Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

"ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT"


Điều vô cùng lạ là, chúng ta lại coi đấy là việc… đương nhiên, chuyện bắt buộc phải thế. Rõ ràng đấy là việc bất bình thường, nhưng khi nó đã trở thành việc bình thường trong xã hội thì rõ ràng là nó đã rất… bất bình thường. Càng ngày những đứa trẻ con càng thành rô bốt và bố mẹ chúng thì hóa cửu vạn suốt mười mấy năm trời còm cõm đưa đón, tận dụng và ăn cắp từng tí thời gian, tính toán chi li như Bờm đếm xôi mà tự nhiên phục mình vì chả có một tí kiến thức tự nhiên nào mà sử dụng vận trù học giỏi thế. Suốt mười mấy năm trời, không sai một buổi, không chậm một phút, đều như con lắc đồng hồ, mưa gió bão bùng chấp hết...
-------------


          Hôm nọ tôi về nhà sớm, một con hẻm nhưng khá lớn ở đường Lê Lợi, Pleiku. Trời ạ, tôi đã không thể lách xe để vào nhà. Toàn bộ con hẻm dài chừng hơn trăm mét, rộng hơn chục mét đã ken đặc xe máy, ô tô.

          Té ra là phụ huynh đi đón con. Trước cửa nhà tôi là một cái trường mẫu giáo. Lúc này là 4 giờ chiều. Rất nhiều người trong số đang đứng đợi đón con kia là công chức nhà nước. Mà không phải là công chức thì họ cũng phải bỏ dở công việc của họ để chạy đi đón con.


          Tò mò, hôm sau tôi bỏ nguyên ngày tìm hiểu việc này. Và sự thật nó vừa bi vừa hài, ấy là từ mẫu giáo cho tới lớp 12, phần lớn các cháu học sinh đều được bố mẹ đưa đón, nhất là học sinh thành phố, nhẫn nại và chăm chỉ, có nhà cử riêng một người chỉ để đưa đón con đi học, bởi với học sinh cấp 2 trở lên, ngoài học ở lớp, chúng còn dày đặc lịch học thêm. Mà chả cứ cấp 2, cấp 1 cũng đã học thêm rồi, có điều cấp này ít môn nên ít thầy, tức là sự di chuyển không nhiều bằng cấp 2, cấp 3.

          Cách đây trên hai chục năm, hình như cái sự đưa đón con cái đi học nó không nặng nề như bây giờ. Còn thế hệ như tôi đi học, dẫu hồi ấy là sơ tán, là trọ học, nhưng cũng chỉ một mình tự lo, củi một bên, bao gạo một bên, toòng teng khúc cây làm đòn gánh, đi bộ đến nơi học, thứ 2 đi thứ 7 về, bố mẹ có muốn lo cũng  không được.

          Kể chuyện này trên facebook, một anh bạn người Việt đang sống ở Đức nhắn tin, bên này, hoàn toàn không có chuyện bố mẹ đưa rước, mà học sinh tự đi về hoặc trường họ lo luôn. Anh ta comment như sau: “Nhìn một đám đông đứng gật gù ngáp ngắn ngáp dài chờ đợi đón con tan học thấy nó bất ổn và lãng phí quá nhiều thời gian sức lực. Không dám so sánh nhưng ở những nước họ giầu có là vậy mà trẻ đến tuổi đi học sẽ được huấn luyện rồi cứ thế mà đi về. Thời anh em mình đi học tôi chưa một lần được ai đưa đón mặc dù là út cả nhà rất nuông chiều…”…

          Lò mò tìm hiểu nguyên nhân, thì có 2 nguyên nhân chính sau khiến giờ bố mẹ phải trở thành cửu vạn xe ôm cho con cái.

          Một là xã hội bất ổn. Ra ngoài đường rất nguy hiểm nên bố mẹ không an tâm để con ra ngoài một mình. Điều này có thể là do thần hồn nát thần tính nữa. Nhưng quả là thi thoảng lại thấy báo đưa tin nữ sinh bị mất tích, lại thấy nữ sinh bị đánh rồi đưa lên mạng, nam sinh bị đâm ngay trước cổng trường, tai nạn giao thông, trốn học chơi game, rủ nhau vào nhà nghỉ… vân vân, ai chả hãi, bố mẹ nào mà yên tâm được.

          Hai là chương trình giáo dục của chúng ta khiến học trò phải học thêm. Mà học thêm muốn kịp thời gian “học sô” thì phải có người đưa đón khi mà gia đình chưa yên tâm cho chúng đi xe máy. Cứ hình dung lịch học của một đứa học sinh lớp 12 ở thành phố như thế này: 5 đến 6h15 học thêm nhà thầy. 6h30 vào học chính. 13 đến 15 giờ học thêm thầy khác. 15 đến 17 giờ thầy khác nữa. 17 đến 19 giờ lại cô khác. Sau đấy là giờ tự học. Không có “tài xế” riêng chúng có tự di chuyển được không?

          Không biết tự bao giờ chúng ta đã phải vô cùng lãng phí thời gian vào việc đưa đón con đi học. (Còn nhiều thứ lãng phí khác, kể cả thời gian ở những việc khác nhưng xin không đề cập trong bài này). Một số trường học, nhất là các trường tư, trường quốc tế, giờ cũng tổ chức xe đưa đón học sinh, nhưng chỉ là đưa đón những buổi học chính. Học chính bây giờ lại thành… học phụ, bởi thời gian lên lớp học chính có khi ít hơn học thêm. Học thêm như một cuộc đua marathon bền bỉ và dai dẳng từ khi con vào học lớp 1 đến lúc vào đại học. Đến mức có nhà ngồi tính, hầu như toàn bộ tinh lực, tiền bạc, chất xám, thời gian… của cả nhà chỉ đổ vào cho con học. Chả biết rồi ra làm vương làm tướng gì mà học hành khổ đến thế. Thì đây, làm vương làm tướng đây. Nhẩm phát ra ngay. Ra trường, nếu may mắn được tuyển vào cơ quan nhà nước, lương năm đầu  một tháng nhấp nhỉnh 2 triệu bạc. Ít hơn “lương” bố mẹ gửi cho khi học đại học, và càng chả bõ bèn gì với công lênh suốt 12 năm đằng đẵng làm cửu vạn chở con đi học chính học thêm, chưa kể tiền đống tiền đụn để đóng học phí cả học chính học thêm, trong khi xăng thì cứ tăng vù vù như công tơ điện.

          Điều vô cùng lạ là, chúng ta lại coi đấy là việc… đương nhiên, chuyện bắt buộc phải thế. Rõ ràng đấy là việc bất bình thường, nhưng khi nó đã trở thành việc bình thường trong xã hội thì rõ ràng là nó đã rất… bất bình thường. Càng ngày những đứa trẻ con càng thành rô bốt và bố mẹ chúng thì hóa cửu vạn suốt mười mấy năm trời còm cõm đưa đón, tận dụng và ăn cắp từng tí thời gian, tính toán chi li như Bờm đếm xôi mà tự nhiên phục mình vì chả có một tí kiến thức tự nhiên nào mà sử dụng vận trù học giỏi thế. Suốt mười mấy năm trời, không sai một buổi, không chậm một phút, đều như con lắc đồng hồ, mưa gió bão bùng chấp hết. Nếu có ai đó chi li ngồi tính thử, một đứa học sinh, từ mẫu giáo cho đến hết lớp 12, chỉ riêng thời gian bố mẹ đưa đón là hết bao nhiêu. Mà nào chỉ có đưa đón, còn chờ đợi nữa, chờ đợi mới khủng khiếp. Ông bà nào cũng lo con chờ mình, trong khoảng chờ ấy có điều gì xảy ra không. Thế là dấn sớm lên mấy phút. Còn thầy cô dạy thêm, cũng muốn chứng tỏ ta đây dạy vì kiến thức chứ không vì… tiền, nên lẽ ra hết giờ rồi, vẫn cố nhẩn nha thêm dăm phút nữa. Và đấy là cái cảnh ta hay thấy dồn đống cả quãng đường trước cổng nhà thầy cô, trước cổng trường.

          Thế nên, đố bố mẹ nào ở thành phố bây giờ dám thả con một mình đến lớp đấy. Kể cả người viết bài này…
                                                        

 

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

bí mật đi đâu, trống vắng ghê gớm