Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

NĂM MÈO NÓI CHUYỆN... DÊ

Tết năm này mình viết đến 2 bài về mèo, bảo đảm rất... mèo. Nhưng chưa dám đưa lên vì sẽ bị "treo bút" ngay. Nhưng bài dê này cũng rất dê, bảo đảm không dê không thành... dê. Bài này mình post trên xe từ SG về Pleiku.


          Dê Ninh Bình đã danh bất hư truyền, mình tự hào vì đấy là... quê ngoại. Nhiều người hay nghĩ oan cho dê, hay lầm bẩm chửi... đồ dê, trong khi thực ra, dê không... dê chút nào nhé, chỉ có người là... dê thôi.
Tự nhiên lẩn mẩn mần bài này, xong ngẩng lên lịch, còn đến mấy năm nữa mới tới năm dê, để thì nó... thiu, thôi post lên để ai quan tâm đến dê thì biết, và... đồ dê...


               
          Loài người hay đùa dai, cứ lấy dê ra để diễu nhau, làm như dê là loài suốt đời rửng mỡ, cứ hau háu mỗi chuyện truyền giống. Xưa Tô Vũ chăn dê mà vào lịch sử, nay nhiều chủ quán tái dê mà nên cơ nghiệp. Và bản thân dê thì cũng có rất nhiều điều để... tản mạn...
          Quê ngoại tôi ở Ninh Bình, vùng đất nổi tiếng về dê ở miền bắc, cũng giống như Ninh Thuận ở miền trung. Nhưng dê Ninh Bình ngon hơn bởi xứ này trập trùng núi đá vôi, dê leo trèo nhiều nên thịt săn chắc. Những loại cây nào tồn tại, sống được trên đá vôi đều là những loại cây khỏe, hiếm và thường là có các vị thuốc tốt, bởi thế dê ăn sẽ... bổ theo. Hồi bé, tôi rất loẻo khoẻo gầy gò nên được mẹ gửi về nhà cậu để mỗi buổi sáng cậu vắt cho một ly sữa dê, vì nhà cậu nuôi một đàn dê cỡ trăm con. Nhưng tôi thú nhất là chiều chiều được theo cậu đi lùa dê về chuồng. Con dê đực đầu đàn được đeo một cái chuông, cứ nghe tiếng leng keng ở đâu là biết đàn dê đang ở đấy. Dê đầu đàn chính là cầu nối giữa chủ và đàn dê. Nó rất khôn, người ta điều khiển cả đàn dê thông qua con đầu đàn này, và vì thế mà nó rất hiểu chủ và chủ cũng chiều nó. Nhiều khi chiều rồi cả đàn dê còn đang ở trên đỉnh núi cao chót vót, phải thêm người chi viện mới lùa được chúng về. Sau này mỗi lần ra Hà Nội, thế nào tôi cũng phóng về Ninh Bình để được... ăn thịt dê, dù rằng bây giờ ở đâu cũng có các quán đặc sản dê, nhưng tôi vẫn cảm thấy dê Ninh Bình là "chất lượng cao" nhất. Nhiều năm ở Huế chả thấy bóng dáng chú dê nào, lần đầu tiên vào Tây nguyên công tác, khi xe vượt đèo An Khê trong một chiều mưa mù mịt, tôi lại gặp từng bầy dê lững thững điềm nhiên gặm cỏ bên vệ đường, bệ vệ, tự tin và kiêu hãnh, chúng nghiêng sừng hiếng mắt vểnh râu về phía chiếc xe ca già nua khật khừ vượt dốc như thoáng một chút ngạc nhiên mai mỉa, rằng hà cớ gì mà loài người vốn nổi tiếng thông minh tài giỏi lại bị xếp lớp như cá mòi vào ruột một con quái vật cứ run bần bật và phịt khói mù mịt thế kia? Sau này mới biết, bà con các dân tộc ở tây nguyên từ lâu đã nuôi khá nhiều dê. Trong các trường ca (tạm gọi thể loại hát kể này như thế) Tây nguyên cổ, sự hiện hữu của dê ở nhà ai báo hiệu sự giàu có của nhà ấy, càng nhiều càng giầu. Chiêng, bò, dê, ché... là một thứ của cải, một thứ tài sản để đong đếm khả năng tài chính cũng như sự hùng mạnh của từng gia đình, từng cộng đồng dân cư.
            Dê là loài động vật ăn được nhiều loại lá, cỏ, cây nghèo dinh dưỡng, những loại cây lá mà các động vật ăn cỏ khác chê, thậm chí kinh sợ vì có gai hoặc đắng, chúng đều xơi tốt. Thêm nữa, chúng chịu được điều kiện kham khổ khí hậu nóng lạnh, thời tiết khô hạn... Các đặc tính này khá phù hợp với địa hình miền trung tây nguyên. Điều đặc biệt nữa là khả năng cho sữa tính trên ki lô gam thể trọng của chúng cao hơn bò rất nhiều. Nếu bò là 2,2 kg sữa/ kg thể trọng một ngày thì dê là 3,9 kg. Không chỉ thế, người ta tính rằng sữa dê bổ hơn sữa bò, cụ thể về thành phần chất béo và đường của sữa dê là 5,14 % và 5,28 %, cao hơn hẳn sữa bò chỉ là 3,.13 và 4,17 trong khi thành phần Prôtit và lượng chất khô của sữa dê và sữa bò là tương đương nhau. Người ta còn nói rằng trong sữa bò thương nghiệp luôn luôn được trộn thêm sữa dê để tăng độ ngon... Tức là xét về mọi mặt, sữa dê hơn hẳn sữa bò. Những người dân vùng núi Đaghetxtan toàn uống sữa dê nên họ sống rất thọ và sinh ra những người rất thông minh ưu tú, cỡ như Abutalip hoặc Raxun Gamzatop... Không chỉ thế, các thành phần khác của dê ta đều sử dụng được hết. Thịt dê, tiết dê, ngọc dương chả nói làm gì, bởi ai cũng biết chúng là những thực phẩm ngon đồng thời là những vị thuốc tốt, loại dược liệu truyền thống, chỉ nghe qua đã thấy... khỏe. Bộ lòng dê làm món dé đắng kiểu miền trung vô cùng tốn rượu, có người ăn hàng bát tô thay cơm. Da dê chế biến là loại sản phẩm rất quý. Nó có nhiều màu sắc khác nhau, có độ mềm, độ đàn hồi, độ bền và khả năng giữ hình rất đặc biệt. Lỗ chân lông ở da dê nhỏ hơn cừu nên da dê mịn mặt hơn, mềm, chắc và không thấm nước. Lông chúng mịn, ngắn và mềm nên rất được ưa chuộng trong việc may xuất khẩu. Nói nhỏ với các quý ông, nếu lỡ ít tiền, chớ để bà xã trông thấy một chiếc áo măng tô may bằng da dê, phiền phức đấy, bởi ý muốn được khoác ngay vào người là không thể cưỡng nổi. Mà nó lại đắt, có thể tương đương da cáo hoặc da hải ly. Găng tay bằng da dê là một sản phẩm thượng thặng, mới chỉ nghe nói đã muốn xỏ... tay vào, bởi nó mềm, nhỏ, khít và ấm (Đừng liên tưởng tầm bậy nha). Chỉ lông không thôi thì lại được dùng để làm bút vẽ, bàn chải, dệt thảm, đan áo mũ, dệt các loại nhung... Hẳn chúng ta đều nghe đến tấm khăn san Kasơmia nổi tiếng của xứ sở Pkistan, chúng được dệt bằng lông một loài dê núi trắng xứ Kasơmia đấy. Dê Ăng Gô La chỉ chuyên để lấy lông may áo cho tầng lớp quý tộc. Ngày xưa vua chúa tặng nhau những tấm áo loại này để tỏ tình giao hảo... Ngoài ra loài người còn sáng chế ra rất nhiều đặc sản quý từ dê như cao dê toàn tính, lạp sường ruột dê, các đồ trang trí mỹ nghệ từ sừng dê, móng dê... tóm lại, đứng ngắm một chú dê, ta thấy... không bỏ đi một thứ gì. Người ta bảo, trồng thuốc lá mà bón bằng phân dê thì sẽ cho một loại thuốc tuyệt hảo, như kiểu muốn ớt ngon phải bón phân gà? Người ta cũng tính rằng, hiện nay đàn dê đang tập trung chủ yếu ở miền bắc nước ta, chúng chiếm đến trên sáu chục phần trăm, gần bốn chục phần trăm ở miền nam chủ yếu tập trung ở tây nguyên hai phần ba, còn lại ở duyên hải miền trung. Nam bộ chỉ khoảng 5 %.
        Tài liệu cổ cho thấy, dê được loài người nuôi thuần dưỡng cách đây hơn 2 vạn năm, đầu tiên tại vùng Trung Đông, Ấn Độ sau rồi tới Ai Cập, rồi mới tới các nước phương tây, châu Á và châu Phi. Hồi nhỏ đọc "Thần thoại Hy Lạp", một trong những bộ thần thoại đồ sộ và cổ xưa nhất của loài người tôi đã thấy các ngài dê hiện hữu, lúc thì thin thít trong các bữa tiệc với tư cách là... đồ nhắm, lúc thì tung tăng vui đùa cùng các tiên nữ (xinh đẹp, tất nhiên rồi), khi lại thay các chú tuần lộc hớn hở kéo xe... Ở  Việt Nam ta thì chưa xác định được các " cụ " dê xuất hiện khi nào và nguồn gốc từ đâu, hiện nay người ta tạm chia ra làm ba loại là dê cỏ địa phương, dê vùng cao (dê núi) và dê bách thảo. Với tư cách ẩm thực thì dê vùng cao thịt... ngon hơn. Dê Bách thảo dở nhất, nhưng bù lại nó lại cho nhiều thịt. Về sữa thì tất nhiên là nhất dê bách thảo. Dê là những vận động viên leo núi cừ khôi. Tôi đã chứng kiến chúng leo lên những mỏm đá vô cùng cheo leo ở những dãy núi đá vôi Ninh Bình một cách thản nhiên và khéo léo. Kể cả những dốc đá dựng đứng, những mỏm đá bé tí chênh vênh diện tích chỉ khoảng 200 cm2, dê có thể chụm bốn chân đứng hàng buổi. Tôi đã "vinh dự" được chiêm ngưỡng một ông dê đầu đàn với các bộ phận vô cùng bề thế, râu ria rất hoành tráng đứng như thế để "phản đối" chủ vì một lý do gì đấy. Dụ dỗ mãi nó mới chịu xuống. 

       
          Cũng chả hiểu tại sao người ta lại hay dùng dê để chỉ những người có... máu dê. Bởi về số lượt thì chúng ít hơn gà, mỗi ngày một con dê đực có thể phục vụ khoảng 5 lần cho 5 dê cái với thời gian mỗi lượt nhanh như... gà, chừng chỉ 3, 4 giây. Tuy thế, kinh nghiệm những người nuôi dê cho biết, một đàn 50 dê cái chỉ cần nuôi một dê đực là đủ. Nếu có 2 đực, lập tức xảy ra chiến tranh ngay. Là bởi 50 dê cái nhưng mỗi ngày chỉ chừng 5 ả động đực. Hay là tại bởi truyền thuyết xe dê. Ngày xưa các ông vua Trung Quốc thường có rất nhiều vợ, chả phân biệt bà nào với bà nào, mỗi lần vua đi "thăm" vợ thường ngồi trên một cái xe do dê kéo. Chú dê dừng trước cửa phòng bà nào thì thượng hoàng "ngọa" phòng bà ấy. Các bà cũng ma mãnh lắm, biết dê thích ăn lá duối rắc nước muối, bèn treo trước cửa phòng mình một cành tươi roi rói. Nhưng vì bà nào cũng treo thành thử thường thì các "sứ giả" dê chỉ dừng ở các phòng đầu tiên, và ơn mưa móc cứ "thượng điền tích thủy hạ điền khan", khiến nhiều bà đến khi già, thậm chí chết trong cung cũng chưa được gặp mặt rồng. Rất nhiều chuyện đau lòng về các cung nữ không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở Việt Nam, mà Cung Oán Ngâm Khúc là một ví dụ. Có lẽ khẩu ngữ "Dê" được gán từ chuyện xe dê này chăng?   
        Hiện nay, ngành nông nghiệp chăn nuôi đang có chủ trương cải tạo đàn dê núi, dê cỏ, thay bằng dê bách thảo để nó kinh tế hơn cả khoản thịt và sữa. Cả tỉnh Gia Lai theo thống kê chưa đầy đủ hiện có khoảng 23.000 con. Nhưng các thực khách sành ăn khi vào quán toàn đòi thịt dê núi, dê cỏ. Cũng tương tự như ta nuôi rất nhiều gà Tam Hoàng, gà công nghiệp, nhưng khi đi ăn bao giờ cũng tìm cho bằng được gà ri, gà ta? Trứng cũng thế, cứ phải là gà ta mới cho vào bát phở, mới xì soạp hút sống. Và tuy nói thế, nhưng món sữa dê vẫn chưa thông dụng bằng sữa bò. Trên đường thiên lý Bắc Nam hình như chỉ có ở Ninh Thuận là có mấy quán bán sữa dê tươi mà cũng chả biết có thật dê không? Người ta mới chỉ nuôi dê để hướng tới món tái, món nhựa mận, món nướng, món ngọc dương tửu, món huyết pha rượu... chứ chưa hướng tới nền công nghiệp sữa dê như sữa bò?

        Nhưng mà đã vinh hạnh cho họ hàng nhà dê lắm rồi, khi mà trong hàng nghìn loài động vật thì chú là một trong mười hai giống được chọn làm " giáp " đại diện năm. Loài bò đấy, gần gũi và có ích cho con người như thế mà cấm có được ỏ ê nhắc lấy một lần....

                                                                                                                                                                                                    

6 nhận xét:

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Đọc rồi nhưng vẫn thích đọc lại vì...thèm, he he!
Bác về ôtô à?

quan lang nói...

Lại cạnh khóe đến cụ tổ của tôi nữa đấy à ? Dê công khai minh bạch chứ có dấm dúi đâu để phải bị chê bai là mèo mả gà...phòng.
Năm nay BBT có đặt hàng cho Viện Công nghê Sinh học nghiên cứu tách và chuyển gien dê cụ vào người. Phạm vi ứng dụng sẽ là các chính khứa U 50, lúc các bà chán chồng quý cháu mà các ông thì rượu ngon thịt béo nó hành. Quyền cao chức trọng mà khg được hưởng của non tơ thì cũng chẳng để làm gì.
Đã có ý kiến tách chuyển gien anh NTT cho nhanh vì chẳng những có gan chơi bạo mà vẫn bình chân như vại, khg bị thượng mã phong, cũng khg phải xộ khám bóc lịch.
Nghe đâu anh ta được bạn vàng cận lân chuyển sẵn cho gien dê cụ liên kết với gien của con rệp và cả con...mèo.

Văn Công Hùng nói...

@ Quan Lang:
Hehe, đúng là chuyên gia sinh... dục, nhìn đâu cũng thấy giống tốt.
Nhưng công trình của bác oách đấy, nếu cần gì thêm thì... nhờ em nhé.

quan lang nói...

Hì hì, mượn cha nào yếu lính chứ VCH thì... chuyển gien xong phải tốn thêm 5 giáo cụ trực quan nữa có mà Lỗ Trí Thâm.

Me2bong nói...

Chờ bác post bài Mèo để xem bác nói gì về họ hàng nhà em đây. Tốt thì không sao, xấu là em không chơi với bác nữa đâu đấy. Báo trước! He he!

Văn Công Hùng nói...

@ Mẹ2Bống:
Nói tốt thôi, cực tốt, ví dụ như, thịt mèo ngon như thế nào, cách ăn ra làm sao, tại sao mèo lười, tại sao chuột đi đám cưới trước mặt mèo, vưn vưn...
Thì ra là tuổi Mèo. Cẩn thận năm tuổi em nhé, dù anh biết em mặc đồ sĩ quan vào là bọn đàn ông hung dữ cũng trở nên mềm nhũn...