Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

CÚ XE ÔM SÁNG MÙNG MỘT TẾT SÀI GÒN



Quay lại quán cà phê xuất phát, tôi đưa ông 2 tờ 2 trăm, ông đưa lại cho tôi một tờ bảo một tờ là nhiều rồi, sáng nay ông chạy mở hàng, như thế là vui rồi, giờ về... nhậu. Tôi bảo tờ này là của ông , còn tờ kia tôi mừng tuổi bà vợ cơm tấm chưa bao giờ chán của ông. Ông cười khà khà rồi đút tiền vào túi, và hẹn bất cứ lúc nào cần đi hãy gọi ông, qua bà cà phê này, đưa nhiêu đưa, “No” vấn đề...
------------------



          Việt Nam có 2 đô thị lớn mà cứ tết là... vắng vẻ hẳn đi so với ngày thường là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tết là các thành phố này gần như trống trơn, thậm chí có khi đến hơn một nửa dân số rút khỏi thành phố, về quê ăn tết. Tôi, sau một thời gian dài cũng về quê ở Huế ăn tết như mọi người Việt khác, thì giờ lại có thêm một chốn để “về” ăn tết, là TP Hồ Chí Minh. Hai con gái tôi đang định cư ở đấy, và thói đời, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Sau khi có chồng, có con, chúng không về thăm mình được thì mình phải vào với chúng. Và đấy là lý do tôi “ngược” đám đông vào Sài Gòn ăn tết.

          Sáng mùng một cái tết đầu tiên ở Sài Gòn tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy một khung cảnh rất lạ, ấy là Sài Gòn vắng. Cái cảm giác này rất lạ, đến mức mà như đang... ngủ mơ. Mới hôm qua vẫn đang tấp nập ồn ào chen nhau từng nửa bánh xe, mà sáng nay đã thênh thang đường, vắng lặng các ngã tư. Lâu lắm mới thấy một Sài Gòn như là đang ngái ngủ lúc 6 giờ sáng. Đường phố uể oải, những hàng cây cũng trễ nải như nghiêng ngó những con đường hôm nay khác lạ, những con đường đã nhìn rõ... mặt đường chứ không còn chỉ thấy xít xìn xịt “nồi cơm điện” và lô nhô trần ô tô nữa...

          Tôi sà vào quán cà phê cóc dưới gốc bàng ngay chếch chung cư. Một bác xe ôm đã ngồi đấy từ bao giờ. Ly cà phê đá đã hết màu cà phê, chị chủ quán thi thoảng lại thêm cục đá, bác xe ôm chỉ việc rót bình trà trên bàn vào là thành ly trà đá. Tự nhiên nổi hứng, tôi dốc cạn ly cà phê rồi bảo bác xe ôm... đi...

          Bác này quê gốc Long An nhưng đã 2 đời ở Sài Gòn. Đời cha đạp xích lô và đến bác thì... xe ôm. Bà xã bán cơm tấm, 2 đứa con vừa phụ mẹ bán cơm vừa đi học và đều đang học đại học. Từ nhà thuê bác đã làm được một cái nhà từ miếng đất mua trong con hẻm Tân Kỳ Tân Quý. Tất cả mọi con đường Sài Gòn ông rành như bàn tay. Hôm nay chạy xe phà phà giữa lộ ông bảo lại cứ... ngại ngại. Mọi khi mấy khi ông chạy trên đường chính. Suốt ngày tắc, chạy trên ấy khách lỡ chuyện hết. Cứ các con hẻm ông phi. Mà hẻm Sài Gòn thì vô chừng vô đối lắm, nên muốn chạy phải nắm chắc 2 điều, một là “quy luật hẻm” và 2 là định hướng giỏi. Nhiều khi chui vào lần đầu, thấy nó cứ hun hút hun hút nếu non gan là rất ớn, nhưng biết định hướng để ra thì “No” vấn đề. Thi thoảng ông pha câu tiếng Anh vui phết. Còn quy luật hẻm là sao? À cái này nói thì nó dông dài lắm, đại loại là hết hẻm lại có hẻm, trong hẻm có hẻm, và mọi con hẻm đều... ra đường, kể cả có khi phải chui dưới ban công nhà người ta... Chừng như ông cũng hiểu ý định của tôi nên chả hỏi đi đâu, mà cứ thế chạy, vừa chạy vừa ngoái lại nói chuyện. Tôi thì cũng chưa có kế hoạch gì trong cái sáng mùng một tết này nên cứ kệ ông chở đi đâu thì chở. Ông bảo nếu mà tôi không bảo ông đi thì tí nữa ông cũng xách xe không chạy một vòng. Cho nó đã. Cả năm được vài ngày Sài Gòn vắng thế, chạy để thấy đời mình cũng có lúc thơ thái, có lúc không phải cắm đầu chạy, mà được ngẩng lên nhìn mây nhìn nắng, thấy những tia nắng xuyên qua những vòm lá xanh nõn lên trong cái ngày đầu năm này. Rồi chiều thì gầy độ nhậu với mấy ông bạn già trong xóm. Tết, chỉ sợ không có bạn nhậu thôi chứ mồi và rượu ê hề. Ông kể bà nhà ông khéo tay lắm, nấu ăn thì thôi rồi. Vậy nên quán cơm tấm của bà nuôi cả gia đình, tiền xe ôm của ông chỉ phụ chút chút. Ông khoe ngày nào ông cũng ăn cơm tấm mà... không ngán. Cũng như vợ ông, ông cũng... chưa ngán bao giờ. Ông rủ tôi hay tí nữa ghé nhà ông, anh em lai rai chút. Tất nhiên là tôi phải cám ơn và từ chối vì các con đã có kế hoạch...

          Đang chạy ngon trớn, bỗng ông  à thật to rồi rà thắng quay đầu lại: anh đi nhiều có thấy Việt Nam ta phạt vi phạm giao thông vô lý không? Cứ phạt như hiện nay sẽ tạo ra tiêu cực cho cảnh sát giao thông. Nhiều khi mình tạo điều kiện cho người ta phải tiêu cực chứ có khi người ta không muốn. Lẽ ra đóng phạt 500, phải đi rất xa để đóng thì... cưa đôi có phải tiện không? Mà có phải ai cũng có tiền đóng đâu nên người ta buộc phải thông đồng để tiêu cực. Sao lại không phạt bằng cách lao động công ích. Có ai dám bảo mình không bao giờ phạm lỗi khi chạy xe đâu, và thay bằng phạt tiền thì phạt lao động công ích, như đi... quét đường, sơn cầu, chăm sóc cây xanh ở công viên... thì ai cũng tâm phục khẩu phục. Tôi với lên nói rất to để át tiếng gió: Như thế lại vi phạm nhân quyền bác ơi. Nhân quyền cái gì, tôi cũng mấy lần bị thổi, mình lỡ thôi chứ không bao giờ cố ý chạy láo. Lấn làn một tí, quên bật xi nhan một tí... bị thổi là mình đóng ngay, coi như ngày ấy... treo xe. Nhưng cũng có khi nhiều quá không đủ tiền thì phải năn nỉ. Cũng có anh tốt ảnh cho nhưng có anh nạt mình như nạt con nít, nhục lắm chứ. Nếu có chế độ lao động công ích tôi ký cái rẹt, đi liền. Còn nhà nước ngại ư, thì cứ đề ra 2 mức phạt, ai thích đóng tiền thì đóng, ai thích lao động thì lao động, ngang hàng nhau, rất bình đẳng... Đến đây thì tôi... khâm phục khẩu phục cái tư duy rất rành mạch của ông, nghĩ bụng lúc nào có điều kiện sẽ đóng góp với các bác có trách nhiệm xem sao?

          Quay lại quán cà phê xuất phát, tôi đưa ông 2 tờ 2 trăm, ông đưa lại cho tôi một tờ bảo một tờ là nhiều rồi, sáng nay ông chạy mở hàng, như thế là vui rồi, giờ về... nhậu. Tôi bảo tờ này là của ông , còn tờ kia tôi mừng tuổi bà vợ cơm tấm chưa bao giờ chán của ông. Ông cười khà khà rồi đút tiền vào túi, và hẹn bất cứ lúc nào cần đi hãy gọi ông, qua bà cà phê này, đưa nhiêu đưa, “No” vấn đề.

          Sau qua chị cà phê tôi mới biết, đấy là một ông xe ôm rất nghĩa hiệp, chưa bắt bí hay chẹt khách bao giờ. Câu cửa miệng là “Đưa nhiêu đưa”- tôi cười với chị cà phê khi nghe chị kể- thế là ông ấy khôn, nói thế mấy khi khách trả thấp. Chị bảo không phải đâu, nhiều khách kẹo lắm, nói thế là đưa tờ... 20 nghìn dù đi cả năm bảy cây số. Nhưng ổng vẫn cười. Rất nhiều lần gặp người bị tai nạn là ông xốc lên xe chạy ào ào tới bệnh viện, khi về xe rồi quần áo máu me tèm lem. Có lần còn rồ ga chạy đuổi cướp như lính hình sự...

          Năm nay nếu lại vào Sài Gòn ăn tết, chắc chắn tôi sẽ tìm ông để... nhậu. Không biết tên và cả địa chỉ của ông, nhưng cái quán cà phê trước cổng chung cư vẫn còn đấy...
                                                                   
Các cụ mua báo Pháp luật TP HCM số tết để đọc bài này trên giấy rất xịn và ảnh rất đẹp nhé...

2 nhận xét:

TNC nói...

Em đang chán như con dán thì đọc bài này của bác. Ỏ đâu có tình người thì ở đó ấm lại bác nà.
Lại sắp tết rồi, phải làm sao lo tết cho vài ba chục con người dù ít, dù nhiều. Điều kiện kinh tế thì khó khăn. Nhà nước mình cứ ra rả là kinh tế phát triển, phát triển kiểu gì mà 3 năm qua không tăng lương cơ bản cho CC-VC;
Buồn quá bác ạ.
TNC

Nặc danh nói...

Sao cái Đại hội cuối cùng của Bạn Hùng kết thúc sơm thế , thành công tốt đẹp chứ!