Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

BOM PHẠM DŨNG

Mấy hôm nay, liên tục, cứ 4h sáng thì Email của tôi nhận được một... bom mail. Là từ Phạm Dũng, gã bạn học cùng lớp thời đại học, ra trường làm đủ nghề, có cả... đi tù (vì viết văn chứ chả chính trị chính em hay hình sự hình sẹo gì). Hắn nổi cơn viết truyện trời ạ. Thực ra trước đó hắn đã viết truyện, đã in tập truyện ngắn, trước đó nữa hắn làm thơ, cũng đã in tập, sau đó 1 tí hắn làm đầu nậu in sách và lịch. Và giờ thì sống bằng nghề viết kịch bản sân khấu và truyền hình. Hắn viết mà không biết gõ máy tính, hoặc chính xác là gõ... 1 ngón, nên thuê 1 cô thư ký, đã tốt nghiệp đại học, chưa xin việc làm. Cô này chỉ mỗi việc kè kè cái laptop, hắn ngồi nằm đi đứng thậm chí rửa bát, đi vệ sinh... mặc kệ, nghĩ ra câu gì hắn gào lên là cô ấy gõ lại, cuối chiều hắn đọc lại rồi phân loại: cái này là thơ, cô ấy cop vào thơ. Cái này kịch bản, cô ấy cop vào kịch bản. Cái này truyện ngắn, cô ấy cho vào folde truyện ngắn. Thi thoảng muốn vào mạng hắn lại nói tên mạng ấy hoặc bài ấy, cô ấy  tìm ra cho hắn, mở sẵn tơ hơ ra đấy, hắn lau tay (vì đang rửa bát) rồi ngồi đọc...
Đại loại thế. Hắn thích 3 trang mạng của NTT, QC và của... tôi, chỉ thích đăng ở đây, thế mới khổ. Hôm kia hắn mail truyện ngắn "Nỗi sợ" tôi nhắn trả lời: Tớ cũng sợ... vãi tè. Hôm qua truyện ngắn: "cục cứt", tôi reply: để lúc nào tao say say sẽ post, và sáng nay thì bài này. Bài này thì không sợ, không cần say mới post, mà post ngay, hihi...
(ghi chú: còn nhiều lỗi chính tả trong bài này, nhưng tôn trọng... thư ký của Dũng, tôi không sửa).

NGƯỜI TÀI HOA
ƯỚP THƠ VÀO RƯỢU,
ƯỚP RƯỢU VÀO THƠ
 
Khi mới in tập thơ đầu tay: “Lời người dưới mộ”, tôi có tặng anh với dòng chữ đề tặng: “Tặng tác giả Làng quan họ quê tôi”. Anh còn nhớ không anh Tạo?
 
Thế đấy, dù nổi tiếng nhất về thơ thì với tôi, bài hát của anh, dù anh viết không nhiều, có chỗ đứng nhỉnh hơn. Sau, nghe nói anh viết bài hát đó khi chưa từng về vùng đất “Người ơi người ở đừng về…” thì… có hơi bất ngờ nhưng tôi không mấy ngạc nhiên. Đôi khi vùng đất ta yêu dù ta chưa đến, người và vật ở đó lấp lánh trong trí tưởng tượng của ta… Và nó ủ hương thăng hoa vào trong tác phẩm.
 
À, mới hôm qua hôm nghe một cô ca sĩ hát bài gì mà cứ dòng sông, nỏ nỏ, nhớ nhớ, mình ơi… theo cái làn điệu sinh ra từ cái vùng đất sinh thành Nguyễn Du - cái làn điệu đặc biệt, da diết, thấm đẫm tình người ấy -  tôi lại nhớ đến bài “Khúc hát sông quê” của anh.
 
Loại bài hát kiểu này ông sông quê nào sáng tác cũng từa tựa nhau, nhưng không hiểu sao bài hát của anh nó vượt lên được. Ừ thì cũng mộc mạc, quê mùa, nhớ nhung, đằm thắm, cũng bánh tráng đa vừng, cỏ thơm lúa trĩu, nhưng bài “Khúc hát sông quê” như có bùa có ngải, vướng vào là ngâm ngấm say say.
 
Tôi vài lần uống rượu với anh. Bao giờ anh cũng uống nhiều hơn, bồng bềnh, phiêu du hơn, khiến đôi khi tôi nghĩ, hay là các sáng tác của anh hay hơn của mình là nhờ sự thăng hoa hơn của anh từ rượu vào trong tác phẩm?
 
Tôi chưa được xem tranh của anh nhưng bìa thì nhiều. Bìa của anh lúc nào cũng có tứ. Tôi thích xem bìa sách lắm. Mấy chục năm rồi tôi còn nhớ bìa tạp chí Văn nghệ quân đội là của Hà Trì. Tôi còn chưa quên cái bìa “Thiên Sứ” của Phạm Thị Hoài do chính bồ Hoài vẽ. Hồi làm đầu nậu sách, tôi còn cầu kỳ bay từ Sài Gòn ra Hà Nội nhờ họa sĩ Thành Chương làm bìa cho một cuốn.
 
Ám ảnh bởi cái bìa cuốn “Ngộ nhận” của Camus đến nỗi sau này, mấy cuốn thơ, văn của tôi đều làm y chang cái bìa kiểu đó. Nhiều người không biết thì lắc đầu: Xấu thế! Nhưng anh Đào Hiếu cầm cái bìa sách lên thì tia ngay: “Làm theo kiểu bìa nhà xuất bản Gallimard!”
 
Bìa sách anh Tạo làm thường mang được cái, hoặc là hồn cốt nội dung, hoặc là ghi được cái thoảng qua mơ hồ trong chiều sâu tác giả. Anh luôn túm được một cái gì đó mà nhốt “lên” cái nhà tù chật hẹp 13x19, khiến cho có nhiều cuốn, cái bìa anh làm nâng chữ nghĩa trong đó lên như thể một cô gái không mấy đẹp, không mấy duyên mặc được đúng một bộ đồ hợp với mình mà thành hoa hậu.
 
Anh nổi tiếng về thơ nhưng tôi lại ít có ấn tượng với thơ anh. Với tôi, đại khái nó hay nhưng thơ anh ra đồng thời với những “Khối vuông ru bích”, “Đất nước hình tia chớp” hay “Mặt đường khát vọng” - những tiếng sét giữa trời quang - mà thành ra nó bị chìm khuất trong cái tâm hồn chật chội của tôi đã bị những vần thơ trong kia cưỡng hiếp rồi chăng?
 
Tôi có một kỷ niệm với anh. Hồi mới ra tù, tôi có đưa cho anh một tập bản thảo truyện ngắn: “Trinh tiết”, trong đó có đến 6, 7 truyện viết trong bốn bức tường giam dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn 25 woat.
 
Nhân vật của tôi, có con thì mất trinh phải khâu lại màng trinh (hồi năm 90 đã có chuyện khâu màng trinh đâu, là mình cứ ngồi mà tưởng tượng ra thôi), rồi, để trả thù người yêu, cô ta cho cái thằng Dẹo chơi đến nỗi máu chảy ra nhiều đến mức cô ta tan biến và dán vào tấm đra. Thằng Dẹo đem về phòng, hằng đêm nhìn bức chân dung khỏa thân của con nhỏ mà sóc lọ, mà chết (Trinh tiết). Một nhân vật khác là hai anh em dính vào nhau, một thằng lấy được vợ. Đêm tân hôn, thằng kia ghen, lấy dao đâm chết thằng này, và cũng nghẻo (Hai anh em). Ôi, hai anh em vừa hai vừa một ấy gợi cho một nữ nhà văn nổi tiếng, sau khi đọc truyện của tôi trên mạng, liên tưởng đến hai miền Nam, Bắc. Đại khái các nhân vật trong tập truyện ngắn ấy như thế. Nó méo mó, dị dạng chỉ có thể là sản phẩm của một thời dị dạng, méo mó. Anh Tạo phán: “Hay! Nhưng đéo thằng nào dám in”. Rồi cuốn đó Nhà xuất bản trẻ dám in,  có điều vừa in ra thì bị thu hồi.
 
Tôi không biết sáng tác của anh, hay việc nhậu của anh cái nào nổi tiếng hơn, nhưng trong một bài viết về anh, nhà văn Ngô Xuân Hội đã viết rất hay về cái lúc anh say, vung tiền ra trên cánh đồng để… lỳ sì cho lúa, thì cái hình ảnh đó, như đã chạm khắc vào phía bếp núc bầu trời văn nghệ một nhát khắc khó có thể phai mờ.
 
Một lần chúng tôi nhậu buổi trưa ở một nhà hàng ở Sài Gòn. Khi ấy anh đang ở trong ban giám khảo Hội diễn sân khấu toàn quốc. “Anh đang đi đường, thằng Thọ, (chủ tịch Hội sân khấu) ở đâu thắng xe lại: Anh Tạo lần này làm giám khảo cho bên này với nhé? - Ủa sao mời tui? Tui đâu phải dân kịch? - Mời anh với tư cách một nhà văn hóa!”
 
Thế là anh có chân trong Ban giám khảo, thế là anh có mặt ở Sài Gòn, thế là anh với tôi và vài người bạn nữa lúy túy đến tận ba giờ chiều, (trong khi kịch người ta mở màn lúc 2 giờ) anh mới dứt ra để mang cả cơn say vào trong cái hàng ghế giám khảo rất ư là nghiêm túc ấy.
 
Nhớ về anh, có một hình ảnh cứ làm tôi buồn buồn. Đó là hình ảnh anh mặc comlê, đứng hơi khom bắt tay cái ông gì… mà bắt sâu bắt bọ ấy. Là ty vi nó phát. Mình cũng cả đời đứng khom, lại còn khom đến mức có thể nói là còng nữa kìa, nhưng mình là phận con sâu cái kiến, còn anh... Tự dưng nhớ đến Hàn Tín và trạnh nghĩ, đời người, dù có là sao Khuê, sao Bắc Đẩu cũng khó mà không một lần phải làm cái thằng Tễu mua vui cho người ta trong một cái ao tù, nước đọng.
 
Có thằng nói ngạo anh là hay nhắc đến mấy cái ông tướng, ông bộ trưởng làm oai. Ô hô! Anh chịu đeo huy chương thì cái huy chương ấy nó vin vẩy rồng là ngực anh chứ! Như em nè, muốn vin vẩy rồng cho người ta biết đến mình một chút mới cặm cụi viết bài này chứ có được đồng xui teng nào đâu.
 
Người tài hoa ướp thơ vào rượu, ướp rượu vào thơ, phải chăng Nguyễn Trọng Tạo chính là con người như thế?
Phạm Dũng

6 nhận xét:

Unknown nói...

nhạt toẹt

Alo nói...

Gửi các nhà văn viết chân dung :
Viết chân dung là viết về người thật việc thât,nhưng mà nếu viết đúng như thật thì không còn là chân dung nữa!

Nặc danh nói...

Tôi thấy bài viết rất hay, ý nhị, gửi gắm nhiều điều!

Trần Mạnh Hảo nói...

Anh Trần Mạnh Hảo đây Phạm Dũng ơi. Cám ơn Văn Công Hùng đã in bài này của Dũng. Mình từng chơi thân với anh ruột Phạm Dũng là Phạm Kim Anh ( đã mất). Hóa ra Phạm Dũng này cũng quái thật. Không phải em nhắc và khen "ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP" của anh là tiếng sét giữa trời quang làm NTT giật mình mà bốc chú mày đâu. Cái giọng văn quái mới là thằng viết có phong cách. Lứa các cậu : Nguyễn Quang Lập, Văn Công Hùng, Phạm Dũng...đều có một chất quái...
Mới đọc mấy truyện ngắn của Dũng, quái khiếp ! Hôm nào vô Sài Gòn đến anh chơi nhé chú quái con quái từ đầu nậu sách đến viết truyện đến kịch bản phim phiếc ...quái đi ơi
Trần Mạnh Hảo

Văn Công Hùng nói...

Anh Trần Mạnh Hảo:
Dũng nó sống ở Sài Gòn ấy anh ạ, em vừa nhắn nó vào đọc còm của anh.

Nặc danh nói...

Phạm Dũng hôm nay viết hiền thế, lạ