Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

LƯỚI TÌNH EM THẢ VÀO TÔI

Thơ Văn Công Hùng đồng hành cùng các con chữ hoang dã, đỏ màu ba zan. Lối diễn tả của anh thật như cuộc sống bình dị vẫn thế. Chân dung anh được khắc hoạ bằng những con chữ ấy. Một lần anh tâm sự với tôi: anh sinh ra ở Thanh Hoá, quê ở Huế, sống ở Tây nguyên nhưng ảnh hưởng văn hoá Bắc hà! Vậy là đã có ít nhất có ba vùng văn hoá đặc trưng hiện lên trong các sáng tác của anh

 



lưới tình em thả vào tôi
rồi đem treo vội giữa trời mà đau
ai lường được nỗi nông sâu
tôi như con cá chui đầu vào nơm
mà em nào có sướng hơn
cô đơn trăm nẻo mỏi mòn ngày xanh

một mình thức giữa một mình
một mình mình cháy một mình mình thiêu
ta như cơn gió khát diều
dứt tung dây buộc sợi chiều lên tơ

nuôi nhau bằng những giấc mơ
mà thoi thóp nhớ mà mờ mịt vui
thì thôi thì thôi thì thôi
chúng mình hai mảnh chắp rời nỗi đau

nếu còn được đến mai sau
xin em vẫn được trói nhau thành diều
                                                      Pleiku 26. 12. 05 



Lời bình:  Một mình mình cháy 

           Nhà thơ Văn Công Hùng người Huế, nhưng nghiệp thơ của anh lại gắn với Tây Nguyên, với những bông dã quỳ vàng nhức nhối. Mùa hoa xoan, theo những cánh hoa tím nhạt hồn yêu rụng vào ngày xanh. Ðể rồi tự trách ai đã thả lưới tình vợt hồn thơ hong gió.Chuyện mắc lưới chưa chắc đã xảy ra tại đất kinh kỳ. Nhưng tình yêu Hà nội, những dáng áo dài Hà Nội, hương hoa sữa và heo may phương bắc như giăng lưới bủa vây người thơ. Người giăng lưới cũng chẳng sung sướng gì: đơn trăm nẻo mỏi mòn ngày xanh/ một mình thức giữa một mình... Không ít lần đi giữa bạt ngàn dã quỳ Tây nguyên, nhà thơ đã thổ lộ lòng mình. Sắc vàng lặng lẽ ám ảnh lặn thật sâu trong ký ức. Sắc thu cao nguyên run rẩy trong gió dã quỳ. Người ở đây, mà hồn lại phân thân tận đâu. Rồi vơ vào mình cô đơn, căn bệnh mãn tính của nòi thi sỹ. Cảm nhận ấy thể hiện khá rõ trong Lưới tình em thả vào tôi. Thơ Văn Công Hùng đồng hành cùng các con chữ hoang dã, đỏ màu ba zan. Lối diễn tả của anh thật như cuộc sống bình dị vẫn thế. Chân dung anh được khắc hoạ bằng những con chữ ấy. Một lần anh tâm sự với tôi: anh sinh ra ở Thanh Hoá, quê ở Huế, sống ở Tây nguyên nhưng ảnh hưởng văn hoá Bắc hà! Vậy là đã có ít nhất có ba vùng văn hoá đặc trưng hiện lên trong các sáng tác của anh. Riêng ở bài thơ này anh sử dụng nhịp thơ lục bát - một thể loại mà anh ít dùng trong thơ mình. Tuy thế anh vẫn có cách gieo vần lạ, ví như cái điệp khúc thì thôi, một mình mình... tạo ra những câu lục bát đất ba dan.Tôi cho rằng mỗi nhà thơ đều có phút tự cháy để nghiệm lại cái chất liệu gây đám cháy. Ðành rằng lửa nào cũng giống nhau, nhưng tiếng reo của lửa thì khác nhau lắm. Có đám cháy rừng, đám cháy lửa trại, đám cháy đủ sưởi ấm cho hai tâm hồn lạnh cóng... Nhưng ở vùng đất đỏ cao nguyên đám cháy ở đây như vẫn còn chịu cái âm hưởng của bài ca thời chống Mỹ: Ðám cháy rừng đã bốc cao ngùn ngụt. Tôi nghĩ thời điểm thiêu cháy chính mình để thăng ấy đã làm nên một đường bay mà bất cứ nhà thơ nào cũng ước muốn. Ðám cháy trong thơ Văn Công Hùng để phân thân hai mảnh yêu, hai mảnh đời. Mảnh kia, nửa còn lại đã cầm trong tay nhưng cái ngơ ngác gió, lặng lẽ vàng đã dẫn anh đi như người vô vi dứt tung dây buộc và nguyền rằng: chúng mình hai mảnh chắp rời nỗi đau/ nếu còn được đến mai sau...
    

                                                    Vân Ðình Hùng

Không có nhận xét nào: