Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

THI NHƯ... ĐÈN CÙ


Bài này nhà cháu đăng ở reablog của reatimes.vn rồi ạ, nhưng hôm nay vẫn... nóng, mang về đây, vừa để lưu tài liệu, vừa để... hâm nóng lại...
-------------------------


           Năm nay, lại như các năm, lại như từ xưa tới giờ, chuyện thi cử lại dào lên với rất nhiều cung bậc. Nhưng, khác mọi khi, là nó nảy ra cái anh... Hà Giang, rồi Sơn La, và có thể chưa dừng ở đấy nếu người ta không ngại khui ra. Chuyện thi cử ở nước Nam ta luôn như là sự đánh đố, mà lại như giễu cợt, dù người ta hết sức muốn giải chứ không đánh đố và rất muốn nghiêm túc chứ không giễu cợt.

           Bởi nó là sự... xoay đèn cù.


          Bởi, chả biết từ đâu, từ xửa xưa, dân ta đi học là để... lấy bằng, chứ không phải vì kiến thức, vì chữ. Đây chính là nguyên nhân của vấn đề. Rất nhiều người chỉ muốn đi học để lấy tri thức, lấy chữ, nhưng nào có được. Gánh nặng và chỉ tiêu bằng cấp nó bắt phải học theo kiểu... bằng cấp, theo kiểu dốt vẫn phải lên lớp để lấy thi đua, dẫu phụ huynh biết con mình dốt, nằn nì xin ở lại, và vẫn... không được.
   
           Và để có bằng cấp thì họ... gian lận. Từ hồi tôi còn học cấp 3, khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, sống và học ở cái làng Phú Thượng, Phú Điền, Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa ấy, khi tổ chức thi tốt nghiệp cấp 2 tại trường, tôi đã được lôi đi làm bài giải để người nhà lấy ném vào cho thí sinh rồi. Thi cấp 2 (lớp 7) hồi ấy cũng oai cũng oách, trước đấy còn phải đi thi cụm kia, tức là mấy xã thành một cụm, cơm đùm cơm nắm đi thi, tôi phải đi thi cụm cách nhà mười mấy cây số. Học hệ 10, đến lớp 7 còn bé tẹo, thế mà tự đi bộ, bới theo gạo và củi. Giờ, lớp 12 bố mẹ vẫn kè xe đến lớp. Năm mà tôi đang kể thì được... đổi mới, xã nào thi xã ấy. Thi xong thì được đi học Trung cấp, tức là được thoát ly. Mấy cô giáo người làng dịp này đến là khổ. Làm đúng thì chết mà lơ là cũng chết, tóm lại nếu các cháu trong làng không đậu tốt nghiệp cấp 2 để “đi ngành”, thoát ly là tội của... các cô.

Thời ấy, đậu cấp 2 là được chọn đi học trung cấp, hoặc chí ít là học 7+3 để về dạy cấp 1, thậm chí cấp 2. Tóm lại là, thoát ly. Ở nhà khổ lắm, thoát ly là con đường tươi sáng ấm no hạnh phúc, là cách đổi đời ngoạn mục nhất. Mấy cô giáo dạy tôi cấp 2 hồi ấy chủ yếu cũng là 7+3, một số ít 10+2 là oách lắm rồi.

Cái thời gần đây mà ông giáo Đỗ Việt Khoa quay clip cả tổng đi thi ấy, nó là sự... tiếp nối truyền thống oai hùng từ xưa, mỗi tội là hoành hơn, tinh vi hơn.

Nên, tôi thật, quả thật, tội đồ cũng chưa chắc đã bởi ngành giáo dục, mà tội đồ là ở... tổ chức kia. Các bố các mẹ ấy cứ ngồi soi bằng, bằng quái gì cũng được, miễn là bằng, thì người ta phải chạy bằng, bằng mọi giá, thôi. Chứ như nước ngoài, người ta phỏng vấn trực tiếp, dân Việt mấy bằng kệ các ông bà, tao cứ phỏng vấn đã, xong đưa về chính quốc đào tạo lại, rồi sau đấy giao việc. Còn đã bằng thì cho ra bằng, chứ nước mình, cứ miễn là bằng, trường nào cũng như nhau, nên có năm, sinh viên mấy trường nhớn, trường oách, trường quốc gia trượt công chức oạch oạch, mấy trường be bé, trường tỉnh, trường tư thục ấy, sinh viên ra trường điểm cao tót vời, một sự cao điểm có tính toán, bởi khi ra trường người ta tính điểm chứ có tính trường đâu, mình tháo khoán cho điểm cao đầu ra và lấy thấp đầu vào thì sinh viên vào học đông, lợi cả đôi đường, “nồi cơm” đảm bảo, nên khi cộng điểm thi công chức/ viên chức thắng hết mấy trường lớn kia, và tất nhiên những người điểm cao ấy trúng, các bạn kia trượt, dù ai cũng biết ai giỏi hơn ai.

Nào, thế thì ai mà chả thích... bằng, thích điểm cao.

Chưa kể còn tính cách... đi vòng. Không đủ vào đại học thì đi... trung cấp, ra trường có chỗ làm êm ấm rồi thì... tại chức tiếp, miễn là có bằng đại học để... xếp ghế, để lãnh đạo mấy anh chính quy. Tất nhiên không phải ngành nào cũng có món này, và không phải ai cũng có đặc ân ấy, chỉ một số ngành có thể thôi.

Tôi hay nhắc việc học tại chức không phải là kỳ thị, bởi anh trình độ đến đâu làm đến đấy thì anh học hệ gì kiểu gì kệ anh. Nhưng anh có bằng, dù là bằng quái gì đấy, tại chức, mở, từ xa... học mà không học, học mà đi xe biển xanh, có nhân viên đi theo hầu hạ giải bài, giải rồi còn bị mắng là mày làm sao mà có cái số 8 cũng viết không ra đầu ra đũa để tao phải dựng hết dậy, chứ chép đúng như mày thì chắc tao chỉ được 8 thôi, đây tao sửa lại hết và toàn 10 là 10. Năm nào đấy, bộ trưởng thời ấy phải công nhận, các hệ từ xa, mở, tại chức... là nồi cơm của các trường đại học mà. Vấn đề là, các bác học tại chức này xong là về tiếp tục làm lãnh đạo. Đây mới là điều khiến sự bất công xã hội lớn nhất, gây bất bình lớn nhất, và thực tế nó đã diễn ra mấy chục năm nay, anh dốt lãnh đạo anh giỏi, anh không có chuyên môn, hoặc là chuyên môn “số 8 nằm ngang” lãnh đạo trí thức. Và rõ ràng là hệ lụy xảy ra, ít nhất là nó kìm hãm sự phát triển của xã hội, người tài không phát huy được khả năng. Và thường thì những người lãnh đạo như thế rất độc đoán, cái độc đoán của sự tự ti, thua kém thường trực như một mặc cảm. Rất nhiều sai lầm của chúng ta bắt nguồn từ số cán bộ này, giờ thi thoảng kể lại như... chuyện cổ tích. Một thời nó là bình thường, và bây giờ không phải đã hết. Chính vì thế mà việc thi cử bây giờ vẫn cứ như... ngày hội toàn dân, có toàn dân đưa trẻ đến trường thì có toàn dân đi thi và toàn dân... tham gia thi!

Vả cũng nên có những công trình khoa học của chính các cơ quan khoa học để tìm ra nguyên nhân nào mà ai ai cũng đổ xô kiếm bằng để vào nhà nước, dù lương chỉ bằng 1/100 những gì đã bỏ ra... Lâu nay các nhà khoa học, các cơ quan khoa học vốn dĩ rất nhiều và đông của nước ta nghiên cứu rất nhiều vấn đề, nhưng toàn cao siêu diễm lệ, rất ít soi được vào đời sống, chưa kể những phát minh thiết thực nhất, liên quan đến sự phát triển cụ thể của xã hội, lại phần nhiều do các ông bà nông dân hoặc kỹ sư bình thường sáng chế ra, từ cái máy bóc vỏ lạc, tuốt ngô, đến cả máy bay, tàu ngầm... Giờ nếu các nhà khoa học và các cơ quan khoa học chưa nghĩ ra thì tôi thấy nhà nước nên đặt hàng họ nghiên cứu, từ đấy có... đối sách về biên chế và bộ máy, hiệu quả của bộ máy cũng như vai trò của cán bộ trong bộ máy ấy...

Đấy, thì hoang mang trước tình hình thi cử năm nay mà nghĩ thế ạ, chứ giờ cứ rồ lên chuyện điểm chác đã rồi thì cũng như anh bí thư hôm nọ nói thôi: Người ta tự cho cháu điểm chứ tôi có xin ai đâu. Con và cháu tôi đều học giỏi mà. Ừ, cỡ anh cần quái gì xin, người ta tự nhét điểm vào túi con và cả cháu anh nữa chứ anh biết gì đâu. Tội anh chưa?

Và tội cả nền khoa bảng của nước ta, dù giờ chả ai coi đấy khoa bảng nữa?



1 nhận xét:

Huỳnh Thanh Hà nói...

Like bài viết và ảnh độc