Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

CHUYỆN NHÀ BÁO GEORGES BOUDAREL



          Tôi vừa được dự một cuộc rải tro cốt hết sức cảm động. Cảm động ở người thực hiện, cảm động ở di nguyện của người mất, và cảm động từ cả những người không liên quan.

          Và mới thấy cuộc kháng chiến của chúng ta nó bi tráng đến như thế nào. Mỗi con người, mỗi số phận, mỗi nóc nhà, mỗi gia đình... khi bị xô vào cuộc chiến, nó đều đầy bi kịch nhưng lại cũng hết sức lạ lùng. Nó gần như không thể cắt nghĩa được nếu như không sống trong lòng nó.

Ngay sau 1975 tôi về quê, làng Thế Chí Tây, Điền Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế, gặp anh em, các em, vì tôi là con bác cả, đa phần là... lính Việt Nam cộng hòa, thời ấy hay gọi là lính... ngụy.

Anh em gặp nhau, kẻ Bắc người Nam nhưng thân thiện, ngay đêm đầu tiên tôi ngủ chung với ông em là lính cộng hòa xịn, gác chân lên nhau ngủ, như chưa hề có cuộc... chiến tranh.

Sau này,  Phan Thúy Hà với cuốn "Tôi là con gái của cha tôi" viết về một nửa của cuộc chiến tranh ấy, cũng đầy kinh khủng, đau đớn, bi kịch.

Đọc "Tôi là con gái của cha tôi" nó hiện ra một thời, máu và nước mắt, đau đớn và tủi nhục, những kiếp người lầm lũi, những thân phận vênh vao, những thắc thỏm, những cái giật mình.

Tất cả những gì hiện ra trong cuốn sách hết sức khốc liệt này, tôi đã đều chứng kiến, vì thế nên đọc chậm để thấm, để hồi tưởng.

Và giờ, tôi dự cuộc thả tro cốt nhà báo người Pháp Georges Boudarel.

Hai mươi bốn tuổi, ông sang Việt Nam dạy học. Ông dạy môn triết ở trường nữ trung học Marie Curie Sài Gòn. Và, năm 1950 thì ông bỏ dạy, theo kháng chiến, là kháng chiến của Việt Nam ấy, tức là theo Việt Minh. Ra chiến khu D, vùng Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai bây giờ để... chống Pháp. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phân công ông làm việc ở ban tiếng Pháp, đài phát thanh Sài Gòn Chợ Lớn tự do, rồi đài Nam Bộ kháng chiến. Năm 1951 thì ông lại được chuyển sang cục địch vận Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1952, trên đường ra miền Bắc, ông nhận tin một tòa án ở Pháp đã kết án tử hình mình. Sau đấy ông được phân công về làm giám thị một trại tù binh Pháp. Và chính vì thế sau này ông còn bị các cựu tù binh Pháp tố là đồ tể của trại giam.

Sau 1954, ông về công tác ở nhà xuất bản Ngoại Văn, tiền thân của nhà xuất bản Thế giới bây giờ. Và ông đã có công dịch những là Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Tắt đèn của Ngô Tất Tố ra tiếng Pháp...

Sau đấy vì nhiều lý do, mà cơ bản là sự bất đồng giữa các nước xã hội chủ nghĩa, ông và một số đồng đội người Châu Âu tham gia kháng chiến với chính phủ Việt Nam hồi hương. Nhưng vì đã bị kết án tử hình nên ông không thể về Pháp, mà ông về Tiệp Khắc, làm ở văn phòng liên hiệp công đoàn thế giới. Mãi tới năm 1967, phong trào nhân quyền ở Pháp lên cao, tổng thống Pháp phải ký sắc lệnh ân xá cho một số tử tù trong cuộc chiến tranh Pháp Việt Nam và Algerie. Ông trở về Pháp, bảo vệ luận văn tiến sĩ về Phan Bội Châu và dạy môn lịch sử tại một trường đại học. Sau đó ông về hưu, bị đột quỵ, sống nhờ sự giúp đỡ tận tình của Hội "Những người bạn của Boudarel" do một giáo sư toán nổi tiếng thế giới người Pháp đứng đầu.

Tháng 12 năm 2003, khi Boudarel từ trần, ông có ước nguyện là hỏa táng di hài, sau đó rải một phần trên biển ngoài khơi nước Pháp, quê mẹ của ông. Còn lại mang sang Việt Nam, nếu có thể, đi theo lộ trình của Boudarel đã đi cách đấy sáu mươi năm trước: từ Sài Gòn lên Việt Bắc, qua chiến khu D, rải tro của ông xuống mấy con sông mà ông từng hoạt động như sông Bé, sông Hồng, sông Thu Bồn...

Và may mắn là, tôi được dự và chứng kiến cuộc thả tro của ông xuống sông Bé.

Trên đường 14, người Pháp đã xây rất nhiều những cây cầu xi măng rất đẹp. Xi măng mà nó không thô, mềm mại, mang dáng của Long Biên, Trường Tiền. Cầu Sông Bé là một cây cầu như thế.

Năm 1975, để chặn bước tiến của đối phương, quân đội Sài Gòn đã cho nổ mìn phá đi hai nhịp, và chính vì thế mà giờ nó lại càng... đẹp. Chính chỗ cầu gãy ấy, tro cốt của Boudarel được chọn để thả.

Nhưng lại phải kể một tí về các nhân vật có mặt.

Người đầu tiên là nhà văn nhà báo Nguyễn Ngọc Giao, Việt kiều ở Pháp. Hành trình mang tro cốt của Boudarel về Việt Nam của Nguyễn Ngọc Giao cũng đầy hồi hộp. Anh Giao là một trong những thành viên chủ chốt của hội "Những người bạn của Boudarel", nhưng con đường trở về Việt Nam của anh cũng trắc trở chả khác bao nhiêu con đường Boudarel trở về Pháp. Và hôm nay anh đã về, cùng với vợ và hũ tro của nhà báo Boudarel. Rất cẩn thận và đầy văn hóa, anh Giao thiết kế cái hộp tro cốt của Boudarel như một cuốn sách, rất đẹp và sang.

Người thứ 2 là chị Trần Tố Nga, nguyên là nhà giáo, từng dạy ở chính ngôi trường Boudarel từng dạy là Marie Curie, tất nhiên là sau 1975. Rồi chị là người đứng đơn kiện vụ Dioxin. Và để kiện, chị đang sang Pháp ở mấy năm nay.

Người thứ 3, đặc biệt nữa, là nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Trời ạ, người phụ nữ gần 80 tuổi này vẫn rất sang trọng, như cái thời mà Boudarel... yêu chị, một mối tình tuyệt đẹp nhưng cũng vô vọng, nhà văn Bích Ngân đoán là mới ở giai đoạn... cầm tay nhau chứ chưa tới giai đoạn... hôn. Nghe Bích Ngân kể khi ấy Trương Tuyết Mai mới 17 tuổi. Vâng, hôm nay chị là chủ lễ thả tro người tình cũ Boudarel xuống sông Bé. Từ mọi nơi ở Sài Gòn, chúng tôi tập trung về nhà chị từ sáng sớm, làm lễ xong rước Boudarel về Sông bé.

Còn nữa, những là Nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Trầm Hương, Bích Ngân, nhà báo Lương Bích Ngọc vân vân...

Hết sức xúc đng.

Một ông Pháp đã coi Việt Nam như quê hương mình như thế, nên ông cũng quen... mùi hương. Rất nhiều hương và hoa đã theo ông từ nhà chị Trương Tuyết Mai về Sông Bé. Rồi khi anh Nguyễn Ngọc Giao và nhà thơ Nguyễn Duy rắc tro cốt xuống sông Bé, từng bó lớn hương được thả xuống theo. Chả biết có linh ứng không, nhưng những bó hương cứ cháy đùng đùng trước khi vòng vèo bay xuống sông. Đứng ở cầu sông Bé tôi cứ nhớ cây cầu sông Kwai tôi đã từng đến, và đã từng vào một bộ phim nổi tiếng đoạt giải Oscar năm 1957. Cầu sông Bé hôm nay chứng kiến thêm một câu chuyện vừa bi tráng vừa diễm lệ, vừa đơn giản nhưng lại cũng hết sức bí ẩn, đặc biệt khó lý giải với thế hệ bây giờ. Bi kịch của chiến tranh và sự hóa giải của tình yêu, sự lãng mạn và bí ẩn, cũng là sự đau đớn đến tận cùng của trái tim con người.

Lần này ông đã nhập cảnh vào Việt Nam mà không cần Visa như thế. Và những dòng sông của Việt Nam, đất nước ông từng yêu đến hơi thở cuối cùng, đã đón ông, như đón đứa con của mình...
                                                            










3 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Qua bài báo này thì rõ được lý do Anh Hùng xa nhà mấy hôm nay. Công chuyện tro cốt Cụ Georges Boudarel, công chuyện ở Hà Nội... Đọc, thương cảm và chia sẻ thân phận của một kiếp người. Còn bi kịch, bi hùng, bi ai, bi đát, bi thảm thì...chưa thấm tháp gì so với bao phận người chính trực mà tôi đã biết. Đã là đời thì nó phải thế, nó phải hơn thế. Thôi, trách hờn ai bây giờ. Những người muôn năm cũ, hồn đã đi xa rồi. Giá mà thầy Hiệu trưởng Marie Curie hiện nay, thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa, giá mà những cựu học sinh của trường như Bà Tôn Nữ Thị Ninh, như Ông Trương Hòa Bình được tin mời, cùng tháp tùng với các Anh Chị thì thêm được cái ấm áp, ấm cúng trong buổi sáng trở về của Georges Boudarel.
Nhân cái cầu gãy Sông Bé, bắt chuyện sang cái cầu gãy đã lành vết, cầu Tràng Tiền. Bắt chuyện chỉ nhằm một mục đích: Vài cầu, nhịp cầu là bộ phận cụ thể nào của cầu. Các bộ phận của cầu: Mố cầu, trụ cầu, nhịp cầu và vì(vài)cầu. Mố cầu là nền móng, tường chống xói, khung bê tông chịu lực cuối bên này và bên kia đường. Trụ cầu là bộ phận xây dựng sâu dưới lòng sông để nâng gánh lực động trên các nhịp cầu chuyển xuống. Nhịp cầu gồm đà dọc, đà ngang, sàn bê tông bắt từ mố cầu qua các trụ cầu. Vì (vài)cầu. Như lan can 2 bên của nhịp cầu, là một moment chia lực, chuyền lực, cố định các nhịp cầu; vừa tăng dáng vẻ thẩm mỹ của cây cầu. Do đó, cầu Long Biên, cầu
Tràng Tiền, cầu Sông Bé...vài cầu, về chức năng chịu lực và chia lực giống nhau nên dáng cầu hao hao nhau; về chức năng thẩm mỹ, Long Biên, Tràng Tiền nó nằm ở kinh thành, đô chủ nên nó phải đẹp, thanh hơn là cầu Sông Bé, ở vùng...cao su! Thành ra không thể căn cứ vào câu ca Huế" Sáu vài, mười hai nhịp" rồi tán mỏng, kéo dài thì sẽ không đúng. Chính xác: cầu Tràng Tiền có 6 nhịp, mỗi nhịp dài 67 m, tổng chiều dài là 402 m, trừ các khe co giãn 0,90m, còn thực tế 401,10m; có 12 vài cầu hình bán nguyệt dọc 2 bên cầu, vừa làm đẹp dáng cầu, vừa thỏa mãn chức năng kết cấu và chuyền, chia lực. Còn tên cầu? Đầu tiên là Trường Tiền. Trường Tiền gói lời dạy là nghiệp nước, triều chính phía trước còn dài. Trường Tiền nó không dính gì đến cái xưởng đúc tiền. Sau này, phạm úy, chưa tra cứu từ thời Vua nào, TRƯỜNG được đổi thành TRÀNG(Trường Yên thành Tràng An, trường kỷ thành tràng cởi, Thanh Hoa thành Thanh Hóa, Hoa Bân thành Văn Bân...). Riêng câu ca Huế, không phải dân gian hát như thế cho thuận tai đâu. "Cầu Tràng Tiền mười hai vài sáu nhịp. Thương nhau thì...)vẫn thuận thanh, vẫn ý nghĩa cơ mà! Thành ra, sự cố chữ nghĩa 'đảo ngôi' này nó gần giống như"cao chạy, xa bay", như "con ông, cháu cha". Tinh ý, người Huế muốn nhấn mạnh đến cái "vài cầu" duyên dáng, sãi bước trên mặt sông Hương lờ đờ xuôi chảy. Hi hi... Hết.

Văn Công Hùng nói...

Lại một cái còm hay hơn cả một bài báo ạ. Nếu chỉ để ở còm này thì phí thật, huhu. Cám ơn bác về việc đọc đã công phu nhưng còm còn công phu gấp bội.

logo thuanhoa nói...

QUÁ HAY, NHÂN VĂN, CON NGƯỜI LÀ THẾ ANH HÙNG Ạ...