Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

TÔI VỪA LÁI XE QUA ĐOẠN ĐƯỜNG NGÀN TỈ



           Đối với người biết lái xe và... có xe thì việc được ôm vô lăng chạy trên đường dài là một cái thú. Sự thú ấy lại được nhân lên khi trên xe chở gia đình mình, tới đâu nghỉ đấy, thấy thích chỗ nào thì dừng, khoái đâu là ngủ, khi nào tới thì tới...

           Nhất là, nghe tin đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, sau rất nhiều tưng bừng, nhiều cờ hoa, nhiều thăm viếng, nhiều kiểm tra, nhiều... dọa nữa, thì đã được thông xe. Thì đi thôi. Cả nhà tôi trên cái Grand i10 5 chỗ thần thánh của tôi xuất phát từ Pleiku, thay vì đi đường Hồ Chí Minh như mọi khi (tôi cũng có ghi chép về con đường vừa thần thánh vừa địa ngục này rồi), xuống Quy Nhơn rồi ngược quốc lộ 1 ra Huế.

           Sau năm 1975, có 2 cung đường được đánh giá là tốt nhất Việt Nam là đoạn Đông Hà- Huế và đường 19 nối Quy Nhơn với Pleiku. Hồi ấy tôi thường xuyên đi trên 2 đoạn đường này, chủ yếu là trên xe khách Rờ nôn, loại xe chạy... than, khói mù mịt bám quanh thân xe, khách khi xuống xe thì như vừa ở hầm lò ra, và xe bò như... sên khi qua đèo. Cả khi lên và xuống đèo thì phụ xe đều xuống đi bộ, dưới tay cầm sẵn cục gỗ căn xe. Và nói luôn, thời ấy xe reo, xe bò vàng chở gỗ chạy cũng kinh hoàng lắm, bởi khi ấy đang còn... rừng. Hỏi mãi được biết 2 cung đường ấy do nhà thầu Hàn quốc (hồi ấy gọi là Đại Hàn) làm. Họ làm kiểu gì mà cực tốt, đường phẳng lì, xe xấu thế mà chạy cứ êm ro, và đặc biệt là không có kiểu đường như bây giờ, nhìn thì bằng nhưng khi chạy cứ có cảm giác như lượn sóng.

           Con đường 19 ấy tồn tại được chừng gần 30 năm nữa thì xuống cấp. Không xuống cấp không được với hàng vạn xe gỗ rầm rập đưa rừng Tây Nguyên xuống đồng bằng, biến Tây Nguyên thành... bình địa.

           Và rồi người ta đã chọn 2 đoạn còn... tốt nhất để làm Bot. Một đoạn ở Gia Lai, một đoạn ở Bình Định. Đoạn qua đèo Mang Yang, con đèo lịch sử về mọi nhẽ, thay vì để nguyên con đường cũ, mở một đường mới ở tầng trên hoặc dưới, vừa bảo tồn con đèo như cũ, vừa tránh xe đối đầu vì như thế sẽ thành đường 1 chiều, thì người ta lại bạt núi, mở rộng đường cũ, vừa mất con đèo vừa vẫn... gần như cũ, vì xe lên đèo xuống đèo vẫn đối đầu nhau, nên đường mới, rộng nhưng vẫn phải cắm biển tốc độ 50 km/h, báo hại nhiều anh đang ngon chân ga chưa kịp giảm tốc độ bao giờ cũng được mời... dừng lại móc ví ở chân đèo vì ngay ở chỗ cắm biển giảm tốc độ xuống 50 cây số ấy hình như có gắn luôn camera, cảnh sát giao thông chỉ cần ngồi ở chân đèo... huýt sáo.

           Rất nhiều người, cả cá nhân và nhà nước, cả lái xe và cơ quan chức năng kêu ca về 2 đoạn Bot này, nào là chăng dây tráng nhựa thu tiền vô lý, nào là vừa tráng nhựa xong đã hỏng mà vẫn thu phí, hỏng rất nhiều, đi rất nguy hiểm, có những ổ gà ngay tầm bánh xe, đang ngon trớn không tránh được, tai nạn xảy ra là cái chắc, ít nhất cũng hư xe, không nặng thì nhẹ, không biết bắt đền ai khi mình phải trả tiền mua đường để chạy, nào là 2 trạm thu phí này đều chưa xài cổng thu phí tự động trong khi rất nhiều xe đã mua tem khi qua đây đều bị bất ngờ nên xử lý chậm, bởi nếu chưa dán tem tự động sẽ chủ động để sẵn tiền lẻ, sẽ chủ động rẽ vào làn bán vé. Đây tới nơi mới tháo dây bảo hiểm, rút ví đếm tiền... khiến xe sau bóp còi inh ỏi vân vân và vân vân. Nói điều này vì Tổng cục đường bộ rất sốt sắng và rốt ráo việc thúc đẩy thu phí tự động, thậm chí ra chế tài cho các xe phải thực hiện khiến nhiều lái xe gọi đấy là... “Tổng cục thu phí đường bộ”, nhưng chính các trạm thu phí lại không có làn thu phí tự động thì không bị nhắc.

           Qua khỏi con đường từng ngon nhất Việt Nam này thì hớn hở nhập vào đường 1, đụng mặt ngay cái... Bot đón lõng ở ngay An Nhơn. Rõ ràng vừa rẽ từ đường 19 xuống, không chạy tí nào đoạn Tuy Hòa ra, hay chí ít cũng từ Quy Nhơn ra, là phải móc túi ngay. Nhưng vấn đề là, đoạn đường được vinh dự mua vé để đi này nó là... mặt trăng chứ không phải đường. Nham nhở ổ gà ổ voi, các loại ổ. Dân ở đây kêu, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng kêu, đại biểu quốc hội kêu, ai cũng kêu, trừ mấy ông... thu phí, vẫn vừa thu vừa... nghe. Điểm khác duy nhất ở trạm này là thu có 30 ngàn xe con chứ không như các Bot khác, thu 35 ngàn. Nhớ năm ngoái tôi mổ gối ở bệnh viện Quy Nhơn, nằm cạnh 2 nạn nhân của đoạn đường này. Một ông cán bộ xã, đi họp về, gặp chướng ngại vật thắng gấp. Xe đứng khựng lại, người xoài về phía trước theo mô hình... tên lửa đạn đạo, mặt và vài thứ phía dưới chà xuống đường. Vấn đề là, chỗ đường ấy vừa... rưới nhựa đường nóng. Khỏi phải tả cái mặt ông này khi tôi thấy nhé, để đọc tiếp cho... ngon. Người thứ 2 là một cô giáo cấp 3, đi dạy về, chạy xe sụp ổ gà. Cái đốt sống sát mông ấy nó vẹo sang một đoạn. Nằm một chỗ, tơ hơ thế, toàn bộ phần dưới mất cảm giác. Tội lắm, chưa chồng, mỗi khi thay băng hay làm gì đấy, bố mẹ lại phải nhờ người xung quanh. Có bận cậu bạn thuở sinh viên vào thăm cũng được nhờ, em trai đang học cấp 3 cũng được nhờ...

           Thì cứ chạy thế, rút kinh nghiệm, để sẵn đống tiền lẻ trước mặt. Bot nào có cửa thu phí tự động thì ào qua để rồi nghe điện thoại báo một âm thanh tin nhắn rất vui tai: Bạn vừa được trừ 35 ngàn. Bot nào “khó khăn” chưa trang bị được máy soát tự động thì dừng xe hạ kính mua vé, tranh thủ ngó mặt cô bé bán vé và đoán xem cô cười hay cô cáu vì đa phần đeo... khẩu trang. Động viên mọi người trên xe, đến cao tốc ta chạy thả ga, cho sướng, cả người và xe sướng.

           Té ra tôi nhầm.

           Việc đầu tiên là không nhiều xe nối đuôi như tôi tưởng. Thứ 2 là rất nhiều biển hạn chế tốc độ chứ không được chạy như đường... cao tốc. Và thứ 3 mới kinh, rất nhiều ổ gà, nhiều đoạn đã hỏng, dù mới hân hoan khánh thành...

           Nhớ khi đi vào, cái đoạn nếu chạy thẳng thì vào cao tốc, qoẹo trái tí là đi quốc lộ 1 đường cũ, thì thấy rất nhiều xe đi đường cũ, chỉ mình xe tôi hăm hở lao vào cao tốc, tức là số chạy đường cao tốc khá ít so với đường cũ, có thể là do phải mua phí đắt. Chỉ một đoạn ngắn có biển chạy 120 Km/h, còn lại là dưới đấy, nhiều đoạn bằng đường Bot là 80Km/h, tức là, nếu chạy đường cũ cũng không... thiệt thòi gì, dù con rể tôi giải thích cho vợ nó khi con gái tôi thắc mắc có thấy khác nhau gì đâu: Đường cao tốc tiết kiệm thời gian hơn và xe an toàn hơn...

           Về nhà, thấy báo chí tưng bừng đưa tin: Bộ trưởng Thể vào kiểm tra đoạn này và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Và rồi báo chí cũng... tiện thể đồng loạt đưa: “Vừa thông xe đường cao tốc 34 ngàn tỉ chi chít ổ trâu ổ gà”... cũng tiện thể tố đoạn quốc lộ 1 qua Bình Định hư hỏng nặng do... mưa lớn. Ông Thể cũng... cương quyết: Sẽ không cho thu phí nếu đường không bảo đảm.

           Quả thật là tôi đã hết sức kinh ngạc. Vẫn biết rằng, lâu nay ở nước ta, làm bất cứ cái gì, nhưng nhất vẫn là làm đường, thì cứ làm xong là hỏng đã trở thành... việc thường ngày của... xây dựng. Có người còn ví von hay hơn, là làm xong thì sửa, sửa đầu này tới đầu kia rồi lại... vòng lại. Hầu như ở các con đường tôi qua đều thấy đang... sửa. Con đường 1 qua đoạn Bình Định được mệnh danh là con đường xấu nhất Việt Nam mới khánh thành cách đây vài năm. Đây là con đường được đầu tư nâng cấp và mới chính thức vận hành từ tháng 10/2015, tức đến giờ vừa đúng... 3 năm, mà nó đã được mệnh danh mỹ miều thế, để bộ trưởng, đang rất bận nhiều việc, nhất là xử lý BOT, phải cất công vào tận nơi, và... dọa không cho thu phí, trong khi nhẽ ra, ngay lập tức ông phải lệnh không cho thu ngay, phải tập trung sửa ngay, đường đúng thiết kế mới được thu, không thì thôi, bởi việc này ông đã chỉ đạo nhiều rồi, “dọa” nhiều rồi. Mà các nhà thầu, như... lươn, họ biết cách lẩn rất tài. Hay chính xác, họ có bửu bối để... nhờn thuốc, để không sợ quý bộ. “Từ kỳ họp Quốc hội khóa V, tôi đã báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định và đã hoàn tất việc bố trí kinh phí. Tuy nhiên, việc triển khai trong thời gian vừa qua còn chậm là do nguyên nhân thời tiết và nhiều nguyên nhân khác do sự chậm trễ của các nhà thầu” - (Theo báo Lao Động). Các nhà thầu sướng quá khi nghe ý kiến trên của bộ trưởng, tức là có chỗ... chỉ. Chỗ để chỉ ở đây là do... thời tiết.

           Vậy nên ông trưởng ban quản lý cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi cũng rất... khoa học và nghiêm túc khi chỉ ra 3 nguyên nhân chính để đường cao tốc mới đưa vào sử dụng mấy ngày đã nát be nát bét là do tại mưa, xe nặng, xe nhiều... 3 nguyên nhân này đã làm con đường cao tốc mơ ước của chúng ta hỏng nặng ngay sau khi thông xe. Không chỉ tôi mà rất nhiều bạn đọc, dẫu dễ tính đến mấy, dẫu hiền lành đến mấy, khi nghe giải thích thế cũng phải... nổi khùng. Ơ thế khi thiết kế không tính đến mưa à, không tính lưu lượng xe à, không tính tải trọng xe à. Mà cứ cho là khi thiết kế “quên” tính đến những chi tiết hết sức quan trọng và chủ yếu ấy, thì cũng phải chạy vài ba năm nó mới hỏng chứ, đây mới mấy bữa đã hỏng thì... đường làng đắp đất cũng chưa đến nỗi ấy. Nên trên mạng mới có rất nhiều kiểu chế và hiến kế cho ngành vận tải, rằng là làm đường nên có... mái che tránh mưa, nên lắp cánh cho xe để khỏi chạm mặt đường, hay tốt nhất là làm xong... cấm xe. Có người còn nhớ năm nào đấy, ở đoạn cao tốc nào đấy phía nam cũng vừa làm đã hỏng, thì lý do được đưa ra để... đổ là do chưa có xe chạy. Thế là đường cao tốc Việt Nam, có xe chạy cũng hỏng mà không chạy cũng hỏng nốt. Ôi giời, nói thật, nghe các “chuyên gia” thứ thiệt của ngành giao thông phát biểu với cánh tay ngang trên mạng bàn luận thấy sự thông thoáng và hiểu biết... ngang nhau.

“Đại diện chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi xác nhận đoạn đường Tam Kỳ - Đà Nẵng có nhiều điểm bị bong tróc, xuất hiện ổ gà như báo chí phản ánh. Nhà thầu thi công đang cho khắc phục bằng cách vá mặt đường, hỏng chỗ nào vá chỗ đó.” Đây là một đoạn tôi trích trên báo Việt Nam Nét, và cái hình in kèm là một anh công nhân, cầm cái bay, ngồi thảnh thơi trên con đường cao tốc ngàn tỉ vắng như chùa bà Đanh (đối nghịch với khẳng định đường hỏng do nhiều xe chạy), nắn nót vá lại con đường hiện đại nhất Việt Nam, mới nhất Việt Nam. Hình ảnh làm tôi nhớ tới những năm 80 của thế kỷ trước, ở nhà tập thể, nền nhà xi măng bị thủng, tôi hay đi xin xi măng về, rồi mượn bay, tự tay ngồi trát chỗ thủng ấy, xong viết mấy chữ trên tờ giấy trắng: “mới trát, không bước vào”, đậy lên chỗ ấy nhắc vợ con dù nhà có hai chục mét vuông... Vợ tôi đi qua cười khẩy: Gá bùa đít mèo!!!

Chả lẽ lịch sử lại... quay vòng. Tiếc là do phải lái xe nên không chụp ảnh được, thôi thì xin ảnh đồng nghiệp đã đăng báo in kèm bài báo này vậy...



                                                   


Không có nhận xét nào: