Báo Tết Nghệ An 2024.
Tôi có nhiều bạn bè văn chương nghệ sĩ là người Nghệ, được chơi với họ và được họ chơi, đã mấy lần viết trên báo Nghệ An về họ, mà thấy vẫn chưa đủ, bởi đấy là những người đã quá nổi tiếng, là vua biết mặt chúa biết tên, những là Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, những là Lê Huy Mậu, Văn Như Cương vân vân. Họ là Nghệ chính thống, thứ thiệt. Nhưng còn những... mảnh vỡ Nghệ nữa. Họ là Nghệ trôi dạt, không phải ngược thủ đô, mà tản đi nhiều nơi, nhưng trong họ vẫn luôn luôn sùng sục dòng máu... Nghệ. Họ cũng làm nên những góc Nghệ, mảnh Nghệ hòa chung vào dòng chảy Nghệ.
Và cái đầu đề bài báo này đầu tiên nó khác kia, trăn đi trở lại, cuối cùng, câu thơ của cố nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Trần Cương bật ra, và tôi lấy làm đầu đề cho bài viết, như một cách nhớ về nhà thơ cực tài hoa và đầy cá tính, người viết nên “Trầm tích” của riêng xứ Nghệ.
1. Người Nghệ dòng... A Páo.
Một hôm ngồi cà phê với một ông kỹ sư người Quảng Bình, tự nhiên ông này mở điện thoại, vang lên một bài hát quen, rất quen, nhưng lại như mù mờ không biết, bởi có vẻ như nó cứ lẫn vào bạt ngàn bài hát Nghệ. Tới khi anh bạn dí điện thoại vào mặt thì tôi nhìn thấy đấy là một ông... Mông. Cái tên cũng Mông: A Páo.
Chỉ thế, nhưng từ đấy về nhà, cứ lướt web, facebook hay youtube là ông này hiện ra. Công nghệ AI nó tài thế.
Tôi ra Hà Giang, nghe các bạn kể nhiều về A Páo, cứ nghĩ đấy là một trai Mông thứ thiệt, nhất là xem clip anh này thổi sáo Mông, đeo lủng lẳng nhạc cụ trên lưng, đầu tiên còn nghĩ đấy là cung tên trang sức. Đến lúc nghe mấy bài hát, bảo của A Páo đấy, ơ kìa, Nghệ mà, Ngô Sĩ Ngọc mà.
Ôi giời là ông này. Người Nghệ, Tân Kỳ Nghệ An mà thế quái nào giờ thành A Páo, cách nói (xem trên clip chứ tôi chưa gặp ngoài đời, lần đầu tiên tôi viết về một nhân vật mà chưa gặp ngoài đời, nhắn tin vào facebook thì chưa được trả lời, hoặc là nằm ở spam, hoặc nữa là đông người nhắn quá) đầy hình ảnh trực quan của người thiểu số, tất nhiên cái giọng Nghệ vẫn lơ lớ không lẫn, dù dân Nghệ, có lần tôi viết trên báo này, rất giỏi giấu giọng. Ra Bắc phát là nói chuẩn Hà Nội ngay, cả một số phát thanh viên, bình luận viên của VTV cũng thế, rất chuẩn giọng Hà Nội, nhưng thả ra ngồi với nhau là “giọng Nghệ tìm về” ngay.
Giờ trong điện thoại của tôi ít nhất có 2 bài của A Páo “Tìm em câu ví sông Lam”, “Xứ Nghệ mình ơi” trong list nhạc tôi tải về để nghe khi đi bộ.
Lịch sử âm nhạc Việt Nam, số người vừa sáng tác vừa hát được hết sức ít, tất nhiên hát thì ai đã biết nhạc, học nhạc cũng hát được, ít nhất là đúng nhạc, không lạc nhịp như... tôi, nhưng hát hay nhạc của mình như Trần Tiến, Thế Hiển, Phạm Phương Thảo... thì không phải ai cũng có thể. A Páo làm được điều ấy, cộng với khả năng dẫn chuyện, khả năng hóa thân (toàn chơi đồ Mông thứ thiệt, cách nói như ngây ngô), tận dụng hết thế mạnh của thế giới mạng Youtube, facebook..., anh trở thành một hiện tượng mạng, một hiện tượng âm nhạc trong đời sống...
Tôi hình dung A Páo Ngô Sĩ Ngọc như một chàng lãng tử lang thang, mà nhằm đúng cái xứ Hà Giang mà lang thang, nó vừa kỳ vĩ vừa trữ tình, vừa hun hút vừa kề cận, vừa nên thơ mà lại cũng rất rợn người.
Tôi đã đi qua cái chỗ A Páo “lập nghiệp” ấy, Mã Pí Lèng với văn vắt dòng Nho Quế như sợi tóc cô gái mảnh mai trong câu chuyện đầy nước mắt, nơi có “con đường hạnh phúc” chạy qua, con đường với bao mồ môi, nước mắt và máu của rất đông thanh niên một thời, giờ là một thắng cảnh, một địa chỉ check in của du khách. Anh chọn nơi ấy làm bến đỗ, và bây giờ có hẳn một dòng nghệ thuật mang tên A Páo.
“Một câu ví anh trao nửa
câu ví em thương
Củ sắn củ khoai mồ hôi chát mặn
Thương em rồi nhớ đợi nghe anh
Cứ chiều về cánh cò lội bên sông
Cô lái đò xưa nay tròn mười tám
Bao năm tháng trôi qua bao mùa xuân chờ đợi
Răng anh không về năm tháng đợi chờ mong
Răng anh nỏ về nỏ về bên em
Ơi câu ví anh trao mùa xuân anh trở lại
Em sang sông lấy chồng bỏ mặc bến đò xưa
Quên câu thương câu chờ
lỡ hẹn người ơi
Nắng chiều về sáo diều gọi trăng lên
Tiếng hò gọi em cô lái đò ngày ấy
Anh nhớ cùng em trên con đê nhỏ
Trên cánh đồng tôm cá còn thương nhau
Anh trở về tìm lại đò xưa”- nào những người Nghệ xa quê, nhất là tết xa quê
nữa, hát lên đi xem có rưng rưng không?
Trên fb của mình, chàng trai xứ Nghệ này tự nhận là “A Páo- người con của đá” còn tên nickname là Mapileng, đều rất là... Hà Giang.
2. Điệu ví dặm là... Quang Thắng.
Một lần tôi vào Sài Gòn, các bạn thơ rủ đi Long An thăm nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Người rủ là 2 nhà thơ Trần Mai Hường và Nguyên Hùng. Ông Nguyên Hùng cũng là dân Nghệ, nguyên là tiến sĩ thủy công thủy lợi chi đó, nhưng giờ hăng hái làm thơ và hoạt động thơ rất chuyên nghiệp. Mà chuyên nghiệp thật, bởi ông là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà Văn TP HCM. Lên xe, thấy một ông mặc quần jean áo chim cò cộc tay vạm vỡ ngồi ghế lái. Tưởng các bạn văn Sài Gòn thuê xe nên tôi đĩnh đạc như ông chủ bước lên. Ông lái xe quay sang chào từng người rất thân thuộc, đến tôi ông bảo: Chào VCH. Ơ lái xe này tài, biết hết bọn nhà thơ ẩm ương này. Xe đang mở rất to bài hát “Điệu ví giặm là em”. Bài này tôi cũng thích. Thì có lần tôi đã kể, ra nước ngoài, cóp sẵn một ổ nhạc vào điện thoại để nghe trên đường di chuyển. Thế quái nào, thống kê lại, hai phần ba số ấy là các bài hát mang âm điệu Nghệ Tĩnh. Thế là tôi bèn hòa giọng với... cái loa trên ô tô. Trần Mai Hường phía dưới vói lên: Anh Lê Quang Thắng, tác giả lời của “Điệu ví, giặm là em”. Ôi giời thế mà tôi đinh ninh nghĩ ông này mà không làm nghề lái xe thì có thể đi làm lực sĩ được.
Tôi chơi với khá nhiều nhà thơ, nhưng có hai nhà thơ mà tôi tôi ấn tượng về ngoại hình của họ nhất, là Lê Huy Mậu và Lê Quang Thắng này. Ông Mậu thì xuề xòa quần xệ xuống mông, áo trong dài hơn áo ngoài, giày loẹt quẹt như dép, lúc nào cũng ngơ ngác như vừa... rơi tiền, như vừa bị vợ mắng. Ông Thắng này thì lực lưỡng như lực sĩ nhưng quần áo chỉn chu như người mẫu. Đi với ông hôm ấy tôi còn biết thêm một đặc điểm là rất... đúng giờ. Tất cả đã thống nhất sẽ ngủ lại nhà chị Đinh Thị Thu Vân nhưng ông Thắng quyết về, còn tuyên bố, một mình cũng về, các vị ở lại mai đón xe về. Lý do sau mới biết, ông ấy hẹn vợ tối sẽ về, khuya mấy cũng về, miễn là vẫn còn... đêm. Hình như... sợ vợ là phẩm chất chung của các thi sĩ?
Nhưng mà thơ ông này thì... Nghệ vô cùng. Dân học Phan Đình Phùng Hà Tĩnh nhưng thấy ông làm thơ toàn về xứ Nghệ. Có tới 4 tập thơ đều đậm chất Nghệ. Mà đúng là lạ, nếu đọc thơ ông, nghe những bài hát phổ thơ ông, nó mềm hơn cả nước sông Lam, trữ tình như ví, giặm, tha thiết tới làm mềm cả gió Lào. Nghe đâu có cả hơn chục bài thơ được phổ nhạc, bài nào khi hát lên cũng khiến người Nghệ xa xứ rưng rưng. Mà người Nghệ xa xứ thì đông vô cùng, chân trời góc biển nào cũng có. Bạn tôi sang Cu Ba, chợt nghe giai điệu “Khúc hát sông quê” mà trào nước mắt. Không phải vì nghe hát, vì nhớ nhà, vì cô đơn, mà thương những người xa xứ. Ông Lê Huy Mậu kể với tôi có chuyến đi Châu Âu, bị giữ lại ngoài kế hoạch gần cả tháng, được bà con đồng hương bên ấy chuyền ông như mèo chuyền con. Tôi bảo thế là bác sống hết vinh quang của “khúc hát sông quê” còn gì?
Nói đâu xa, ngay ở Sài Gòn, đi đám cưới, gặp hai bài hát “Điệu ví giặm là em” và “Khúc hát sông quê” là biết chắc chắn đám cưới ấy liên quan dân Nghệ. Mà, gần như đám cưới nào cũng có những bài hát Nghệ ấy.
“Rồi một chiều chợt nhớ quê hương
Nghe em hát dân ca xứ Nghệ
Câu hát ru như một lời thủ thỉ
Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa
Làn điệu quê hương giữa bộn bề bận rộn
Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi
Sao điệu ví mượt mà nghĩa tình đến thế?
Nao nao lòng đứa con ở nơi xa...”
Rồi nữa: “Mời Anh về xứ Nghệ, Ơi khúc hát Sông quê, Ai đi xa mô đó, Nghe thân thương như dòng sông thuở nhỏ, Ai lạ ai quen sao nỡ không về”. Trong thơ mình, ông Thắng vẫn nhắc ông Mậu, nên tôi viết về ông Thắng nhưng cũng khều ông Mậu vào là vì thế.
Xuất thân là lính, ra quân Lê Quang Thắng học đại học ở TP HCM rồi lập nghiệp ở đấy, vừa kinh doanh vừa làm thơ.
3. Phạm Đức Long, lợn và... văn chương.
Chúng tôi chơi với nhau đã khoảng bốn chục năm. Phạm Đức Long quê xã Quỳnh Hồng, có bố từng làm chủ tịch thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu. Học đại học nông nghiệp 2 ở Hà Bắc, khoa chăn nuôi. Năm 1983 ra trường anh xung phong vào Gia Lai. Nằm chờ ở nhà khách để đợi phân công công tác đúng giữa mùa mưa. Nhìn mưa mãi vừa chán vừa nhớ quê, anh nổi hứng... làm thơ.
Tôi khi ấy đang biên tập ở cái Tạp chí Văn nghệ của tỉnh. Cũng một ngày đang ngồi ngắm mưa qua cửa sổ căn phòng tập thể thì có một ông quần xăn móng lợn, áo mưa lụp xụp tìm tới... gửi thơ. “Mưa quá em chả biết làm gì, bèn làm mấy bài thơ, bác xem hộ”.
Thế rồi thành nhà thơ, ban đầu chỉ viết thơ. Rồi có ông con trai chỉ chịu ngủ sau khi nghe bố kể một câu chuyện. Chuyện đọc trong sách để kể hết rồi, thì bèn nằm phịa ra kể cho con. Con lớn, thì bèn tập hợp lại in được mấy tập. Rồi viết tới truyện ngắn, cũng kinh rồi, tới mười mấy đầu sách, đau đáu nhớ quê và tươi rói phong tục Tây Nguyên, tác giả như người gắn kết hai vùng đất lại. Nhân vật truyện ngắn đa phần là quê Nghệ An vào Tây Nguyên rồi câu chuyện cứ đi đi về về giữa hai chốn như thế. Thơ Long cứ buồn buồn thế này:
Chị đã bỏ xứ
Lần đầu ăn tết Tây Nguyên
Chẳng có hoa sầu đông rụng tím lối ngõ
Tiếng pháo nổ cũng khác
Cặp bánh chưng cũng khác
Nén hương thắp giữa phương trời lưu lạc
Đâu là hồn tổ tiên
Nhớ
Nào mẹ tiên con cú
Nào mẹ cú con tiên
Tết đến làng bừng khởi sắc
Trong mắt ai cũng biếc
Kẻ si tình lóng ngóng ngày Xuân
Về hưu, Long đi đi về về giữa quê và nhà. Nhà là ở Pleiku ấy. Rồi đột ngột, vừa rồi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công bố kết quả cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân công đoàn, tôi ngước lên màn hình tivi truyền hình trực tiếp, thấy MC đang đọc: nhà văn Phạm Đức Long, giải ba thể loại tiểu thuyết, giá trị giải thưởng 100 triệu cho tác phẩm “Gái Nông trường”.
Thú thật là tôi hết sức bất ngờ. Bạn bè nhiều người choáng.
Anh em chơi với nhau mấy chục năm, từng châu đầu đọc tác phẩm mới cho nhau nghe. Mà giờ, anh lùi lũi viết tiểu thuyết tự khi nào, uỵch cái, giải cao. Có thể do anh không tự tin khi viết. Thì đúng thôi, nghề kỹ sư chăn nuôi, chức danh là chi cục trưởng phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai khi về hưu, viết văn chỉ như việc tay trái, như... chống lại nỗi buồn, chống lại mùa mưa, thỏa mãn giấc ngủ của con, thế mà giờ vươn lên tiểu thuyết. Trong nghề viết, tiểu thuyết được ví như đại bác, nó đòi hỏi rất nhiều thứ từ vốn sống, kinh nghiệm, tri thức, tới cả sức khỏe. Phạm Đức Long đã lần lượt vượt qua, tiến lên từ thơ tới truyện ngắn và giờ là tiểu thuyết, như kiểu từ chiến tranh nhân dân, đánh lẻ kiểu du kích, tiến lên chính quy hiện đại, tập đoàn quân như quân đội ta vừa sáp nhập mấy quân đoàn thành 2 quân đoàn lớn.
Câu chuyện của tiểu thuyết “Gái nông trường” lại cũng là Nghệ An- Tây Nguyên. Cũng có cải cách ruộng đất, có đi học trung cấp thú ý (gần nghề tác giả) vì lý lịch không được đi đại học, rồi yêu đương rồi đấu tranh rồi vào kinh tế mới, tất nhiên là Tây Nguyên. Anh đã xử lý rốt ráo cái mớ lằng nhằng ấy một cách khéo léo và hợp lý bằng tình yêu quê hương xứ Nghệ của mình và sự hiểu biết phong tục, văn hóa bản địa Tây Nguyên.
Giờ thì Phạm Đức Long không nghiên cứu... Lợn nữa, anh là nhà văn chuyên nghiệp, là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam hơn chục năm rồi...
Trong anh, xứ Nghệ quê hương nó luôn như này, luôn là cái màu hoa dong riềng thuở ấy: Nửa đời dầu dãi lớn khôn/ Vẫn nguyên màu hoa thơ dại/ Thời gian trôi hoài trôi mãi/ Còn đây sắc đỏ quê mùa!
Những mảnh Nghệ, những “viên đạn” Nghệ văng đi khắp nơi như thế, ở đâu vẫn Nghệ, vẫn đầy “Trầm tích”, vẫn đau đáu tìm về...
nh cứ đùa em nỏ cho và nỏ lấy, Sao mềm lòng ngồi hát để Anh nghe, Khúc Dân ca có từ trong máu thịt, Không thể dối lòng.
3 nhận xét:
Đọc bài viết của nhà báo Văn Công Hùng về nhà văn Phạm đức Long rất hay và chân thực. Từ một người con xứ Nghệ vào Tây Nguyên nhận công tác. Với bản chất thật thà, trung thực ( vì tôi cũng đã được sống và học tập cùng Phạm đức Long năm năm nên rất hiểu Long ) từ thực tế công việc. Long đã thành cây viết khá chân thực nối hai quê Nghệ An và Giá lai. Rất cảm ơn tác giả.
VCH viết về bạn văn chương, bài nào, người nào cũng hay.
Vũ Hải không phải là dân xứ Nghệ ! Nhưng đã sống xa xứ và hình như mình cũng là một trong những viên đạn bị bắn …anh nờ …Buồn chút …Nhưng gặp anh em lúc nào lòng cũng rưng rưng …Nước mắt như muốn trào ra …Năm ngoái gặp anh Thái Bá Lợi ở Chicago cũng vậy …Mấy anh xứ Nghệ qua Mỹ bây giờ đều trở thành những ông chủ lớn …Ít nhất là chủ nhà hàng …Ngồi nói chuyện với họ đầm ấm lắm anh …Một lần nữa Vũ Hải cám ơn anh…Nhà văn Văn Công Hùng
Đăng nhận xét