Cũng phơi ra dưới nắng là những làng Tây Nguyên bây giờ. Những
mái nhà lợp tôn đỏ bầm như màu trời ngày sau bão. Những thói quen, những nếp ứng
xử cũng đã khác xưa. Không hiểu tốt hay xấu hơn, nhưng rõ ràng, nó lạnh lẽo hơn
dẫu là ngồi trong nhà mái tôn giữa trưa hực nắng. Nó cũng cô đơn hơn dẫu bây giờ
rất nhiều các mối quan hệ chằng chéo níu giữ. Ngày xưa sau gia đình là đến cộng
làng với già làng. Và chỉ thế. Giờ còn bao nhiêu cơ quan đoàn thể, bao nhiêu sự
chi phối, bao nhiêu cánh cửa mở ra mà sao con người vẫn thấy cô đơn, trần trụi.
Cũng là đi bộ, người Tây Nguyên chuyên đi bộ theo hàng một, dẫu là hàng trăm
người đi. Nhưng là đi trong rừng, bất trắc đấy- đi hàng một để tránh bất trắc-
nhưng vẫn thấy yên ổn ấm áp, bởi rừng, dẫu bất trắc khôn lường, nhưng luôn thân
thiện và sẻ chia cùng con người. Giờ, đường ô tô tận làng, người dân vẫn đi bộ,
vẫn hàng một, mà sao cứ thấy lầm lụi, cứ
thấy vênh lên trong cái màu đỏ đến nhức mắt của đất đỏ, của màu trời và cả
trong màu cà phê chín...
------------
Đăng lại bài này nhân hôm nay lượm thêm được 3 triệu từ nó, hi hi...
Có lần một cô giáo đến tìm tôi tại
phòng làm việc. Vân vi một hồi rồi thì cô nói rằng cô giáo của cô, một
tiến sĩ ngữ văn, là người quen của tôi, nói cô đến tìm tôi. Thì ra là cô này
chuẩn bị làm luận văn thạc sĩ, mà cô thì rất yêu văn học dân gian Tây Nguyên,
thích sử thi Tây Nguyên (tôi vẫn cho rằng cái từ sử thi này nó chưa ổn lắm), và
cái cô tiến sĩ bạn tôi kia là người sẽ hướng dẫn luận văn cho cô giáo này. Cô
trò ngồi bàn nhau cả buổi và cuối cùng thì cô giáo tiến sĩ nói cô giáo chuẩn bị
thạc sĩ về tìm tôi, nhờ tôi tư vấn cho đề tài mà làm.
Lại cũng mất cả tiếng đồng hồ thao thao các kiểu thì trong
tôi lóe lên một tứ, rằng là, em thử làm về yếu tố biển trong sử thi Tây Nguyên
xem. Cô này ớ ra nhưng rồi sau khi nghe tôi thuyết phục đã về viết đề cương để
nộp…
Đại loại rằng,
trong quá trình sống, tiếp xúc, sưu tầm, tìm hiểu…, tôi thấy trong khá nhiều
các trường ca cổ (H’ri, H’amon…) của người Tây Nguyên có nhắc đến biển. Và điều
kỳ lạ là, những gì họ nhắc, khá là giống… biển, dù các nghệ nhân khi kể cho
chúng tôi ghi chép lại những trường ca kia, một trăm phần trăm chưa ai thấy biển,
chưa biết biển là như thế nào? Ngày xưa các làng Tây Nguyên sống biệt lập, ẩn
trong ngút ngàn rừng già. Làng này biệt lập với làng kia, mỗi làng là một vương
quốc. Các làng chỉ gặp nhau trong vài trường hợp như: đánh nhau giành đất, được
mời sang dự Pơ thi hoặc lễ gì đấy. Người Việt cũng lấy lũy tre làng làm biên giới,
nhưng hàng tháng họ còn có cái chợ phiên để đến đấy giao lưu. Ngay người Mông,
người Thái cũng vậy. Người Tây Nguyên không có chợ, không có các hoạt động liên
làng nên việc họ gặp nhau rất là hãn hữu.
Huống gì thấy biển.
Thế mà trong
các trường ca cổ ấy, có rất nhiều biển.
Tôi giải
thích với cô giáo ấy rằng, nguyên do có thể ngày xưa Tây Nguyên vốn dĩ là đại
dương, rồi qua một cơn tạo sơn vĩ đại nào đấy, tự nhiên biển hóa núi, và thành
Tây Nguyên như hiện nay. Vì đã có lần tôi nghe nói, người ta đào được một cái vỏ
sò rất lớn ở vùng nào đó của Đăk Lăk. Thì cũng là nghe nói thế, thậm chí có người
nhờ tôi xác minh, nhưng rồi quên mất. Cái vỏ sò ấy nếu có, nó cũng có niên đại
cả triệu năm chứ không ít.
Nguyên do thứ
hai đến từ khát vọng của người Tây nguyên cổ. Ở đời thiếu cái gì người ta thường
mơ về cái ấy, trong đấy, bầu trời và đáy biển là hai nơi con người khát khao
khám phá nhất. Thần thoại Hy Lạp chả
đã có nhân vật là cậu bé Icarus lấy sáp ong gắn lông chim làm cánh để bay lên
trời hòng xem trên ấy có gì mà rực rỡ thế. Ước mơ ấy đã suýt thành hiện thực nếu như
cậu đã không vì tò mò quá mà bay lên rất gần mặt trời. Sức nóng làm sáp ong chảy
ra và cậu rơi xuống biển, chấm dứt một giấc mơ hoành tráng nhưng tuyệt đẹp của
con người mà mãi hàng nhiều vạn năm sau, hậu thế của Icarus đã làm được. Cũng
như thế, những gì mà Jules Verne đã kể trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Hai vạn
dặm dưới đáy biển” thì té ra sau này hoàn toàn có thật, dù khi viết nó, ông chỉ
ngồi một chỗ và… tưởng tượng.
Nhắc tới
Jules Verne, không thể không nói tới khả năng liên tưởng tiên đoán thiên tài của
những nghệ sĩ thứ thiệt. Các nghệ nhân Tây nguyên, khi sáng tạo ra các trường
ca ấy, tuy là vô danh nhưng đều là những con người cụ thể. Đời này qua đời
khác, họ sáng tạo kiểu chắp nối để rồi thành hàng ngàn trang sử thi cho chúng
ta sưu tầm, nghiên cứu… Sự tưởng tượng thiên tài chỉ xuất hiện ở những con người
kiệt xuất, những nghệ sĩ thứ thiệt có thể thấy trước tương lai. Phải vậy chăng
mà trong các chức năng của văn chương, có chức năng dự báo…
Vân vân, là
tôi ngồi véo von như thế để cho cô giáo về mà tự nghiên cứu chứ tôi chỉ là kẻ lớt
phớt thôi. Rất tiếc, sau này tôi có gặp tiến sĩ Đấu - Chủ nhiệm Khoa văn (Trường đại học Quy Nhơn), anh có nhắc lại
chuyện cái đề tài ấy, khi ấy anh cũng không biết là của tôi nghĩ ra. Anh bảo là
khi ấy cả hội đồng không ai hình dung được rằng Tây Nguyên lại có biển, tưởng rằng
nó chỉ là đặc sản của Quy Nhơn và những vùng tương tự thế, nên đã bác cái đề
cương này, nhưng giờ nghe tôi phân tích thì anh bảo… hay quá. Tôi đùa nhưng giờ
thì tôi thu lại bản quyền rồi, các ông không được dùng nữa…
Tôi sống ở
Tây Nguyên đến giờ mới hơn ba chục năm mà đã chứng kiến bao thay đổi, thì cái sự
ngày xưa nơi đây là biển rồi giờ thành rừng cũng chả lấy gì làm lạ lắm. Rồi
ngay cái gọi là rừng thì bây giờ cũng đã có nhiều thay đổi lắm rồi. Ngày xưa rừng
ngút mắt, rừng miên man, rừng chằng chịt, giờ, tất cả như khoe ra dưới mặt trời
cái màu đất Tây Nguyên tưởng như đặc trưng té ra cũng không đặc trưng nữa… Tây
Nguyên thay đổi vừa do quy luật tự nhiên, vừa do con người. Càng văn minh thì
con người càng can thiệp vào thiên nhiên thô bạo hơn.
Tôi nhớ mãi
cái ấn tượng về cây Kơ Nia mà ông họa sĩ Xu Man bày cho tôi hồi mới lên Tây
Nguyên nhận công tác. Hồi ấy là đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Xu Man người
Bahnar, là họa sĩ có đai có đẳng của Tây Nguyên, 2 khóa liền là ủy viên Ban chấp
hành Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông có nhiều tranh được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua và được
giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.
Đấy là một
con người Tây Nguyên nhất trong những người Tây Nguyên mà tôi gặp. Đã từng đi
nước ngoài, nhiều năm ở Hà Nội, học từ cao đẳng lên đại học mỹ thuật, nhưng về
hưu một cái là ông về làng ngay, dù tỉnh Gia Lai hồi ấy tuyên bố cấp nhà
trên phố Pleiku cho ông. Về làng ông
cũng ở nhà sàn. Cái nhà gạch nền xi
măng Ty Văn hóa làm cho ông ở làng, ông để làm… kho và cho anh em họa sĩ học
trò hoặc đồng nghiệp về thăm ông ở và sáng tác, vì làng ông rất đẹp. Ông tự tay
làm một cái nhà sàn phía sau, đống lửa giữa nhà, ghè rượu quanh vách, tấm dồ một
góc, những quả bầu đựng nước, những chiếc gùi, nồi cơm và nồi canh lá sắn cà đắng
trên bếp, những ống thịt trên giàn… tất cả làm nên một thế giới Bahnar của Xu
Man. Cái duy nhất khác giữa ông với một già làng Bahnar hồi ấy là ông có một
cái đài (radio) mở oang oang cả ngày. Khi còn làm ở ty Văn hóa Gia Lai thì ông
vẫn chủ yếu ở dưới làng, tháng đôi lần ông lên cơ quan họp, bằng xe đạp, tất
nhiên. Từ Pleiku về làng ông hơn 60 cây số. Trong một buổi sáng nắng gay gắt,
cùng đạp xe với ông, khát quá, tôi rủ ông ghé vào một quán cà phê ven đường nghỉ.
Ông bảo cố tí nữa, đến gốc Kơ nia kia nghỉ sẽ rất thú vị.
Và quả là
thú vị. Dốc chiếc túi cói treo ở ghi đông xe ra, ông có một chai rượu nhỏ, một
bầu nước suối và một nắm hạt tôi không biết hạt gì. Nước suối thời trong veo và
mát lịm, khi lên Pleiku ông đều ra con suối làng mình lấy mấy bầu rồi mang lên
thành phố dùng. Ông nhẩn nha đập ra mấy hạt rồi chìa cho tôi một hạt, bảo hãy
nhắm với rượu. Thì ra đấy là hạt Kơ nia. Ông kể, cây Kơ nia từ đời nào đến giờ
là bạn của người Tây Nguyên, nó che chở cho người Tây nguyên, thậm chí là ân huệ
của đấng tối cao ban cho người Tây Nguyên. Thì đấy, cứ đi trên đường, bao giờ mỏi
chân, lại một cây Kơ nia hiện ra, mọi người túm lại đấy nghỉ, hết mệt lại đi,
người Tây Nguyên toàn đi bộ nhé, bao giờ mệt, khát, lại một cây Kơ nia xuất hiện,
che chở cho con người, dìu con người qua cơn đói, cơn khát, cơn nắng… vậy nó
không phải của đấng tối cao cử xuống chở che cho con người thì là gì?
Sau này tìm
hiểu tôi mới biết, té ra là hạt Kơ nia ăn rất ngon, nó giúp cho người Tây
Nguyên, và cả bộ đội một thời, thay cơm mùa giáp hạt. Mỗi khi rời nhà lên rẫy
hoặc ngược lại, họ đều lấy một ít bỏ vào gùi, đến khi mệt thì ngồi nghỉ, lấy hạt
ra đập ăn, lấy nước trong bầu uống. Và trong lúc dùng đá đập thì thế nào cũng
có vài hạt văng ra đâu đó, trong những hạt văng ra ấy, thế nào cũng có một hạt
mọc thành cây. Cứ thế, đời này qua đời khác, những cây Kơ nia cô lẻ trở thành
thước đo cơn khát cơn mệt và cũng trở thành nơi che chở cơn khát cơn mệt của
con người.
Giờ, Kơ nia
thành của hiếm, dẫu nó không phải loại gỗ quý, không thuộc nhóm một nhóm hai.
Nó chỉ còn trong bài hát của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh với giọng hát một
thời Măng Thị Hội chứ cánh trẻ bây giờ cũng ít hát, vừa khó vừa không thời thượng.
Cũng như rừng,
Kơ nia đang dần mất dạng trong những chiều Tây Nguyên thông thốc gió. Những kẻ
giang hồ muốn ngồi hướng mắt về chân trời nào đó mà nhớ một thuở chưa xa, mắt không
thể nào vượt qua vài chục mét.
Người Tây
Nguyên giờ cũng không còn hạt Kơ nia bỏ trong gùi làm lương thực nữa. Họ có mì
tôm, có cơm bỏ trong bì nilon, có nước đựng trong các chai nhựa, vẫn là nước suối,
nhưng là những con suối chết, bởi nó phơi mình ra dưới nắng dưới bụi chứ không
uốn lượn trong rừng, dưới những tán lá xanh mướt khiến nước cũng ngất ngây trong
uống đến đâu biết đến đấy.
Cũng phơi ra
dưới nắng là những làng Tây Nguyên bây giờ. Những mái nhà lợp tôn đỏ bầm như
màu trời ngày sau bão. Những thói quen, những nếp ứng xử cũng đã khác xưa.
Không hiểu tốt hay xấu hơn, nhưng rõ ràng, nó lạnh lẽo hơn dẫu là ngồi trong
nhà mái tôn giữa trưa hực nắng. Nó cũng cô đơn hơn dẫu bây giờ rất nhiều các mối
quan hệ chằng chéo níu giữ. Ngày xưa sau gia đình là đến cộng làng với già
làng. Và chỉ thế. Giờ còn bao nhiêu cơ quan đoàn thể, bao nhiêu sự chi phối,
bao nhiêu cánh cửa mở ra mà sao con người vẫn thấy cô đơn, trần trụi. Cũng là
đi bộ, người Tây Nguyên chuyên đi bộ theo hàng một, dẫu là hàng trăm người đi.
Nhưng là đi trong rừng, bất trắc đấy- đi hàng một để tránh bất trắc- nhưng vẫn
thấy yên ổn ấm áp, bởi rừng, dẫu bất trắc khôn lường, nhưng luôn thân thiện và sẻ
chia cùng con người. Giờ, đường ô tô tận làng, người dân vẫn đi bộ, vẫn hàng một,
mà sao cứ thấy lầm lụi, cứ thấy vênh lên
trong cái màu đỏ đến nhức mắt của đất đỏ, của màu trời và cả trong màu cà phê
chín...
Hôm nọ ở một
cái festival rất lớn mang tầm quốc tế về cồng chiêng, người ta định bảo bà con
diễn một cuộc ăn trâu phục vụ festival, chuẩn bị xong hết thì lại bảo bà con
không làm nữa vì có vị lãnh đạo bảo nó dã man quá. Nhiều người không biết rằng,
cái cuộc ăn trâu ấy sau này dân làng vẫn phải tự làm ở làng mình, vì đơn giản,
nếu không làm tức là lừa dối thần linh.
Tôi không ủng
hộ sự dã man, nhất là khi nó lại phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng
ngàn người như lâu nay chúng ta thấy ở các “lễ hội đâm trâu” do nhà nước tổ chức.
Té ra đâm trâu nó khác, đơn giản và tình nghĩa hơn nhiều…
Trước hết
nhân đây phải khẳng định thêm một lần nữa, rằng là không có cái gọi là “lễ hội
đâm trâu” như lâu nay chúng ta hay gọi. Nó chỉ là một thành tố của một lễ hội,
và người Tây Nguyên gọi nôm na là ăn trâu. Họ làm con trâu ấy để cúng thần
linh, mời thần linh ăn, để họ tạ ơn thần linh đã giúp cho họ những việc lớn của
làng. Những lễ hội mà có ăn trâu rất hiếm và không thường xuyên tổ chức. Để có
cái cuộc ăn trâu vào sáng sớm hôm sau ấy, đêm trước đã có một cái lễ khóc trâu.
Những người đàn bà thân thuộc với con trâu được chọn để ngày mai làm lễ ấy, tối
hôm trước ra chỗ cột trâu và… khóc trâu. Họ khóc rất bài bản, cám ơn con trâu
và cũng “giao nhiệm vụ” cho trâu ngày mai thay mặt họ đi gặp thần linh. Họ cho
con trâu ăn những ngọn cỏ non nhất mới cắt lúc chiều, mời trâu uống thứ rượu cần
chắt từ lần cắm cần đầu tiên...
Rồi lúc tổ
chức “tiễn trâu về với Yang”, theo nhiều người Tây Nguyên kể, không có nhiều người
xem như hiện nay, đặc biệt là trẻ con càng không. Toàn các cụ già. Họ tiến hành
nghi lễ thiêng liêng với thần linh, con trâu ấy chính là hiện thân của dân làng
“tiếp kiến” thần linh.
Chứ không
như hiện nay, người ta phong cho nó thành “lễ hội đâm trâu” rồi xách ông trâu
ra cột giữa cái sân đông đặc người, rồi nhảy múa hú hét xung quanh cho con trâu
ba hồn chín vía bay tiệt lên trời rồi bất thình lình đâm một nhát, máu me nhoè
nhoẹt.
Vấn đề là,
ai, và từ lúc nào, đã làm cho ý nghĩa những sinh hoạt văn hóa, và ý nghĩa tâm
linh của những sinh hoạt ấy bị biến tướng đi một cách dữ dội thế...?
Nguyễn Cường
là một nhạc sĩ rất nổi tiếng viết về Tây Nguyên. Nhưng Tây Nguyên nhất quyết
không phải như những gì Nguyễn Cường đã viết. Anh đã tạo ra một lớp công chúng
của mình bằng cách phả rock vào những ca khúc anh viết về Tây Nguyên, tạo ra một
Tây Nguyên máu lửa, hừng hực, man dại và… nông cạn. Trong khi thật sự, Tây
Nguyên lại rất trữ tình, sâu sắc và… mềm yếu mong manh nữa. Thì hãy nghe Y Phôn
Ksor chẳng hạn, chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Ê Đê này có mấy bài hát để đời
như “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”… mà xem, ta hoàn toàn không thấy
hú hét, không lắc mông lắc ngực, không nhảy tưng tưng, mà nó thủ thỉ tâm tình,
nó xa xót đắng đót, nó thâm trầm đến thắc thỏm u uẩn, khiến người nghe như mỏng
đi, như dẹt ra trong cái thổn thức nao lòng của giai điệu.
Tôi đã có
nhiều đêm thức để nghe các già làng, các nghệ nhân cao tuổi kể khan (hri,
hamon), chưa bao giờ thấy hú hét, chưa bao giờ thấy giậm giật. Chỉ là những thủ
thỉ tâm tình, những câu chuyện ăn vào đêm, xuyên vào đêm, rỉ rả như đêm để rồi
mỗi sáng mai lại bừng ngộ rằng, cái thế giới mà tôi vừa lẫn vào nó tối qua, té
ra nó lại đang hiển hiện ngay trước mắt tôi kia, nhưng nó lại cũng vô cùng lạ lẫm,
bởi tôi vừa được chứng kiến sự thoát thân kỳ lạ của nghệ nhân. Cái ông cởi trần
mặc khố thu lu đầu gối quá tai nhăn nheo ngồi trước tôi bây giờ và cái ông mới
đêm qua nằm kể khan vừa là 1 mà lại là 2, vừa trần trụi lại vừa lộng lẫy, vừa
hiện thực cũ mèm đây lại cũng rất tinh khôi ngời sáng khi dám đi bắt nữ thần mặt
trời, dám “đằng vân quá hải” chỉ để thỏa mãn khát vọng tự do của mình…
Tôi cũng từng
có một cuộc ngồi rất thú vị với mấy “quý ông” Tây Nguyên nổi tiếng một thời ở
nhà ca sĩ Y Zăc. Những là Y Phôn Ksor, Y Moan, Kran Dich, KPlin, Y Zắc… ngồi suốt
một đêm, ngồi nghe họ hát mộc dân ca Tây Nguyên với Ghi ta, uống rượu cần trong
một ngôi nhà ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột. Rồi nghe họ nói chuyện về Tây
Nguyên, thì mới biết té ra, lâu nay những cái mình biết về Tây Nguyên chỉ là lớp
váng, chỉ là thứ phù du bụi bặm nổi lên trên, sâu lắng phía dưới, lặn dưới đáy
là cả một trầm tích đậm đặc vừa ma mị vừa minh triết với những hiển nhiên nhưng
không thể cắt nghĩa được. Chao ơi, cái khó, cái làm ta ma mị chính là ở những
điều hiển nhiên không thể cắt nghĩa được ấy. Ai mà cắt nghĩa được rằng, tại sao
tự mình không làm ra chiêng, nhưng người Tây Nguyên đã biến chiêng thành một thứ
tài sản đương nhiên của mình không cần bảo chứng vậy. Ban đầu người Tây Nguyên
làm chiêng bằng… tre nứa, sau đấy họ mon
men xuống đồng bằng nước Việt, hoặc thông qua thương lái đưa lên, rồi
sang cả Lào, đổi trâu, voi… lấy chiêng. Vì thế tên chiêng bây giờ vẫn có chiêng
Yoăn (Kinh), chiêng Lao (Lào). Nhưng chiêng chỉ thành chiêng khi nó được chính
những nghệ nhân tài hoa Tây Nguyên ra tay chỉnh, bây giờ hay gọi là lên dây
chiêng. Cuộc hồi sinh vĩ đại của chiêng chính là từ sự chỉnh chiêng của người
Tây Nguyên này. Phải qua công đoạn này thì chiêng mới thành… chiêng. Rồi còn tự
tạo ra không gian chiêng nữa…
Cái sự mà
UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa
phi vật thể của nhân loại không hẳn là vì chiêng Tây Nguyên vĩ đại, được tôn
vinh, mà ý nghĩa chính là món này nó đang chuẩn bị tiệt chủng, cần bảo vệ khẩn
cấp. Bao nhiêu năm qua, từ cái thời đề cương văn hóa của ông Trường Chinh,
chúng ta đã đề cao dân tộc tính, chỉ rõ phải bảo tồn ra sao, bản sắc ra sao… thế
mà rồi, cụ thể ra, cái bản sắc thật sự của Tây Nguyên là gì đã mấy ai hiểu hết.
Cồng chiêng đấy, suốt ngày kêu gọi bảo tồn rồi nâng niu gìn giữ, cuối cùng thì
phải bảo vệ khẩn cấp. Lý do người Tây Nguyên quý chiêng như thế là vì chiêng
không chỉ là vật chất thông thường đổi bằng trâu bằng voi, mà nó chính là đời sống
tâm linh, trong chiêng có Yang, thế mà bây giờ người ta dửng dưng đến thế?
Chúng tôi đã rất nhiều lần được sống
cùng chiêng tại các buôn làng. Cũng nhiều lần được xem các cuộc lễ hội có đạo
diễn mang chiêng trên sân khấu. Rất khó khi chúng ta cứ muốn giữ những gì là
nguyên bản, và lại càng khó hơn khi chúng ta mang nó ra cộng đồng lớn hơn khu vực
làng, vượt qua yếu tố nghi lễ tâm linh trở thành biểu diễn thi thố. Văn hóa và
văn minh thường là xung đột với nhau để xã hội phát triển mà vẫn giữ được bản sắc
dân tộc. Đời này sang đời khác, cuộc giành giật níu kéo giữa phát triển và bảo
tồn, giữa cái mới và cái cũ, giữa hào nhoáng và thô sơ nguyên bản, giữa bản chất
và hiện tượng... luôn làm loài người phải bận tâm để rồi chúng ta có văn hóa,
có văn hóa vùng miền và văn hóa nhân loại, có văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng,
có văn hóa bản sắc và văn hóa đại trà... tựu trung lại, nó là những sản phẩm vô
giá của con người gửi lại cho mai hậu…
Và nói thật, thấy thảm hại làm sao
khi chúng ta bứng chiêng ra khỏi buôn làng, ra khỏi không gian của nó, biến nó
thành những hình nhân nhí nhố trên sân khấu, trên đường phố lòe loẹt xanh đỏ
tím vàng. Nhưng chúng ta đã làm và vẫn đang làm việc ấy?...
Mà ngày xưa ấy, có phải cứ tự nhiên
thích đánh chiêng là lôi chiêng ra mà đánh được đâu. Giờ chúng ta làm theo kế
hoạch, ngành văn hóa lên kế hoạch từ đầu năm, tháng nào tháng nào có liên hoan
hoặc lễ hội cồng chiêng, sức cho các làng các xã chuẩn bị, rồi đúng ngày đúng
tháng, các nghệ nhân lên xe ô tô, mang chiêng đi… thi. Lại phải nói rõ thêm một
điều nữa, rằng là hoàn toàn không có “lễ hội cồng chiêng” như chúng ta hay gọi,
mà cồng chiêng chỉ là một thành tố của lễ hội. Nó như cỗ phải có gà luộc nhưng
gà luộc thì không phải cỗ vậy.
Tây Nguyên
đang rời xa đi cái gốc nguyên thủy của nó, đang bị giằng xé dữ dội giữa phát
triển và bảo tồn, giữa những vòng quay chóng mặt của ngộ nhận và cố chấp, của cả
tự ti và áp đặt, của vênh vang và ngu dốt, của thực dụng và hiếu thắng…
Chứ trong
tôi, một Tây Nguyên hài hòa, nhân văn, trữ tình và đầy khát vọng nhưng cũng rất
khiêm nhường luôn luôn thường trực, một Tây Nguyên biết cứ khi nào con người mỏi
chân thì lại hiện lên một cái cây bóng mát, một Tây Nguyên có hẳn một nghi lễ
khóc trâu trước khi hiến tế, và một Tây Nguyên cương quyết không lừa thần linh,
nên dẫu nhà nước hứa rồi nhưng lại không cho thần linh ăn trâu thì họ mang về
làng để làm. Bởi họ không ăn trâu, mà là dâng hiến cho thần linh. Sự dâng hiến
tự nguyện và thành kính.
Nhân nghĩa thủy chung và cũng rất giữ
lời, trung thực một cách cực đoan như vậy đấy, Tây Nguyên của tôi…
3 nhận xét:
Kính gửi Anh văn Công Hùng,
Điều đầu tiên phải nói là rất cám ơn Anh về bài viết về Tây nguyên này và xin Anh cho phép tôi được gửi tới Anh tình yêu Tây nguyên của tôi.
Tôi vào đọc ké trang Blog của Anh đã rất lâu. Đã đọc rất nhiều bài, rất tâm đắc. Nhưng bài này, "Tây nguyên trong tôi..." của Anh là bài tôi cảm thấy quý giá nhất.
Trước nay tôi rất yêu thích Tây nguyên, một sự yêu thích "tự nhiên như nhiên", nay đọc bài viết của Anh sự yêu thích của tôi mới có "lý lẽ" hơn và sâu đậm hơn.
Ôi Tây nguyên của chúng ta! Một Tây nguyên tuyệt vời đẹp, tuyệt vời quý giá đã đang bị hủy hoại không thương tiếc!(nay lại còn có thêm những "làng" người Tầu mới hình thành trong đó nữa), rồi Tây nguyên thương yêu sẽ ra sao đây?!
Anh nghĩ sao? Sự ngu muội,thói vô trách nhiệm và tham lam vô độ đang cai trị Tây nguyên?
Lần nữa, cám ơn Anh.Chúc Anh sức khỏe.
Phan sĩ Cảnh - Hà nội.
Cám ơn anh Phan Sĩ Cảnh về tình yêu Tây Nguyên của anh
Hay quá bác VCH ơi!...nhưng nghe xót xa...
Đăng nhận xét