Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

GIÁ CỦA HÒA BÌNH



          Ngày nhỏ tôi liên tục là học sinh giỏi văn, bao giờ trong bài văn của mình khi viết về Tổ quốc và dân tộc tôi, tôi đều tự hào mà viết rằng: dân tộc chúng ta là một dân tộc anh hùng, thanh gươm chúng ta cầm là thanh gươm đẫm máu, đã chiến thắng biết bao nhiêu kẻ thì xâm lược, và sẵn sàng cho bất cứ ai, kẻ thù nào có ý định lăm le cướp nước ta lần nữa, tan thây trên bờ cõi nước ta… Những bài văn thời ấy sang sảng và hào hùng. Đến giờ, ngồi nghĩ lại, giật mình bởi cái giá của hòa bình quá đắt…
 
          Mới đây tỉnh Quảng Nam khánh thành tượng đài mẹ Thứ khổng lồ với số tiền cũng khổng lồ là 411 tỉ. Tôi nghĩ, 411 tỉ chứ 4 nghìn tỉ cũng không thể nào làm nhạt được nỗi đau của mẹ. Chồng, 9 con trai, 1 con rể, 2 cháu ngoại của mẹ lần lượt hy sinh. Nhìn ảnh mẹ ở cái tuổi tròn trăm, thấy mẹ an nhiên tự tại, là trông thế, chứ ai biết trong lòng mẹ tan nát đau đớn đến thế nào. Mới đây, trên mạng đưa hình ảnh một con voi mẹ mất 11 tiếng đồng hồ để cứu chú voi con ra khỏi cái giếng. Thế mà mẹ, một người phụ nữ bình thường, một người mẹ giản dị, lần lượt mất đi từng khúc ruột thân yêu nhất. Nỗi đau lặn vào cái dáng già nua của mẹ, nỗi đau đứt ruột làm nên cái dáng an nhiên tự tại, nỗi đau không lời nhưng luôn gào thét từ cái dáng ngồi đến như là bất tử kia.

          Để có những ngày hòa bình hôm nay, hàng triệu những người ưu tú nhất của dân tộc này đã ngã xuống. Câu này bị dùng nhiều quá, rất dễ sáo. Nhưng tôi đã gõ nó ra từ nỗi xúc động trào dâng trong một tối thứ 7 đầu tháng 4. Thế hệ chúng tôi là thế hệ mang mũ rơm đi học, rồi sát ngày hòa bình là một cuộc tổng động viên. Bao nhiêu bạn học của tôi đã ra đi và không trở về? Bao nhiêu người còn rải rác đâu đó trong những cánh rừng Trường Sơn thăm thẳm mịt mù kia?

          Quê tôi, cái vùng xôi đỗ ở Huế. Một thời ngày địch đêm ta. Và cũng như hàng vạn gia đình trên đất nước Việt Nam đau khổ này, trên mỗi bàn thờ đều có 2 sắc áo. Tôi có một cô em con cô ruột, giờ đang sống ở Đắk Nông. Cuộc đời cô này có lẽ sẽ phải viết cả một tiểu thuyết mới đủ. 18 tuổi lấy chồng. Chồng là lính địa phương quân. Trong một đêm du kích đánh đồn, anh này bị trúng đạn và tử trận. Sau 75 tôi về quê, thấy nhà cô này nghèo kinh khủng. Ba mẹ cho một miếng đất “chó ỉa” sau vườn, anh em xúm lại người một tay dựng cho một cái lều đúng nghĩa lều, tức là 4 cái cọc tre, trên lợp tranh, xung quanh cũng quây bằng tranh. Nền cát. Một cái chõng tre, mấy bộ quần áo vắt trên sào giăng ngang nhà, mấy cái xoong sứt sẹo méo mó. Gia tài lớn nhất là một con lợn tháu nuôi phía sau lều. Huế thời ấy nghèo xác xơ. Mấy mẹ con díu vào nhau mà vạ vật qua  ngày. Rồi một ông bộ đội xuất hiện. Ông này là bạn của ba tôi, ba tôi là cậu ruột góa phụ kia. Ông này với em tôi gá nghĩa, dắt nhau lên Đắk Nông, từ hồi thị xã Gia Nghĩa còn là rừng, xắn tay khai hoang mở đất, và… đẻ. Đẻ thêm đến năm sáu đứa nữa, cộng với con chồng trước, thế mà chúng yêu nhau như một bố một mẹ. Giờ mỗi đứa một dinh cơ, đều là ông chủ bà chủ. Và, ông chồng sau cũng đã mất. Trên bàn thờ nhà em tôi, 2 cái ảnh 2 ông mặc quân phục khác màu, khói hương thường xuyên nghi ngút, hoa huệ thơm đều…

          Đến thế đấy, cuộc sống kỳ lạ này. Kỳ lạ nữa là em tôi hoàn toàn không lấy đấy làm điều, vẫn tôn quý cả 2 ông chồng vắn số của mình như nhau. Các cháu tôi, con của em, cũng thế. Chúng đều nhắc đến các ông với sự kính trọng, hàm ơn…

          Những ngày cuối cùng của chiến tranh, tháng 3 năm 1975, tại Pleiku, Gia Lai, vẫn có những gia đình tan tác  trên đường “di tản” xuống Tuy Hòa theo đường 7, giờ là quốc lộ 25. 40 năm sau giải phóng, vẫn có những gia đình chưa tìm ra con, vẫn có những đứa trẻ bị lạc ngày ấy giờ sống chung chạ trong những gia đình Jrai ven đường 7 không biết gốc gác của mình. Và, có cả những đứa đã được bố mẹ trên thành phố tìm ra nhưng chúng cương quyết khước từ cuộc sống tiện nghi thành phố, tiếp tục lầm lũi ở dưới buôn làng…

          Để thấy, cái giá của hòa bình mới đắt làm sao. Năm 1990, tại một bữa tiệc kỷ niệm ngày thành lập quân đoàn 3, thấy cảnh các sĩ quan quân đoàn thắp hương đồng đội trước khi vào dự tiệc, ông nào cũng khóc, dù trước đấy đang cười đùa rất vui vẻ. Nhìn những người lính dạn dày trận mạc, quân hàm quân hiệu trang nghiêm, khóc lặng đi trước bàn thơ đồng đội, tôi cũng… khóc theo và làm bài thơ này:

Trước cuộc bia kỷ niệm Quân đoàn
bạn tôi trang nghiêm thắp nhang khấn đồng đội
khi say cùng gào lên và hát
chân nhang im lìm cứa ngang niềm vui


Nghĩa trang Ayun Pa
mộ chí đè lên mộ chí
viên đạn xuyên qua cuộc đời rất trẻ
trước giờ chiến thắng chỉ vài giây


Từ mọi miền đất nước các anh về đây
nuôi cỏ mềm quấn tượng đài cao vút
và trời xanh cứ như là không có thật
cứ như là vô tận cõi bình yên


Nghĩa trang Pleiku
ông bố vượt trên ngàn cây số vào đào trộm xác con để mang về gần họ hàng xóm mạc
tưởng chúng tôi là người gác nghĩa trang ông quỳ xuống lạy và hối lộ bao thuốc Zet
"các anh ơi tha cho cháu nó về!..."


Những chiếc xe du lịch loáng qua
xe cup loáng qua
ông bố già quỳ như tượng
tay ông lạy rạch ngang trời như chớp giật
nước mắt không còn để ông khóc cùng tôi


Bạn ơi tượng đài kia thiếu dáng quỳ hôm ấy
để thêm một lần ta hiểu giá chiến tranh...


                                                


1 nhận xét:

TNC nói...

Chiến tranh đâu phải trò đùa.