Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

THẤY NGƯỜI TA ĂN KHOAI...




          Thế là thủy điện Ia Krel 2 của công ty Bảo Long đã lại… vỡ lần 2.

          Điều này hầu như là đã được báo trước khi mà hiện nay người người đổ xô đi làm thủy điện, nhà nhà góp vốn làm thủy điện.

          Tôi là người chứng kiến từ ngày đầu khảo sát đến thi công công trình xây dựng nhà máy thủy điện Ia Ly. Hàng ngày đều giao ban tại công trường, hàng tuần hàng tháng đều giao ban kỹ thuật, cãi nhau như… mổ bò, chỉ một sự chênh lệch bằng sợi tóc cũng phải quyết liệt tÌm cho ra nguyên nhân. Rồi có sự giám sát của hội động nghiệm thu nhà nước, sự giám sát chặt chẽ của rất nhiều cơ quan chuyên môn…

          Nên giờ rất ngạc nhiên thì thấy sâu thăm thẳm trong rừng xanh núi đỏ, các công ty tư nhân, các ông các bà có tiền đổ ra chơi… thủy điện. Họ cứ lầm lũi làm, đến lúc sự cố xảy ra thì các cơ quan quản lý mới nháo nhào đổ xô vào tìm hiểu nguyên nhân.

          Có lẽ chưa bao giờ mà việc làm thủy điện nó lại dễ dãi và rầm rộ như bây giờ. Lại nhớ đến phong trào làm xi măng lò đứng, phong trào mía đường... dạo nào, rồi cũng huề cả làng. Tôi nhớ có mấy ông bảo: biết là nó vớ vẩn, nhưng phong trào thế, tỉnh người ta làm được chả lẽ mình lại kém miếng. Ai cũng biết phía sau những dự án ấy là gì, không ai tay trắng mà ký những cái vớ vẩn ấy cả. Biết nhưng đành tặc lưỡi…

          Trong lịch sử, chỉ trừ chiến tranh và những trường hợp bất khả kháng, đường 19 nối Pleiku với Bình Định chưa bao giờ bị tắc vì lũ. Thế mà cách đây mấy tháng, chuyện ấy đã xảy ra, đường 19 tắc đã cắt đứt hoàn toàn sự thông thương từ Cao Nguyên xuống đồng bằng.

Sự kiện hy hữu này xảy ra là điều đã được tiên lượng trước. Ấy là hệ quả của việc phá rừng và thủy điện. Phá rừng đầu nguồn thì Miền Trung hưởng lụt, mà các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... từng lóp ngóp trong nước. Hiện tại thì người dân ở huyện Đức Cơ, Gia Lai đang trắng tay nhìn trời vì đập thủy điện Ia Krel 2 vỡ lần thứ 2. Lần vỡ này may không thiệt hại về người dù có hơn năm chục người bị nước cô lập may mà được cứu kịp thời.

Những sự kiện liên quan đến thủy điện mấy năm nay đã bộc lộ tất cả những gì đã được cảnh báo. Bỏ qua việc phá rừng, việc tàn phá môi trường, cả tự nhiên và văn hóa, việc sinh ra hàng loạt những khu tái định cư như ấp chiến lược xưa... thì chỉ việc xả lũ mấy năm nay đã khiến dân rất khốn khổ, đã khiến mối quan hệ giữa chính quyền tỉnh Gia Lai với ngành điện khá căng thẳng...

Đã từng vì xả lũ bất ngờ mà 2 cô giáo ở huyện K’bang trên đường đi dạy bị lũ cuốn trôi, nhà nước tốn rất nhiều công và của để tìm được xác 2 cô. Cả 2 cô giáo đều còn rất trẻ, dẫu mưa gió nhưng vẫn đi vào trường dạy, và nước xả từ thủy điện An Khê Ka Nak ào ào xả xuống, họ đã không kịp chạy khi đang đi trên đường. Ngoài 2 cô giáo chết tức tưởi trong vụ này thì rất nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước, không kể hoa màu lúa má...

Ông đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân có lần nói: Thủy điện đã vượt tầm kiểm soát. "Phong trào làm thủy điện rầm rộ 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, chúng ta không phủ nhận những mặt có lợi của nó. Tuy nhiên tác hại của nó, đặc biệt là mất rừng ở thượng nguồn làm gia tăng lũ lụt, hạn hán bất thường ở hạ nguồn đã diễn ra nhiều hơn. Hiện nay, các công trình thủy điện đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, nhiều công trình kém chất lượng, hồ đập không an toàn. Tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại xem phải làm gì để bớt đi những rủi ro đối với những đập thủy điện đã làm rồi. Vì một công trình thủy điện chỉ có tuổi thọ nhất định, thường là 50 năm. Trên thế giới có những công trình thủy điện đã phải tháo dỡ trước hạn để trả lại đất rừng và sự thông suốt cho dòng sông... Vừa rồi xảy ra việc thủy điện chỉ có ôtô đâm vào mà đã nứt vỡ, chứng tỏ thiết kế và thi công rất kém. Cũng may là đã được phát hiện kịp thời, chứ nếu không có thể sẽ là một quả bom nước. Rõ ràng tính rủi ro rất lớn và điều này cần phải tính trong đánh giá chi phí lợi ích của quốc gia khi thực hiện các công trình thủy điện. Vừa qua, một số thủy điện đã gây tác động xấu như mùa khô thì không xả nước khiến đồng bằng thiếu nước, ngược lại mùa lũ thì xả ồ ạt khiến người dân không kịp đối phó... Lưu ý là có nhiều công trình thủy điện lẽ ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là của các cơ quan khác. Tuy nhiên bằng cách nào đó, chủ đầu tư đã lách luật để dự án của họ không đưa ra Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần lắng nghe ý kiến cử tri, các nhà khoa học đối với những sự việc như vậy."…

Các cụ xưa có câu: Thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào ráy. Có cảm giác việc làm thủy điện bây giờ cũng vậy. Ai cũng có thể đổ tiền vào làm thủy điện, dẫu có khi chả phân biệt được cái Roto với Sta to nó khác nhau thế nào? Cuối cùng thì khi xảy ra chuyện gì thì dân lãnh đủ, như dân vùng Đức Cơ đang chịu với thủy điện Ia Krel 2, và cũng như dân Quảng Nam đang nín thở ngày ngày nhìn lên quả bom nước khổng lồ của thủy điện sông Tranh lơ lửng trên đầu họ…
                            VĂNCÔNG HÙNG- bài in ở khampha.vn

Không có nhận xét nào: