Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

LẠI XỨ THANH, CHẬP CHỜN CẮT

Trưởng ban văn hóa văn nghệ báo SKĐS, người trực tiếp biên tập bài này, Mail cho tôi: "Xứ Thanh ra báo rùi A ui, rất nhiều người đọc xong chả mê t/g, lại ... mê tit anh chàng Sơn Tỉ mới đau!". Được thế cũng mừng rồi, dù mình chỉ nhắc về Sơn Tỉ có mấy dòng. Theo mình, Sơn Tí xứng đáng là một danh nhân của Văn hóa, chứ lại không ư, một nhân vật mà ai thời ấy cũng biết, cũng yêu thương, dù trẻ con rất... sợ...
---------------




          Tôi có cái may mắn là, dẫu có đến mấy nơi để gọi là quê, nhưng về quê nào cũng đều được nhìn nhận như về nhà mình vậy, nơi nào cũng là quê chính vậy.

          Xứ Thanh là nơi ba tôi, từ Huế ra năm 1954, gặp mẹ tôi, từ Ninh Bình vào năm 1950, rồi tôi sinh ra ở đấy, có trọn tuổi ấu thơ ở đấy, cho đến sau 1975 mới về quê nội để rồi bôn ba tiếp.

          Trừ thị xã Thanh Hóa nơi tôi sinh và sống những ngày hòa bình, chưa chiến tranh, còn lại thời gian ở Thanh của tôi chủ yếu là ở nhờ nhà dân trong những vòng quay sơ tán liên miên. Tôi nhớ ba mẹ tôi có hai cái xe đạp, tài sản cực lớn thời ấy. Mỗi khi sơ tán, trên ấy là bu gà, là mấy nhánh cây rau ngót, dọc mùng (đến đâu là thả xuống ngay để có rau ăn), là ba lô, là trăm thứ bà rằn của một gia đình công chức. Và ngất nghểu trên cùng, là hai anh em tôi. Mà toàn đi đêm. Có đêm tôi vừa đi vừa ngủ gật. Nhưng vì ngồi trên cái foocbaga chất quá nhiều thứ nên tôi phải dạng háng suốt chặng. Mà tôi thì bé tí, hai cái ống đồng như hai cái xe điếu, nên không thể ngủ sâu được, vì nó mỏi quá. Nhờ thế mà không rơi xuống đường.

          Gia đình tôi theo cơ quan sơ tán khắp vùng Thiệu Hóa, Yên Định, Hoằng Hóa, Hậu Lộc… Hậu Lộc là điểm dừng chân cuối cùng khi ba mẹ tôi về hưu và định cư tại đấy. Như mọi cư dân Việt, những nơi nhà tôi sơ tán đều bám vào mấy con sông lớn của xứ Thanh, sông Mã, sông Chu. Nhớ có bác chủ nhà có tài lặn. Ông nhìn mặt sông một lúc rồi lặn xuống, lúc sau nhô lên cùng chú ba ba kễnh. Hồi ấy chưa rượu tiết, chưa rang muối như bây giờ. Tôi nhớ bác biếu nhà tôi một bát, ba ba nấu củ chuối, ngon rụt lưỡi.

          Ở trọ nhà dân là cả một nghệ thuật. Một cá thể ở thì không sao,  nhưng cả gia đình thì là cả vấn đề. Nhưng dân cực tốt, họ sẵn sàng nhường buồng, nhường giường cho gia đình cán bộ ở. Tất nhiên thi thoảng cũng có việc nọ việc kia xảy ra, như là một tất yếu không tránh khỏi…

          Cứ ước muốn trở về thăm lại tất cả những nơi ấy, mà sao nó mịt mù quá, diệu vợi quá. Cũng chả phải mình lười, cũng không phải không nhiệt tình. Cứ có cơ hội này lại vuột thời cơ kia…

          Nhân một cuộc đi họp ở Hà Nội, thay vì đi máy bay, tôi đã đi xe giường nằm, để xuống Thanh Hóa. Không có tham vọng đi hết những nơi mình từng sống suốt thời tuổi trẻ, tôi xuống Triệu Lộc, Hậu Lộc, nơi ở lâu nhất, và là nơi từ đấy tôi về quê nội sau năm 1975.
 
Nơi này ngày xưa là nhà mình, xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, giờ nó được xẻ ra thành mấy nền nhà
          Ai đó nói, bạn bè thời phổ thông quý nhau hơn thời đại học có vẻ đúng. Có lẽ tại thời phổ thông nó trong veo, nó đầy nghịch ngợm nhưng lại cũng rất vô tư. Và nó còn một lẽ nữa, bạn bè phổ thông ít gặp được nhau hơn. Trừ những đứa còn ở làng theo nghề bố mẹ, còn lại mỗi đứa mỗi phương, gặp được nhau là khó, trong khi bạn bè đại học thì dễ gặp nhau hơn, không trong đời thì cũng trên mạng, là bạn bè, là đối tác, có khi còn là… đối thủ của nhau…

          Từ khi lên xe đã í ới rồi, một đêm một ngày trên xe càng í ới tợn. Trưa hôm ấy, khi tôi xuống xe ở một ngôi nhà sát đền Bà Triệu, ngay trên quốc lộ 1, thì trong nhà đã rất đông người, như có đám. Đám ấy là đám bạn bè chờ tôi. Nhà ấy là nhà của bạn học Phan Quốc Tự, thương binh ¼, vợ có tiêu chuẩn nuôi thương binh nặng. Một chú cầy và ba bốn chú gà đã lên mâm, chỉ đợi tôi là lên đũa…

          Hồi tôi ở đây, dân đói kinh khủng. Làm cả tháng chỉ được mấy cân thóc. Trong mỗi nhà thường trực 2 đứa nhơ nhỡ có nhiệm vụ đi… hái rau má. Quảy cả quang gánh đi. Nhà bảy tám người (Dân Thanh Hóa hồi ấy đẻ nhiều kinh khủng. Càng đói càng khổ càng đẻ nhiều), mỗi bữa chỉ nấu một bò gạo. Một cái nồi rất to, đổ gạo vào và không quấy. Gạo nhừ thì cho rau má đã thái nhỏ vào. Người lớn ăn rau má ở phía trên, trẻ con người già ăn xuất gạo thành cháo dưới đáy nồi. Cứ thế qua tháng ba ngày tám. Cứ thế những đứa trẻ lớn lên, đi bộ đội, đi “ngành”… số đi học cấp 3 rất ít.
 
Ngõ cũ, người cũng... không mới...
          Tôi thuộc loại “ngụ cư” bởi sau khi về hưu ba mẹ tôi chọn làng này làm nhà và định sinh sống suốt đời ở đấy. Trước đấy mẹ tôi làm quản lý ở nhà máy Diêm, sơ tán ở xã Châu Lộc, sát xã Triệu Lộc này. Ngày tôi thi đậu vào cấp 3 thì cả làng này chỉ có ba đứa cùng đi học với tôi, có thằng Tự. Và vì thế chúng tôi thân nhau. Khi tôi học đại học ở Huế thì Tự cũng đi bộ đội, đóng tại Hòa Mỹ, Phong Điền. Tôi nhớ tôi đã bới cơm vào cái cặp lồng, ngoắc lên ghi đông xe đạp, đạp gần trăm cây số lên thăm Tự, làm khách của doanh trại một đêm.

          Tôi là học sinh giỏi văn của trường. Thầy Vĩ dạy văn tôi cũng hay làm thơ. Và người được thầy “chọn mặt gửi vàng” chép thơ thành tập cho thầy là tôi. Hồi ấy tôi cũng đã làm thơ, những câu thơ ngô nghê, đại loại: “Trong nhà nghe thời sự/ Bố bật đài thủ đô/ Sao nhiều trăng sáng thế này/ Thì mai ắt hẳn là ngày nắng to”… Thầy Vĩ giờ đã già, trông cháu và đánh cờ loanh quanh trong xóm ở xã Tiến Lộc. Tôi vào thăm thầy rất mừng, mừng thật sự chứ không nói lấy được. Thầy khoe thầy là hội viên của hội thơ Đường luật, và học trò của thầy có bốn nhà thơ là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

          Cái trường tôi học ngày xưa giờ nó chia thành đến bốn trường, là Hậu Lộc 1, 2, 3, 4. Xưa tôi học ở đấy ba năm mà có đến bốn lần chuyển địa điểm. Vừa học vừa tham gia xây dựng trường, dùng xe đạp chở gạch, chở luồng… có lần cái cầu Gie bị sập khi đang có rất đông học trò chở gạch đi qua, không biết có ai chết không. Như bây giờ thì báo chí tha hồ khai thác. Học sinh cấp 3 bây giờ bố mẹ vẫn đưa đón hàng ngày. Hồi ấy chúng tôi trọ học và lao động như người lớn, hoàn toàn không có sự bảo bọc của bố mẹ. Cũng vì chia thành bốn trường nên tôi không biết trường nào là của mình, nên vào trường 1 chụp kiểu ảnh rồi đi.
 
Cô giáo dạy Văn cấp 2
Bạn học cũ, lớp 10A Trường cấp 3 Hậu Lộc
Cái này mới nhất, mới tháng 5 vừa rồi, tại nhà Phan Quốc Tự, giữa trưa nóng hơn 40 độ...

          Nhớ lần đi cùng nhà thơ Lê Quang Sinh qua Vĩnh Lộc. Thấy cái trường cấp 3, Sinh bảo trường cũ đấy, vào thăm tí. Chúng tôi lững thững vào thì có một cô giáo ra đón, sau khi quan sát một lượt, cô hỏi Lê Quang Sinh: Anh có phải nhà thơ Lê Quang Sinh. Ôi giời mặt mũi Sinh ngời ngời, hỏi lại sao cô biết. Cô giáo giới thiệu là hiệu phó nhà trường, rồi mời chúng tôi vào phòng truyền thống. Trên tường là ảnh của mấy nhà văn Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam từng là học sinh cấp 3 Vĩnh Lộc. Thấy có các tên tuổi Hà Minh Đức, Xuân Ba, Nguyễn Bảo, Phạm Hoa… và Lê Quang Sinh, tất nhiên, và đấy là lý do mà cô giáo nhận ra Sinh dù chưa bao giờ gặp mặt…

          Hồi tôi ở Triệu Lộc, tiếng là về đấy sơ tán tránh bom đạn, nhưng đấy lại cũng là túi bom, phía Bắc thì cầu Lèn, phía Nam thì cầu Tào, cầu Hàm Rồng. Nhưng lạ là, bom đạn oành oành thế nhưng cái đền bà Triệu thì lại không suy suyển gì. Các cụ già bảo, có mấy lần bom nó thả trúng đền, nhưng cứ gần đến mái đền thì lại như có một sức mạnh nào đấy, gạt quả bom ra phía cánh đồng? Tôi nghe thì biết thế, chứ nào có dám hỏi lại. Đối diện đền Bà là cái núi Tùng. Đồn rằng bị giặc đuổi, bà leo lên núi, đến khi giặc đuổi kịp lên đỉnh núi thì chỉ thấy một đống mối khổng lồ mới đùn. Sau dân xây mộ ở đấy. Cũng các cụ bảo, những đêm thanh vắng thường có một ông sao vút từ đền lên mộ bà. Tôi có một buổi leo lên đỉnh núi tùng với đại tá pháo binh Hoàng Cao Pháp, bạn cùng lớp. Pháp lên ngắm ngó một hồi rồi bảo: chỗ nay mà phòng thủ thì tuyệt.

Vòng lên thành phố cứ cố công đi tìm cái hồ ở trung tâm thị xã hồi nhỏ tôi hay ra đấy ăn kem, nhưng giờ thành phố Thanh Hóa có đến mấy cái hồ nhân tạo, cái hồ xưa thành bé tí. Xưa, con đường từ ga chạy qua bưu điện, một bên là đồng hồ Việt Đức, một bên hiệu sách Nhân dân, vào thẳng cổng chợ Vườn Hoa là lớn nhất thị xã. Giờ đường ấy thành… muỗi.
 
Các nhà văn Thanh Hóa
Lại nhớ ga Thanh Hóa, có một anh tên là Sơn Tỉ, chuyên gánh thuê nhưng rất thật thà và sòng phẳng. Anh này nổi tiếng đến mức vào thơ của một nhà thơ xứ Thanh. Câu cửa miệng của anh này là: 5 hào đồng ý cởi quần làm luôn. Tức 5 hào đồng ý không thì anh ấy cởi quần dài gánh luôn. Rất nhiều giai thoại cũng như thơ ca hò vè quanh anh này, khiến xứ Thanh có thêm một… đặc sản… Đây là 2 câu thơ của nhà thơ Thanh Hóa Mai Ngọc Thanh trong “Trường ca Sơn Tỉ”: “Tôi cảm thấy từ hôm Sơn Tỉ vắng/ Thị xã mình bảng lảng... buồn hơn”...
 
Một góc thành phố Thanh Hóa hôm nay
                                                               

1 nhận xét:

Unknown nói...

Đọc bài này thấy đồng cảm với tác giả nên viết vài dòng chia sẻ. Tôi cũng là dân ngụ cư Thanh Hóa. Sinh ra và lớn lên tại thị xã Thanh Hóa, theo gia đình sơ tán nhiều nơi khác nhau ở các huyện phía nam sông Mã (Triệu Sơn, Đông Sơn, Nông Cống...). Sau trận đánh cầu Hàm Rồng năm 1965, cha mẹ tôi là công chức phải đi theo cơ quan sơ tán cho đến tận năm 1972 tôi mới trở về học trường cấp 3 Lam Sơn. Thanh Hóa là quê hương của tôi, với bao kỷ niệm thời thơ ấu và đi học phổ thông. Tuổi học trò đi theo lũ trẻ trong làng chăn trâu và mò cua bắt ốc, thu hoạch bao giờ cũng kém hơn chúng bạn vì tay nghề kém. Trẻ con ở thôn quê rất hay bắt nạt, nhất là những đứa có vẻ "ăn trắng mặc trơn" như chúng tôi. Thực ra, chúng tôi cũng chỉ bớt lam lũ hơn chúng nó một chút, cũng phải ăn độn và mặc quần áo vá. Ở những miền quê tôi đã từng sống thời ấy, người dân hiền lành, chất phác và cũng thiển cận và nhỏ nhen... Khi đọc bài này những hình ảnh cách đây hàng chục năm cứ hiện về.