Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

BÁC SĨ LÀM GÌ TRONG BỆNH VIỆN?




Hỏi vớ vẩn. Bác sĩ chữa bệnh trong bệnh viện chứ làm gì?

Nhưng cũng nhiều cách chữa.

Có một thời rộ lên nạn... phong bì. Bác sĩ chỉ ra tay khi có... phong bì. Người không quen nhìn rất xốn mắt, nhưng vào bệnh viện vài ba ngày, quen ngay. Thậm chí nếu chưa thực hiện được “mỹ tục” đưa phòng bì cho bác sĩ (xin gọi chung đội ngũ nhân viên trong bệnh viện như thế) thì cứ thấy... thiêu thiếu một cái gì, thấy chưa an tâm, chưa tin tưởng trao thân mình cho bác sĩ.

Thường thì người trước chỉ cho người sau. Và ở mỗi phòng bệnh như thế thường xuất hiện những người rất nhanh nhẹn, nhiệt tình, mặc nhiên làm... trưởng phòng. Nhân vật này thường là nam nhưng cũng thi thoảng là nữ. Thượng vàng hạ cám cái gì người này cũng biết, thậm chí có thể thay cả hộ lý, điều dưỡng làm vài việc đơn giản. Bệnh nhân và cả người nhà nữa, mới vào thì đều bỡ ngỡ, có những người như thế này giúp, rất là hữu ích. Từ chuyện quan hệ với bác sĩ, làm thủ tục, đến vệ sinh phòng, tắt mở điện, giữ vệ sinh... và tất nhiên việc quan trọng của anh này, ai cũng hỏi thăm để biết, là đưa phong bì như thế nào, bao nhiêu, đưa cho ai. Không có nhân vật này nhiều khi cũng... Lý Bí phết, có sự chỉ bảo của những ông thông thái này, công việc hanh thông hẳn...

Chữa bệnh cũng dăm bảy kiểu chữa. Có lần, cách đây cũng hai chục năm, em trai tôi đưa mẹ tôi từ Huế ra Thanh Hóa rồi Ninh Bình thăm lại quê, gọi là dối già. Đi tàu, đến ga Thanh Hóa, bước từ toa tàu xuống, ngã chân gập đôi. Đưa vào bệnh viện bó bột. Có bà thím là bác sĩ phòng khám nội ở đấy, cũng có lời nhờ và cả theo “phong tục” rồi. Nằm nửa tháng, đưa lên tàu về lại Huế, và từ ga mẹ tôi được đưa thẳng vào bệnh viện Trung ương Huế. Bó lại. Chụp phim 2 cái đầu xương gãy lệch nhau cả đốt ngón tay. Già rồi, bó lại khó và đau hơn lúc mới gãy nhiều. Chịu, chả biết kêu ai. 

Cũng tại bệnh viện Trung ương Huế, cách đây cũng khoảng mươi lăm năm, cũng mẹ tôi, đi chữa mắt. Xong xuôi, tôi có cái phong bì gọi là, gửi cô bác sĩ cám ơn. Lạ mà lại... không lạ, cô bác sĩ cám ơn và nhẹ nhàng trả lại phong bì. Nhiệm vụ của chúng em mà, cám ơn anh đã có lòng, cho phép em gửi lại mua sữa cho Mệ (Cách người Huế gọi những bà già mà họ kính trọng). Lúc này là lúc phong trào phong bì đang “rực rỡ” nhất, đặc biệt là ở các bệnh viện phía Bắc. Tôi kể chuyện này cho nhiều người, không ai tin, thế mới khổ, và oan cho các y bác sĩ mà tôi tiếp xúc ở Huế nữa.

Mới nhất, tôi là bệnh nhân mổ gối ở bệnh viện da liễu Quy Nhơn. Bệnh viện này được thành lập thêm từ cái bệnh viện rất nổi tiếng là bệnh viện phong Quy Hòa, tên đúng hình như là bệnh viện trung ương da liễu Quy Nhơn, tức nó là bệnh viện cấp Trung ương. Anh bạn nhà báo cả quyết: Ở đây ngoại khoa là thuộc loại oách của khu vực, bác cứ yên tâm vào mổ.

Vì đau cấp cứu nên chỉ cần trình thẻ bảo hiểm mà không phải chuyển đúng tuyến như thông thường, tôi thành bệnh nhân từ lúc 8 giờ tối và được chỉ định sáng mai sẽ mổ, cũng ưu tiên không phải xếp hàng vì ở xa tới, thuộc loại bệnh nhân vãng lai.

Làm thủ tục xong thì một điều dưỡng mời ngồi lên xe, đẩy đi chụp phim, vài thao tác nữa, rồi đẩy về phòng.

Nhận giường, đang lớ ngớ thì một anh “thâm niên” trong phòng đến hỏi thăm, chỉ chỗ vệ sinh, hướng dẫn tất tật các loại như một nhân viên bệnh viện chuyên nghiệp, mà quả là nếu không có cánh tay treo lên cổ và bộ quần áo bệnh nhân, chỉ nghe cách nói thì ai cũng sẽ nghĩ anh này là người của bệnh viện…

Thêm một cái xe đẩy đến, tôi được lấy máu xét nghiệm và điện tim đồ ngay trên giường của mình. Sau đấy được phát quần áo và đồ dùng cá nhân, cái khay và ca… Và lời chúc ngủ ngon từ cô điều dưỡng.

Lạ giường, đèn sáng… nên không ngủ được, bèn lấy điện thoại ra đọc… phây búc. Gặp một ông bạn, nguyên là quan to của tỉnh Gia Lai, viết kể đi thăm bạn nằm viện, thôi trích nguyên văn như vầy, khỏi kể: Hôm 9/2, đến bệnh viện-khu vực điều trị cho cán bộ trung-cao, thăm ông chú đang điều trị ở đó, gặp rất nhiều người cũ (già) cũng đang "thường trực" ở đây. Những câu chuyện xưa cũ của những người xưa cũ lại ùa về... Đang rôm rả, giòn dã, hấp dẫn, ly kỳ thì có một nữ thầy thuốc cao, gầy, trắng, xinh, tự giới thiệu: em/cháu là Th. phó trưởng khoa, các cháu phục vụ có điều gì chưa bằng lòng với các anh/ chú thì cho em/cháu biết. Mình nhanh miệng bảo, không có chuyện gì đâu cháu ạ. Cô thầy thuốc cười hiền và thật duyên... Ước gì thầy thuốc nào, ở khoa nào và lúc nào cũng như Th. Ông này trước đấy từng bị hiểu nhầm là cán bộ xã sao lại vào khu trung cao nằm, ấm ức mãi mà giờ phải khen thế thì quả là, ngành y, nói gì thì nói, đã có bước tiến thần kỳ.

Trở lại tôi. Không ngủ nên mới biết, té ra các y bác sĩ trực cũng… không ngủ. Hình như mỗi người trực là trực luôn 24 tiếng, trưa chiều ăn cơm hộp. Bệnh viện này mới xây dựng nên cách bố trí các phòng cũng rất tiện lợi. Phòng trực của bác sĩ lắp toàn kính, ngồi trong ấy quan sát được cả phòng hồi sức, và bệnh nhân cũng thấy rõ bác sĩ làm gì? Nhất cử nhất động đều được bác sĩ biết. Thi thoảng đọc báo, thấy tả người nhà bệnh nhân phải đi đập cửa phòng bác sĩ cầu cứu, tức là phòng bác sĩ trực biệt lập. Ở phòng hồi sức bệnh viện này, người duy nhất sợ bác sĩ là… người nhà bệnh nhân. Bệnh viện quy định rất rõ: Người nhà bệnh nhân vào chăm bệnh phải mặc áo bệnh viện, không được ngồi lên giường bệnh (chứ đừng nói nằm), và mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm. Nửa đêm, thấy giường trống, có người tranh thủ ngả lưng phát, bị nhắc ngay. Lại có người mắt trước mắt sau không thấy ai bèn… trải chiếu vào gầm cái giường trong góc rồi lăn vào, cũng bị nhắc ngay.

Đến lúc ra phòng điều trị, gặp lại anh chàng “thông thái” hôm đầu, tôi hỏi vấn đề tế nhị mà hầu như bệnh viện nào cũng từng có, anh này lắc đầu quầy quậy, chưa nghe nói và cũng chưa thấy ai dấm dúi phong bì bao giờ. Với lại, đa phần bệnh nhân còn đắn đo giữa ăn cơm 15 ngàn và 18 ngàn thì lấy đâu phong bì mà đưa.

Thế là rét, tôi chả dám “thử”, dù thấy các y bác sĩ vất vả, cũng muốn rủ họ “bù khú” tí, nhưng chả thấy ai làm, bèn chịu.

Duy nhất một lần tôi chứng kiến ông bác sĩ quát bệnh nhân, và người bị quát là… tôi. Ấy là sáng ấy, “bí” quá mà người nhà chưa tới, thấy cái chân nó cũng có vẻ… ngúc ngắc được, tức là lò cò, không chạm cái chân mổ xuống đất, thế là tay 2 cái xơ ranh hút dịch, túi áo đút cái chai dịch đang chuyền, tôi… lò cò ra toilet rất gần đấy. Nghe tiếng nói rất to, chắc là nói mình, ngoảnh lại thấy ông bác sĩ trưởng khoa đang hét chị điều dưỡng mang xe đẩy đến cho tôi. Sau đấy khi “xong việc”, vào lại giường, ông đến tận giường nghiêm khắc: cái gối của anh là phải bất động, nếu không có người nhà anh kêu điều dưỡng, hoặc là người nhà bệnh nhân ở đây, cứ bảo tôi bí sắp chết rồi, cứu ngay thì ai cũng “cứu”, chứ anh tự như thế rất nguy hiểm, chân rất khó lành. Thì tôi chỉ còn biết lí nhí xin lỗi…

Tôi giờ cũng là người thuộc diện tháng ít nhất một lần ghé thăm bệnh viện, và ở cái bệnh viện đa khoa Gia Lai ấy, tôi được rất nhiều người biết, có khi mình chưa kịp chào các cô ấy đã chào mình trước, như mình là người đến để giúp các cô ấy chứ không phải mình đến để cầu cạnh. Vâng, một thời bệnh nhân phải cầu cạnh bác sĩ, phải là nơi chịu trận sự ghẻ lạnh, sự quát tháo, cấm cẳn. Có vẻ như bây giờ đã ít đi, với tôi thì hầu như không còn, bởi nhiều cô là… bạn đọc của tôi. Cô điều dưỡng Nguyễn Thị Huế, người trực ở phòng khám bệnh viện đa khoa Gia Lai vừa còm men cho tôi: “thikk doc stt của chú lắm luôn, ngày nào cũng phải ghé thăm face cua chu 1.2 lần mới chíu á”. Cô điều dưỡng 2 con rất hay cười khi tiếp bệnh nhân này rất teen khi lên phây…

3 nhận xét:

Unknown nói...

E hèm! Tui tin Bác Hùng viết chân thật, không bốc thơm mấy bệnh viện này. E hèm! Bệnh nhân Văn Công Hùng vô viện mà anh nào có ý đòi phong bì chắc anh này...uống mật gấu!E hèm! Thưa Bác Hùng 15 năm trước tui lơ ngơ không dúi phong bì, vợ đang rặn thằng quý tử mà bị nguyên băng trực ngó lơ, đến khi lôi thằng nhỏ ra,nó mềm như cọng bún, suýt ao. Bây giờ nó mang thương tật suốt đời sau cú thoát chết trong gang tấc. Bác biết không, suýt nữa mất thằng con trai còn tui vô tù là cái chắc.Mong các thầy thuốc hành nghề đúng như những gì Bác Hùng viết, chứ không phải nhà thơ Văn Công Hùng sáng tác bài này.

Văn Công Hùng nói...

Huhu sy nguyen, chỉ 5 năm trước, đấy cũng là chuyện cơm bữa bạn ơi. Mẹ tôi đấy, chân gãy lủng liểng, phong bì đàng hoàng rồi, có thím là bác sĩ ở đấy gửi gắm nữa, mà vẫn... lủng liểng. Giờ vẫn còn, nhưng có vẻ đã khá hơn. Thôi cứ nhìn vào cái tốt mà yêu thương thôi. Chia sẻ với bạn nhé...

Nặc danh nói...

Chuyệnla nhưng có lẽ có thật nhưng dám chắc là vô cùng ít- chắc không đủ ngón tay !