Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

ĐI THƠ


Vậy nên cứ nhìn ngắm mãi cách trình bày thoáng đạt mà Vòm trời khác  có. Vậy nên chốc chốc lại bật lên trang web của nhà thơ, để xem bạn đọc nói gì, nghĩ thế nào về Vòm trời khác và cũng là để xem ngày hôm nay, so với ngày hôm qua, có thêm bạn đọc nào muốn mua, muốn xin tập thơ mới nhất này của anh không...
----------



Thả chữ vào nỗi nhớ luênh loang

(Nhân đọc tập Vòm trời khác, thơ Văn Công Hùng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2012)
Thái Bình

          “Có một vòm trời khác/ khi em ghé vào/ trong veo và nhẹ nhõm/ những ngón chân nhón sương/ có một bình minh khác/ những tiếng chim gù/ những nụ hoa tí tách/ thấp thoáng một ý nghĩ xanh/ rằng ngày sẽ nắng”-đó là những câu thơ trong sáng và đẹp-một vẻ đẹp dịu dàng, giản dị được cất lên trong Vòm trời khác-tên bài thơ và cũng là tên tập thơ mới nhất của nhà thơ Văn Công Hùng. “Đây là tập thơ thứ 9, nếu tính đầu sách thì là thứ 10 và cũng là tập tôi ưng ý và đặt nhiều hi vọng nhất”-nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ.

          50 tác phẩm trong miên man xúc cảm, với Vòm trời khác, cái cách thơ đi thật lạ, từ hình thức đến nội dung. Đã quen với giọng điệu trữ tình, quen với cách thả thơ, nhả chữ, vận vần đầy ngẫu hứng nhưng không kém phần uyển chuyển của nhà thơ trong Ngựa trắng bay về, Hoa tường vi trong mưa, Gõ chiều vào bàn phím-tên những tập thơ trước của anh, tôi vẫn không giấu được sự ngỡ ngàng và mê đắm trước những tứ thơ ngậm mật, chất ngất cảm xúc-mà phần nhiều là những cảm xúc được mở rộng biên độ, gồm cả những xúc cảm đến từ cảm nhận của độc giả, tạm gọi là xúc cảm ngoài thơ. Tôi cũng không giấu được vẻ ngạc nhiên-ngạc nhiên trong nắc nỏm trước bời bời những ngôn từ được thể hiện trong một chiều không gian mới-không gian của sự yêu nghề, say thơ, với ngút ngàn tâm trạng. Và, cứ thế, thơ anh an nhiên chảy, trong tấm áo của một người thơ “ham chơi nghiêm túc, rất thích đi và hết mình trong các cuộc vui, để sau đó khi mở laptop ra thì mình đối diện với nỗi cô đơn của mình, đắm chìm vào cảm xúc, và viết” (chữ của nhà thơ Văn Công Hùng) cũng như trong sự chờ mong của bạn đọc. Cùng với cách ủ hương ấm nồng của mảng thơ trữ tình thuần túy, Vòm trời khác được pha thêm men say của những tiếng và giọng thơ thế sự-phần lớn là sự phá cách chủ động với mong mỏi sao cho “những ý nghĩ xanh trong một miền trời khác ấy” sẽ chạm đến được trái tim đồng điệu của biết bao công chúng-những người trước đến nay vốn đã yêu thơ anh.

          Những cái tít gợi, sáng màu cách tân (Cởi ngày, Mơ non, Thở dài đêm, Xê dịch đen…); những cái tít đượm hơi thở cuộc sống hiện đại (Offline trên máy bay, Nghĩ vụn trên máy bay, Viết cho bóng tối…); những cái tít ẩn mình trong một câu thơ đẹp (Đi về em gặp một chân trời, Còn giấc mơ này tặng nốt cho nhau, chiều qua có một cơn say, một mình ngồi tết…) đã khiến cho những độc giả, dù khó tính mấy cũng dành thời gian đọc cho kỳ hết Vòm trời khác -đọc và tưởng tưởng; đọc và suy cảm, đọc để yêu thơ; đôi khi là một bài, một đoạn, đôi khi chỉ là một đôi câu-và như thế cũng đã là đủ quý đối với người làm thơ rồi. Tôi, có thể chưa hiểu hết mọi vẻ đẹp trong những câu thơ, bài thơ anh viết, nhưng rất thích, rất yêu và thuộc rất nhanh những cách nói như thế này của anh: “tận cùng biển gặp lại nguồn róc rách/ những cánh buồm xếp gió rụng về nhau” (bài Đi về em gặp một chân trời); “ơ kìa mẹ ta/ có một ném nhanh thắp trong ký ức/ đêm lên hương như thể mẹ đang cười” (bài Ta ngồi vun lá); “có những chân trời có những chuyến bay/ có nỗi nhớ tràn ra ngoài nỗi nhớ/ hoa tử vi nhỏ nhoi im lặng quá/ xô lệch nỗi buồn mong manh mây xa/ chiều ngang trái như cát bay và mắt/ có một người chắt gió thả về sông” (bài Hoa tử vi); “còn em tia nắng cuối ngày hắt vào bóng núi/ những đợi chờ không là hư ảo/ cởi đêm ra gặp những giấc mơ ngày/ cởi vào nhau một chân trời đẫm nhớ” (bài Cởi ngày)… Không chỉ thế, tôi đặc biệt yêu thích những dòng lục bát thanh thoát mà lắng sâu của anh-những câu thơ mà sau thêm mỗi một lần đọc, tôi lại thấy những ánh sáng cách tân vần điệu hắt lên; mà Này em là một trong những bài như thế: “này em/ gió đựng vào khuôn/ nắng lên dựng núi về nguồn sông xưa/ quẫy trời lấy mắt hứng mưa/ yêu nhau mang một ngu ngơ được về/…/ này em/ còn một mong manh/ trắng trời xứ lạ một mành chỉ tơ/ thôi thì luyện nhớ thành bùa/ thả lên mây trắng/ và chờ/ trống không…”.

          Đọc và cảm được rằng thơ như thế là hay, là ý nghĩa, là chiếm được tình cảm của độc giả nhưng lại rất khó để lý giải vì sao thơ hay, vì sao thơ ý nghĩa, vì sao thơ đang nói giùm những tâm trạng rất riêng của bạn đọc (trong đó có cá nhân mình)… là những cảm giác của tôi khi ngồi trước Vòm trời khác. Vậy nên cứ ngâm ngợi mãi các tứ thơ. Vậy nên cứ nhìn ngắm mãi cách trình bày thoáng đạt mà Vòm trời khác  có. Vậy nên chốc chốc lại bật lên trang web của nhà thơ, để xem bạn đọc nói gì, nghĩ thế nào về Vòm trời khác và cũng là để xem ngày hôm nay, so với ngày hôm qua, có thêm bạn đọc nào muốn mua, muốn xin tập thơ mới nhất này của anh không. Để rồi, lần nào, trước khi đóng máy, tôi cũng khẽ khàng đọc những câu cuối của bài thơ mang tên tập sách này-đọc trong một niềm yêu thích đến vô cùng: “Ngậm vào sương gặp cỏ/ đi hết nhau đong nỗi buồn/ em hiện hữu và em mờ ảo/ nhón mình lên những bồng bềnh”.
T.B
(Bản gốc, báo GL sáng nay đã in, khi in đã "được" cắt bớt một khúc)



 

Không có nhận xét nào: