Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

NGHĨ TỪ THÀNH NHÀ HỒ…




           Một ngày gần tết cách đây vài năm, tôi về Thanh Hóa theo đường Hồ Chí Minh. Từ Hà Nội, ghé mỏ cá Cẩm Lũy rồi đến thành Nhà Hồ. Có nguyên một tuổi thơ ở Thanh Hóa nhưng đây là lần đầu tiên tôi được sờ tay vào từng tảng đá cổng thành, ngó nghiêng theo và nghe ông bạn nhà thơ quê gốc ở đây giải thích theo kiểu... thích gì giải nấy, rằng làm sao người ta có thể vần những tảng đá hàng chục tấn này lên để xếp bằng chằn chặn lên thành thế kia khiến đến bây giờ rất nhiều chuyên gia xây dựng vẫn còn kinh ngạc? Rồi còn cái cổng vòm, chả thấy xi măng trít trát gì, mà có xi măng cũng chả thể kết dính được những tảng đá khổng lồ ấy với nhau thành cái cổng khổng lồ như thế. Rồi còn bao chuyện nữa. Như người ta chở đá ở đâu về, chở bằng gì, rồi “treo” chúng lên giữa trời, oai phong lẫm liệt, bề thế hiên ngang, cứ khít lìn lịt không thấy mộng, lại còn phẳng lì như bây giờ người ta dùng máy để mài, như là của thượng đế sinh ra thế chứ chả phải con người làm được. Mà kinh ngạc hơn nữa là nó lại được hoàn thành chỉ trong... 3 tháng. Nhớ hồi tòa nhà quốc hội xây mới, chính quốc hội đã phải chất vấn rằng thì là tại sao lại làm lâu thế, “vượt thời gian” đến cả năm trời.


        Tất nhiên là lao động hết sức hà khắc. Hồi đi học cô giáo dạy, và sau này tra sử sách thấy cũng có viết, rằng là sau mỗi buổi làm việc người ta nhặt được cả... thúng ngón tay người mang đi chôn. Mà đấy mới là ngón tay, chứ còn bao nhiêu xác người nữa?

Tất nhiên là vua ở đâu thì cung tần mỹ nữ theo đến đấy, tự nguyện theo cũng có, bắt buộc theo cũng có. Nhưng lạ là thành nhà Hồ, nơi vua Hồ Quý Ly ở trong thời gian rất ngắn, chỉ làm vua 7 năm, mà bây giờ toàn gái đẹp...

Nhưng lại đặt vào hoàn cảnh lúc ấy thì thấy, có thể giải thích được.

Đây là triều đại tồn tại vào loại ngắn của nước ta, đâu chừng 7 năm sau khi giành chính quyền từ nhà Trần lúc này đã rất rệu rã. 7 năm mà làm bao chuyện động trời khiến người đời sau cứ ngơ ngác ngửa cổ lên trời mà hỏi sao cha ông ta tài thế.

Một hệ thống luật được sửa để phục vụ việc cai trị. Tiền giấy lần đầu tiên được sử dụng. Và té ra, cái sổ hộ tịch cũng có từ thời này. Và việc thi cử cũng được ông vua thông minh này định lại. Nhớ, đến giờ bộ Giáo dục vẫn còn loay hoay với chuyện thi cử, năm nào cũng thay đổi, năm nay thay, năm sau đổi, năm sau lại trở về, rồi lại thay... thế mà từ thời ấy nhà Hồ đã có một hệ thống thi cử được đánh giá là hợp lý. Một trong những tiến sĩ thi đỗ thời ấy là danh nhân Nguyễn Trãi.

Chưa hết, Hồ Nguyên Trừng, con trai cả của Hồ Quý Ly là một bậc thầy về quân sự. Không chỉ cầm quân mà ông còn chỉ huy chế tạo vũ khí. Ông chế tạo ra nhiều loại súng có khả năng sát thương cao, đặc biệt là súng thần cơ (hoặc công?). Sau này khi bị người Minh bắt, được tha tội có lẽ vì do tài, ông được nhà Minh trọng dụng, và lại cũng được giao chế tạo súng...

Điều gì đã làm nên một giai đoạn ngắn nhưng đầy rực rỡ ấy?



Theo tôi, đấy là một ý chí, một khát vọng khẳng định mình, khẳng định dân tộc, khẳng định sức mạnh và cả uy quyền của một vương triều. Tất nhiên, mỗi giai đoạn, mỗi thời đại đều có những tiến bộ và hạn chế của nó. Tiến bộ nên nó thay thế được vương triều trước, dẫu bằng binh đao hay nhung lụa. Và vì có hạn chế nên nó lại bị các triều đại sau thay thế khi mà hạn chế của nó bị bộc lộ trầm trọng nhất, mâu thuẫn đến mức chính quyền tê liệt, và nhân dân lên tiếng. Nhà Hồ sau này không được nhân dân ủng hộ, có nhiều yếu tố, trong ấy có yếu tố trung quân nho giáo thấm sâu trong tâm thức nhân dân, và vì thế chỉ tồn tại 7 năm thì bị nhà Minh đánh bại, nước ta lại bị Tàu đô hộ.

Nhưng cái mà triều đại ngắn ngủi ấy để lại đến giờ vẫn để người đương thời là chúng ta phải khâm phục. Thời gian rất ngắn nhưng sự sáng tạo là vô biên. Cứ như là tất cả những gì diễn ra và được thực thi trong 7 năm ấy đã được hoạch định từ hàng trăm năm trước. Từ con người, đến tư tưởng, đến những công việc cụ thể vừa trị nước vừa chiến tranh, bốn bề thọ địch.

Chúng ta vừa chứng kiến đội tuyển U23 làm nên kỳ tích ở giải Châu Á. Cũng trong một thời gian ngắn, vẫn những con người ấy, những hoàn cảnh ấy… nhưng dưới một sự chỉ huy của một thủ lĩnh khác, cả đội như lột xác, từng cầu thủ như tự lớn lên đến mấy lần trong vị trí của mình.

Là khi tôi đứng trên cái thành rất đẹp ngắm buổi chiều thanh bình với những ruộng lúa dập dờn kéo dài trên con đê sông Mã hút mắt ở Vĩnh Lộc mà cứ nao nao cái sự tiềm ẩn sức mạnh và khát khao khẳng định mình từ một ông vua Hồ Quý Ly của thế kỷ 15 đến các cầu thủ bóng đá trẻ hôm nay. Sự sáng tạo bắt nguồn từ chính khát khao cống hiến và khẳng định mình của mỗi người, phải vậy không nhỉ?









1 nhận xét: