Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

BIỂN CỦA MỘT THỜI...



          Vừa xảy ra một hiện tượng rất lạ ở Tây Nguyên, ấy là... lụt. Mấy tỉnh Tây Nguyên đều bị lụt. Tra lại thì té ra không phải năm nay mới lụt, mà đã mấy năm liên tiếp rồi. Có nhiều cách giải thích, nhưng đấy không phải mục đích của bài viết này nên tôi không đi sâu.   

          Bởi cũng chính trên Tây Nguyên, ở ngay thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai ấy, có một địa danh mà nhiều người biết, mà ai đã đến Pleiku thì đều phải đến, mà đã rất nổi tiếng trong một bài hát của Nguyễn Cường: Biển Hồ. Hồ trên Tây Nguyên thì nhiều, cả hồ thiên tạo và nhân tạo, có những hồ nhân tạo rất lớn như hồ Ia Ly nối 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, như hồ Ayun Hạ ở Phú Thiện, Gia Lai dài đến 25 km vân vân, nhưng để được gọi là... biển thì chỉ có cái hồ ở Pleiku này. Nó là một cái miệng núi lửa khổng lồ có 2 túi nước cực lớn, lớn đến một thời người ta bảo rằng Biển Hồ không có đáy, nó thông xuống biển Quy Nhơn, rằng nếu thả quả bưởi xuống Biển Hồ Pleiku thì nửa tháng sau xuống biển Quy Nhơn sẽ vớt được. Nó cũng đối xứng với một ngọn núi khổng lồ ở phía Nam Pleiku là núi Hàm Rồng, tên đúng của nó là Chư H'drung, cũng như Biển Hồ tên thật là T'nưng. Hình như trên thế giới ít có cái hồ nào được gọi là biển, tôi biết bên Campuchia cũng có một Biển Hồ nữa.

          Hôm rồi tôi ngồi với tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng, giảng viên đại học Khoa học Huế lên Pleiku dạy lớp cao học do trường anh mở.  Nói chuyện đủ thứ với anh, trong đấy tôi nhắc việc có một cô cử nhân văn muốn làm thạc sĩ về sử thi Tây Nguyên, ngồi với cô giáo hướng dẫn, cô này chuyên về văn học dân gian nhưng cũng nghĩ mãi chả ra đề tài để làm. Chợt cô à lên, cô có quen (thân nữa vì từng cùng trường) ông Văn Công Hùng. Ông này "từng là người Kinh"- lời giới thiệu tôi trong tập sách "Mùa nhân sinh" do Reatimes xuất bản, nhưng giờ chả khác gì... dân Tây Nguyên bản địa, em về gặp ông ấy rồi... gạ gẫm xem sao.

          Tôi đã tiếp cô bé ấy một buổi, nói chuyện trên trời dưới biển về Tây Nguyên, về mọi thứ rồi bỗng à lên, này sao cháu không làm thử luận văn về yếu tố biển trong sử thi Tây Nguyên nhỉ? Cô bé tròn xoe mắt, biển, chú có... đang sốt không mà gán biển cho Tây Nguyên.

          Tôi bảo nghe chú nói này, rồi về sắp xếp lại thành cái đề cương mà nộp nhé.

          Một là, cách đây mấy năm có một phát hiện rất động trời ở Đăk Lăk, ấy là người ta phát hiện được một cái vỏ sò khổng lồ ở một vùng rừng sâu nào đấy. Tất nhiên là nó có niên đại của nó, muốn biết cụ thể cháu gúc một phát nhé. Vả nữa, các nhà dân tộc học, nhân chủng học đều cho rằng, có một bộ phận cư dân Tây Nguyên đi lên từ biển. Các nhà địa chất thì khẳng định, có dấu tích của các cuộc trôi lục địa, và Tây Nguyên chính là kết quả của một cuộc "thương hải tang điền" nào đấy.

          Thứ 2, trong các sử thi Tây Nguyên mà cháu thích và đọc ấy, bao giờ cũng có những cuộc đánh nhau dữ dội, và các nhân vật của chúng ta rất hay bay ra biển, qua biển, đánh nhau ở đấy mới... sướng. Người ta chỉ có thể mơ ước những gì người ta đã thấy hoặc khát khao thấy. Không phải ngẫu nhiên mà các nhân vật anh hùng sử thi hay hướng ra biển. Cháu tìm hiểu thử xem. Ngày xưa các làng Tây Nguyên sống biệt lập, ẩn trong ngút ngàn rừng già. Làng này biệt lập với làng kia, mỗi làng là một vương quốc. Các làng chỉ gặp nhau trong vài trường hợp như: đánh nhau giành đất, được mời sang dự Pơ thi hoặc lễ gì đấy. Người Việt cũng lấy lũy tre làng làm biên giới, nhưng hàng tháng họ còn có cái chợ để đến đấy giao lưu. Ngay người Mông, người Thái cũng vậy. Người Tây Nguyên không có chợ, không có các hoạt động liên làng nên việc họ gặp nhau rất là hãn hữu.

          Huống gì thấy biển.

          Thế mà trong các trường ca cổ ấy, có rất nhiều biển.

Cũng không loại trừ khả năng tiên tri như các ông tác giả của "Hai vạn dặm dưới đáy biển" đã tiên tri hết sức chính xác về dáy biển khi mà thời ấy người ta chưa khám phá ra, cũng như thế là khát vọng khám phá mặt trời của nhân vật Icarus trong "Thần thoại Hy Lạp". Và khát vọng ấy đã suýt thành hiện thực nếu như cậu đã không vì quá tò mò và sung sướng mà bay lên rất gần mặt trời. Sức nóng làm sáp ong chảy ra và cậu rơi xuống biển, chấm dứt một giấc mơ hoành tráng nhưng tuyệt đẹp của con người mà mãi hàng nhiều vạn năm sau, hậu thế của Icarus đã làm được, để giờ chúng ta có tàu vũ trụ, dẫu chưa tới được mặt trời (cũng như Ica) nhưng đã... gần tới, đã lên được, thám hiểm được "bồ" của mặt trời, là mặt trăng.

          Thứ 3, ngoài chuyện người ta phát hiện ra các tháp Chăm ở Tây Nguyên, thì người ta cũng đã khẳng định có một con đường Chăm nối từ biển miền Trung qua Tây Nguyên, sang tận các Ăng Ko bên Campuchia. Chăm thì ở đâu? Biển, tất nhiên rồi. Và trong quá trình hàng ngàn năm bền bỉ "xuyên đường" như thế, họ đã để lại những phế tích, và cả những... nhân tích, mà người Chăm Hroi là sự hòa huyết ấy...

          Vân vân và vân vân...

          Cô bé rất sướng, tất nhiên, nhưng cũng biết là rất khó. Khó từ việc đi tìm tài liệu, khó đến cô hướng dẫn, đến hội đồng vân vân. Nhưng tôi động viên, cháu cứ làm đi, chú sẽ giúp, và chú sẽ huy động bạn chú, những người giỏi hơn chú nhiều, giúp, bởi đề tài này không chỉ vì cháu, mà nó sẽ mở ra một hướng hiểu biết mới về Tây Nguyên.

          Mãi không thấy cô bé liên hệ lại, rồi tôi cũng... quên.

          Một hôm ra Huế dự một cuộc bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi gặp tiến sĩ Đ, người phản biện luận văn hôm ấy. Ngồi với nhau tự nhiên tôi nhắc lại chuyện có một cô sinh viên của ông được tôi khuyên làm luận văn về đề tài biển và Tây Nguyên mà rồi sao chả thấy liên hệ lại. Ông này à lên, ôi anh là người gợi ý à? Chính em là người... bác đề tài ấy vì thấy nó phi lý quá. Biển là biển Tây Nguyên là Tây Nguyên chứ sao lại lộn xộn được. A, ra ông là thủ phạm hả. Đây nhé, để tôi giải thích. Và tôi lại... say sưa giải thích, ông này lại... nghiêm cẩn nghe, rồi thở dài, thôi để em ra đề tài này cho người khác vậy. Tôi cười, không được nữa ông ơi, giờ tôi giữ để tự mình làm cái... tiến sĩ chơi...

          Bây giờ Tây Nguyên đều có các con đường xương cá xuyên xuống đồng bằng, rất tiện lợi, nhanh chóng.

          Như nơi tôi ở là Pleiku, chỉ 3 tiếng xe hơi là đến thành phố Quy Nhơn, nếu tới biển thì chỉ tầm 2 tiếng rưỡi.  Nhiều người Quy Nhơn lên Pleiku phải thốt lên, lên đây ăn đồ biển tươi hơn ở Quy Nhơn. Tôi giải thích, đơn giản  thôi, người Việt là thế, ăn đồ tầm tầm, đồ xịn thì xuất, nhịn miệng đãi khách mà, giờ thì không phải đãi khách mà là đãi... thượng đế, đãi lợi nhuận. Xe đông lạnh, giờ thì có xe chở cả cá cả nước biển, chạy hơn 2 tiếng tới các nhà hàng ở Pleiku, đổ cả cá cả nước vào bể, cá bơi ngung ngoăng đợi thực khách đến chỉ con nào nhà hàng bắt con ấy. Đấy là những loài khó sống, còn ốc cua ghẹ thì quả là, đầy đường bán dạo chứ không cần nhà hàng nữa.

          Từ dưới đồng bằng nhìn lên, Tây Nguyên là một dải mờ xanh, mây phủ trắng trông rất... huyền thoại. Lên thì thấy, té ra nó đầy bụi đỏ, là một thời thôi, giờ thì... bê tông, nhà lô cốt và... đồi trọc. Và rất nhiều người kinh ngạc là giờ có cả lũ cả lụt ở Tây Nguyên. Cơn bão mới nhất ở tận đẩu đâu, thống kê ra, Tây Nguyên cũng mấy người chết do lũ, lụt.

          Ơ, thế thì biển ở đâu xa nữa. Không ở biển mà có biển, không ở xứ đồng bằng mà có lũ lụt. Một sự phát triển nóng. Không phải, chính xác là phát triển ẩu, bằng mọi giá để rồi... trả giá. Rừng nguyên sinh thành rừng... cao su. Sông bị chặn làm thủy điện. Đất bị bê tông đến không còn chỗ để thở. Tôi quen với một chị là chủ một khu du lịch. Chị không lát gạch, không bê tông các con đường, khoảng sân, mà dùng đá, nhất là đá tổ ong, để lát, chị bảo để có chỗ cho đất thở.

Tây Nguyên đang rời xa đi cái gốc nguyên thủy của nó, đang bị giằng xé dữ dội giữa phát triển và bảo tồn, giữa những vòng quay chóng mặt của ngộ nhận và cố chấp, của cả tự ti và áp đặt, của vênh vang và ngu dốt, của thực dụng và hiếu thắng…

Có một bài hát có cái tên khá gợi "Biển của một thời đã mất". Mất nhưng rồi, nó đang trở lại, ở Tây Nguyên ấy, lên mà xem...


                                                   


Không có nhận xét nào: