Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

ĐIỀU CÒN LẠI CỦA SÁCH



           Mấy ngày diễn ra hội sách Gia Lai ở đường anh hùng Núp, hầu như hôm nào tôi cũng có mặt. Ngoài là thành viên của ban tổ chức thì tôi có cái thú riêng của một người viết, đã có hơn mười đầu sách, là ngắm người đi dạo sách, ngắm sách, mua sách và bàn luận về sách.

           Và tôi đã đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

           Rằng té ra, dân Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung rất yêu sách. Nếu tính theo đầu dân và trình độ dân trí, có thể nói rằng lòng yêu sách, thích sách của người Gia Lai không thua một địa phương nào, có chăng thua thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

           Rằng tính ra, ngoài các quán nhậu mọc lên san sát, các quán cà phê dày đặc khiến cho dân ta đổ tiền và thời gian vào đấy không ít, thì vẫn còn khá nhiều người dành tiền mua sách, hoặc cho con tiền mua sách.

           Năm nay ban tổ chức không khuyến khích một nhà sách tỉnh ngoài chuyên bán sách hạ giá, có sách rẻ đến bất ngờ, vì sợ có sách lậu như hai năm trước, nên toàn các nhà sách trong tỉnh, có hạ giá nhưng không đáng kể, nên lượng sách được mua có thể giảm đi, nhưng chất lượng sách mua sẽ tăng. Sách, thực ra giờ rất đắt, bỏ ra tiền ra mua sách là một sự dũng cảm. Nhưng đấy là sự dũng cảm đầy chất văn hóa, bởi tri thức là được tích lũy từ sách.

           Cũng năm nay có 2 cuộc giao lưu giữa độc giả và các nhà văn. Mọi năm, như thông lệ, ban tổ chức vừa mời trực tiếp, vừa thông qua các quan hệ cá nhân để mời một số “độc giả tinh túy” là sinh viên khoa Văn trường Cao đẳng sư phạm và học sinh chuyên văn của trường chuyên, số này sẽ là nòng cốt để cuộc giao lưu... có khán giả. Năm nay quyết định, không mời kiểu ép buộc như thế, cứ thông báo ở ngay hội sách và trên facebook của Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, một số bạn bè văn chương. Thế mà rồi đúng giờ, từ lác đác đến gần hết ghế ban tổ chức chuẩn bị, không kể số đứng.

           Có những độc giả yêu sách năm nào cũng tới và mua rất nhiều như chị Phương ở sở tài chính. Không chỉ mua cho mình mà chị còn mua tặng bạn. Được biết, chị là “con mọt sách” thứ thiệt. Và không chỉ chị, 3 lần hội sách, tôi quen mặt rất nhiều độc giả tới mua sách. Ngày thường họ cũng đã mua, nhưng có hội sách thế này, vừa dễ mua, vừa có không khí và lại có thể gặp gỡ nhau, nhất là gặp các nhà văn, những người làm ra sách.

           Hội sách tạo ra được một không khí sách. Điều này rất quan trọng.

           Đời sống phát triển, mọi thứ đều tăng lên, trừ một thứ, ấy là sống chậm lại một chút. Và cũng như thế là, thời gian cho sách ít đi.

           Công nghệ phát triển, người ta đọc đủ thứ, đọc rất nhiều, nhất là khi ai cũng có một cái Smartphone nối mạng, nhưng chủ yếu là đọc tin, đọc báo và đọc... phây. Nó tiện lợi là có thể đọc ở bất cứ nơi nào, vào lúc nào, ở hoàn cảnh nào. Từ lúc đang ăn cơm, đang nhậu, đang cà phê, thậm chí đang... cãi nhau.

           Đọc sách thì khác. Con người phải tịnh tâm hơn, phải lắng lại, phải thực sự cô đơn, dù có giữa trăm người cũng vẫn như có một mình.

           Ấy là lúc con người cô đơn nhất. Để mà hòa nhập, tan vào nhân vật, tan vào câu chữ, vào tứ vào hình ảnh.

           Và đấy là lúc sự xúc cảm, những rung động, sợi dây tinh túy nhất của chùm thần kinh, là những góc khuất im lìm nhất của con người lên tiếng. Thực ra chúng ta không mong sách giáo dục được ai như có thời chúng ta đã đề ra, nhưng nó khơi gợi được lên những xúc cảm tươi đẹp, những bí ẩn thiêng liêng, những miền khao khát ẩn khuất, nó khiến con người nhìn lại mình, sống chậm lại một chút, không phải ngừng lại, mà là để bước tiếp, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và chắc chắn hơn. Bởi sách cung cấp cho con người tri thức. Đấy là nơi tri thức tập trung nhất, chứ tri thức có ở mọi nơi trong đời sống, là thứ mà con người phải tự tích lũy cả đời. Sách giúp con người thu nạp nhanh hơn, tập trung hơn và có chọn lọc hơn.

           Học trong trường là một chuyện, có thời hạn. Học trong sách là học cả đời, được bồi bổ cả đời và thu nạp kiến thức cả đời. Ai cũng biết điều ấy, nhưng giữa cuộc sống gấp gáp và nhiều cám dỗ này, bỏ ra mỗi tuần một ít thời gian để dạo sách, mua sách và đọc sách quả là không dễ.

           Và vì thế mà chứng kiến độc giả đến với hội sách năm nay tôi đã rất mừng. Nhiều người ở tận dưới huyện, phóng xe lên mua cả thùng sách, nhất là sách kỹ thuật nông nghiệp, rồi lại tất tả phóng về. Nhiều cô giáo phải đi dạy, cả chính khóa và dạy thêm, nghĩ ra cách rủ cả học trò học thêm ra hội sách, mua sách tặng trò... Người đến với sách khá đông, đến mức một người luôn lạc quan như tôi cũng phải ngạc nhiên. Chúng ta đang nói nhiều đến sự “thất bát” văn hóa đọc, và vì không đọc nên con người hung dữ hơn, vô cảm hơn, lạnh lẽo hơn, tính toán hơn... Nhưng qua ngày sách này thì thấy dân ta vẫn còn đọc sách rất nhiều. Và sách nó giúp con người giàu xúc cảm hơn, dễ rưng rưng hơn, sống tử tế hơn, hướng thiện hướng mỹ hơn...

           Và cứ ước ao, giá Pleiku có một đường sách thường xuyên, chứ không chỉ mỗi năm một tuần nhân ngày sách cả nước. Và, hoặc là, có những quán cà phê sách. Thành phố sẽ sang trọng lên rất nhiều, văn hóa lên rất nhiều, nếu như có nhiều điểm bán sách, có đường sách và có các quán cà phê sách.

           Và, nói thật, trong rất nhiều các loại “ngày” mà chúng ta tổ chức liên miên, tôi thấy “ngày sách” là một trong những ngày có giá trị thiết thực nhất.


Đêm nhà cháu ra mắt tập thơ "Vòm trời khác"



                                                                      

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Gialai của anh vch gần đây cũng nhiều việc được chính quyền chỉ đạo quyết liệt như chi tiếp khách ở các HĐND, cán bộ tham ô, tham nhũng cũng được phát giác; dân cũng khoáy đấy anh vch nhi? Hôm ngày sách mở ở QT ĐĐK tối nào e cũng ra, đông ghê nhất là các bạn trẻ đó anh. Người ta cho là sách hiện tại không dám phê phán như vh hiện thực thời trước mình học đấy anh vch ạ.

Nặc danh nói...

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, từng thốt lên: họ ăn không chừa thứ gì rồi mà....