Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

ĐÒ LÊN THẠCH HÃN... TÊN ĐỤC BỎ

Hôm qua ngồi ở sân bay Pleiku, mình ngớ người khi đọc cái tin Tỉnh Quảng Trị đã... đục bỏ tên tác giả Lê Bá Dương ra khỏi 4 câu thơ nổi tiếng của anh, khắc vào đá ở thành cổ Quảng Trị. 4 câu thơ ấy là: "Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ có tuổi hai mươi thành sóng nước/ vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm". Không tin được, mình điện ngay cho anh Lê Bá Dương và một người bạn đang làm ở báo Quảng Trị...
Tên Lê Bá Dương đã được kỳ khu thay bằng một bông hoa  



Ông Dương xác nhận việc này và người bạn làm báo thì... ớ ra không biết.

Dù gì thì mình cũng coi đây là một việc làm khuất tất, một ứng xử rất kém của những người mang tầm văn hóa rất vịt. Mà Quảng Trị thì mình đầy ngưỡng mộ và trân trọng, cả nhân dân và cán bộ ở đấy, khá đông là bạn mình (mình không dám nói là em dù họ học cùng trường mình, nhưng ra sau).  Tấm bia ấy đã khắc 4 câu thơ trên với tên tác giả ở dưới, giờ ở chỗ tên tác giả là một... bông hoa hay cái hoa văn gì đấy. Phải là một chủ trương lớn của một cấp lớn người ta mới dám làm một việc tày đình như vậy. Trong khi chờ xác minh lý do mình đăng lại bài mình đã viết về 4 cấu thơ của Lê Bá Dương:
-------------
Mưa và gió, những cây nhang cứ run lên bần bật trong chiều. Nghĩa trang liệt sĩ ở đâu mà chả giống nhau, những tấm bia tăm tắp, những ngôi sao đỏ, những cuộc đời, số phận... giờ lạnh lùng là những dòng chữ tên tuổi quê quán ngày nhập ngũ ngày hy sinh... chao ơi, những chàng trai căng tràn nhựa sống, hừng hực tuổi hai mươi, giờ chỉ còn có thế thôi sao. Rất nhiều, tuyệt đại bộ phận trong ấy, những người con ưu tú của dân tộc kia, ra đi khi chưa biết cái mùi tóc con gái nó mềm mại thế nào, nó mỏng manh mời gọi bí ẩn hấp dẫn ra làm sao... thế mà lại vẫn còn những người chỉ đơn sơ dòng chữ: liệt sĩ chưa biết tên- ngày xưa còn lạnh lùng hơn với tấm biển liệt sĩ vô danh.





Một con người bình thường thì ngồn ngộn nghênh ngang như thế, nói cười đi đứng như thế, hoành tráng như thế... thế mà giờ, mỗi bác mỗi ô, im lìm dưới mưa, trong bàng bạc khói hương và nhòe nhoẹt nước mắt chúng tôi. Cái nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn này khác hàng ngàn nghĩa trang khác trên khắp đất nước ta bởi nó là nghĩa trang của các nghĩa trang, là nơi quy tụ đông nhất các liệt sĩ từ mọi miền đất nước, và vì thế mà gần như tỉnh nào cũng có một khu riêng, với một cái nhà thờ theo phong cách văn hóa tỉnh ấy. Hẳn sẽ ấm lòng hơn khi giữa nơi heo hút này, các liệt sĩ như được nằm giữa quê nhà. Cũng phải tỏ lòng trân trọng với ai đấy, tác giả của việc thiết kế nghĩa trang này ra từng khu, để nghĩa trang có vẻ nhỏ lại, ít đi, tầm nhìn gần lại, không thấy dằng dặc miên man hàng chục cây số mộ liệt sĩ mà ớn lạnh, mà hoang mang. Cảm giác gần gụi khá rõ khi các khu ngăn nhau bởi các lối đi và cây xanh...

     
    Quảng trị nổi tiếng cả nước bởi mấy tiêu chí, là gió lào, là con sông Bến Hải với cầu Hiền Lương... và 2 cái nghĩa trang cấp quốc gia. Chắc chả ai tự hào vì tỉnh mình lại có 2 cái nghĩa trang to thế, nhưng lịch sử đã chọn Quảng Trị để giao phó việc này, vậy thì phải nhận thôi. Một đồng nghiệp và là đàn anh của tôi cũng để lại dấu ấn của mình ở Quảng Trị. Anh nhập ngũ lúc 15 tuổi, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ và suýt được phong anh hùng ngay sau đấy một năm. Là người đầu tiên khởi xướng việc thả hoa trên sông Thạch hãn vào mỗi dịp 27/7 hàng năm. Năm nào cũng thế, ngày này, từ Nha Trang anh lại nhảy tàu ra Quảng Trị, bỏ tiền túi mua hết hoa ở các chợ gần đấy, thả xuống sông Thạch Hãn viếng đồng đội. Từ cái việc đầy ân tình ban đầu của cá nhân ấy, giờ đây, tỉnh Quảng Trị đã chính thức lấy ngày 27/7 để toàn dân thả hoa xuống sông Thạch Hãn viếng các liệt sĩ. Con sông hiền hòa bây giờ trở thành dòng sông hoa ngày nay, thời chiến tranh nó là dòng sông máu. Lê Bá Dương, vâng, người cựu chiến binh mà tôi đang nhắc ấy là Lê Bá Dương, còn có 4 câu thơ, mà theo tôi là rất hay, hay không kém một câu thơ hay nào của các nhà thơ chuyên nghiệp: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm... Vào thành cổ Quảng Trị bây giờ vẫn nguyên nỗi xúc động thiêng liêng khiến cho ai cũng như khe khẽ bước chân, như sẽ làm động giấc ngủ của các liệt sĩ, bởi ai dám nói dưới xanh rờn cỏ kia không còn di hài liệt sĩ. Cũng như thế, Lê Bá Dương dặn người chèo đò hãy nhẹ tay bởi dưới lòng sông Thạch Hãn kia vẫn còn những người lính, mà phải là người trong cuộc mới khiến chàng cựu chiến binh thốt ra những câu thơ dứt ruột kia được.

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.



 
Trước hết nói một chút về tác giả.
 
          Anh Lê Bá Dương hiện nay là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là nhà báo, phóng viên thường trú của báo Văn Hoá tại Nha Trang. Quê chính của anh ở Nghệ An, nhập ngũ năm 15 tuổi, và ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày, anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, anh đã được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ diệt máy bay… và người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên người ấy cũng đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành. Hồi ấy, trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dươngg, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Hồi ấy, chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm, hồi ấy, máu và lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân... 

          Bây giờ ở Quảng Trị, vào tháng 7, có một phong trào rất đẹp là toàn dân kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đã lặng lẽ chìm trong những ngày đỏ lửa hào hùng ấy. Nhưng trước khi nó thành phong trào như bây giờ, vào hồi đang còn khó khăn nhất của thời bao cấp, người cựu chiến binh Lê Bá Dương ấy đã dồn lương và nhuận bút mỗi năm làm một chuyến tàu chợ vào tháng 7, từ Nha Trang ra Quảng Trị, anh mua hết hoa ở chợ Quảng Trị rồi mang ra sông thả. Ban đầu nhiều người ngạc nhiên, có người còn bảo: ông khùng. Hàng chục năm như thế, đến thời ông Vũ Trọng Kim làm bí thư thì ông mới phát động nó thành phong trào rầm rộ như ngày nay... 

                           Lê Bá Dương là người đang kẹp AK 

Trở lại bài thơ

          Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn. Thanh bình quá thể, vô tư quá thể, nhưng ai biết, ai nhớ, dưới đáy sông kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu thơ vụt ra: 

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.
 
          Sau này khi công bố trên Tạp chí Khoa học Công Nghệ Khánh Hòa năm 1990, nhà văn Đỗ Kim Cuông (giờ là phó chủ tịch LHVHNTVN) khuyên anh sửa lại. Và bài thơ được hoàn chỉnh là: 

Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
 
          Nhưng vấn đề là, với bài thơ 4 câu, bài thơ duy nhất của Lê Bá Dương, hiện nay có khá nhiều dị bản, kể cả khi nó được khắc rất trang trọng trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua. 

          Trước hết là chữ “lên”, phần lớn đều ghi là “Xuôi”. Xin thưa, nếu “xuôi” thì không phải chèo, mà chỉ “lái” thôi. Chèo đò và lái đò là hai động tác khác nhau. Tiếp đến là chữ “ơi”, nhiều người dùng là “xin”. Bản thân Lê Bá Dương khi sửa từ "xin" thành “Ơi” là thán từ gọi đò – ơi đò… bớ đò…đò ơi theo đúng phương ngữ Quảng Trị, nghe thắt thẻo và có tiếng đồng vọng lênh lan trên sóng nước. Thêm nữa, ở bản gốc thì câu thứ 4 đã có từ "xin" rồi. Nhưng theo chúng tôi, trong trường hợp này dùng “Xin” hay “ơi” cũng đều khả dĩ. Câu dưới dị bản mới nặng, ấy là “còn đó” thành “còn có”. Chữ “còn đó” hay hơn, mênh mang hơn, phổ quát hơn, mở hơn. Lê Bá Dương không phải nhà thơ chuyên nghiệp nhưng anh đã sử dụng chữ rất hợp lý và chính xác. Hai câu dưới thì có một dị bản là “bờ bãi” và “bờ mãi”, thì theo chúng tôi, dùng từ nào cũng được, dẫu “mãi mãi” hay hơn, vĩnh cửu hơn. “Bờ bãi” vừa cụ thể, vừa hẹp, chữ “bãi” như một từ láy phái sinh… 

          Có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người, đặc biệt là bài thơ còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương thả hoa cho đồng bào, đồng đội, vì vậy, từ khi xuất hiện trên báo bài thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ  một vài  câu, người khác nhớ cả  bài 4 câu, nhưng thường thì mọi người nhớ và thuộc hai câu đầu trong cả bài thơ 4 câu… Và ngay cả 2 câu đầu đó cũng vẫn có vài từ khác nhau như đã dẫn. Chúng tôi thống kê có các dị bản như sau: 

      Dị bản 1: 

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
 
      Dị bản 2 khác với DB1 ở từ ơi thay cho từ xin trong câu đầu 

Đò xuôi Thach Hãn ơi  chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
 
      Dị bản 3 khác với dị bản 2 ở từ "Có" thay cho từ "Đó":
 
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm... 

      Cũng có bản từ hai mươi trong câu thứ 3 được đổi thành từ đôi mươi… 

Tuy nhiên không chỉ có dị bản. Xung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại. 

          Do bài thơ là tiếng lòng lại  được viết và xuất hiện từ mảnh đất thiêng, nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết đến. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí khách hàng tại Phú Yên còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ, tên, số điện thoại tác giả… Ngay cả tựa bài thơ “Lời người bên sông” cũng là một trong những giai thoại đó. Do là một cảm xúc được biểu đạt như một lời thỉnh cầu, bởi vậy lúc đầu bài thơ không có tựa  đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề “ như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đưa bài thơ đi nhà in, thấy  thiếu cái tựa bài liền gọi điện hỏi xem tựa bài thơ thế nào? Nghe hỏi vậy, tác giả giải thích: Đó chỉ là lời người bên sông… Không ngờ người biên tập cứ nghĩ đó là câu trả lời của tác giả và thế là “lời người bên sông” bỗng thành tên bài thơ… 

          Ngoài ra, Lê Bá Dương còn một bài thơ 2 câu được viết trong một tình huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận, cô bé trong nhà dân chợt hỏi: Chú ơi, tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị. Vội quá, anh lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu thơ và cũng là hai vế đối: 

Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền.
 
          Mãi gần đây, nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị, "cô bé" bây giờ đã là cựu du kích trao lại cho Lê Bá Dương  tờ giấy kẻ ngang đã úa vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ viết 2 câu thơ. Hôm đi cùng đồng đội lên cao điểm 544, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương. 


                    Lê Bá Dương hiện nay (ảnh chụp tại Trường Sa)

          Chia tay Quảng Trị trong một ngày mưa lạnh, tôi vẫn nhẩm mấy câu thơ của Lê Bá Dương: Đò lên Thạch hãn ơi chèo nhẹ... Con sông ấy, giờ yên bình thao thiết chảy sau xe chúng tôi...








16 nhận xét:

Unknown nói...

Kính mến gửi các anh. Văn Công Hùng-Lê Bá Dương!
Vừa đọc bài “ĐÒ LÊN THẠCH HÃN…TÊN ĐỤC BỎ” của anh Hùng. Tôi bức xúc và nhớ. Dịp 27-7 năm ngoái, thằng em Sài Gòn của tôi gửi cho 5 dị bản bài thơ. (Thực lòng xin lỗi các anh, những thế hệ đi trước, thế hệ mà tôi muốn vái cả những người đã chết và những người còn sống, trước khi đọc bài này vì không biết các anh là ai nên trong thư gửi cậu em tôi dùng từ hỗn láo, tôn trọng sự thật nên cứ để để nguyên. Cho tôi bày tỏ lòng đặc biệt ngưỡng mộ đến anh Lê Bá Dương. Giữ nguyên cách xưng hô nhưng tôi đã loại bớt những chi tiết …. “không cần thiết!”)
Đò lên(xuôi) Thạch Hãn ơi (xin) chèo nhẹ
Đáy sông còn đó(có) bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi(bãi) mãi ngàn năm.

Rồi hỏi.
-Theo anh thì thế nào?
Ngay lập tức tôi trả lời nó.
Hà Nội 27-7-2012
Thân gửi Hùng!
Tôi vừa xem chương trình ấy trên TV. Cảm giác thật lẫn lộn. Thôi, không bàn.
Về bài thơ. Ông chịu khó nhỉ! mò đâu ra lắm dị bản thế? Tuy nhiên, bàn một tý cũng hay.
Trước hết, sông nào chả chảy ra biển. Có phải Thạch Hãn đổ ra cửa Tùng? Người ta bảo xác lính ta trôi về đấy vô kể cơ mà. Nếu để chữ XUÔI nghe êm hơn, hợp với nỗi lòng người viết hơn, nhưng nhớ rằng, thằng viết nó đang đau, chưa hết cơn kinh hoàng,
Nhắm mắt lại thấy dòng sông đỏ máu,
Ở dưới kia trôi hàng hàng bạn nó.
Như trong cuộc chia li,
Kẻ ở lại dõi theo người dần khuất
Hồn người sống với theo dòng xác chảy
Đâu đó dập dềnh cúc áo, bình toong.
Như vậy, các anh chỉ nằm từ Thành cổ ra biển thôi. Vả lại, khi xuôi thì chả phải bảo người ta đã “chèo nhẹ” rồi, chỉ cái đò ngược, đò LÊN kia mái chèo mới phải gồng mình lên mà đạp vào nước, mới co cơ làm kinh động những linh hồn dưới đáy sông. Ngày ấy, xác trôi thành dòng, hãy tưởng tượng, bây giờ những linh hồn vẫn nối nhau xuôi dòng … Cái va chạm của những con thuyền ngược mới là đáng ngại. Tác giả ơi! Sao không nói thẳng ra rằng:
-Này! Mấy mái chèo kia! Các bạn tôi chết trẻ lắm đấy! Thiêng lắm đấy! Hãy để họ yên, nghe chưa!
Khi nghĩ về các anh, không hiểu sao tôi cứ thấy “tủi tủi”. Hình như họ là những “oan hồn”. chẳng giống các liệt sỹ ở bất cứ nơi nào khác. Bây giờ người ta nhớ đến, người ta tổ chức này nọ là đúng, là tốt. Nhưng khi người ta vinh danh họ “Chiến thắng”, ca cho họ những mỹ từ vinh quang, nghe nó cứ …làm sao…! Đã ai hỏi tại sao họ chết? Tại sao họ chết nhiều đến thế? Và đã ai trả lời họ chết vì cái gì? Cho cái gì? Phải! Họ chết cho dân tộc, họ đã hy sinh vì dân vì nước, vì … lý tưởng cộng sản. Trong xuốt hai cuộc kháng chiến, có liệt sỹ nào không chết vì những thứ đó? Sao tôi vẫn cứ thấy các anh ở Thạch Hãn có cái gì khang khác… Hầu hết họ vừa tốt nghiệp phổ thông, hay đang học đại học, họ cùng đi, cùng vào thành cổ và cùng nằm lại…
Thôi! chẳng bàn làm gì! Nhưng có lẽ bởi thế nên cái kẻ may mắn còn sống kia mới XIN chèo nhẹ chứ chẳng được như mấy ông giao thông giơ gậy phồng má thổi một phát, thổi ai là người ấy phải dừng. Nếu XUÔI và ƠI thì “Thu Bồn” quá, thơ quá. Phải LÊN và XIN mới đau, mới thật là Thạch Hãn.
Nếu: “Dưới sông còn CÓ bạn tôi nằm” thì chả nhẽ đò kia chẳng biết gì sao? Muốn nhắc nhở, đừng quên một nỗi đau thì phải là CÒN ĐÓ.
Cũng giống như vậy: …BÃI MÃI ngàn năm. nghe nó “thơ” hơn., nhưng không phải đâu. Tinh thần ấy, hoàn cảnh ấy, những linh hồn 19-20 ấy, nhiều người trước khi chìm xuống còn gào thét gọi “Mẹ ơi…!” Họ chẳng được như Tố Hữu hay Tế Hanh mà để hồn ôm ấp bãi mía nương dâu đâu. Trùng trùng lớp lớp những con sóng 20 ấy sẽ MÃI MÃI vỗ vào lòng đất Việt, cào cấu vào lòng Mẹ Việt… Theo tôi thì nên để dấu phẩy hay chấm chấm chấm trước hai chữ … Ngàn năm! Như thế nó dài lâu hơn.
Thôi! Mệt quá, mai đi trực. Xin các anh yên nghỉ. Thằng sống về còn chẳng làm gì được, cứ ở đấy mà đùa nghịch, mà lặng yên vỗ mãi ngàn năm!
Nhân dịp này tôi gửi Hùng bài “Gọi hồn liệt sỹ Hà Nội”

namtqsc nói...

Khó nói ra quá. Nhưng Tôi thấy day dứt ... rất day dứt. Xin sẻ chia cùng Tác giả và người nhận xét, nếu có thể Văn Công Hùng cho Tôi xin bài " Gọi hồn liệt sỹ Hà Nội " để đọc. Xin cảm ơn, xin chào và chúc khỏe cả hai người.

Bimbim nói...

Đây là bài thơ cảm xúc xuất thần của người trong cuộc, cho nên những người đọc cùng thời tác giả cũng sẽ cảm nhận xuất thần như tác giả và nhập ngay thần thơ mà không cần phân tích gì cả.Bài thơ vì thế mà sinh ra dị bản về từ chứ không hề dị bản về thần thơ.
Còn nếu mổ xẻ như hiện nay thì chưa có dị bản nào hay hơn dị bản nào.Còn nếu phân tích theo kiểu kỹ thuật và logic thì các chữ "lên" hay "xuôi","ơi" hay "xin", "bãi" hay "mãi"...đều là không ổn.
Vì nhiều dị bản nhưng thần thơ, hồn thơ không mất cho nên tôi nghĩ việc không ghi tên tác giả dưới bài thơ (4 câu) có khi lại hay,bài thơ và tác giả sẽ huyền thoại.

PTN nói...

Bạn Bimbim nói đúng, chỉ có dị bản về từ chứ không có dị bản về thần thơ.
Đây là bài thơ duy nhất viết về chiến tranh mà bất cứ lần đọc nào em cũng nghẹn ngào và rưng rưng lệ, giống cảm giác như khi đứng giữa nghĩa trang liệt sĩ trên đất Quảng Trị.

Nặc danh nói...

Bác VCH chịu khó tìm hiểu 1 chút về "Đại lộ kinh hoàng" để thấy trong trận Cổ Thành QT, bọn Ngụy tàn ác ntn? Bọn chúng tháo chạy đã lùa dân theo. Quân ta truy kích theo bọn chúng, khi báo công đã đếm cả số dân chạy theo địch bị ta giết (khoảng 90 là dân).

Xuân Lộc nói...

Lần đầu vế thăm Quảng Trị
Bốn bề thành cổ rêu phong
Chân bước trên bờ Thạch Hãn
Nghe như ai gọi giữa dòng...
Xuân Lộc

Cám ơn bác Hùng,phải tìm cho ra lẽ bác ạ,có ai đó đang muốn cướp công,biến bài thơ của người lính có tâm thiện thành một bài thơ dân gian để tác giả không được luu truyền,rồi biết đâu một thời gian sau,trong sử sách sẽ ghi tác giả bài thơ là của một vị quan trời ơi đâu đó.Khốn khiếp cho cái văn hóa thời nay.

Nặc danh nói...

co non thanh co-mot mau xanh non to,xin cho hung ho voi nguoi nam duoi co....co xua chet tan chan troi,ma nay cuc trang diem vai bong uh? !!! moi tuoi doi muoi thanh song nuoc.....menh mang bo bai cos binh chang?

Bui Xuan Thinh nói...

cam on nha tho Van Cong Hung nhan xet tac gia bai tho cua Le Ba Duong. Toi mot ccB trung doan 27 nho laqi nam ay 1972. Linh van tai chay thuyen van chuyen thuong binh.acchet truong phinh,troi giat ma khong vot duoc. Nay cu day dut luong tam.Nghe bai tho noi dung qua, cam on nha tho nhan et ve bai tho nay.de nghi xem lai vi sao bi duc bo? Bui Xuan Thinh

Anh Hung nói...

Dù chỉ bốn câu thơ nhưng nó là một bản hùng ca bi tráng về cuộc chiến ở Quảng Trị. Dù đục bỏ tên thay đó một bông hoa, nhưng ai cũng biết bài thơ đó của Lê Bá Dương, tên anh đã thành một bông hoa bên dòng Thạch Hãn

Lê Tấn nói...

Cuối cùng rồi sao?vi sao đục bỏ tên tác giả?

Unknown nói...

Vì có nhiều dị bản nên đã thành tác phẩm dân gian. Mà tác phẩm dân gian thì làm gì có tác giả ạ !? Thế nên phải đục bỏ đi thôi !!!

Unknown nói...

Vì có nhiều dị bản nên nó mặc nhiên trở thành tác phẩm dân gian, mà tác phẩm dân gian thì làm gì có tên tác giả !? Thế nên đục bỏ đi đấy ạ !!!

Unknown nói...

Vì có nhiều dị bản nên nó mặc nhiên trở thành tác phẩm dân gian, mà tác phẩm dân gian thì làm gì có tên tác giả !? Thế nên đục bỏ đi đấy ạ !!!

Nặc danh nói...

Mãi mãi ngàn năm đi với nhau nghe không ổn. Mãi mãi là vô hạn, ngàn năm là hữu hạn.

Nặc danh nói...

1. Tôi vẫn thích "ơi..chèo nhẹ": nghe như một lời nhắc nhở đầy nhân ái và thiện cảm đến thế hệ sau các anh (đã khắc vào bia đá là để lưu hậu thế). Đâu đó họ chỉ "vô tâm, vô tình", chứ không đến nỗi "nhẫn tâm" khuấy đục dòng trong lịch sử, để đến nỗi các anh phải van xin, cầu khẩn. Hãy tin tưởng ở họ, ở tương lại nước nhà.
2. Tôi hoàn hoàn đồng ý với cách lý giải "linh hồn các anh vẫn đang xuôi dòng ra biển Mẹ", nên phải chèo nhẹ khi đò LÊN, chứ không XUÔI theo các anh.

Nặc danh nói...

Chắc chắn những việc làm trên tấm bia đá kia là ý tưởng của một lãnh đạo nhưng được sự tư vấn của một trợ lý giúp việc cho lãnh đạo để thể hiện cái thông minh của một trợ lý nên anh ta đã gợi ý cho lãnh đạo thay đổi một số từ trong bản gốc của bài thơ biến nó thành là của lãnh đạo nhưng không ngờ nó bị lên án mạnh quá thế là nó bị bỏ lơ luôn theo kiểu chân không tới đất cật chẳng tới trời đã thế ông để cho chúng bay cãi nhau ông chết , mày chết ( nhà thơ ) là hết . Đó cái ích kỷ của lãnh đạo địa phương là thế bởi họ sinh ra sau cuộc chiến nên họ thậm chí có người còn dùng bằng cấp giả để ngồi vào ghế lãnh đạo thì làm gì họ có trình độ hiểu biết hết cái tâm sự của những người lính kẻ còn người mất đang nằm vĩnh viễn dưới đáy sông thạch hãn này .