Tên gốc của bài này là "Văn Công Hùng và cú “hat-trick” văn chương" của cô giáo kiêm nhà thơ Đào An Duyên. Cô này là người làm luận văn thạc sĩ về thơ nhà cháu:"Thơ Văn Công Hùng nhìn từ phê bình sinh thái", nghe đâu được 9,5 điểm hihi, khuôn khổ báo có hạn nên chỉ tiết chế trong tròm trèm ngàn chữ. Thì đành hihi có chi mô nơ?
---------------------
Những ngày đầu năm 2022, Nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai) đã khiến giới văn chương và bạn đọc cả nước chú ý với việc cho ra mắt cùng lúc bộ ba cuốn sách gồm: “Chợt” (Tập thơ), “Nhặt chuyện văn nhân” (Chân dung văn học) và “Từ Tây Nguyên” (Tản văn và ghi chép). Bộ sách được Liên Việt và NXB Văn Học liên kết xuất bản phát hành, đánh dấu khá nhiều thứ “lần đầu tiên” với tác giả.
Với bốn thập kỉ trọn vẹn gắn mình với đất và người Tây Nguyên, cũng là chừng ấy thời gian Văn Công Hùng cần mẫn trong hành trình sáng tạo ở cả mảng báo chí và thơ ca. Nhắc đến ông, bạn đọc nhắc đến một cây bút sung sức của Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Đồng hành cùng những thế hệ người viết bằng hành trình riêng, ông đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, một phong cách riêng, thể hiện một khả năng cảm quan văn chương vừa mang dấu ấn cá nhân, vừa bắt kịp được nhịp sống đương đại.
“Chợt” tập hợp gần 80 bài thơ được chia thành 7 phần với những đề mục rất gợi: Tưởng - Mùa - Tình - Sự - Địa - Thời - Khắc. Từ kinh nghiệm tích lũy được trong 40 năm làm báo đã giúp Văn Công Hùng trong việc gom các chủ đề, ý tưởng thành nhóm. 7 phần của tập thơ “Chợt” là sự bày biện có chủ ý của tác giả với 7 vị mời độc giả thưởng thức. Theo dõi hành trình sáng tác của Văn Công Hùng qua tất cả những tác phẩm đã công bố (phần nhiều là thơ) của ông, người đọc sẽ nhận thấy đây là tập thơ dày dặn cả về hình thức lẫn cảm xúc. Mỗi một phần gợi ra không chỉ những cảm xúc, những địa chỉ trên những dặm dài xê dịch theo bước chân nhà thơ, mà ẩn sau ngôn từ là những chiêm nghiệm, suy ngẫm được chắt lọc, chưng cất thành một thứ men của tuổi tác, của người từng trải và có trách nhiệm về cuộc sống, về đời người.
Nhiều bạn đọc tỏ ra thích thú nhất với tập “Nhặt chuyện văn nhân”. Đây là cuốn chân dung văn học nhưng hoàn toàn không phải được viết theo lối nghiên cứu phê bình. Chữ “nhặt” được Văn Công Hùng dùng rất có dụng ý, để nó thật phù hợp với nhan đề cuốn sách ông phác họa chân dung về những văn nhân mà ông “nhặt” được họ trên thênh thang dặm nẻo cuộc đời mình. Đúng như Nhà thơ Nguyễn Thành Phong đã nhận xét trong phần giới thiệu sách: “Văn Công Hùng viết về những bạn văn không phải như làm một công trình nghiên cứu hay thống nhất một cách dựng chân dung văn học, mà ông tung tẩy, cực kì tung tẩy, thoải mái… Lúc thì ông bình văn, khi thì ông kể chuyện đời, có dịp thì hồi tưởng những ấn tượng, gợi ra những kí ức về bạn văn mà ông đã gặp, đã chơi, đã chia sẻ… Vì thế, đọc ông rất cuốn hút, không có cảm giác đứng ngoài quan sát mà như nhập vào đời sống của những văn nhân”. Những văn nhân ấy, có những tên tuổi quá quen thuộc trên văn đàn như Tố Hữu, Kim Lân, Giang Nam, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Ngọc Tư… Lại có những người bạn gụi gần, kề vai sát cánh cùng trải qua những tháng ngày đáng nhớ với tác giả như Chử Anh Đào, Phạm Đức Long, Hương Đình, Đoàn Minh Phụng.... Tất cả họ, qua những câu chuyện của Văn Công Hùng, đều xuất hiện trong niềm mến yêu, trân trọng, nhiệt thành.
Văn Công Hùng có giọng điệu ngôn ngữ phức hợp. Khi tung tẩy vu vơ, kể như không kể, nói như không nói; lúc lại rủ rỉ thâm trầm lắng sâu khiến người đọc phải ngẫm ngợi. Đọc Văn Công Hùng, nếu không chuẩn bị một tâm thế nghiêm ngắn, ít nhất là về mặt cảm thụ, sẽ rất dễ “vu” cho ông kể chuyện theo kiểu ngẫu hứng, lan man. Trong những câu chuyện của mình, với lối kể “chuyện lồng trong chuyện”, khi nào ông cũng dẫn dắt người đọc đến với rất nhiều điều thú vị đọng lại sau lớp lang câu chữ. Tôi rất thích chữ của Nhà thơ Nguyễn Thành Phong khi nhận xét về cách kể chuyện của ông, rằng: “đọc vào, không dứt ra được”. Đó là tâm thế người đọc khi chuyển từ “Nhặt chuyện văn nhân” sang “Từ Tây Nguyên”. Phần nhiều những câu chuyện ở “Từ Tây Nguyên” tất nhiên ông kể về Tây Nguyên, nơi mà cho đến bây giờ, ông đã dành quá hai phần ba quãng đời để mà sống, đi, ngẫm và viết về nó. Có những sự việc nghe qua tưởng chừng trọng đại, to tát, xa xôi, bí ẩn… thì đọc những gì Văn Công Hùng viết, người đọc sẽ vỡ òa bởi sự gần gụi, thân thuộc được ông kiến giải minh triết (như chuyện về cây xà nu, hoa pơ lang, cây K’nia, chuyện ông Wừu…).
Người viết bài này có chủ định sẽ không trích dẫn bất cứ một câu, một chữ nào trong 3 tập sách của Văn Công Hùng. Bởi đọc sách có lẽ là vệc không nên có định hướng. Mỗi người sẽ có cách đọc, cách cảm, cách hiểu, cách ngẫm riêng, không ai giống ai. Đọc cả bộ ba cuốn sách trong cùng một thời điểm, đặt chúng trong sự đối sánh của một chỉnh thể, sẽ nhận ra cảm thức Tây Nguyên như một mạch ngầm rí rách trong những con chữ của Văn Công Hùng. Tây Nguyên, khi xuất hiện tường minh trong những đề mục, những câu, những chữ; lúc lại ẩn tàng trong tư tưởng, cảm xúc của tác giả. Như đã nói, đó cũng là điều hiển nhiên khi Văn Công Hùng có một khoảng thời gian rất dài gắn bó cùng đất và người. Những văn nhân xuất hiện trong mỗi trang sách của ông, phần nhiều là những người đã từng ghé đến căn hộ chật chội của vợ chồng ông từ thuở còn lén nuôi heo trong nhà, đến khi ông cùng gia đình đã có một cơ ngơi tươm tất. Những câu chuyện ông kể “Từ Tây Nguyên” mang đậm dung lượng văn hóa của vùng đất bazan chất chứa không ít những bí ẩn thú vị với bao người; cả nỗi niềm xa xót của một người cầm bút có trách nhiệm với thời cuộc, về những thứ đang dần tuột khỏi đời sống, cuốn theo sự phát triển khắc nghiệt của đời sống đô thị… Tất cả được Văn Công Hùng thủ thỉ kể, như một “già làng” đêm đêm nằm “khan” trong một nếp nhà sàn, ấm áp mà day dứt.
Xuất phát điểm của Văn Công Hùng là từ thơ. Bởi vậy, dẫu viết tản văn, bút kí hay ghi chép, ông cũng đều vận dụng được thế mạnh của ngôn ngữ thơ vào từng bài viết khiến câu chữ của ông có sự biến ảo mềm mại, nhiều chữ là sự dụng công cầu kì để chữ thêm phần tươi mới, xuôi theo lối viết tung tẩy, phóng khoáng. Ở ông còn có sự nhất quán giữa cuộc đời thực và văn chương. Trong đời thực, luôn thấy một Văn Công Hùng say chuyện và chuyện rất duyên, chính vì vậy, đọc văn ông như đang hình dung thấy ông ngồi trò chuyện trước mặt. Nhưng cũng bởi say chuyện mà đôi khi ông lặp lại ở một vài ý tứ. Những gì đáng để ông nhớ, ông ghim lại, ông sẽ kể lại rất nhiều lần. Chúng tôi hay đùa ông, đó là dấu hiệu của tuổi già rồi. Ông cười lành, thừa nhận.
Vừa có sự nhạy cảm, tinh tế của một tâm hồn thơ, vừa có con mắt tinh nhạy, sắc bén của một nhà báo, Văn Công Hùng đã chứng tỏ nguồn năng lượng chữ dồi dào, thái độ lao động nghiêm túc và cả chút men say chữ nghĩa. Cú “hat-trick” văn chương lần này, ở độ tuổi của ông, như một minh chứng rằng, tuổi tác chỉ càng làm cho người ta chín hơn, đằm hơn, khát khao được lao động, được cống hiến hơn.
Đào An Duyên
Link gốc in trên báo Gia Lai ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét