Trưa 30 tháng 4 năm 1975, tôi đang đạp xe trên bờ đê cái nông giang của xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, cái cặp sách tòong teng trên ghi đông xe thì nghe tiếng hét váng từ một ngôi nhà bên đường. Nhiều người hét theo. Dừng xe thì ra Đài tiếng nói Việt Nam đang đọc tin quân giải phóng đã tiến vào dinh Độc Lập.
Khi ấy tôi học lớp 9 trường Cấp 3 Hậu Lộc. Tôi dấn pê đan nhanh hơn để kịp về nhà thông báo cho ba tôi. Nhưng tới nhà thì ba tôi, nước mắt lưng tròng đang vừa vỗ cái đài (thời ấy ngoài Bắc gọi cái radio là cái đài) vừa hét còn to hơn tôi.
Trước đấy, nhà tôi là nơi tụ tập của các bác các chú tới uống nước nghe đài hàng đêm. Đơn giản vì nhà tôi là một trong số ít nhà có đài trong xã, và hai, ba tôi người Huế, là người mong mỏi Bắc Nam một nhà hơn cả. Mờ mịt phía trong kia, là quê nội tôi, mới chỉ nghe ba kể chứ tôi chưa hình dung nó ra làm sao? Suốt từ đầu năm 1975, nhà tôi là trụ sở... nghe đài của các bác các chú quê miền Nam tập kết, và cả những người sở tại, là bộ đội phục viên, xuất ngũ, đa phần là thương binh. Những bản tin chiến sự được nghe đi nghe lại, rồi sau đấy là bàn luận, là kể chuyện quê hương. Những cựu chiến binh ấy là những người thuyết minh thêm cho chiến thắng bằng chính những tháng ngày họ đã trải qua ở chiến trường...
Cuốn sách đầu tiên tôi đọc của các nhà văn miền Bắc viết về những ngày 30/4 là cuốn “tiến vào Sài Gòn”, những ghi chép nóng hổi, những chuyện kể tươi rói, những chi tiết lần đầu biết lần đầu nghe, dẫu sau này tôi mới phát hiện ra, nhiều chuyện được tưởng tượng, nhiều chi tiết phóng đại, và cả những suy diễn ngây ngô, những ý nghĩ chưa tới... nhưng nó hừng hực, nó nhiệt huyết, nó lạ lẫm, nó mở ra một thế giới vừa kỳ ảo vừa trần trụi, vừa thanh khiết vừa bụi bặm, vừa bi tráng vừa quật cường...
Tôi hiểu thêm nửa kia đất nước cặn kẽ tỉ mỉ hơn, sống động và gần sự thật hơn. Và như mọi con dân khác, tôi hạnh phúc, ngất ngây hạnh phúc vì đất nước từ đây liền một dải, và ngay tháng sau, cha con tôi sẽ về quê, dẫu chưa có chính sách cho về thăm quê nhưng cha con tôi đã có cách, và chúng tôi đã về được quê rất sớm...
Nửa kia đất nước có rất nhiều bà con anh em của tôi, họ gọi ba tôi bằng cậu, bằng bác, bằng chú bằng anh. Có người trên núi xuống, có người từ đồn ra, gặp nhau tưng bừng cái đã, vui mừng cái đã. Từ nay im tiếng súng, từ nay không còn thon thót lo bắn vào nhau. Từ nay, từ nay...
Cô ruột tôi có cô con gái lấy một anh lính địa phương quân. Một đêm gác trong đồn ngủ mơ thế nào đấy, xách súng chạy và hô Việt cộng tấn công. Bị chính đồng đội bắn chết. Góa bụa nuôi con. Một ông bạn của ba tôi nhưng ít tuổi hơn, bộ đội tập kết về, vợ chết. Thế là gá vào nhau, và thành một gia đình hậu chiến. Những đứa con của hai ông bố từng 2 chiến tuyến giờ ở chung 1 nhà, cùng thắp hương lên bàn thờ ông bố địa phương quân.
Thế hệ tôi có nhiều người như thế.
Có người đi bộ đội, có người không, nhưng họ đều tham gia vào cuộc chiến tranh, mỗi người mỗi kiểu, dẫu người bên này, người bên kia sông Bến Hải.
Năm 2007 tạp chí Văn Nghệ Quân đội in bài thơ “Tiếng vọng từ hai nghĩa trang” của nhà thơ Hương Đình. Hình như nó được chọn vào top những bài thơ hay năm ấy. Một phía của chiến tranh, một hiện thực hậu chiến hiện ra từ cuộc nói chuyện của 2 anh lính giờ nằm ở 2 nghĩa trang, chắc là gần nhau, nhưng gần xa có nghĩa lý gì đâu vì cõi ấy thời gian không gian toàn khoảnh khắc:
“Anh
này
ta không chọn được ngày và nơi để sinh
ra
nhưng vì một ngày
mai
có thể ta cùng giờ xanh cỏ
ta khác nhau đến từng viên đạn lẻ
nhưng không thể không giống nhau
khi yêu và nhớ mẹ”.
Tôi đã khóc khi đọc bài thơ này, bài thơ chỉ những câu thoại của 2 người lính, từng khác nhau chiến tuyến, giờ như hai người bạn, đêm đêm trò chuyện:
“Anh nói
đúng
đêm từng đêm mũi súng ngược về
nhau
ngày về đất mình xuôi cùng một hướng
ấy là nơi mẹ ta thường ra
ngóng
người yêu ta bật khóc trước sân
chùa
nằm buồn nhớ mẹ ta
xưa
nón mê cui cút chiều mưa tiếng gà”...
Một bài thơ nữa, cũng của Hương Đình, vẫn nỗi đau đè nặng, dẫu hôm nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua:
“Ai biết mộ liệt sĩ ở
đâu?
Có
những cánh rừng kia sẽ biết
hai nấm mộ vô danh
như hai quả trứng cỏ
một nửa đã chìm vào lòng đất
đau quá mẹ ơi
tự mình chúng con không thể nhấc lên được
nên hai nửa mà không thể thành một
mà thôi
dù sao đêm đêm chúng con cũng còn có nhau
cùng dế giun thầm thĩ dưới sao trời”- (Những dòng tin nhắn).
Năm 1975 Hương Đình học lớp 9 hệ 12 năm ở Bình Định. Tôi học lớp 9 hệ 10 năm ở Thanh Hóa.
Nhớ thời sinh viên văn khoa Huế, chúng tôi đã say mê đọc và cả tổ chức tọa đàm về cuốn “Miền cháy” của Nguyễn Minh Châu. Có lẽ đấy là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của dòng văn học cách mạng viết về một phía khác của chiến tranh, viết về nhân tính của người lính, viết về cái phần người thăm thẳm của những thân phận bị bắt buộc tham gia vào cuộc chiến. Những người phía bên kia hiện lên cụ thể hơn, sống động hơn, rõ rệt hơn... Và té ra, họ cũng có đời sống như những người bình thường khác. Nhưng rồi, bị quẳng vào chiến tranh, với những mịt mù thân phận...
Những người bạn đồng lứa của chúng tôi, hơn nhau vài ba tuổi, mỗi người đi qua cái ngày 30/4 năm bảy lăm ấy một cách khác nhau. Người cầm súng, kẻ đang cắp sách tới trường. Người ra trường rồi mới cầm súng. Nhà thơ Phạm Đương tốt nghiệp đại học rồi mới cầm súng, anh là lính Tây Nam, góc nhìn cử nhân văn chương với chiến tranh nó thế này:
Con nhớ
Ngày ấy mẹ không khóc
Lúc tiễn con đi lính
Mẹ sợ con dẫm lên dấu chân anh Hai
Rồi mẹ vỡ nước mắt
Khi con về
Mẹ của chúng con chiến tranh và giông bão
Người chắt chiu đến nước mắt cũng để dành! (Ngày đã chiêm bao)
Và tôi, một người cầm bút trong dòng chảy chung ấy, tháng 4 với tôi nó như thế này:
“bao nhiêu dòng sông Việt/ chở nước mắt ngược nguồn/ cây gạo chiều bến lạnh/ lập lòe một lưỡi dao
tháng tư tháng tư ấy/ từng phận người tan ra/ bao trái tim thành giấy/đốt nhau mùa than hoa» - (Tháng tư tháng tư ấy)
Và đây nữa :
“có ai về tháng tư/ xanh áo cỏ/ nắng trưa mưa chiều/ những chân trời ù gió/thổi như mành thưa
những chàng trai nước Việt/ như vừa hai mươi/ Trường Sơn xanh vừa dấu hỏi”- (Ba mươi này tháng tư).
Những người cầm bút thế hệ tôi, sinh ra trong chiến tranh, lớn lên cùng chiến tranh, viết về cuộc chiến tranh đã qua vẫn với tâm thế của người trong cuộc, nhưng đã có dịp lùi xa, đã nhìn rõ từ nhiều phía, viết với tâm thế để không còn chiến tranh, tâm thế quý giá từng phút giây hòa bình, với tâm thế đất nước luôn là một dải...
Nhà văn Nguyên Ngọc trước mộ anh hùng Núp (Ảnh nhà cháu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét