hàng. Team đang cách ly trong khách sạn hết sức lạc quan và vững tin, thường xuyên gửi hình ảnh ra bên ngoài. Bạn Thủy Tiên muốn rằng, cần truyền thông chính thống đánh bật tin lá cải đang làm lòng dân hoang mang. Bạn Thủy Tiên nhấn mạnh: Ở trong tâm dịch mà vững tin như vậy thì hà cớ gì các bạn bên ngoài lại không tin vào cơ quan chức năng để xử lý dịch...

          Tôi đọc thông tin này từ facebook nhà báo Hồ Thái và sống mũi cay cay...


                                                                                


2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

-Gắng moi óc để tìm tên gọi, gọi những bệnh nhân covid 19 số 17, 21, 32, 34...cho thật lành nhưng miên man mãi vẫn chưa có. Chợt nhớ lại 50 năm trước, khi ấy là sinh viên, học không chịu học, nghiện xuống đường đòi dân chủ, dân sinh, hòa bình, ở các đô thị miền Nam; bị chế độ Sài Gòn gô cổ vào nhà lao vài ba năm. Văn bản hay khẩu ngữ hằng ngày, các giám thị đều gọi tù nhân tư pháp là can phạm, gọi tù nhân chính trị anh chị em chúng tôi là can nhân. Bây giờ nghĩ lại, ông bà nào đẻ ra cái từ can nhân, tôi khen quá siêu, quá đúng, quá nhân văn, quá chính trị. Can nhân: người có liên quan, liên hệ với (Việt cộng).Đất nước thống nhất,sau 5, 7 năm, ông bà 'theo Việt cộng' nào đó gọi món tiền bà con ngoài nước gửi về là kiều hối, bà con ấy được gọi là kiều quyến, thiệt tình, tôi xin bái phục. Đúng quá. Tình quá. Người quá.
-Vài kiểu dùng sai cần gióng tiếng để ít ra hạn chế rồi dẹp luôn cho tiếng Việt nó được sáng trong. Nóng nhất là câu nói gần đây của ông Phúc. Không thể nói bậy 'trong nguy cơ hãy gắng biến nguy thành cơ'. Sai rồi còn cố chữa sai bằng cách 'thòng' thêm liền sau đó'trong nguy cơ hãy cố biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng'(chương trình 'Cất Cánh'- VTV1). Ông Phúc nè: Nguy cơ nó là từ có quan hệ chính-phụ. Thắng bại là từ có quan hệ ý nghĩa. Quần áo, bàn ghế, nhà cửa, xuống lên, cao thấp, sông núi...ông đảo trộn sao cũng được. Còn từ có quan hệ chính phụ thì không thể ông ạ. Ví như gió mùa. Không thể 'hãy giữ lấy mùa mà gắng bỏ cái gió'. Còn mấy cái món này thì của các ông bà khác, không phải sản phẩm của ông. Mà dù của ai, cũng phải dẹp sớm: Bất cập? Không đến được. Trái nghĩa với nó là toại cập, đến được hết thảy. Cái gì cần thể hiện sự khó khăn là văng mồm...bất cập! Ngư lưới cụ? Dụng cụ đánh bắt cá gọi là ngư cụ. Ngư cụ là loại từ hán việt. Chen thêm 'lưới' vào, nó đã không cùng từ loại mà thừa. Vấn nạn? Người giảng thường bị người học đặt những câu hỏi khó, bắt bí người giảng. Người giảng bối rối, trả lời không xong, không trúng, không đúng. Tai nạn nghề nghiệp đó gọi là vấn nạn. Vấn nạn không phải tông xe, không phải đường sá gồ ghề, hang ổ, không phải thành phố bị nước ngập...Vậy mà cả báo đài đều đánh hội đồng vào sự sáng trong của tiếng Việt. Tạm dừng. Sẽ còm tiếp...

Văn Công Hùng nói...

Kính cụ, cái còm nào của cụ cũng công phu như một bài báo, mà bài sâu sắc á chứ không phải phọt phẹt như báo chí giờ toàn đi săn người mẫu diễn viên. Té ra cụ là sv từ trước 75, thời ấy họ đào tạo kỹ, ai có tư chất bẩm sinh và ham học đều rất giỏi, kiến thức sâu, vì học là của người học, vì người học, và tôn trọng tư duy người học, nên đa phần kiến thức sâu và chắc, mấy chục năm vẫn dũng tốt.
Cám ơn cụ rất nhiều.