Hồi tôi mới lên Tây Nguyên, Gia Lai Kon Tum có ba nhãn hiệu trà là Bàu Cạn, Biển Hồ và Đăk Đoa. Trước đấy khi còn ở Huế thấy dân Huế hay dùng trà B’lao chứ chưa bao giờ nghe nói trà Gia Lai. Chú tôi ngoài Bắc về quê, mang trà Thái vào biếu các anh chị là các cô, dượng tôi, họ đồng loạt... chê, dẫu sáng nào cũng dậy sớm uống trà. Họ uống trà B’lao quen rồi. Vốc cả nắm cho vào ấm nước đang sôi sùng sục, rồi uống, thay ăn sáng.
Sau rồi cứ... im lặng dần, trà Đăk Đoa im tiếng tự hồi nào, Bàu Cạn và Biển Hồ từ một trong những ngọn cờ đầu của ngành nông nghiệp bao cấp cũng từ từ tụt hạng. Tôi nhớ trà Bàu Cạn thì nước xanh, trà Biển Hồ thì nước đỏ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hạc hồi còn sống có chụp ảnh ông cụ râu dài rất đẹp đang uống trà làm nhãn cho thương hiệu trà Bàu Cạn.
Nguyên thủy, Gia Lai là vùng đất ba zan tương đối màu mỡ, nền khí hậu trên độ cao trung bình hơn 600 mét so với mực nước biển là điều kiện thuận lợi để cây chè sinh trưởng và phát triển. Tất cả các vùng chè đều thích hợp với độ cao và phải lấy độ cao làm tiêu chí.
Vì thế, từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã mang cây chè đến Gia Lai. Theo sử sách, năm 1921, người Pháp lập ra đồn điền chè Biển Hồ (TP Pleiku), rồi sau đó là các đồn điền chè Bàu Cạn (với thương hiệu CATEKA), Ia Pêt (SAPKO), Đak Đoa,… Theo thống kê, trên địa bàn Gia Lai đương có tổng diện tích chè là 1.154 ha.
Không phải nơi nào cũng có thể trồng trà. Có loại trà trồng để làm chè khô, có loại để uống tươi. Nghệ An, Thanh Hóa là vùng chè uống tươi nổi tiếng, còn để làm chè khô, dân dã hay gọi là trà, thì cả nước chỉ có mấy vùng, phía Bắc có Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, và đặc biệt là Thái Nguyên. Cái câu “trà Thái gái Tuyên” nói lên điều ấy. Tây Nguyên có Lâm Đồng, cụ thể là Bảo Lộc và Gia Lai.
Gần đây trà Bàu Cạn nổi tiếng trở lại, không phải vì trà, mà vì những hàng cây muồng được trồng để chắn gió cho trà đồng loạt nở hoa, vàng rực nếu đúng mùa, và nó trở thành nơi để nhiều người, nhất là các bạn trẻ tới... check in, chụp ảnh. Một cách làm du lịch tự phát. Cũng như cái đồi cỏ hồng Đăc Đoa dạo nào, cũng là do dân ưa du lịch phát hiện ra và tự phát thành điểm du lịch chứ có ai quy hoạch hay tổ chức gì đâu?
Trà Biển Hồ cũng được nhiều người biết tới trở lại nhờ... hàng thông trăm tuổi.
Và té ra nó liên quan tương hỗ lẫn nhau.
Là cái công ty chè Biển Hồ ấy được cổ phần hóa. Ông chủ mới sau khi nghiên cứu, thấy hàng thông ấy về nguyên tắc nó thuộc của công ty, người Pháp trồng nối con đường từ vườn chè về nhà máy. Vả nữa, hồi ấy số thì chết, số thì bị dân đẽo vỏ để bán cho dân chơi lan làm giá thể. Thế là tìm cách bảo vệ. Một mặt cho người mở cái quán cà phê ngay đấy để “lấy nó nuôi nó”, có cái xe bus và đường lên trời rất nhiều người tới chụp ảnh, mặt nữa cho đánh số cây và mắc camera bảo vệ, trồng dặm những cây thông đã chết.
Nạn đẽo vỏ tạm hết, các cây đẹp lên nhờ được chăm sóc, con đường cũng được lung linh lên nhờ cả việc được vệ sinh hàng ngày và điện thoại ngày càng xịn nên ai tới chụp ảnh cũng xinh lên bội phần. Và nhiều khách du lịch đặt tên con đường này là đường... Hàn Quốc. Của đáng tội, nhìn nó trên ảnh chả khác gì những con đường thơ mộng trên phim Hàn Quốc vốn dĩ đang và đã rất thịnh hành ở xứ ta.
Và trà Biển Hồ cũng... thơm lây. Quả là những đồi chè bằng lì nối tiếp nhau rất đẹp. Các bà các chị mang theo cả vali quần áo, cả “buồng” thay đồ dã chiến, liên tục thay đổi trang phục để chụp ảnh. Chưa hết, mùa hoa, cả trà và cà phê cứ trắng rực lên cũng khiến nhiều khách du lịch mê mẩn. Nó thành một vòng khép kín: đường thông, vườn chè, cà phê, chùa Bửu Minh, cái bãi cỏ trước cửa chùa bạt ngàn hoa xuyến chi nữa...
Chỉ tiếc, đây cũng là cách làm tự phát nên nó chỉ là nơi check in của các đoàn khách kéo dài không quá 1 giờ đồng hồ, tùy theo số lượng... váy áo các bà các cô mang theo để thay nuôi ảnh, sau đó từ đây họ lên thẳng Kon Tum.
Tôi vừa có chuyến thăm doanh nghiệp này “lâu” hơn một chút, dẫn theo anh bạn là chủ doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội, là vào cả nhà máy, lội bộ vào vườn sâu hơn, và ước ao, trời ơi giá mà có thể đầu tư để nơi đây thành một điểm du lịch, bắt du khách phải nghỉ lại, phải tiêu tiền chứ không phải chỉ dừng chụp ảnh, ai “mạnh tay” thì uống ly cà phê hoặc nước gì đấy, vì ở đây chỉ có mỗi thế, rồi lên xe đi tiếp.
Bây giờ, trà nó không chỉ trà nữa, mà nếu kết hợp giỏi, nếu thực sự lấy du lịch là mũi nhọn, thì những vườn trà mênh mông kia, khéo kết hợp, giỏi setup... sẽ là những địa điểm thu hút khách du lịch, nó thành một trục tour du lịch: trà, núi lửa, biển Hồ... rồi mới Kon Tum, Măng Đen...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét