Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

SÔNG LAM CONG

 

          Hè năm 1976, mấy tháng sau khi thống nhất đất nước, tôi, cậu bé vừa tốt nghiệp cấp 3 ở Thanh Hóa được ba cho về quê, ở Huế. Sự kiện ấy lớn không chỉ với tôi mà với cả gia đình tôi.

          Tàu Thanh Hóa - Vinh xong thì chuyển sang ô tô sau khi đã nằm ở bến xe Vinh tới mấy ngày để mua vé xe liên vận Vinh - Huế.

          Sông Lam hiện ra trước mắt tôi khi tất cả hành khách được yêu cầu xuống xe để đi bộ qua cầu phao dưới sự kiểm soát của nhân viên cầu phao, cảnh sát giao thông và cả kiểm soát quân sự.

          Người ngàn ngạt, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy đông người như thế. Cầu phao như con rắn trườn qua sông Lam. Nói thật, dẫu là học sinh giỏi văn, rất mơ mộng và thích ngắm cảnh, bằng chứng là suốt chặng ra và vào quê tôi hầu như không ngủ, dán mắt ra hai bên đường qua cửa xe và tàu để nhìn, ngó và tưởng tượng, thì tới giờ tôi vẫn biết chắc mình khi ấy chả thấy, hoặc hình dung, sông Lam như thế nào cả. Chỉ thấy sin sít người, tất tả, vất vả, hôi hám, cực nhọc, rầm rập vội vàng chạy theo chiếc xe chở mình đang bò trên cầu phao với tốc độ “5km/h”, cái biển thời ấy hay trưng ở khắp nơi, để giờ, biết lái xe, tôi mới hiểu, không có xe bò với tốc độ như thế. Lên tới bờ bên kia, xe dừng lại đợi, mọi người lại lên xe, rồi xe chạy tiếp, sông Lam như một ám ảnh, sợ bị bỏ lại, phải chạy đuổi, người chen người trên cầu phao, mồ hôi, nóng nực, gió Lào và nắng, mà cái cầu phao tạm bợ cứ dập dềnh dập dềnh...

          Sau này đi công tác, xe cơ quan, nhớ ở bờ bên kia phà, hình như phía bờ Bắc, có cái khách sạn kiêm cửa hàng ăn uống. Nghe nói có chị phụ nữ làm cửa hàng trưởng được phong anh hùng...

          Đến khi đọc trường ca “Trầm tích” của nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Trần Cương thì tôi vô cùng thán phục câu viết về sông Lam của ông: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Sông Lam là dải lụa, tôi hình dung ra từ đây dù trước đấy đã nghe nhiều bài hát về sông Lam, trữ tình duyên dáng và... hừng hực đạn bom.

          Trời ạ, cái xứ gió Lào thổi héo cả bờ tre, nhút, cà mặn chát, mồ hôi luôn ròng ròng, người ăn to nói lớn... lại có dòng Lam trữ tình thế?

          Tới khi tôi gặp một sông Lam của nhà thơ xứ Bắc Trần Mạnh Hảo thì sông Lam trong tôi nó thật sự là... sông Lam: “Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài/ Trời hào phóng mây trắng/ Đất tằn tiện ngô khoai”... tôi thấy ở đây tất cả sự khó khăn tới khốc liệt của xứ Nghệ mà sông Lam là đại diện. Nhưng rồi: “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh/ Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du/ Sông đứng thành Hồng Lĩnh/ Sông đi thành ví dặm trời xanh”. Câu thơ không chỉ là sự tài hoa xứ Nghệ mà cả tài hoa Trần Mạnh Hảo. “Sông đi thành ví dặm trời xanh” thì đúng là tài quá, không thể tài hơn. Ơ nhưng mà nào đã hết: “Sông thao thức sóng tràn bờ bắc/ Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam/ Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc/ Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang/ Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước/ Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng”. Trời ơi, trữ tình thế, thi ca thế, mặn mòi mà thanh thoát thế, dữ dội mà thanh cao thế, tôi hiểu thêm một phần sông Lam, hiểu tại sao dân xứ Nghệ đi đâu xa đều lấy sông Lam làm chuẩn, chuẩn để nhìn về, để nhớ, để yêu, để ngước vọng rưng rưng. Và tôi cũng mới nhớ, hình như cái cửa hàng ăn uống tôi nhắc thời cầu phao ấy, nó tên là Kim Liên, sen vàng.

Có một đêm, gần đây thôi, tôi qua Vinh, nghỉ lại và được bạn bè mời ngồi trên sông Lam. Bên kia là Nghi Xuân quê Nguyễn Du, bên này chúng tôi ngóng sang và hình dung những canh hát một thuở của cụ Nguyễn, hình dung giữa những khô khát, giữa những đói nghèo khắc nghiệt, vẫn có những tươi xanh để nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân kiệt xuất. Phải chăng nó được hun ủ, được bắt nguồn từ phù sa, từ mát lành, từ mạch nguồn xanh “tới vô cùng” của dòng sông chúng tôi đang bập bềnh. Nếu như Hoàng Trần Cương hết sức khốc liệt, Trần Mạnh Hảo nửa này nửa kia, kiểu như “Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh” thì Lê Huy Mậu lại nhìn sông Lam của ông hết sức trữ tình: “Này dòng sông!/ ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?/ ai đã gọi sông Cả là sông Lam?/ ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương/ tháng ba phù sa sóng đỏ/ cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng/ tháng năm/ ta lặn bắt cá ngạnh nguồn/ tháng chín/ cá lòng bong/ ta thả câu bằng mồi con giun vạc/ tháng chạp/ ta nếm vị heo may trên má em hồng…», dù ngoài đời nhìn ông Lê Huy Mậu «khốc liệt» hơn hai thi nhân kia nhiều. Ông Mậu, «quá nửa đời phiêu dạt/ ta lại về úp mặt sông quê/ như thuở nhỏ / úp mặt vào lòng mẹ/ để tìm sự chở che» nên cái sự nhìn sông Lam/ sông Cả của ông nó đầy trìu mến, ngưỡng vọng và tin yêu. Ông thấy ở đấy sự nhường nhịn, sự chở che và hy sinh của người cho sông, sông cho người, và cho cả những con vật như cá, tôm, quạ khoang, con lợn đã bị mổ... sự nhường nhịn, sẻ chia, sự cao cả, nhẫn nại, sự hòa đồng bao bọc... để hòa trong một tổng thể Nghệ nguyên chất, vàng ròng. Cả một thế giới làng xã bến sông hiện lên mồn một. Con sông Lam hiền dịu thân thương ám ảnh người nửa đời trở về quỳ trước nó, như một nghi lễ, nghi lễ của hàm ơn, và cả sự trong trẻo, tinh khiết và dung nạp.

Có lẽ không nơi nào người ta nhắc tới sự nghèo đói nhiều như xứ Nghệ, những là muối mặn gừng cay, những là canh rau muống cà dầm tương, những là cá gỗ... nhưng người ta nhắc để mà tìm về, để mà sẻ chia. Và giờ quà cho nhau là... cà xứ Nghệ, là rau vặt, là những thức mà ngày xưa ăn qua ngày chống đói, giờ là đặc sản.

Và giờ mới hiểu, tại sao người xứ Nghệ, dẫu đi đâu ở đâu (có lẽ dân Nghệ là có «sở trường» thiên di nhất nước, «ở đâu có sự sống ở đó có ngài Nghệ», một ông Nghệ rặc có lần khề khà rít hơi thuốc lào ngửa cổ nhả khói rồi nói với tôi thế) thì vẫn nhớ về sông Lam, như sông Cả, như nơi mình chôn nhau cắt rốn, dù có thể nơi anh/ chị ta sinh ra cách sông Lam cả ngày đi bộ, xa hơn người tỉnh khác nhưng ở sát đấy. Và lạ nữa, có những người chả liên quan gì tới sông Lam, à có chút, là làm dâu sông Lam, mới chục năm, đã thành «ngài» sông Lam thứ thiệt.

Mới nhất, tôi vừa chạy xe qua cầu Bến Thủy. Và rưng rưng nhớ cái thời chạy bộ sau cái xe đò qua cầu phao sang sông. Chạy bộ trên cầu phao chỉ thấy... đít xe và người, giờ chạy ô tô trên cầu Bến Thủy, tôi thấy mồn một «gió Lào thổi cong sông Lam”…, dẫu tất nhiên xe mở máy lạnh.

Tôi vừa qua sông Lam là để trở về, bởi tôi đi dự đại hội đại biểu toàn quốc họ Văn Việt Nam. 600 năm trước, ông tổ họ Văn phát tích ở Quỳnh Lưu, giờ là Hoàng Mai, và mộ tổ họ Văn hiện đang ở núi Sứ thị xã Hoàng Mai...

Thì tôi cũng là người dan díu với sông Lam.

                                                              Văn Công Hùng

Ảnh của Văn Minh Phụng: Một chiều trên đê sông Lam với các bạn Maxco...Vinh sau khi lái xe Pleiku - Hoàng Mai, Nghệ An




 



 

 

 

         

Không có nhận xét nào: