Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

NHÀ VĂN LƯỜI

Nhà thơ Hải Thanh hiện là chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi với anh từng cùng nhau đi Ấn Độ, chịu sự "kìm kẹp" của tôi và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cùng các bà chị Phan Thị Thanh Nhàn,  Hoàng Việt Hằng... là nói chịu thế vì anh ít tuổi hơn, chứ ở nhà, anh là vua. Nghe anh kể anh nói gì vợ con nghe răm rắp, cấm cãi. Thế mới oách, chả bù cho tôi, muốn "phát biểu" gì với vợ phải dọn giọng e hèm cả chục cú rồi mà vẫn ấp úng. Bằng chứng là có hôm cả 3 thằng chúng tôi ngủ chung phòng, anh chợp mắt đến nửa đêm thì... dậy ho, bật đèn và hút thuốc. Sáng tôi bảo ở nhà chú cũng thế à, Thanh thật thà, vâng. Bảo, hôm rồi một lần thôi nhé, lần sau nữa là các anh cú đấy. Ở nhà anh mà muốn dậy là phải đi nhẹ nói khẽ đèn... không bật. Chú không sợ vợ thì cũng sợ... các ông anh chứ? Thanh bảo ờ nhỉ, hehe...


Cách đây mấy hôm anh gửi tôi một cái thư có file đính kèm: "Em có bài này, anh xem đăng được vào blog của anh không nhé?". Thế tức là Thanh mê con lốk của tôi gì, cớ gì mà từ chối, tuy thế mấy hôm rồi ở cái nhà khách trên đường NĐC quá kém, mạng phập phù. Hôm nay chuyển đến nơi có wifi, việc đầu tiên là... post bài của anh...
-------------




NHÀ VĂN LƯỜI

Có lần tôi thắc mắc với đạo diễn Lê Đức Tiến, tại sao với cái gương mặt thật như đếm ấy, anh lại tài đến mức thuyết phục cho những bộ phim như “Thằng Bờm”, “Thị trấn yên tĩnh” có thể “thăng” trên sóng. Anh Tiến cười vui: May là chú chỉ là nhà văn thôi, may nữa là đận ấy tôi không bị ai nào kiểm duyệt.

Hoá ra có một ngày, văn nghệ có một không gian hết sức đầm ấm và tin cậy.

Tôi không vọng cổ, và càng không cổ xuý cho những sự ăn thua, nhưng với tôi, những bộ phim kể trên thực sự ám ảnh. Cho đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này, cứ lúc nào rảnh, tôi lại bật phim và mỗi lần xem xong, tôi lại ngộ ra thêm một điều gì đấy. Thú thật, nhiều chi tiết trong bộ phim thực sự  trở thành hình tượng nghệ thuật, có khi cảm giác hơi quá, nhưng nó lại hoàn toàn có lý khi được trải nghiệm qua thời gian. Nó là nước mắt được bưng bằng nụ cười. Nó là hiện thực đầy cay đắng được thế chấp bằng ngọt ngào giả tưởng. Và nó là khát vọng truyền đời của bao số phận người một nắng hai sương…

Tôi nhớ trong một bộ phim tài liệu nào đó có một câu nói thẳng: Khi ta chưa có chính quyền thì nhân vật trung tâm của nhà văn là những cần lao, và sau đó những nhân vật kia… tự nhiên biến mất. Nhà văn không được nói những chuyện ông giáo già dạy giỏi “trước ngọn thước là con đường thẳng tắp” đi bán rau hay bán kẹo lạc, nó làm nhem nhuốc chế độ ta. Rồi không biết tự bao giờ, nhà văn có ý thức tự giác như thế. Mà tự giác gần như tuyệt đối mới sợ. Tự “biên tập” mình và lảng tránh hiện thực. Tự khen mình mà không dám chê ai. Hoặc viết thương thương nhớ nhớ, hoặc mượn ngày xưa để nói bây giờ. Nói rộng hơn một tí, không có đạn bom của kẻ thù nào làm ta khiếp sợ, nhưng trong sự yên lặng bây giờ ta lại sợ… chính ta. Nhà văn không phải là phường giá áo túi cơm. Ở nhiều cuộc hội nghị đều thống nhất cao như thế. Mà ai đã đánh giá thấp việc ấy đâu. Có nói lại nói qua là do những bộ óc nhiều tưởng tượng.

Một tượng đài đau khổ và yêu thương - đau khổ có thể đến tận cùng, nhưng vẫn yêu thương vô bờ bến - chưa ai khắc hoạ được. Hoặc đã có nhưng mới chỉ dừng lại ở hình dung, ở dự định. Đương nhiên hay ghét cũng là hay thương. Nhưng sự việc đã khác. NSND Bùi Bài Bình khoe với tôi (và có thể với nhiều người khác nữa): Sắm vai người tốt mãi không nổi tiếng, vào vai “ma” một lần tự nhiên thấy… lừng danh. Và anh nói thêm như là muốn thêm: Nhưng phải làm người tốt thực sự mới có thể hiểu biết “ma” và vào vai ma mới thành công như thế.


Là anh nói về nghiệp diễn, về cái phim “Ma làng” mà anh thủ vai chứ không nói về việc đời, ai chả nghĩ thế. Nhưng với trí thức - nghệ sĩ thì rõ là không phải chuyện đùa.

Ngày tôi còn nhỏ, cứ ôm mộng mai ngày trở thành nhà văn, nhà báo. Trái tim ngây thơ tôi chỉ kỳ vọng lớn lao làm thế nào có thể bênh vực, nói hộ tiếng nói của dân, của những người cần lao như những nhân vật trong văn học trước cách mạng. Nhưng khi đã thành nhà văn, nhà báo thật rồi thì hầu như tôi chả làm được gì nữa. Có lẽ vì sức khoẻ. Tần ngần trở thành người “tầm chương trích cú”. Câu của nhà yêu nước Phan Bội Châu: “Lập thân tối hạ thị văn chương” hẳn đã từng đối lập với những ngôn từ ít nhiều đã được mibến nh định ở tầm quốc tế: “quyền lực thứ tư”, “hàn thử biểu xã hội”… Những cao siêu thì một ngày nào đó cũng sẽ tới, là tôi tin chắc như thế, còn bây giờ tôi mới bước đầu thấu nỗi ông già Ngự. “Một áng thơ hay không cứu nổi một con người”. Biết nhiều mà không dám nói, hoặc nói được bao nhiêu - Nó hèn. Giá trị làm ra bị rẻ rúng - Nó mọn. Những người “cùng xương cùng thịt” đang buồn vui sướng khổ như thế nào, tôi cũng ít thời gian nghĩ tới. Lại thương nhớ nhớ chả vào đâu. Chính vợ tôi có lần chua chát: “Nhà” gì ông cũng có thẻ, mỗi nhà ở thì không. Điều ấy là minh chứng hùng hồn: Tôi - một nhà văn lười. Mà sao tôi không chịu khó viết để có cơ hội kiếm được nhiều tiền cơ chứ?

                                                                    HẢI THANH

Không có nhận xét nào: