Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

ĐỪNG ĐỂ DÂN NGHĨ NHÀ BÁO CŨNG LÀ LÃNH ĐẠO


Thậm chí các nhà báo “nhân dân” nhiều khi còn tác nghiệp nhanh hơn nhà báo chuyên nghiệp. Chỉ với cái điện thoại, họ lập tức có thể chụp hoặc quay sự kiện vừa xảy ra, rồi đưa lên facebook hoặc blog, web, huống gì rất nhiều người có iPad, máy ảnh, camera… xịn. Sự tương tác tuyệt vời của các trang mạng xã hội khiến âm hưởng sự kiện lan tỏa nhanh và rộng đến chóng mặt. Thế nhưng dù thế nào thì vẫn cần đến vai trò của báo chí chính thống trong việc định hướng và xác nhận nguồn tin, dù báo chí chính thống, rõ ràng là đang bị cạnh tranh dữ dội của mạng xã hội, chả thế mà, có những nhà báo cứ ngồi canh facebook của những người nổi tiếng, rồi xào lên thành bài?
----------


Càng ngày thì vai trò của báo chí càng trở nên thân thuộc với bạn đọc. Tôi không dùng từ quan trọng mà cho là nó thân thuộc vì nghĩ nó đúng bản chất hơn. Bây giờ ai ai cũng có thể làm báo. Thậm chí các nhà báo “nhân dân” nhiều khi còn tác nghiệp nhanh hơn nhà báo chuyên nghiệp. Chỉ với cái điện thoại, họ lập tức có thể chụp hoặc quay sự kiện vừa xảy ra, rồi đưa lên facebook hoặc blog, web, huống gì rất nhiều người có iPad, máy ảnh, camera… xịn. Sự tương tác tuyệt vời của các trang mạng xã hội khiến âm hưởng sự kiện lan tỏa nhanh và rộng đến chóng mặt. Thế nhưng dù thế nào thì vẫn cần đến vai trò của báo chí chính thống trong việc định hướng và xác nhận nguồn tin, dù báo chí chính thống, rõ ràng là đang bị cạnh tranh dữ dội của mạng xã hội, chả thế mà, có những nhà báo cứ ngồi canh facebook của những người nổi tiếng, rồi xào lên thành bài?

Chúng ta nói nhiều đến đạo đức nghề nghiệp, nhưng là thiên về việc nhũng nhiễu, nhận phong bì, lợi dụng nghề nghiệp để gạ gẫm dọa nạt vân vân mà ít nghĩ rằng đạo đức nghề nghiệp trước hết là phải tinh thông nghề, yêu nghề. Người xưa nói uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, ấy mà còn “lời nói gió bay” huống gì viết ra, in ra. Thế mà tình trạng viết ẩu, viết hời hợt sơ sài còn rất nhiều. Chỉ nguyên việc lỗi chính tả thôi, chịu khó đọc trên các báo, nhất là báo mạng, vô thiên lủng… Xin lẩy ra một ví dụ trong vô vàn sự sơ suất: Một nhà báo cũng nổi tiếng, đi xe máy tác nghiệp, ghé vào một khu nhà mồ của người Tây Nguyên, và hôm sau báo in bài của anh báo động việc dân phá các đồ vật trong nhà mồ. Anh này không biết là, người Tây Nguyên có tục chia của cho người chết. Mọi đồ vật được chia đều, từ ghè, chiêng, gùi… cho đến cả tivi, xe máy, xe đạp… có điều những đồ được chia đều được đục thủng hoặc làm cho hỏng đi, bởi thế giới người chết (A tâu) nó đối lập với thế giới người sống. Anh này vào thấy ghè, chiêng, xe đạp bị làm hỏng lại tưởng là bị phá, và thế là… báo động SOS.

Sự kỳ vọng của người đọc càng lớn thì sức ép, áp lực lên vai báo chí càng nhiều. Vấn đề là sự kỳ vọng ấy có được đáp ứng không.

Nhiều nhà báo giờ đi công tác, xuống cơ sở, thường là… tiện thể đi nhờ xe của lãnh đạo. Dân họ sẽ nghĩ nhà báo cũng là… lãnh đạo. Vai trò là cầu nối  của báo chí có khi bị hiểu lệch. Tôi thì thiên về báo chí ngoài việc thể hiện sự công bằng, sự trung thực, bảo vệ lẽ phải, thì phải bảo vệ nhân dân, đứng về phía yếu thế, bằng lý lẽ và cả sự rung cảm của trái tim.

Cũng như thế, trên 1 kênh truyền hình lớn có chương trình rất hay “Dân hỏi bộ trưởng trả lời”, nhưng có vẻ càng ngày sự hỏi và trả lời nó bị lẫn lộn. Hỏi thay người hỏi và trả lời thay người trả lời là việc đôi khi vẫn xảy ra.

Hiện giờ trên facebook mọi người hay dùng từ… đắng lòng. Cái gì cũng đắng lòng. Không phải các facebooker tự nghĩ ra đâu ạ, đấy là một cách họ phản ứng lối viết lười của nhà báo, cái gì cũng quy về đắng lòng được hết. Nguy hại làm sao sự suy nghĩ lười được thể hiện bằng một lối viết lười.
Nhân 21/6 tự sướng phát, 2 cái khung ảnh này giúp mình kiếm được 18 T. 1 cái 15T, 1 cái 3T.

Rất nhiều tờ báo chúng ta hôm nay đã đồng hành cùng bạn đọc, và vì thế mà có uy tín, được bạn đọc ủng hộ, ti-ra tăng, mọi thứ cũng sẽ tăng theo. Và từ đấy xuất hiện những nhà báo giỏi, tận tâm với nghề. Hiểu những gì bạn đọc cần, bạn đọc mong mỏi, và đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy, là một cách đáp ứng kỳ vọng của bạn đọc. Tôi biết thế, cũng dặn mình như thế, mà, nhiều khi cũng… chưa làm được thế!
                                                         



Không có nhận xét nào: