Khoảng hai chục năm trở về trước, “gốc vông” là một địa danh rất nổi tiếng ở Pleiku.
Đơn giản nó là một cây vông rất to, thuộc loại cổ thụ ở đầu đường Trường Chinh bây giờ, chếch phía trên nút giao Phù Đổng, đối diện tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai.
Xưa, bến xe Pleiku chính là vị trí cái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai. Trong bến xe có rất nhiều cây thông cổ thụ, xe xếp lớp đậu dưới các gốc cây. Tất nhiên xe hồi ấy cũng không bề thế to lớn như giờ, đa phần xe nhỏ, chạy dầu hoặc than. Bên trong bến xe có mấy cái nhà trọ lụp xụp, mấy cái quán lơ thơ hàng hóa bún phở cà phê túi vải, đèn dầu lù mù.
Hồi ấy, sau 10 giờ đêm thì xe không được chạy trên đường 14 sang Đăk Lăk nữa nên các xe từ đồng bằng lên Đăk Lăk đa phần phải vào bến xe Pleiku nghỉ qua đêm. Nhiều lần bạn học của tôi từ Huế, Quảng Trị lên Buôn Ma Thuột xe dừng nghỉ ở bến xe đã lội bộ vào nhà tôi, khi ấy ở tập thể Ty Văn hóa đường Trần Hưng Đạo ngủ, sáng sớm lại đi bộ ra bến xe tiếp tục hành trình. Xe không được chạy, đơn giản vì sợ... Fulro. Fulro hồi ấy hoạt đông rất mạnh ở mạn Chư Sê sang Ea H'leo.
“Gốc vông” nổi tiếng là bởi, đây là nơi bà con đón xe.
Dân ta có cái lạ, rất thích đón xe dọc đường, kể cả bây giờ, việc di chuyển rất thuận tiện, đặt vé online, bến xe hiện đại, nhưng vẫn lác đác có người đón xe dọc đường. Nó có nhiều lý do ngoài phạm vi bài viết này nên xin không đề cập. À đây là một trong những lý do, lần ấy ra Hà Nội, tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh hẹn nhau về Ninh Bình, quê ngoại tôi và là quê ông Minh. Một anh bạn cho mượn xe riêng đi, Sương Nguyệt Minh gạt đi, xe đò cho khỏe và... giản dị. Lâu lâu về quê không nên đi xe biển xanh. Hẹn nhau ra bến xe Mỹ Đình, tôi bảo vào mua vé, ông Minh gạt phắt, ra cổng đón. Lên xe ông ấy giải thích, rẻ được 30 ngàn một người và nhanh, không phải chờ đợi. Tôi bảo nhưng may đây là xe ít khách, xe đầy khách thì phải đứng à?
Hồi ấy, rất ít người vào bến xe mua vé, mà có khi chen mãi xếp hàng mãi tới lượt mình thì... hết vé. Vậy nên, thượng sách là chủ động ra gốc vông đón xe. Tất cả các loại xe từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng đi đường 19 lên để sang Buôn Ma Thuột đều chạy qua đây, và tới đây, như một mệnh lệnh, đều dừng để đón khách.
Xe thời bao cấp luôn như con thuồng luồng khát nước, bao nhiêu khách nó cũng chứa được. Ghế cho 3 người có thể nhét 5, 6, chưa kể ghế súp, đường luồn, người đứng nhiều hơn người ngồi. Thì ngay giờ, xe đời mới, giường nằm, điều hòa nhưng tết cảnh sát giao thông vẫn tóm được những xe chở vượt vài chục người, phạt rất nặng nhưng rồi thi thoảng vẫn có xe vi phạm nặng, huống gì thời ấy. Mà có xe nào đầy quá, lặc lè quá không chứa nổi thì lại đợi xe sau, đã bảo xe chạy thường xuyên mà, và đấy chính là “ưu điểm” của “bến xe gốc vông”.
Tất nhiên bà con quanh đấy không để khách phải buồn, phải bơ vơ. Những cái quán cóc bày ra phục vụ bà con đợi xe. Bọn tôi thi thoảng tiễn bạn đi Sài Gòn, sau một chầu chính thức ở đâu đó, kéo nhau ra gốc vông đợi đón xe, lại tranh thủ làm thêm vài lượt nữa. Mà hồi ấy, xe đã chật, người hút thuốc lại nhiều, lên xe thi nhau đốt, mùi rượu, mùi thuốc lá quyện nhau, chả hiểu sao các bà các cô lại cũng chịu được.
Mà không phải người thường đi, cả khách VIP cũng từng đón xe như thế.
Là tôi nhớ lần đưa nhà văn Nguyễn Chí Trung, khi ấy là thiếu tướng, trợ lý tổng bí thư Lê Khả Phiêu ra đón xe ở gốc Vông.
Ấy là hồi cách đây hơn hai chục năm, trước đó tôi chưa từng gặp ông. Đang lơng tơng chạy ngoài đường thì có điện thoại, số lạ. Mở ra a lô thì nghe giọng Trung pha Bắc rất nhẹ: chào anh, tôi là Trung đây. Dạ, Trung nào ạ. Nguyễn Chí Trung ạ. Vẫn ngơ ngác ơ a thì đầu kia giải thích thêm: Tôi ở Hội Nhà Văn ạ. Ôi giời em chào anh. Tôi mới vào xin gặp anh một lúc được không? Dạ, anh ở đâu em đến đón. Tôi đứng ở cổng tỉnh ủy nhé. Vù con cúp 81 mọi thứ kêu loảng xoảng, trừ còi, lên đến nơi thấy ông già quần áo bộ đội nhàu nhàu, lùn béo đội mũ cối dép rọ đứng đợi, tay cầm cái bì nilon màu đen. Tôi chở ông về phòng làm việc của tôi cách đấy gần cây số. Ông bảo tôi có việc qua đây, ghé thăm anh em tí. Ngồi nói chuyện huyên thuyên, chủ yếu ông nói tôi dạ dạ phụ họa, ông đưa cái bì nilon: có ít kẹo cho các cháu. Tôi mời ông ăn trưa ở quán cơm Hưng Long trên đường Trần Hưng Đạo, rồi chở ông về lại Tỉnh ủy, trong ấy có cái nhà khách nội bộ dành cho các cán bộ diện nội bộ.
Chiều muộn ông lại điện: Anh có rỗi cho tôi nhờ ra bến xe. Tôi kinh ngạc: anh đi xe khách à?chứ sao, anh lên đón tôi nhé, để tôi kịp xe, nghe nói bây giờ có xe vào Sài Gòn. Anh ơi muốn đi thì sáng mai mua vé có ghế ngồi chứ giờ là bắt xe dọc đường phải đứng đấy, xe chật lắm, phức tạp lắm, anh đi không nổi đâu. Kệ, anh cứ cho tôi đi. Tôi bảo để em báo Văn phòng tỉnh ủy lo phương tiện cho anh, ổng bảo, thôi đừng, anh cứ lên tôi nhờ. Lại phóng lên, ông bảo anh chở tôi đi ra tiệm bánh kẹo. Ông mua một mớ bánh kẹo mang về, bảo để cho chị em phục vụ phòng. Rồi lại mũ cối dép rọ xách ba lô lép kẹp ra cổng. Tôi chở ra gốc vông định mời ông ăn tạm món gì đấy thì một cái xe khói đen mù mịt lố nhố đầu người trờ tới, chưa vẫy nó đã rà vào, ông bước ra thì tay lơ xe đẩy ông lên xe, cái xe đầy nhóc. Tôi kẹp tay lơ trước khi nó nhảy lên xe: mày bố trí chỗ ngồi cho ông già nhé, ổng là thiếu tướng đấy, rồi dúi cho nó cái ba lô của ông. Tiếng nó nói lại bạt trong gió: yên tâm, “bướng” cháu cũng lo được cho ông già...
Trưa hôm sau, đang thiu thiu, ông điện: tôi đến Sài Gòn rồi nhé, cám ơn anh.
Giờ ở gốc vông ấy thi thoảng vẫn có người đứng đón xe, nhưng đa phần là tuyến gần, trong tỉnh, tuyến xa đã đặt vé online đứng đấy cho tiện, dù cảnh sát và thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, bởi việc đón khách dọc đường bị cấm. Nhớ cái thời mới cấm, xe và cảnh sát cứ như trò cút bắt, vui lắm.
Bài trên báo Gia Lai cuối tuần số 6409 ngày 24/3/2023
Tìm không ra ảnh cây vông mà chạy ra chụp thì... lười, thôi thì đăng ảnh cùng ông Nguyễn Chí Trung vậy.
3 nhận xét:
Nhà văn , thiéu tướng Nguyễn Chí Trung thật giản dị ạ.Hình như truyện này đã đọc ở Nhặt Chuyện Văn Nhân phải k anh Văn Công Hùng ?
Ở Đăk Lăk ghi là Ea H'leo chứ không phải Ia Hleo bác Hùng ơi .
@Nặc danh: Vầng bạn hihi.
@Phan An: Cám ơn bạn, bạn đúng ạ. Tôi viết theo kiểu... Jrai, đúng nó là Ea H'leo.
Đăng nhận xét