CHIỀU CUỐI NĂM MƯNG MƯNG NẮNG
VĂN CÔNG HÙNG
chiều cuối năm người đi chật đất
tôi về đường thênh thang
ta với bạn rượu cay nước mắt
những lênh đênh người thưởng trước giao thừa
những đau đớn trái quất xanh dứt cuống
lặng lẽ rơi đêm vào ba mươi
em ảo giác giữa hai lần rượu
đến thế rồi đất vẫn cứ chông chênh
hoa gạo đỏ mộc miên bến vắng
khát vọng sông dài ngắn đời người
ngày cuối năm sôi đặc nỗi chiều
bông hoa nở như là gượng gạo
bạn dốc một lần thêm sủi bọt
đáy ly rồi miệng cốc vẫn chơi vơi
nào cuối năm, ta như người mang nợ
ân oán gì mà nắng cứ mưng mưng...
KHUẤT SAU NỖI BUỒN
“CHIỀU CUỐI NĂM MƯNG MƯNG NẮNG” CỦA VĂN CÔNG HÙNG
Nguyễn Đình Phê
Nếu nỗi buồn, sự cô đơn trong tâm hồn nhà thơ là “nguồn năng lượng” cho ra đời tác phẩm hay thì Chiều cuối năm mưng mưng nắng của Văn Công Hùng là sản phẩm của nguồn năng lượng ấy. Ra đời trong thời điểm chiều ba mươi tết, thời khắc mà thời gian chỉ được tính bằng giây, không gian “sôi đặc” những lo toan hối hả thì nhà thơ lại đi tìm một khoảng lặng trong tâm hồn bằng cách đối ẩm cùng tri kỷ. Tuy thế, vẫn không vượt ra ngoài cái nhịp sống hối hả kia, bằng hình ảnh đối lập phi lý tính trong thơ: người đi chật đất/ tôi về đường thênh thang hai câu thơ mở đầu vượt ra ngoài chức năng gọi tên sự vật (biểu nghĩa) đem đến cho người đọc một nhận thức mới, một khoái cảm thẩm mỹ bất ngờ: sự trống vắng, cô độc trong tâm hồn. Chính sự phi lý trong hình ảnh đối lập: chật đất với thênh thang; đã dẫn người đọc đi trên con đường thẳng từ trái tim đến với trái tim, gây hiệu ứng cảm xúc mạnh với độc giả.
Ba khổ thơ tiếp theo là cụ thể hóa sự cô đơn, dằng vặt trong tâm hồn tác giả với nỗi niềm riêng-chung về con người, về cuộc sống, về thế thái nhân tình – lẽ đương nhiên bất kỳ một công dân nào có trách nhiệm với bản thân, với cuộc sống, với chuyện đời dâu bể…đều vướng mắc! Thường thì khi buồn con người ta tìm đến với rượu, với tri kỷ và nhờ đó nỗi buồn tạm vơi đi nhưng nỗi buồn trong bài thơ lại càng hằn hiện, chất ngất: ta với bạn rượu cay nước mắt . Và để rồi từ đó, nhờ đó, thông qua đó chuỗi tâm trạng: những lênh đênh người thưởng trước giao thừa/ những đau đớn trái quất xanh dứt cuống/ lặng lẽ rơi đêm vào ba mươi được bứt ra.
Bằng thủ pháp đảo ngữ: rơi đêm vào ba mươi chứ không phải là đêm rơi vào ba mươi, tạo cho người đọc cảm giác hụt hẫng bất ngờ. Bất ngờ bỡi qui luật ngày nối tiếp ngày, tháng năm nối tiếp tháng năm kia dường như bị phá vỡ mà thay vào đó bằng cảm giác đổ gãy nối tiếp chứ không hề là sự tiếp bước. Kết thúc bất ngờ ấy quả là khéo léo, nhuần nhuyễn gây hiệu ứng mạnh cho câu thơ, và là cách lý giải đầy lý tính cho diễn tiến ở ba câu thơ trên thuộc khổ thơ.
Trong trạng thái bưng biêng, ngất ngưởng bỡi men rượu, men đời kia “ảo giác” vẫn không làm cho sự “chông chênh”, cho nỗi “lênh đênh” lắng dịu mà càng cập kênh hơn, day dứt hơn: khát vọng sông dài ngắn đời người. Điều thú vị ở đây là cách dùng con chữ, tính từ so sánh dài-ngắn đi kèm với danh từ chỉ sự vật cụ thể sông và danh từ chỉ khái niệm đời người thì trạng thái hụt hẫng, nỗi đau không thành giữa cái hữu hạn đời người với cái vô hạn thời gian kia được khắc họa. Cách ngắt nhịp ở câu thơ đem đến một mỹ cảm, một nhận thức mới: khát vọng sông dài/ ngắn đời người tầng nghĩa được mở rộng, các con chữ vượt ra ngoài sự gắn kết với nhau bằng vần mà bằng sự gắn kết giữa trí tuệ và cảm hứng sáng tạo. Cũng chính sự bức phá của cảm hứng, chữ dùng nắng cứ mưng mưng kết bài là hiện tưởng lý trí không kiểm soát nổi cảm hứng để con chữ tự nhiên tuôn ra mà chính tác giả trong một đêm Thơ Nguyên Tiêu khi giao lưu đã thừa nhận với khán giả, độc giả! Vâng, sáng tạo ngôn từ là trách nhiệm của của nhà thơ, và Văn Công Hùng đã góp phần bổ sung vốn từ ngữ tiếng Việt nhờ trạng thái cảm hứng sáng tạo tót vời ấy.
Tuy nhiên trong cả bài thơ, khi đọc đến câu: ngày cuối năm sôi đặc nỗi chiều/ bông hoa nở như là gượng gạo tôi vẫn cứ tiếc, bỡi chữ mà tôi chờ giá như không phải như là gượng gạo thì câu thơ sẽ sáng hơn, trọn vẹn hơn. Song, một hạt cát như thế cũng không làm mờ đi nỗi buồn, sự cô đơn đậm đặc từ nhà thơ lan tỏa đến độc giả.
N.Đ.P
2 nhận xét:
Chào bác Văn Công Hùng!
Em có thờ ơ thơ rằng thì là:
Hoa mộc miên là gì ta chẳng biết
Người gọi hoài, ta ngỡ đấy là em.
Đã là em, diệu vợi lung linh lắm
Lối ta về lời nắng cứ mưng mưng.
@ Võ Công Phúc:
Mộc Miên là hoa gạo
vào thơ hóa pơ lang
đọc xong thì không phải
Mộc miên hóa động từ...
Đăng nhận xét